Ông giáo làng và bức tranh Bác Hồ bằng hạt đậu

09:02 | 18/06/2011

3,751 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
"Tôi dùng hạt thóc, hạt đậu, hạt đỗ để sáng tác bức tranh Bác Hồ là muốn thể hiện những tấm lòng của người dân quê lúa biết ơn những công lao trời biển của Bác Hồ” ông giáo Trương Khắc Thới tâm sự.

Từ những hạt đậu vườn nhà, với niềm kính yêu Bác Hồ vô hạn, một ông giáo về hưu đã sáng tạo ra bức chân dung Bác Hồ rất độc đáo (Bức tranh Bác Hồ bằng hạt đậu). Càng ý nghĩa hơn, khi ông tình nguyện đem tác phẩm quý giá của mình tặng cho ngôi trường với suy nghĩ góp phần hun đúc thêm lòng kính yêu Bác Hồ cho thế hệ trẻ. Ông là Trương Khắc Thới (76 tuổi) ở khu Giang Đông, thị trấn Thanh Nê, Kiến Xương, Thái Bình.

Những kỷ vật của người thầy yêu nghề

“Hai cây bàng cổ thụ, những bức ảnh lớp học chụp từ những năm 70 của thế kỷ trước và đặc biệt là bức tranh Bác Hồ được làm bằng hạt đậu này là những kỷ vật vô giá của của trường chúng tôi đó anh ạ…”, thầy giáo Lương Khánh Phụng, Hiệu trưởng Trường THCS xã Bình Minh, huyện Kiến Xương mở đầu câu chuyện bằng lời nhận xét như vậy khi trò chuyện với chúng tôi. Quả thật, với bao thế hệ học trò xưa, mái trường ngói đỏ với những cây bàng, cây phượng đã trở thành những hình ảnh thân quen gắn bó. Cùng với những đổi thay về cơ sở vật chất, những phòng học cấp 4 đã được thay bằng dãy phòng bê tông kiên cố. Nhiều cây cổ thụ trên sân trường cũng bị phá bỏ. Thế nhưng, về Bình Minh hôm nay, trên sân trường giờ giải lao vẫn còn đó những nhóm học trò quây quần dưới tán lá bàng. Thầy Phụng cho biết: Hai cây bàng cổ thụ này gắn với kỷ niệm về thầy Trương Khắc Thới, nguyên Hiệu trưởng nhà trường. Những năm kinh tế khó khăn, đã có chủ trương hạ hai cây bàng làm bàn ghế, nhưng với cương vị là hiệu trưởng, thầy Thới đã kiên quyết giữ lại.

Ông Trương Khắc Thới bên bức tranh Bác Hồ bằng hạt đậu

Tại phòng truyền thống của nhà trường, một bức tranh Bác Hồ (kích thước 80×50) được treo trên vị trí trang trọng. Nhìn xa giống như một bức ảnh cũ đã ngả màu, nhưng đến gần thấy bức tranh được khắc họa rất công phu bằng những hạt đậu tương và hạt đỗ đen với hai gam màu tự nhiên là nâu nhạt và đen. Khung tranh được làm bằng nhôm trang trọng, dưới góc trái của bức tranh có gắn mẩu giấy với bút tích: “Trương Khắc Thới thân tặng”. Như đoán được thắc mắc của tôi, thầy Phụng cho biết: “Thầy Thới nguyên là Hiệu trưởng nhà trường, đồng thời là giáo viên dạy Toán nhiều năm. Mặc dù đã nghỉ hưu nhưng thầy vẫn thường xuyên quan tâm đến nhà trường cũng như các em học sinh. Cách đây hai năm, vào dịp sinh nhật Bác Hồ, thầy Thới đã tặng cho nhà trường bức tranh này với mong muốn đưa đến các thế hệ học sinh ngày nay, hình ảnh về vị cha già kính yêu của toàn dân tộc gần gũi, thân thương. Góp phần giáo dục thế hệ trẻ, hiểu hơn về Bác Hồ, từ đó học tập và làm theo gương Bác”.

Ngoài ra, một kỷ vật nữa cũng vô cùng quý giá với nhà trường đó là 3 bức ảnh chụp phòng học từ năm 1971 với những mái nhà lợp rạ, tường được làm bằng vách đất. “Những kỷ vật trên là minh chứng để giáo dục truyền thống cho lớp lớp thế hệ trẻ hôm nay và mai sau”, thầy Phụng chia sẻ.

