Không học thêm mới lạ

06:50 | 19/11/2012

865 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Dạy thêm đang trở thành vấn đề bức xúc hơn bao giờ hết không chỉ trong dư luận mà ngay trong ngành giáo dục. Bởi muốn cải tổ, phát triển nền giáo dục vốn đã có nhiều bất cập, vô lý thì phải bắt đầu trước hết bằng vấn đề này. Tuy nhiên, để "triệt" được tận gốc vấn đề trên, phải nhìn nhận, đánh giá đúng các nguyên căn của nó.

Quá tải từ lớp bé...

Nói về việc dạy thêm, học thêm, nếu không bàn đến những thầy cô vụ lợi, coi việc dạy thêm là “thương vụ”, là “cần câu cơm” thì xét một cách công bằng không phải ai cũng muốn kể cả giáo viên lẫn học sinh. Bởi nó làm “hao tâm tổn sức” của cả đôi bên do buổi học ở trường đã làm cho họ đủ mệt. Còn tiền thu được từ việc dạy thêm, nếu để làm giàu cho giáo viên cũng không đủ. Hơn nữa, chẳng ai dại gì đi lấy số tiền chẳng bõ bèn gì so với việc “bán cháo phổi”, một bệnh nghề nghiệp của giáo viên. Mà đôi khi hoàn cảnh buộc họ phải như vậy.

Hoàn cảnh ấy có thể nói đến ở đây là chương trình giáo dục. Nếu ai từng có con đi học thì đều không thể phủ nhận: Hình như chương trình giáo dục phổ thông đang cố gắng biến con họ thành... thần đồng. Ngay như bậc tiểu học, bậc học làm quen và “vỡ” ra với những kiến thức sơ đẳng nhất, thế mà chương trình học tập của các em, chỉ cần lướt qua thôi, những bậc phụ huynh được coi là “trên tinh thông thiên văn dưới tường địa lý”, chắc chắn cũng phải... choáng! Như lớp 1, vừa mới dời khỏi trường mầm non với nếp sinh hoạt ăn, ngủ là chính, tư duy còn như chiếc búp trên cành vậy mà học đã như bị nhồi bị nhét, chưa xong kiến thức này đã đến kiến thức khác, đến nỗi khi làm bài, lẫn lộn các kiến thức với nhau.

Một phụ huynh đã thống kê: cứ 2 tiết học, các em lại có kiến thức mới. Trong đó, 1 tiết học bài mới, 1 tiết luyện tập. Với cách phân chia như vậy thì với tư duy non nớt của trẻ vừa cắp sách đến trường hiểu bài mới lạ chứ lẫn lộn là... chuyện thường. Và không chỉ nhiều kiến thức mà các em còn phải học kiến thức quá sức tiếp thu của các em. Như bài toán có lời văn (toán đố), chỉ riêng việc thay đổi hình thức lời văn thôi đã khiến các em chóng cả mặt để nhận diện dạng toán. Trong khi, các con số, phép tính cộng, trừ vẫn còn “nhảy nhót” trong tâm trí do các em chưa định hình được. Tôi nhớ mãi dạng toán “hơn và kém” mà không một phụ huynh nào là không phàn nàn về việc để giảng giải cho con mình hiểu, khó quá! Vì các em cứ máy móc “hơn thì làm cộng, kém thì làm trừ” khi làm dạng toán này. Mà trong thực tế thì không phải vậy. Các em phải tư duy hiểu rõ bản chất đề bài mới làm được. Mà việc tư duy đó, xem ra không hề đơn giản với các em.

Kiến thức lớp 2 cũng phải bàn đến. Như môn toán, nhất là bài đếm hình, không khác gì đánh đố. Các hình đan xem với nhau và học sinh phải đếm xem có tất cả bao nhiêu hình. Có bài, học sinh đếm được 4 hình tam giác. Phụ huynh học sinh đó sau một hồi quay ngược, quay xuôi, xoay phải xoay trái, đếm được tất cả 6 hình. Nhưng cuối cùng giáo viên đưa ra đáp án có 8 hình tam giác. Vậy với một bài mà ngay cả người lớn với tư duy mạch lạc còn lúng túng, làm sai thì con trẻ làm sao có thể hình dung nổi hình trong hình để đếm cho đủ. Cho nên nói bài này đánh đố không sai!

