Putin trở lại và những phản ứng trái chiều

09:34 | 27/09/2011

914 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Cuộc chiến giữa hai nhóm quyền lực Putin – Medvedev có vẻ đã ngã ngũ khi Tổng thống Medvedev chính thức “mời” Thủ tướng Putin làm ứng cử viên chạy đua chức Tổng thống Nga năm 2012. Nhưng thỏa thuận về sự “đổi ngôi” này liệu có ngọt ngào với cả những người trong cuộc và dễ chấp nhận với người ngoài cuộc không?

Bộ đôi quyền lực Putin - Medvedev tại Đại hội Đảng Nước Nga thống nhất hôm 24/9

Ngược trở lại thời gian vào tháng 12/2007, khi chuẩn bị kết thúc nhiệm kỳ Tổng thống thứ hai, ông Putin đã quyết định không vi phạm vào các quy định của Hiến pháp Nga mà chọn phương án rút lui khỏi điện Kremlin, trở thành Thủ tướng và đề cử một trong những chiến hữu thân cận của ông – người có tên là Dmitry Medvedev lên làm Tổng thống Nga.

Còn bây giờ, ở nước Nga, người ta đang kể cho nhau nghe một câu chuyện cười:

“Nước Nga, năm 2023.

Putin và Medvedev đang ngồi trong bếp uống rượu và hàn huyên với nhau.

“Nghe này”, ông Putin hạ giọng.

“Tớ lại hết nhiệm kỳ rồi. Giờ ai trong chúng ta sẽ là thủ tướng và ai là tổng thống đây?”

Hoán vị quyền lực giữa Putin – Medvedev

Câu chuyện phiếm kể trên không chỉ để cười mà còn mang ý nghĩa tiên tri. Không còn nghi ngờ gì nữa khi trong bài phát biểu tại Đại hội toàn quốc Đảng Nước Nga Thống nhất hôm 24/9, Tổng thống Nga đương nhiệm Dmitry Medvedev đã chính thức xác nhận không tham gia tranh cử và tuyên bố ủng hộ Thủ tướng Putin trở thành ứng cử viên chạy đua chức Tổng thống năm 2012.

Đáp lại, ông Putin cũng cam kết nếu đắc cử sẽ bổ nhiệm ông Medvedev đứng đầu chính phủ mới. Và với sự áp đảo của Đảng Nước Nga Thống nhất trên chính trường Nga, khả năng ông Putin trở lại vị trí ông chủ điện Kremlin là điều không khó tưởng tượng và như vậy, nghiễm nhiên ông Medvedev sẽ có khả năng đứng đầu chính phủ tương lai của Nga.

Hình ảnh cặp bài trùng Putin - Medvedev đã trở thành một trong những hình ảnh dội vào vào trí óc nhiều người khi nhớ về nước Nga

Có một câu nói cũ rằng ngay cả một người cha và con trai cũng không thể chia sẻ quyền lực với nhau được, nhưng Putin và Medvedev – người đồng hương, đồng môn, người phụ tá tin cậy, người đã kính trọng Putin như một nguời cha, đang sẵn sàng hoán đổi vị trí quyền lực cho nhau.

Việc hoán đổi này không bất ngờ với người trong cuộc, bởi nó đã được hoạch định từ trước. Thủ tướng Putin khẳng định rằng ông và Tổng thống Medvedev đạt được các thỏa thuận liên quan đến những việc sẽ làm trong tương lai “cách đây vài năm”.

“Thực tế, việc chúng tôi đã không công khai lập trường của chúng tôi trong một thời gian dài là để đảm bảo các lợi ích chính trị; đồng thời điều này phù hợp với đặc trưng của nền chính trị nước Nga. Tôi hi vọng nhân dân Nga hiểu điều này”, ông Putin nói.

Ông Putin cũng bày tỏ tin rằng dưới sự lãnh đạo của ông Medvedev, Chính phủ mới của Nga sẽ hoạt động hiệu quả và gặt hái nhiều thắng lợi. Ngoài ra, ngài Thủ tướng đương nhiệm cũng đề ra nhiệm vụ trong tương lai gần là tăng tốc độ tăng trưởng kinh tế Nga lên tới 6 – 7%/năm.

Theo mục tiêu nhận định của ông, trong vòng 5 năm tới, Nga phải đứng trong hàng ngũ 5 nền kinh tế lớn nhất thế giới. Nhiệm vụ quốc gia được Thủ tướng nêu lên là tạo lập ít nhất 25 triệu chỗ làm việc ở Nga trong vòng 20 năm.

Thực tế chính trị mới của Nga?

“Với Vladimir Putin làm Tổng thống và Dmitry Medvedev làm Thủ tướng, nền chính trị Nga sẽ bước sang một thực tế chính trị mới”, Sergey Brilev, một bình luận chính trị và thành viên của Hội đồng chính sách đối ngoại và quốc phòng Nga nhấn mạnh.

Ông Brilev bày tỏ niềm tin rằng sự kết hợp giữa một Thủ tướng có đầu óc và tinh thần cải cách như Medvedev và một Tổng thống kiên định, quyết đoán như Putin hứa hẹn sẽ tạo ra nhiều sự đột phá cho nước Nga bởi hai lý do:

"Thứ nhất, Tổng thống Medvedev sẽ lấy được nhiều phiếu bầu từ những người ủng hộ chính sách tự do cho đảng Nước Nga Thống nhất nhờ quan điểm cởi mở, tự do của mình. Thứ hai, quan điểm này đã được đưa vào chương trình nghị sự chính trị của nước Nga trong nhiều vấn đề quan trọng liên quan đến việc hiện đại hóa cũng như đổi mới nền chính trị và kinh tế nước Nga. Trong đó, có những điều đã gắn liền với tên tuổi của ông Medvedev”, ông Brilev cho biết.

