Lễ hội 2016: Có khá hơn nhưng vẫn... bát nháo

08:35 | 16/02/2016

826 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Trước mùa lễ hội 2016, các cơ quan chức năng đã cam kết sẽ mạnh tay hơn và quyết tâm lập lại trật tự. Song, những hình ảnh xấu xí như nhét tiền vào tay phật, móc túi hay tràn lan hàng quán, chặt chém, ẩu đả… vẫn chưa thể chấm dứt. Báo Năng lượng Mới xin cung cấp cái nhìn toàn diện hơn về thực trạng lễ hội 2016.

Lễ hội là cầu nối quá khứ với hiện tại. Thế nhưng, sự “phát phình” về quy mô, sự tràn lan về số lượng và sự nảy sinh một số hiện tượng bất thường đã khiến cho “bộ mặt” văn hóa Việt xấu đi trông thấy. 2015 được coi là một năm “có vấn đề” đối với khá nhiều lễ hội trên cả nước. Nhiều lễ hội dần mất đi tính trang nghiêm và ý nghĩa bởi những biểu hiện tiêu cực của chính khách hành hương và những đối tượng mong muốn trục lợi từ tâm linh, thần phật.

Còn nhớ, câu chuyện bỏ hay giữ lễ hội Chém lợn (Ném Thượng, Bắc Ninh) đã làm nóng các tờ báo và các diễn đàn khoa học, chuyên gia xã hội học trong thời gian dài bởi tính chất tâm linh và sự “ghê rợn” của tập tục này. Năm nay, lễ hội vẫn được diễn ra bình thường, song cảnh “chém ông ỉn” được đưa vào nơi kín đáo, tránh cảnh máu me mang tính chất dã man ảnh hưởng tới trẻ nhỏ và khách thập phương.

le hoi 2016 co kha hon nhung van bat nhao
 

Ngay từ đầu năm 2016, Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch đã có công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về tăng cường công tác quản lý và tổ chức lễ hội năm 2016. Cụ thể, lãnh đạo Bộ đã chỉ đạo các sở, ngành địa phương phối hợp chặt chẽ trong công tác quản lý và tổ chức lễ hội trên địa bàn, đảm bảo hoạt động lễ hội an toàn, hiệu quả, tiết kiệm, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng lành mạnh của nhân dân. Đồng thời, Bộ sẽ tăng cường công tác kiểm tra trước, trong và sau lễ hội, kịp thời phát hiện, xử lý các vi phạm diễn ra trong công tác quản lý, tổ chức lễ hội trên địa bàn. Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch cũng sẽ thành lập một số đoàn công tác đi kiểm tra các hoạt động văn hóa, vui chơi giải trí, mừng Đảng, đón xuân Bính Thân và công tác quảy lý, tổ chức lễ hội tại một số đại phương trước, trong và sau tết Nguyên đán.

Chỉ đạo quyết liệt là thế, nhưng trường hợp như lễ hội Chém lợn chỉ là một trong những lễ hội có sự thay đổi khá lớn trong cách thức tổ chức và quản lý, bởi mặc dù mùa lễ hội mới diễn ra 7 ngày, song còn có khá nhiều lễ hội vẫn giữ… tình trạng bát nháo, lộn xộn và tiêu cực như những năm trước.

le hoi 2016 co kha hon nhung van bat nhao
Nhét tiền vào tay phật

Đầu tiên phải kể tới lễ hội Gióng được tổ chức vào sáng mồng 6 tết (ngày 13-2) với sự tham dự của hàng nghìn người. Nghi thức chính tại lễ hội là rước kiệu hoa tre (được kết từ hàng trăm hoa tre bằng cách cắm vào thân một cây chuối cao làm trụ). Đây là một vật mang tính biểu trưng, tượng trưng cho cây gậy tre của Thánh Gióng đánh giặc khi xưa. Đoàn tùy tùng rước kiệu hoa tre đến đền Thượng thì hàng chục thanh niên lao vào cướp. Bởi đơn giản, nhiều người cho rằng, đây là tục lệ của lễ hội để lấy may mắn cho cả năm.

Cho dù, năm nay, lực lượng an ninh đã được tăng cường và với quy định các thanh niên không được mang gậy đến lễ hội cũng chỉ có thể ngăn cản không còn cảnh chảy máu như những năm trước. Còn thực tế, khi đoàn lễ rước trầu cau vừa ra khỏi đền Thượng, hàng nghìn thanh niên đã hò reo và đến khi giò trầu cau được lễ tạ tại đền Mẫu, hàng trăm thanh niên của các làng đã xông vào, bất chấp lực lượng công an cố hết sức để bảo vệ đồ lễ, thậm chí, họ còn đè lên người các đồng chí công an để cướp lộc, tạo nên sự lộn xộn. Đặc biệt đã xảy ra va chạm tại 2 lễ rước Giò tre của xã Vệ Linh, từ đền Thượng xuống đến Hạ và rước trầu cau của xã Tân Minh từ đền Thượng xuống đến đền Mẫu.

