NSND Trung Đức: Nghệ sĩ phải đem cái đẹp đến công chúng

09:07 | 12/05/2012

854 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Người làm nghệ thuật chân chính và nghiêm túc chính là những người làm đẹp, làm rạng rỡ cho đất nước. Người nghệ sĩ có tư cách, biết tôn trọng khán giả là khi bước ra sân khấu phải ăn mặc đẹp, lịch sự và đặc biệt đã là ca sĩ thì không được phép hát nhép.

NSND Trung Đức

Đây là những chia sẻ tâm huyết của một "cây cao bóng cả” trong làng nhạc Việt Nam – Nghệ sĩ nhân dân (NSND) Trung Đức về trách nhiệm, ý thức của người nghệ sĩ trong hoạt động biểu diễn nghệ thuật, khi mà trong thời gian vừa qua một bộ phận nghệ sĩ còn có những biểu hiện chưa đẹp trên sân khấu làm ảnh hưởng đến định hướng thẩm mỹ của giới trẻ, gây bức xúc trong dư luận.

Là lớp nghệ sĩ đi trước và từng trải qua những khốc liệt của chiến tranh để mang tiếng hát cổ vũ, động viên tinh thần những chiến sĩ ngoài chiến trường, hơn ai hết NSND Trung Đức hiểu được vai trò, giá trị của người nghệ sĩ trong đời sống. Với NSND Trung Đức, những lời ca, tiếng hát cất lên trong lửa đạn chiến tranh cũng chính là một món ăn tinh thần quý báu, một liều thuốc “tăng lực” để bộ đội ta có thêm tinh thần, ý chí “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước mà lòng phơi phới dậy tương lai”.

Trong cuộc đời hoạt động nghệ thuật của mình, NSND Trung Đức luôn tâm niệm, người nghệ sĩ phải là người đem cái đẹp đến với công chúng, được công chúng nhìn nhận là một vinh dự lớn lao.

Do đó, theo ông, việc ca sĩ hát nhép, biểu diễn trang phục phản cảm, không phù hợp với thuần phong mỹ tục của một số ca sĩ trong thời gian gần đây chính là sự thiếu tôn trọng công chúng, là có tội với khán giả.

Nói về một kỷ niệm đáng nhớ trong chặng đường nghệ thuật của mình, NSND Trung Đức vui vẻ kể về một buổi biểu diễn phục vụ đồng bào Việt Nam tại Cộng hòa Liên bang Đức, ông đã ôm ghi-ta, vừa chơi đàn, vừa hát gần 40 bài, hát xong người ướt đẫm mồ hôi nhưng trong lòng thì cảm thấy thực sự hạnh phúc khi thấy khán giả lắng nghe một cách say mê. “Vậy mà bây giờ tình trạng hát nhép xảy ra nhiều quá” ông bày tỏ niềm đau đáu.

"Với thế hệ NSND như chúng tôi, có những điều nói ra thì bị cho là lạc hậu, nhưng để có được vị trí trong lòng khán giả, lớp nghệ sĩ trẻ còn cần một thời gian rèn luyện rất lâu dài về kỹ năng cũng như đạo đức nghề nghiệp”, NSND Trung Đức chia sẻ. “Chẳng hạn như chuyện mặc trang phục, có những buổi biểu diễn trang trọng tôi mặc một bộ com-lê mà không dám ngồi vì sợ nhăn đầu gối, đến khi hát xong mới dám ngồi xuống. Có thể một số ca sĩ trẻ khác trong buổi diễn đó lại cho rằng như vậy là khắt khe, nhưng với tôi đó là thể hiện sự tôn trọng khán giả và tôn trọng chính mình”.

Khi được hỏi, phải chăng vì muốn nổi tiếng và chạy theo thị hiếu của một bộ phận khán giả mà nhiều nữ ca sĩ trẻ đã cố gắng "hở hết cỡ”, NSND Trung Đức cho rằng, có thể có nhiều ca sĩ trong thâm tâm không muốn hở để nổi tiếng mà bản thân họ nghĩ rằng mình đẹp và ăn mặc như vậy sẽ khoe được vẻ đẹp cơ thể. "Suy nghĩ như vậy là hoàn toàn sai lầm, bởi người phụ nữ đẹp nhất là ở sự kín đáo. Nhà thơ Nguyễn Bính đã có câu thơ duyên dáng mà để đời: Áo cài khuy bấm em làm khổ tôi”, ông nói.

NSND Trung Đức trong buổi biểu diễn với Nghệ sĩ Nga Natalia Borisova

Theo NSND Trung Đức, đa số khán giả đều cảm thấy rất phản cảm với việc ăn mặc hớ hênh của một số ca sĩ hiện nay, “điều đó không những coi thường khán giả mà còn thể hiện sự thấp kém về trình độ văn hóa”.

Vậy trách nhiệm chính sẽ thuộc về ai khi những hiện tượng hát nhép, ăn mặc phản cảm vẫn diễn ra trong đời sống nghệ thuật hiện nay?! Theo NSND Trung Đức, trách nhiệm trước tiên thuộc về những người làm công tác tổ chức biểu diễn, các đoàn nghệ thuật. Nếu những người tổ chức biểu diễn cảm thấy đó là việc quan trọng thì họ sẽ chính là người nhắc nhở các ca sĩ, nghệ sĩ những quy tắc nghề nghiệp.

Trước các buổi biểu diễn, người tổ chức phải yêu cầu ca sĩ không được hát nhép và phải cho biết hôm nay sẽ hát bài gì, mặc như thế nào? Người đứng ra tổ chức biểu diễn phải có sự nhắc nhở, cương quyết không cho ra sân khấu những nghệ sĩ ăn mặc hở hang quá đà, phản cảm. Nếu nghệ sĩ cố tình, người tổ chức biểu diễn phải dám mạnh tay cắt ngay tiết mục đó.

"Nếu ngăn chặn ngay từ cơ sở, từ bước đầu như thế thì sẽ không có hiện tượng mặc quần áo hai mảnh, váy quá ngắn, quần sooc, quần rách lên sân khấu, con trai đeo khuyên tai, tóc ba, bốn màu không giống ai”, NSND nêu ý kiến.

Thứ hai, đối với các cơ quan quản lý văn hóa, cần tăng cường trách nhiệm trong giám sát thực tế, không thể chỉ quản lý trên giấy tờ, hành chính. Cơ quan quản lý về lĩnh vực văn hóa phải cử nhân viên đến theo dõi những chương trình, những buổi biểu diễn và không để đồng tiền của những nhà tổ chức biểu diễn không chân chính điều khiển.

Quản lý trong hoạt động biểu diễn còn cần đến sự vào cuộc tích cực của lực lượng công an văn hóa bởi họ có trách nhiệm và quyền lực để bảo vệ các giá trị văn hóa. Họ có quyền ngăn chặn và có thể đuổi những nghệ sĩ ăn mặc phản cảm ra khỏi sân khấu. Làm được như vậy, chúng ta sẽ góp phần bảo vệ được sự trong sáng và văn hóa của sân khấu nghệ thuật.

Cổng thông tin điện tử Chính phủ

Theo Cổng thông tin điện tử Chính phủ

Những địa điểm check-in thú vị ở Bình Định

Những địa điểm check-in thú vị ở Bình Định

(PetroTimes) - Không chỉ được ưu ái với thiên nhiên hùng vĩ, nên thơ, Bình Định còn ghi dấu với loạt câu chuyện lịch sử, văn thơ và nền văn hóa độc đáo...