Số phận hẩm hiu của một đại gia: Công lý và quyền lực

12:30 | 17/06/2013

2,059 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Tuổi Đinh Dậu (1957), trán dô, người manh mảnh... Ít nói nhưng có cái cười cởi mở. Phải đến lần gặp thứ ba, thứ tư, Hảo mới tỏ vẻ mặn chuyện. Việc đầu tiên, tôi nhờ Lê Duy Hảo đưa tới thăm vị thẩm phán của phiên tòa hai năm trước. Nhưng hơi bất ngờ, Hảo nói mình có việc bận, để khi khác! Khi khác là khi nào? Tôi biết Hảo khá cẩn trọng. Cũng không rõ là Hảo có quen biết vị thẩm phán này không? May mắn, anh bạn đồng nghiệp của Báo Hà Giang đã đưa tôi tới...

>>Số phận hẩm hiu của một đại gia (Kỳ 1)

Kỳ II: Công lý và quyền lực

Vị thẩm phán chí công

Chúng tôi nhớ đã gặp ông tại ngôi nhà giản dị mà vợ chồng ông mới cất. Người tầm thước. Tuổi chưa đến năm mươi. Vẻ mặt lành lành kiêm nụ cười có vẻ hơi bẽn lẽn khiến khó ai đó nghĩ rằng con người này đã từng bao phen đối mặt với hiểm nguy... Ông nói, ông nhớ vụ này lâu bởi nhiều thứ. Mà lâu quên nhất là ngày 12/9, ngày truyền thống của ngành tòa án. Ngày 13/9 ông đứng xử vụ này...

Qua câu chuyện có vẻ như chưa mấy cởi mở, chúng tôi được biết thêm bạn bè đồng nghiệp của ông không ít người từng bị đe dọa bằng điện thoại, những tin nhắn này khác khi xử những phiên tòa hình sự thông thường, thậm chí còn bị đầu gấu dọa nạt nhưng anh em vẫn vững cả. Nhưng những vụ như ngày 14/9/2007 ở Hà Giang là hiếm.  Đến nay may chưa có sự phản ứng nào!

Sự may ấy sẽ được bao lâu? Chưa hay là không những mối họa ngầm vô hình rình rập này khác? Thà một nhẽ có lần xử vụ hình sự, có kẻ xấu chửi bới ném đá, điện thoại dọa nạt. Nhưng thứ xồn xồn ấy lại không đáng ngại!

Trong câu chuyện, có vẻ như ông muốn theo cái nghề mà người ta nói càng thất nghiệp thì càng tốt này? Bằng cớ là đang theo học đại học một ngành kinh tế, ông chuyển sang học Trường Luật. Năm 1994 ông bắt đầu hành nghề thẩm phán...

Ông rất kiệm lời, thậm chí dè dặt khi chia sẻ với chúng tôi về vụ xử năm ấy. Tuy ông không bộc bạch hết nhưng chúng tôi hiểu ông đã phải cân nhắc phân vân như thế nào khi quyết định xuất hiện  tại phiên tòa với tư cách thẩm phán. Lại được biết thêm, nếu ông từ chối phiên này cũng được nhưng ông đã không làm thế. Tuy ông cười vẻ hiền lành rằng vụ việc cũng đơn giản thôi. Nhưng chúng tôi hiểu, để “phát” để “tuyên” được điều đơn giản trong phiên tòa thì chẳng đơn giản chút nào. Ông còn nói thêm, chỉ có sự thật mới bảo vệ được mình thôi. Như là lời khuyên với cánh báo chí chúng tôi khi hành nghề vậy.

Vẻ bức xúc của ông bạn đồng nghiệp cùng đi khi anh cứ xồn xồn lên rằng tại sao đến thời điểm này, UBND tỉnh Hà Giang vẫn không thi hành bản án? Anh bộc bạch, một trong những nguyên tắc cơ bản của pháp chế XHCN là bản án có hiệu lực phải được thi hành, vậy nên trong Bộ luật Hình sự có điều khoản cho người cố ý không thi hành bản án. Rằng trong công cuộc cải cách tư pháp hiện nay như nghị quyết của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 đã nêu rõ, một trong những trọng tâm là mở rộng thẩm quyền xét xử của tòa án đối với các vụ khiếu kiện hành chính.