Cũng trong ngày mồng 6 tết, lễ khai hội chùa Bái Đính cũng chính thức được diễn ra tại Ninh Bình với nhiều hình ảnh không đẹp. Không ít du khách dùng tiền lẻ chà xát vào tượng La Hán, “ép” các vị La Hán nhận tiền lẻ và ném tiền lẻ lên mặt trống đồng trên tháp chuông để cầu may…

le hoi 2016 co kha hon nhung van bat nhao
Cướp hoa tre tại Hội Gióng năm 2016

Chùa Hương cũng là một địa điểm văn hóa thu hút lượng lớn khách thập phương tới dâng hương cầu cúng. Đáng chú ý, tại lễ khai hội, do lượng người quá đông nên nhiều du khách đã leo trèo tường rào để đi cho nhanh, dẫn tới tình trạng lộn xộn, chen lấn, xô đẩy phản cảm tại địa điểm văn hóa này.

Bên cạnh đó, trước giờ khai hội Chùa Hương, Phòng Cảnh sát hình sự (CSHS) - Công an TP Hà Nội đã phát hiện và xử lý hành chính 16 đối tượng “cò mồi”, chèo kéo du khách đi lễ hội. Các đối tượng này đều có hành vi “cò mồi”, lôi kéo khách đi đò, gửi đồ, mua vé, ăn nghỉ, gây mất an ninh trật tự dọc tuyến đường về chùa Hương. Các đối tượng “cò mồi” thường đóng giả là xe ôm và người đi lễ, khi phát hiện các xe ôtô chở khách đi vào các tuyến đường dẫn vào khu lễ hội chùa Hương sẽ bám theo, mời chào khách mua vé đi đò, đi cáp treo, đặt phòng nghỉ, ăn uống…

Ngay tại khu vực Văn Miếu - Quốc Tử Giám, tình trạng lộn xộn, bát nháo, phản cảm cũng đã diễn ra ngay trong những ngày đầu năm. Trong những ngày này, Văn Miếu đón khoảng 15 vạn du khách về tham quan và du xuân tại đây. Tuy nhiên, dù có biển hướng dẫn nhưng nhiều người dân vẫn đi lại, chụp ảnh trong khu vực cấm, điển hình là khu vực vườn hoa, bia tiến sĩ… Thậm chí, nhiều người còn cố tình trèo rào vào khu vực bia tiến sĩ để rải tiền, sờ đầu rùa… bất chấp quy định của ban quản lý. 

Mặc dù mùa lễ hội năm 2016 mới diễn ra 7 ngày, song những hình ảnh phản cảm, xấu xí và lộn xộn vẫn chưa chấm dứt, thậm chí nhiều người lợi dụng sự biến tướng của lễ, của hội để trục lợi. Vẫn biết những yếu tố liên quan tới văn hóa, tâm linh rất khó có thể thay đổi một sớm một chiều, song để lễ hội đầu xuân không còn những hình ảnh xấu, cần sự góp sức không chỉ của tất cả các cấp chính quyền mà còn phải xuất phát từ nhận thức của người dân. Bởi, lễ hội truyền thống không chỉ mang những yếu tố tâm linh mà còn là yếu tố quan trọng làm cho bộ mặt văn hóa của nước ta sinh động và phong phú hơn.

PGS.TS Trịnh Hòa Bình - Giám đốc Trung tâm Điều tra Dư luận xã hội (Viện Xã hội học):

Xu hướng quá thực dụng

le hoi 2016 co kha hon nhung van bat nhao

Thực ra, chuyện giành giật để lấy lộc, lấy lá, lấy phần ở trong kỳ dịp lễ hội đã diễn ra từ cổ xưa và thời điểm đó theo quan niệm thì việc giành giật như vậy được xem như là giành vinh quang. Nhưng họ cướp đẹp, cướp biểu trưng, ước lệ chứ không đánh nhau bầm dập để cướp bằng được, không bất chấp làm cho đối tác bị thương, người bảo vệ, người khiêng kiệu bị thương.

