Bộ Công Thương lý giải việc ưu tiên phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu

17:31 | 05/05/2024

12,736 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Thông tin từ Bộ Công Thương cho biết, Dự thảo Nghị định Điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu là một trong những nội dung nhận được nhiều sự quan tâm của người dân, tổ chức đang có nhu cầu phát triển điện mặt trời mái nhà.

Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 500/QĐ-TTg ngày 15/5/2023 đặt mục tiêu “Phấn đấu đến năm 2030 có 50% các tòa nhà công sở và 50% nhà dân sử dụng điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu (phục vụ tiêu thụ tại chỗ, không bán điện vào hệ thống điện quốc gia)”.

Bộ Công Thương lý giải việc ưu tiên phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu
Thúc đẩy điện mặt trời mái nhà khu vực công nghiệp và thương mại.

Về định hướng phát triển nguồn điện và phương án phát triển nguồn điện nêu rất rõ: “Ưu tiên, khuyến khích phát triển điện gió, điện mặt trời tự sản, tự tiêu (trong đó có điện mặt trời mái nhà của người dân và mái công trình xây dựng, điện mặt trời tại các cơ sở sản xuất kinh doanh, tiêu thụ tại chỗ, không đấu nối hoặc không bán điện vào lưới điện quốc gia)”.

Triển khai Quy hoạch điện VIII, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương hiện đang nghiên cứu xây dựng Dự thảo Nghị định quy định cơ chế, chính sách phát triển điện mặt trời mái nhà (MTMN) tự sản, tự tiêu và mục tiêu tạo cơ sở, hành lang pháp lý để thực hiện đạt mục tiêu, định hướng phát triển đối với nguồn điện MTMN tự sản, tự tiêu được quy định tại Quy hoạch điện VIII.

Bộ Công Thương cho rằng về vấn đề “tự sản, tư tiêu”, theo cách hiểu thông thường “tự sản, tự tiêu” là tự sản xuất, rồi tự tiêu thụ, hay nói cách khác tự cung, tự cấp. Như vậy, đối với vấn đề sử dụng điện, chúng ta thấy rõ lợi ích ở đây là cho chính người dùng điện, được chủ động một phần nguồn điện cho mục đích sử dụng của mình và giảm bớt sự phụ thuộc nguồn điện từ hệ thống điện quốc gia. Theo đó, nhà nước khuyến khích các tổ chức, cá nhân có nhu cầu sử dụng điện bao nhiêu thì sản xuất hay lắp đặt bấy nhiêu, sản xuất để đủ dùng, nếu thiếu nhà nước cấp bù thêm và không khuyến khích lắp đặt thừa công suất để phát lên hệ thống điện quốc gia.

Như vậy, ở góc độ nhà nước, người dân và doanh nghiệp, việc xây dựng, lắp đặt điện MTMN để tự sản, tự tiêu không phải là đầu tư để kinh doanh hay tìm kiếm lợi nhuận mà là mua sự tiện ích, sự chủ động trong việc sử dụng điện. Tất nhiên, nếu bán được điện thì sẽ thu hồi vốn nhanh hơn. Trong tương lai, sau khi Bộ Công Thương tổng kết thực tiễn thi hành chính sách, qua đó có đánh giá hiệu quả về chính sách tự sản, tự tiêu để đề xuất với cấp có thẩm quyền lộ trình, giải pháp mua bán sản lượng điện dư thừa. Khi đó việc mua bán điện dư thừa mới đủ cơ sở pháp lý thực hiện.

Trong quá trình xây dựng hồ sơ đề xuất xây dựng Nghị định, Bộ Công Thương đã triển khai các bước cụ thể theo đúng trình tự, thủ tục quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật với mục tiêu đề xuất xuyên suốt xây dựng chính sách khuyến khích tổ chức, cá nhân phát triển điện MTMN phục vụ cho chính nhu cầu sử dụng của tổ chức, cá nhân đó, giảm bớt mua điện từ lưới điện quốc gia, giảm áp lực cho hệ thống điện, cũng như việc đầu tư các dự án nguồn điện nền trong điều kiện đối với hiện trạng của lưới điện hiện nay, góp phần vì mục đích chung đảm bảo cung cấp điện phát triển kinh tế - xã hội. Không khuyến khích các tổ chức, cá nhân phát triển điện MTMN tự sản, tự tiêu để phục vụ mục đích kinh doanh mua bán điện.

Khi thực hiện việc xây dựng Dự thảo Nghị định (bắt đầu từ tháng 4/2024), với mục tiêu, định hướng phát triển điện MTMN tự sản, tự tiêu tại Quy hoạch điện VIII nhằm thúc đẩy, khuyến khích các tổ chức, cá nhân phát triển điện MTMN tự sản, tự tiêu để phục vụ cho chính nhu cầu của mình, giảm bớt việc mua điện từ lưới điện. Bộ Công Thương đã đề xuất quy định về vấn đề kỹ thuật hỗ trợ cho tổ chức, cá nhân phát triển điện MTMN tự sản, tự tiêu đảm bảo được chất lượng điện năng và đề xuất các chính sách khuyến khích về kỹ thuật, pháp lý, thủ tục đơn giản thuận tiện.

Hiện nay, Bộ Công Thương đang tiếp tục tiếp thu ý kiến góp ý của các Bộ, ngành, địa phương, các tổ chức để hoàn thiện Dự thảo Nghị định đảm bảo đúng trình tự, thủ tục và với mục tiêu thiết lập cơ sở, hành lang pháp lý khuyến khích hiệu quả các tổ chức, cá nhân phát triển điện MTMN tự sản, tự tiêu phù hợp với mục tiêu, định hướng, cơ cấu nguồn điện theo Quy hoạch điện VIII được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 500/QĐ-TTg ngày 15/5/2023.

Thành Công

Sắp có cơ chế chính sách hỗ trợ cho điện mặt trời mái nhà tại nhà dân, cơ quan, khu công nghiệpSắp có cơ chế chính sách hỗ trợ cho điện mặt trời mái nhà tại nhà dân, cơ quan, khu công nghiệp
Cần sớm ban hành cơ chế mua bán điện trực tiếpCần sớm ban hành cơ chế mua bán điện trực tiếp
Vì sao điện mặt trời mái nhà có thể được ghi nhận với giá 0 đồng?Vì sao điện mặt trời mái nhà có thể được ghi nhận với giá 0 đồng?