Đáp lại tấm lòng của thầy Thới, hai năm qua, bức tranh luôn được thầy và trò Trường THCS Bình Minh bảo quản cẩn thận và được treo trang trọng tại phòng truyền thống của nhà trường. Thầy giáo Lương Khánh Phụng cho biết, bức tranh được làm bằng hạt đậu tương, hạt đỗ đen nên rất khó bảo quản, nhất là khi trời nồm kéo dài. Để bảo quản bức tranh, Ban giám hiệu nhà trường đã có nhiều phương án đưa ra, như dùng dầu bóng để quét phủ lên nền bức tranh nhưng lại lo hạt đậu sẽ dính chổi quét bật ra. Có người cho rằng nên dùng lòng trắng trứng gà quét lên. Hiện tại, chất lượng bức tranh trên vẫn còn tốt, song về lâu dài, nhiều người lo ngại bức tranh sẽ bị hỏng.

Sáng tác bằng cả trái tim

Đem sự lo ngại của thầy và trò Trường THCS Bình Minh, chúng tôi tìm gặp tác giả của bức tranh – thầy giáo Trương Khắc Thới, tại căn nhà nhỏ ở khu Giang Đông, thị trấn Thanh Nê, Kiến Xương, Thái Bình. Thầy Thới dáng người tầm thước, nước da trắng, mái tóc dài đen… trông trẻ hơn so với tuổi 76 của thầy. Chất giọng thanh, chậm rãi pha chút dí dỏm của thầy khiến tôi nhanh chóng bị cuốn vào câu chuyện: Là giáo viên dạy môn tự nhiên, nhưng thầy Thới lại có niềm đam mê hội họa mãnh liệt. Ngay từ khi còn trẻ , ngoài giờ lên lớp, thầy thường xuyên dành thời gian tìm hiểu bộ môn nghệ thuật này. Với lòng say mê đó, thầy Thới đã tạo nên khá nhiều bức tranh sinh động, có hồn. Năm 1975, sau khi đất nước thống nhất, thầy Thới bắt tay vào việc sáng tác bức tranh Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng những hạt thóc. “Mình tiếc quá, thời gian đã quá lâu nên bức tranh không còn giữ được, bức tranh đó được làm bằng những hạt thóc của chính bà con nông dân ở làng quê mình trồng ra”, thầy Thới ngậm ngùi.

Cách đây 3 năm, hưởng ứng “Cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” do Đảng ủy thị trấn phát động, thầy Thới đã nảy ra ý tưởng sáng tác bức tranh Bác Hồ bằng hạt đậu tương và hạt đỗ đen. Để làm ra bức tranh này, thầy Thới đã dùng hết gần 2kg đậu tương và đỗ đen, cùng 50 lọ keo dính. Thầy cho biết, để có bức tranh ưng ý như thế này phải chọn lựa được những hạt đậu vừa mẩy, vừa săn chắc, các hạt phải đều nhau mới dễ tạo nên được hình khối của bức tranh. Điều khó nhất là phải sắp xếp các hạt đậu tương và đỗ đen sao cho thật chính xác để bức tranh có hồn. Với cảm xúc dâng trào, thầy Thới đã hoàn thành bức tranh chỉ trong khoảng hơn 10giờ đồng hồ.

Bức tranh hoàn thành, ai đến nhà chơi cũng tấm tắc khen ngợi, nhiều người đã tìm đến đặt vấn đề mua lại bức tranh với giá cao. Cũng có người đề nghị thầy Thới đem bức tranh ra UBND thị trấn Thanh Nê treo cho trang trọng hơn. Nhưng rồi, từ chối tất cả, thầy Thới quyết định mang tặng cho Trường THCS xã Bình Minh, Kiến Xương, nơi thầy đã từng gắn bó nhiều năm. Bởi thầy nghĩ, cần treo ở đó để có ý nghĩa giáo dục truyền thống yêu nước đối với thế hệ trẻ. Nhìn vào ảnh Bác, mọi người sẽ được tiếp thêm nghị lực vươn lên trong cuộc sống dù ở bất kì hoàn cảnh, vị trí công tác nào.

Sáng tác chân dung Bác Hồ trên thạch cao, gốm, đá đã có nhiều nhưng bằng hạt thóc, hạt đậu, hạt đỗ thì có lẽ chỉ có ông giáo Trương Khắc Thới mới làm. “Tôi dùng hạt thóc, hạt đậu, hạt đỗ để sáng tác bức tranh Bác Hồ là muốn thể hiện những tấm lòng của người dân quê lúa biết ơn những công lao trời biển của Bác Hồ”, ông Thới tâm sự.

Không chỉ nổi tiếng bởi bức tranh Bác Hồ bằng hạt đậu, thầy Thới còn là người viết chữ rất đẹp và nhiều tài vặt. Những năm đất nước khó khăn, thầy Thới còn tự làm cả các bản khắc in: phiếu bầu cử, nhãn vở, học bạ… cho các trường, các xã. Nay dù đã ở tuổi “xưa nay hiếm” nhưng thầy Thới vẫn luôn là tấm gương sáng cho thế hệ trẻ noi theo.

Nhật Minh