Đây mới chính là điều đáng nhìn nhận suy ngẫm hiện nay về bạo lực ở lễ hội. Người ta mang bạo lực trần thế áp vào hình thức diễn xướng của lễ hội. Sở dĩ bây giờ người ta cứ cướp bóc, thậm chí cướp lộc bởi đó là tâm lý thực dụng của một bộ phận những con người hiện đại ngày nay. Người ta cướp thật, lấy thật và giành giật thật thay vì tham gia diễn xướng của lễ hội ấy như một thứ nghi thức. Họ đã tách phần tâm linh tín ngưỡng này ra khỏi nghi thức, họ tiến công như những hành vi bạo động đích thực. Đó là một thứ tâm lý thực dụng và tâm lý của những người ăn sổi, thậm chí còn mặc cả với thần linh.

Họ cứ nghĩ bỏ đồng tiền ra thì lấy lại được phần lễ trả. Cướp lộc lấy lợi về mình, thả tiền vô lối, thả tiền mệnh giá lớn bất chấp thả vào đâu cũng giống như sự mặc cả với thần linh. Xét đến cùng là động cơ rất vị kỷ. Không gian xã hội mỗi ngày một cơ học hơn và mai một các giá trị nhân văn.

Tại sao nó trở nên trần trụi, bạo lực và côn đồ như vậy, theo tôi là do chính chúng ta đã đưa những giá trị trần tục vào chốn tôn nghiêm. Có một câu nói cửa miệng “trần sao âm vậy” hay “trần sao thượng giới vậy”, họ ham muốn bao nhiêu thì họ cho rằng đấng thiêng liêng, đấng tối cao ham muốn như vậy. Dường như không có ai kiểm soát họ và họ sẵn sàng lấy cắp cái phần nghi lễ của người khác để chuyển cho mình. Đối với thần linh thì mình cứ nộp nhiều là được nhiều, trong khi không thấy được một điều cốt lõi, ấy là khi ta đến với Phật, với Thánh thì lòng dạ phải trong sáng, phải thanh sạch từ trong ra ngoài để lắng nghe, để thẩm thấu những điều hay ý đẹp của đáng tối cao. Xu hướng bây giờ đang rất thực dụng.

 Tôi cho rằng đó là hậu quả của việc giáo dục đạo đức “lệch chuẩn”, do quan niệm sai trái về tín ngưỡng, về cầu cúng nói chung. Cuộc sống hiện đại ngày nay đang có xu hướng như thế thì mọi người nói rằng là thiết chế giáo dục phải chịu trách nhiệm bởi nó không bồi bổ, không chuyển hóa cho người ta thường ngày để giá trị tinh thần được chuyển giao tinh tế và kỳ diệu.

Nhưng đánh giá về lễ hội năm nay, tôi ghi nhận đã có sự điều chỉnh tốt hơn các năm trước. Thực chất chúng ta không nên đặt vấn đề cấm lễ hội. Bởi lễ hội là hình thức diễn xướng, chưng cất tinh hoa đời sống trong suốt một năm. Cái chúng ta phải can thiệp và cần xóa bỏ là những trò lố bịch, biến tướng.

GS.TS Ngô Đức Thịnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn văn hóa tín ngưỡng dân gian Việt Nam:

Chúng ta đang “quan phương hóa lễ hội”

le hoi 2016 co kha hon nhung van bat nhao

Vì sao càng ngày các hoạt động sinh hoạt tâm linh bị mai một, biến tướng. Điều này tôi đã nghiên cứu rất kỹ và thấy rằng, chúng ta có một giai đoạn khoảng hơn 40 năm sinh hoạt tâm linh bị đứt đoạn bởi quan niệm sai lệch của một số nhà quản lý văn hóa. Tôi còn nhớ như in thời kỳ đó, lễ hội đền Hùng còn bị cho là mê tín dị đoan, phải chấm dứt, bài trừ, không được tổ chức. Hay nhiều lễ hội khác cũng vậy. Nghĩa là thời kỳ ấy, cực đoan đến độ cảm giác như nơi nào có lễ bái là nơi ấy mê tín dị đoan, kể cả đình, đền, chùa… và người đi lễ ở những nơi ấy cũng bị quy kết như vậy. Chính bởi cách quản lý và quan niệm ấy của các nhà quản lý đã làm cho sinh hoạt văn hóa tâm linh lâm vào khủng hoảng, bị gián đoạn do sự hiểu biết chỉ theo một chiều. Và trong bối cảnh bị giới hạn, bó buộc như vậy về sinh hoạt tâm linh đến khi được cởi mở, tự do do quan niệm của các nhà quản lý thay đổi như hiện nay thì như được cởi trói, người dân lại ồ ạt đi lễ bái, tham dự lễ hội nhưng theo cách bộc phát…

Tại một cuộc họp bàn về vấn đề này của ngành văn hóa, có một đại biểu tham dự cũng cho rằng phải bớt lễ hội nào đó đi, chỉ để lại những lễ hội lớn, tiêu biểu… Khi tôi đề nghị bỏ bớt một lễ hội ở quê hương vị này vì nó nhỏ và mang tính địa phương thì đại biểu này không đồng ý. Vậy cán bộ đó không đồng ý trong khi đó chính là ý kiến của ông ta thì mong gì địa phương khác đồng ý. Bởi mỗi lễ hội có những giá trị riêng không thể kể là lớn hay nhỏ, nó mang giá trị tinh thần, truyền thống của người dân địa phương ấy nên chẳng thể thêm hay bớt được. Quan trọng là chúng ta tìm cách tổ chức sao cho vừa đúng với tinh thần, ý nghĩa của lễ hội vừa hợp lý về chi phí.