Trong bối cảnh như vậy, việc không thi hành án của UBND tỉnh Hà Giang sẽ thành tiền lệ xấu, một trở ngại cho các cơ quan tư pháp địa phương thực thi nhiệm vụ của mình trong khi họ đã chủ động rút kháng cáo v.v...

Đã có dấu hiệu ô nhiễm dòng sông khi mỏ Na Sơn Tòng Bá do Trung Quốc khai thác.

Vẻ bức xúc ấy chừng như khó lây sang được cái đầu ông thẩm phán đã từng rất lạnh trên nhiều diễn đàn của tòa án. Bằng cớ ông không bình luận lẫn minh họa gì thêm mà chỉ thủng thẳng ý chừng để kết thúc một cuộc gặp mà ông không hẹn trước. Tôi nhớ không chính xác đại ý rằng: Theo quy định của pháp luật, thẩm quyền xử lý thiếu sót nếu có của bản án này là Tòa án Nhân dân Tối cao và Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao. Hơn nữa trong khi khiếu nại, UBND tỉnh Hà Giang vẫn phải thi hành bản án...

Trước khi rời ngôi nhà với những thứ nội thất bình dị của ông thẩm phán, tôi nhớ thêm chi tiết cái vật mà ông thường ngước lên nhiều lần trong câu chuyện bất đắc dĩ ấy là ảnh chụp những thành viên trong một gia đình êm ấm vợ con ông cùng các cháu của ông. Có vẻ như những tấm ảnh ấy nói lên nhiều thông điệp với ông trong một thời buổi không mấy dễ dàng này?

Theo yêu cầu của vị thẩm phán cương trực, tôi xin lỗi đành khất bạn đọc để một dịp thuận tiện sẽ công bố tên thật của ông?

Việc thứ hai, tôi nèo Hảo cho biết cụ thể những lần ông Chủ tịch tỉnh Hà Giang không chấp hành lệnh của Thủ tướng Chính phủ? Một tập giấy dày được đặt lên bàn. Hảo cho biết thêm, trong 4 năm (2006-2009) chính thức có 7 lần Thủ tướng chỉ đạo UBND tỉnh Hà Giang bằng văn bản giải quyết các khoản nợ mà CTSL đã bỏ hơn trăm tỉ đồng để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho tỉnh theo các dự án đã được duyệt.

Chân dung chủ tịch tỉnh Nguyễn Trường Tô

Hình ảnh cùng thông tin buổi truyền hình trực tiếp phiên chất vấn kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XII  khá ấn tượng và gây không ít những tò mò cho nhiều người trong đó có các ký giả. Tò mò bởi hiếm có một vị Chủ tịch tỉnh nào mà liên tục bất tuân thượng lệnh như thế?

Ngó nét mặt bần thần của một số đồng nghiệp khi họ cho hay, đã điện thoại cho ông Nguyễn Trường Tô nhiều lần nhưng không được! Không biết đến lần thứ mấy thì bắt máy nhưng chỉ nhận được câu trả lời dứt khoát, lần thì trực tiếp của ông chủ tịch, lần thì qua thư ký hoặc người giúp việc rằng ông bận, chưa thu xếp được hoặc không tiếp được!

Có vẻ như ông chủ tịch không muốn gặp nhà báo?

Xin lại số điện thoại của ông Nguyễn Trường Tô, qua vài mối quan hệ quen biết ở Hà Giang, tôi thử bấm máy cho ông. Hai lần bận và hai lần không bắt máy, lần thứ 5 thì được. Chưa gặp ông Tô bao giờ nhưng chất giọng ông vang và đanh, chứng tỏ vị quan đầu tỉnh này khí chất khá vượng.

