Lẽ ra họ phải được gọi là người GHE! (tiếp theo và hết)

06:50 | 12/09/2015

|
Bạn đọc: Trên báo Người lao động ngày 22-11-2014, ông An Chi đã có bài “Cớ sao gọi người Trung Quốc là Tàu?” Mới đây, trong nhóm “Từ nguyên”, tác giả Nguyễn Cung Thông đã phản bác ông An Chi với lời mào đầu...
le ra ho phai duoc goi la nguoi ghe tiep theo va het Lẽ ra họ phải được gọi là người GHE!

Đây là tính từ chứ đâu phải địa danh mà ông dùng để ghi chú cho “nước Tàu”. Trở về với ý chính, xin nói rằng chỉ cần thông minh một chút, người ta đã phải hỏi: Nếu “tàu” trong “mực tàu” của VBL  không chỉ “nước Tàu” thì nó chỉ “cái gì” vì cũng chính nó tại danh ngữ đó trong Béhaine/Taberd thì lại chỉ nước Tàu? Ông Thông cứ đưa hai định nghĩa đó ra mà đố học trò tiểu học thì họ sẽ đủ thông minh để trả lời rằng “tàu’ của VBL và “tàu” của Béhaine/Taberd thực tế chỉ là một. Mà “tàu” trong “mực tàu” của Béhaine/Taberd đã là “nước Tàu” thì  “tàu” trong “mực tàu” của VBL đương nhiên cũng chỉ có thể là “nước Tàu” mà thôi. Chỉ Nam ngọc âm giải nghĩa (CNNÂGN) - mà ông Thông đã “cải tiến” để đọc chữ “ngọc” [玉] thành “quốc” [国] nên đã viết tắt thành CNQAGN - cũng có nhắc đến danh ngữ “mực tàu” tại “Mộc công bộ đệ thập bát” trong câu “Mực tàu có hiệu Đốc Thằng thẳng ngay”. Ông Thông cũng không công nhận “tàu” ở đây là “nước Tàu”. Lập luận của ông rất ngây ngô. Ông viết:

“Thêm vào đó, CNQAGN còn ghi nhận các cách dùng chén Ngô, bát Ngô (…), đặc biệt là câu Tức bát cả thay tàu Ngô (Chu xa đệ thập nhị): rõ ràng tàu chỉ thuyền bè và Ngô chỉ nước Trung Hoa!”

Dĩ nhiên “tàu” ở đây là “thuyền bè” và “Ngô” chỉ nước Trung Hoa nhưng điều này tuyệt đối không phải là lý do để có thể suy luận rằng “tàu” trong “mực tàu” (của CNNÂGN) không phải là nước Trung Hoa. Ai đã làm quen với CNNÂGN cũng đều biết rằng đây là một loại tự vị trong đó tác giả dùng tiếng ta để giảng tiếng Tàu. “Mực tàu” ở đây là hai từ của tiếng ta, dùng để giảng hai chữ “đốc thằng” của tiếng Tàu thì mắc mớ gì tác giả phải làm chuyện ngược đời mà giảng nghĩa của chữ “tàu” (là “nước Tàu”)? Còn nếu ông Thông cứ khăng khăng cho rằng đây không phải là “nước Tàu” thì ông phải cho biết đó là “cái gì” chứ. Vậy xin hỏi ông: “Tàu” ở đây là “cái gì”? Ấy thế nhưng trong phần bổ sung gửi cho các vị Nguyễn Đại Cồ Việt, Trần Trọng Dương, v.v..., ông vẫn cả quyết:

“Tóm lại, các văn bản như VBL (1651) và trước thời VBL không thấy dùng tàu chỉ nước Trung Hoa!”.