Bây giờ một số lễ hội không mang mục đích văn hóa, chính vì vậy trong khâu tổ chức rất rềnh rang, thậm chí khoa trương, tốn kém. Nhưng nếu, việc tổ chức này giao hẳn cho người dân và chính quyền địa phương chỉ hỗ trợ thì có khi lễ hội ấy không chỉ vui mà chi phí bỏ ra còn rất sát, không lãng phí đồng nào. Bởi giống như việc mình rút tiền túi của mình ra tiêu thì phải hữu hiệu chứ không thể để rơi vãi một cách vô nghĩa. Chính quyền địa phương nào thực hiện được như vậy mới đúng bản chất của lễ hội, vì lễ hội là của nhân dân, từ nhân dân mà ra. Hiện nay, lễ hội theo từ ngữ của chúng tôi là đang “quan phương hóa lễ hội”, nghĩa là lễ hội hoàn toàn của chính quyền địa phương. Như thế không đúng. Lễ hội phải của nhân dân, do dân tổ chức và như tôi đã nói, địa phương chỉ hỗ trợ tối đa cho họ.

Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vỹ - Đại học KHXH&NV Hà Nội:

Cần lắm những sáng tạo trong lễ hội

le hoi 2016 co kha hon nhung van bat nhao

Chúng ta nên có những sáng tạo mới cho cách thực hiện nghi thức của lễ hội trên cơ sở hiểu rõ phong tục tập quán địa phương, sử dụng chất liệu truyền thống. Cần những sáng tạo về nhiều khía cạnh. Từ nội dung được tuyên truyền trong lễ hội đến chương trình, tiết mục trình diễn nghệ thuật mới nhưng khai thác bản sắc truyền thống. Từ việc tuyên truyền với người dân sở tại, với du khách, bằng ấn phẩm, bằng tờ rơi có cách biên soạn, trình bày dễ hiểu, cuốn hút, đến việc tổ chức trang trí, trưng bày cho lễ hội có những hình ảnh, những góc, những không gian hiện đại hơn trong một tổng thể tôn trọng âm hưởng truyền thống. Cũng nên nghĩ đến cả việc xây dựng những biểu tượng cho lễ hội… Hãy tạo điều kiện, mở nhiều cánh cửa để nghệ thuật tham gia nhiều hơn trong một lễ hội. Đó là một phương thuốc hữu hiệu chữa trị những tham, sân, si mà con người mang đến lễ hội; giảm bớt những tiêu cực lan tràn trong lễ hội hôm nay.

Đừng mới theo kiểu trước kia không có bán ấn thì nay thương mại hóa. Đừng dung túng cho những hiện tượng mới như trước chỉ giành nhau hoa tre với cách gọi ví von là “cướp lộc” thì nay tranh cướp kịch liệt và còn gây gổ, ẩu đả; thậm chí còn cướp luôn cả hoa lộc trên ban thờ. Hoặc trước kia ít người, quan họ chỉ hát cho nhau nghe, nhất là không có phương tiện kỹ thuật, nên chỉ có hát không nhạc đệm, không loa đài. Nay quá đông người xem, nghe, ồn ào, không gian rộng, loãng, thời buổi hiện đại nên có loa, mic, đàn hỗ trợ. Nhưng biết dừng, biết đủ, biết tính toán thì vừa, chứ nhiều khi nhạc to đến mức như cãi nhau, lấp cả tiếng hát, người hát lại ỷ vào nhạc đỡ giọng nên những kỹ thuật ca hát độc đáo cũng bay biến. Đừng mới như những chiếc cổng phao bơm căng tròn với nhiều khúc màu, dẫn vào lễ hội, trên có hai con rồng “mập” với ngọn lửa “béo” ở giữa, nhìn trông kỳ cục chứ không thấy trang trọng, không thấy thiêng liêng. Những cái mới đó là những cái “mới thô thiển”, “mới thảm họa”!

 

Thanh Huyền - Vương Tâm (tổng hợp)

Năng lượng Mới 497