Việc gì? Trước chất giọng đanh và hách ấy, tôi tự dưng đâm lúng túng mặc dầu chưa biết mặt ông... Nhưng rồi cũng trấn tĩnh trình bày nội dung làm việc là muốn tìm hiểu tình hình kinh tế xã hội của tỉnh nhà...

Chung chung thế có mà rỗi hơi mới tiếp... Tôi thầm rủa mình. Nhưng may quá chất giọng đanh hách ấy đã vang lên hai từ đồng ý!

Ông nói thêm, rất bận và đã định cho tôi một cái hẹn!

Nhỏ nhắn gọn gàng trong bộ âu phục. Căn phòng làm việc diện tích vừa phải, nổi bật chân dung ông chụp với vị Chủ tịch nước Trần Đức Lương và bức tranh phong cảnh của Tàu “Thanh minh thượng hà đồ”. Cái bắt tay không chặt cộng với gương mặt khó đăm đăm như đương tố giác cái việc ông tự dưng bị quấy phiền? Có vẻ như ông đã quá mệt mỏi với những dạng khách không mời mà tới như thế này?

Rồi câu chuyện giữa ba chúng tôi (hai anh bạn đồng nghiệp ở hai tòa báo Hà Nội) với ông cũng gần non tiếng đồng hồ đưa đẩy bởi những việc về xóa đói giảm nghèo vùng cao Hà Giang... Chuyện về dinh thự của vua Mông Vương Chí Sình ở Đồng Văn. Chuyện đêm đèn lồng Mèo Vạc...

Anh bạn đồng nghiệp chừng như hơi bị sốt ruột, lựa trong không khí thân mật nhẹ nhàng hỏi ông về những câu hỏi chất vấn của ĐBQH Lê Văn Cuông... Chúng tôi hơi bị ngạc nhiên vì đang thoải mái như thế, khuôn mặt ông chủ tịch thoắt đanh lại. Không những khó chịu nữa mà tức tối. Ông chống hai tay lên thành ghế gằn giọng: “Nói thế là nói bậy! Để tìm hiểu Sông Lô cần có thời gian, tốt nhất là tìm hiểu hai mặt, tôi nói đúng các anh cũng nói được, nói sai cũng nói được. Hiện tại tôi chưa có ý kiến gì, chúng tôi đã có những văn bản gửi các cơ quan Nhà nước”.

Ông Nguyễn Trường Tô.

Ông dừng lại chiêu một ngụm nước: “Tôi sẽ làm việc với các anh lãnh đạo tuyên giáo, với cơ quan quản lý báo chí. Không thể để tình trạng nói bừa bãi như Báo Người cao tuổi đâu... Sắp tới tôi sẽ cho đối chất với Báo Người cao tuổi. Đen trắng gì sẽ biết!”.

(Phản ánh về việc CTSL lâm phải nợ nần và đứng trên miệng vực phá sản có nhiều cơ quan thông tin đại chúng, trong đó hăng hái nhất có lẽ là Báo Người cao tuổi có đến mấy chục số báo liền. Chợt nhớ cách đây hơn một năm, UBND tỉnh Hà Giang cũng đã một lần tổ chức đối chất với Báo Người cao tuổi. Hôm ấy có rất nhiều cơ quan thông tin đại cũng được mời ý chừng muốn giới truyền thông đồng thuận với người đứng đầu địa phương trong việc giải quyết vấn đề CTSL? Nhưng tiếc thay, bữa đó trước những chứng cớ lập luận của đại diện Báo Người cao tuổi, tất thảy các báo được mời lại chúng khẩu đồng từ đề nghị địa phương Hà Giang cần giải quyết dứt điểm rốt ráo vấn đề của CTSL trên cơ sở pháp lý, nhất là việc mà Tòa án tỉnh đã tuyên. Kể cũng tiếc cho kinh phí tổ chức lẫn xe đưa xe đón các nhà báo. Mà sắp tới còn đối chất với đối thoại gì nữa nhỉ?).  