Nhưng, như đã nói ở trên, không thấy chỉ là do thị giác và nhận thức của ông Thông mà thôi. “Tàu” là một vị lão làng trong từ vựng của tiếng Việt còn “Ngô” thì chỉ là một anh mới nhập cư, sau khi dân ta tống cổ bọn quan, quân nhà Minh ra khỏi đất nước hồi 1427. Trước đó, “Tàu” vẫn là một từ dùng để chỉ Trung Hoa nên ta mới thấy nó có mặt trong cái danh ngữ “mực Tàu”, đã định hình từ lâu để chỉ thứ mực “dùng để kẻ đường thẳng trên gỗ” xuất xứ từ bên Tàu. Khi ta vừa giành được độc lập khỏi ách chiếm đóng của giặc Minh thì Nguyễn Trãi đã công bố bản “Bình Ngô đại cáo” theo lệnh của vua trong đó giặc Tàu đời nhà Minh đã được gọi là “Ngô”. Từ đó dân ta mới bắt đầu gọi Tàu là Ngô cho nên những “bát Ngô”, “chén Ngô”, “tàu Ngô” mà ông Thông đã dẫn ra từ CNNÂGN là những danh ngữ ra đời vào thờì nhà Lê của nước ta, mà tuổi tác thì thua xa cụ tổ “mực Tàu” rất nhiều thế kỷ. Cái danh xưng “Ngô” đã sống dai dẳng từ đầu thế kỷ XV cho mãi đến đầu thế kỷ XX. Ngay Nguyễn Du (1766-1820) cũng còn xài nó trong câu Kiều “Đường xa chớ ngại Ngô Lào”. Sang đầu thế kỷ XX thì từ “Tàu” mới trỗi dậy mạnh mẽ và tiếp tục được dùng cho đến ngày nay. Vậy “Tàu” là một từ rất lâu đời dùng để chỉ nước Trung Hoa; hiển nhiên là nó đã ra đời trước từ “Ngô” rất lâu nhưng ông Thông thì không thấy.

Thứ tư, ông viết:

“Gia Định Báo (số 5, năm thứ 6, phát hành ngày 16-2-1870) giải thích:

“…An-nam ta kêu là Tàu, người bên Tàu, là vì khách thường đi tàu qua đây, lại dùng tàu chở đồ hàng hóa qua đây buôn bán; nên kêu là Tàu, hàng Tàu, đồ Tàu v.v...”.

Chúng tôi xin thưa rằng vào năm 1870, văn quốc ngữ mới phôi thai; Việt Nam chưa có khoa ngữ học, càng không có từ nguyên học; người viết bài cho Gia Định Báo chỉ thả ngòi bút của mình theo hướng suy luận của từ nguyên dân gian (folk etymology) thô sơ nên ta cần phê phán chứ không thể nhắm mắt nghe theo. Sở dĩ ông Thông nói theo “thuyết” này chẳng qua là để củng cố cái ý kiến cho rằng danh từ “Tàu” ra đời là để gọi những người Minh Hương di cư sang Nam Bộ Việt Nam cùng với Dương Ngạn Địch, Trần Thượng Xuyên vào khoảng cuối thập kỷ 1670.

Nhưng xin thưa với ông Thông - và những ai hí hửng cho rằng “Tàu-Trung Hoa” là do “tàu-thuyền” mà ra - rằng vào thời này thì người Nam Bộ chỉ gọi thuyền là “ghe” chứ không gọi là “tàu”. Từ “ghe” xuất hiện với tần số cao (Nam Bộ chẳng là miền sông nước) và ta có thể thấy nó trong hàng loạt cách nói: đóng ghe, trét ghe, sơn ghe, trại ghe (= xưởng đóng ghe), ụ ghe, bụng ghe, ghe bầu, ghe chài, ghe lườn, ghe ngo, ghe rổi, ghe tam bản, v.v... Người ta còn căn cứ vào nơi sản xuất mà phân thành ghe Gia Định, ghe Biên Hòa, ghe Long Xuyên, ghe Cần Đước, ghe Cần Thơ, v.v...; hoặc căn cứ vào đối tượng chuyên chở mà gọi là ghe lúa, ghe cá, ghe heo, ghe củi, ghe than, ghe mía, ghe cát, ghe đá, v.v... (Xin x. Võ Công Nguyện, “Nghề đóng ghe xuồng tại Nam Bộ”, Xóm nghề và nghề thủ công truyền thống Nam Bộ, NXB Trẻ, 2002, tr.125-135). Vì vậy cho nên nếu quả thật người Minh Hương được gọi bằng tên của cái phương tiện mà họ đã dùng để đến đất Nam Bộ hồi gần cuối thế kỷ XVII thì họ sẽ phải được gọi là người “Ghe” chứ đâu có phải là người “Tàu”.

Vậy không biết cái slide mà ông Nguyễn Cung Thông ủy thác cho ông Nguyễn Đại Cồ Việt thực hiện có tăng thêm phần hào hứng cho Hội thảo 23-8-2015 hay không nhưng dù có hoành tráng đến đâu nó cũng tuyệt đối không thể là căn cứ để phủ nhận cái nghĩa “Trung Hoa” của từ “tàu” trong danh ngữ “mực tàu”. Cuồi cùng, xin nhại một vế đối xưa tặng ông Nguyễn Cung Thông để ông có thể chiêm nghiệm:

Ai vỉa hè, ai chính thống, trong trần ai ai dễ biết ai.   

 

Năng lượng Mới 456