Không chỉ ông Brilev mà nhiều chuyên gia chính trị của Nga cũng có chung một niềm tin như vậy như Igor Khokhlov, một nhà nghiên cứu đến từ Viện Kinh tế thế giới và Quan hệ quốc tế Moscow. Ông Khokhlov cho rằng dù lãnh đạo tương lai của nước Nga là ai thì điều quan trọng nhất đối với một nhà lãnh đạo là “phục vụ tốt nhất cho đất nước của mình”. Ông đã ca ngợi Putin là một chính trị gia có tầm ảnh hưởng mạnh mẽ không chỉ ở trong nước mà còn ở nước ngoài bởi những gì mà ông đã làm được cho nước Nga kể từ năm 1999.

Những phản ứng trái chiều

Trong khi đó, cũng có những ý kiến bày tỏ thái độ phát chán với sự trở lại của “đế chế” Putin.

Có những người Nga đã phát chán với sự trở lại của "đế chế" Putin.

Có người đã làm một phép tính rằng: nếu đắc cử trong cuộc chạy đua vào năm 2012, ông Putin sẽ có nhiệm kỳ Tổng thống thứ 3 kéo dài 6 năm theo Hiến pháp sửa đổi mới của Nga do Tổng thống Medvedev kiến nghị và được Duma phê chuẩn.

Và nếu tiếp tục có một nhiệm kỳ thứ hai sau đó như ông đã từng có từ năm 2000 – 2008, năm 2024 sẽ là năm ông Putin rời nhiệm sở và tạo bối cảnh cho câu chuyện phiếm đã kể ở trên.

Như vậy, với một người Nga cỡ tuổi 40, những người đã trải qua chế độ Xô Viết, thì hầu như toàn bộ cuộc sống của họ sẽ đi cùng Putin cho đến khi về hưu.

“Giờ đây Tổng thống Nga đã thoái vị nhường ngôi cho Putin. Không bất ngờ, nhưng kể cũng đáng buồn”, nhật báo MK nhận định. Còn các bình luận trên mạng của tờ báo này thì viết “Putin trở lại tại vị lâu dài. Putin giờ đây với chúng ta là tất cả: là quá khứ, hiện tại và tương lai”.

Còn giới đối lập thì lo ngại về một kỷ nguyên trì trệ của chính trị và kinh tế tiếp diễn ở Nga. Lãnh đạo Đảng Cộng sản Nga, Guennadi Ziouganov cho rằng “cuộc đổi ngôi giữa cặp bài trùng này không thay đổi gì, nước Nga sẽ lún sâu hơn trong khủng hoảng”.

Điều lo ngại này trùng hợp với nhận định của một số nhà kinh tế cho rằng việc ông Putin trở lại điện Kremlin sẽ khiến Nga có rất ít khả năng thực hiện những thay đổi cần thiết như cải cách vấn đề tiền trợ cấp và giảm sự phụ thuộc của Nga vào các nguồn tài nguyên thiên nhiên khi doanh thu từ dầu và khí đốt chiếm tới 1/2 ngân sách của Nga.

Ngoài ra, chắc chắn, phương Tây và Mỹ cũng sẽ không mặn mà với sự trở lại của ông Putin bởi so với một giọng điệu mang đậm màu sắc dân tộc chủ nghĩa của ông Putin thì sự mềm mỏng, hàn lâm và cách tiếp cận mang tính kỹ trị của ông Medvedev hấp dẫn hơn nhiều. Dù Washington tuyên bố Tổng thống Obama sẽ thúc đẩy các nỗ lực nhằm hàn gắn quan hệ với Nga cho dù nhân vật nào lên nắm quyền tại điện Kremlin nhưng các nhà phân tích cho rằng sự trở lại của ông Putin có thể sẽ làm phức tạp, thậm chí có khả năng làm chậm lại, quá trình hòa giải giữa nước.

Cuộc đấu đã ngã ngũ?

Cuộc đấu gay gắt giữa hai nhóm quyền lực Putin – Medvedev trong những năm qua dường như đã ngã ngũ với sự nhường bước của ê kíp Medvedev. Nhưng thỏa thuận hoán vị quyền lực này có dễ dàng và ngọt ngào thực như người ta nghĩ không khi mấy ngày gần đây, sau tuyên bố “mời” ông Putin lên làm Tổng thống của ông Medvedev, thi thoảng người ta lại phải ‘sốt” lên với những thông tin kiểu như: “Không có lý do nào để vui mừng cả”, Dvorkovich, cố vấn kinh tế của Tổng thống Medvedev nói và công khai ủng hộ nhiệm kỳ Tổng thống thứ 2 của ông Medvedev.

Ngay sau đó, ông Dimitri Peskov – phát ngôn viên của ông Putin phản pháo: “Nếu ai đó không đồng ý với phương pháp chiến lược cặp bài trùng thì người đó nên rời khỏi ê kíp”.

Rõ ràng là màn giải thích mới chỉ bắt đầu. Một trong số những tiếng nói tự do nhất trong ê kíp Putin, Bộ trưởng Tài chính đương nhiệm Alexei Koudrin đã lên tiếng báo trước “sẽ từ chức, nếu Tổng thống Dmitri Medvedev trở thành thủ tướng vào năm tới.”

Phương Anh (Theo RT, RIA, RFI)