Không khí trong căn phòng lặng phắc. Chỉ có âm thanh oang oang độc thoại của ông chủ tịch. Tôi hơi ân hận đã bất ngờ làm ông chủ tịch khó chịu! Nhưng biết làm sao. Việc gì đến sẽ phải đến. Thoáng thấy người bạn đồng nghiệp của tôi rút bút ra (tôi biết động thái này hơi bị thừa bởi chiếc máy ghi âm đặc dụng trong túi anh, đèn làm việc vẫn báo đỏ đều) ông sẵng giọng: “Cuộc trao đổi này không có gì để ghi chép đưa lên báo cả. Mà nói trước, hôm nay không có làm việc gỡ về CTSL nhá...”.

Ông chủ tịch ngừng lại một lát: “tiện đây tôi gửi các anh hai văn bản để tham khảo...”.

Tôi hơi lạ trước động thái thảy văn bản ra của ông. Nhưng cũng nhặt lên...

Bản thứ nhất. Ý kiến của Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang Hoàng Minh Nhất, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy gửi 10 vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước Chính phủ, MTTQ... gồm 4 trang khổ A4, phản đối việc chất vấn của ĐBQH Lê Văn Cuông.

Văn bản thứ hai gồm 3 trang khổ A4 của ông Nguyễn Trường Tô, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang gửi ông Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Doãn Hợp. Phần cuối công văn này ghi rõ: “Kính mong ông Bộ trưởng cho ý kiến chỉ đạo đối với Báo Người cao tuổi, yêu cầu thông tin phải trung thực khách quan, đúng nội dung và bản chất của sự việc để giúp tỉnh Hà Giang và để thông tin với báo chí phản ánh thực tế cuộc sống và góp phần xây dựng đất nước, xây dựng CNXH”.

Khi ông quay đi lấy văn bản thì anh bạn đồng nghiệp, không có ý định chụp nhưng cụng cựa sao đó hơi vụng về làm đổ nghiêng cái máy ảnh để bên cạnh phát ra một tiếng cạch khá to trong căn phòng vắng lặng. Ông chủ tịch quay phắt lại quát: “Vừa chụp gì đấy? Vừa chụp ảnh à? Tôi đã nói hôm nay không làm việc với báo chí nào về CTSL, không chụp ảnh gì cả, tôi không có thông tin gì về Sông Lô cả”.

Ông hất mạnh tay ngó đồng hồ: “Bây giờ thì tôi phải bận đi ăn cơm”...

Chúng tôi vội xin phép, sợ làm chậm giờ cơm của ông.

Về đến Hà Nội, chúng tôi cũng được biết, ông Tổng biên tập Báo Người cao tuổi Kim Quốc Hoa đã nhận được thư mời của UBND tỉnh Hà Giang về cuộc đối thoại ngày 12/12/2009. Ông đã có công văn kính gửi UBND tỉnh Hà Giang với nội dung: “Chung quanh về nội dung các bài Báo Người cao tuổi đã đăng về CTSL, nếu thấy có vấn đề gì cần thông tin trao đổi, đề nghị UBND tỉnh Hà Giang làm văn bản để Tổng biên tập Báo Người cao tuổi trả lời (giải trình) như báo đã từng trả lời lãnh đạo tỉnh Hà Giang và các cơ quan chức năng”. Với lại thời gian đó, ông đã có kế hoạch đi công tác một số tỉnh phía nam!

Chúng tôi như có cảm giác ái ngại khi nghĩ đến những nét bực dọc của ông chủ tịch vùng cao Hà Giang mà mình từng phải chứng kiến... Cuộc đối chất đã không diễn ra! Như vậy thì bao giờ ông chủ tịch mới có cơ sở và kết quả để trả lời công luận như ông từng dõng dạc?

Lại nhớ đêm làm việc tại huyện Mèo Vạc đầu năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng với cán bộ chủ chốt của tỉnh Hà Giang, giữa bao bộn bề cần phải lo toan cho đời sống đang còn gặp nhiều khó khăn của bà con các dân tộc vùng cao Hà Giang, ông Chủ tịch tỉnh Nguyễn Trường Tô đã không quên kính đề nghị Thủ tướng có biện pháp bảo vệ danh dự cho ông khi hàng chục tờ báo cứ xúm vào đánh ông trong vụ Sông Lô như thế? Trong đó ông nhấn mạnh phải nghiêm khắc xử lý Báo Người cao tuổi...

Mọi người có mặt khi đó đều chứng kiến, Thủ tướng có nghe lời đề nghị khẩn thiết ấy nhưng... không nói gì!

Nếu có nói thì có lẽ hơn nửa năm sau, trong Quyết định số 1248/QĐ-TTg ngày 21/7/2010 đình chỉ chức vụ Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang đối với ông Nguyễn Trường Tô là một cách trả lời hữu hiệu?

Chắc mọi người tường thêm, Quyết định số 1248/QĐ-TTG ấy có hàm cả việc vi phạm của ông Nguyễn Trường Tô với CTSL chứ không phải chỉ mỗi khuyết điểm “tô hô” trong sinh hoạt của ông Tô?

Thử trích biên ra đây một đoạn trong một chiếu chỉ để đủ thấy mức độ chây ỳ bất tuân thượng lệnh.

Về khiếu nại của CTSL, Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo tại Văn bản số 6934/VPCP VII ngày 24/11/2006 và Văn bản số 1603/VPCP VII  ngày 27/3/2007 của VPCP. Tuy nhiên, đến nay CTSL vẫn tiếp tục gửi đơn phản ánh UBND tỉnh Hà Giang vẫn chưa giải quyết tháo gỡ khó khăn. Một số thành viên bị tịch thu con dấu, Bản án số 01/2007/HCST ngày 14/9/2007 của Tòa án Nhân dân tỉnh Hà Giang có hiệu lực pháp luật không được thực hiện. Công ty đang đứng trước nguy cơ phá sản, người lao động lâm vào tình trạng khó khăn.

(Văn bản số 4469/VPCP-KNTN ngày 9/7/2008 của VPCP gửi Thanh tra Chính phủ, Bộ Tài nguyên & Môi trường, Bộ Tài chính. Bộ Kế hoạch & Đầu tư. UBND tỉnh Hà Giang do chủ nhiệm VPCP Nguyễn Xuân Phúc ký).

Văn bản này còn ghi rõ: “Giao Thanh tra Chính phủ chủ trì phối hợp cùng Bộ Tài nguyên & Môi trường, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch & Đầu tư kiểm tra làm rõ nội dung khiếu nại của CTSL và trao đổi với UBND tỉnh Hà Giang để có biện pháp giải quyết theo quy định của pháp luật, phù hợp với tình hình thực tế, tạo môi trường đầu tư thuận lợi để các doanh nghiệp phát triển sản xuất, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong quý III/2008”.

Xin trở lại với tài liệu ông Nguyễn Trường Tô đưa cho chúng tôi.

Coi lại công văn của ông Hoàng Minh Nhất, Ủy viên Trung ương Đảng Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang, chợt giật mình bởi ông Nhất đã tạo một việc hy hữu, một tiền lệ chưa có là việc ĐBQH chất vấn ĐBQH! Ông Hoàng Minh Nhất - Trưởng đoàn ĐBQH Hà Giang chất vấn ông Phó đoàn ĐBQH Thanh Hóa Lê Văn Cuông (ghi rõ trong văn bản): “Đại biểu Lê Văn Cuông lấy căn cứ ở đâu để khẳng định Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang 5 lần không chấp hành chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ? Nếu không ông Cuông phải chịu hoàn toàn trách nhiệm!”.
 

(Xem tiếp kỳ sau)

Ghi chép của Xuân Ba