Tiếng Việt cũng thế. Câu văn chưa bao giờ học, từ ngữ càng “i, tờ”, phân biệt “L” với “N”, “X” với “S” còn đang “đánh vật”, thế mà học sinh phải làm tập làm văn, mặc dù với số lượng câu không nhiều. Nhưng vấn đề là chưa biết thế nào là câu, không có vốn từ ngữ trong đầu thì không thể làm được, nhất là đối với những bài văn tả chân dung. Còn những bài tả động vật như loài chim hay động vật mà em yêu thích... thì còn khó nữa, trẻ ở thành phố gần như “bó tay” với đề tài này, hầu như đều nhờ... bố mẹ làm hộ!

Lớp 1, 2 đã khó đương nhiên lớp 3, 4... càng phải khó hơn và mức độ khó ấy xem ra ngày càng... vô lối. Ở môn tiếng Việt lớp 3 hay bậc tiểu học nói chung có điểm “nổi bật” là có rất nhiều bài tập đọc lấy từ tác phẩm văn học nước ngoài. Nếu như những tác phẩm này được Việt hóa sẽ dễ dàng hơn cho học sinh bao nhiêu trong việc tập đọc. Nhưng khổ nỗi, những tên riêng của thành phố hay nhân vật toàn viết phiên âm rất khó đọc, học sinh đọc chẹo cả lưỡi mà không được. Chưa nói đến những phiên âm ấy có chuẩn không nếu không sẽ dẫn học sinh đến tình trạng: “loạn” cả hai ngôn ngữ. Ví như: Xu-khôm-lin-xki, Blai-tơn, Ê-đi-Xơn... 

Nhưng vô lý nhất là bắt học sinh tả chân dung một người trí thức, tả phong cảnh, lễ hội mà chỉ nhìn vào bức tranh trong sách giáo khoa... Đến nhà văn tài ba đến mấy, “văn hay chữ tốt” đến mấy với cách làm văn này cũng khó có thể viết nổi huống hồ học sinh, văn chương chữ nghĩa vẫn còn xa lạ, mờ mịt lắm. Ngay một giáo viên cũng thốt lên: “Đề bài này học sinh làm sao nổi”. Không hiểu có phải các nhà xây dựng chương trình có ý định biến tất cả học sinh thành thần đồng của thần đồng với cách cảm thụ, làm văn như vậy? Tiếng Việt lớp 4 lại còn dạy từ Hán: “Tham tri chính sự”, “Gián nghị đại phu”, “di chiếu”... trong bài “Một người chính trực”. Thật là làm khó học sinh!

... Đến lớp lớn

Không chỉ tiểu học mà bậc THCS cũng có những bài “hóc” chẳng kém, đặc biệt là trong ngữ văn lớp 7. Theo lẽ thường, ai cũng nghĩ rằng, càng lên cao kiến thức càng khó. Nhưng riêng với chương trình văn học, từ cấp THCS lên THPT lại ngược lại, càng ngày càng dễ do được chia theo tuyến tính thời gian chứ không xây dựng trên cơ sở mức độ ngày càng khó của văn học. Cho nên học sinh lớp 7 phải gánh một trong những chương trình ngữ văn khó nhất của cấp học. Các em phải học thơ Đường luật (Thất ngôn bát cú), thơ Đường của những tác giả Lý Bạch, Đỗ Phủ... với tác phẩm: “Xa ngắm thác núi Lư”; “Bài ca nhà tranh bị gió thu phá”; “Đêm đỗ thuyền ở Phong Kiều”... Với những tác phẩm này, phải nói như một học sinh sau khi học xong: “Chẳng hiểu gì”. Như vậy cũng đúng, bởi chỉ riêng phần giải thích từ như bài: “Xa ngắm thác núi Lư” chẳng hạn đã chiếm nửa trang sách, dày đặc những chữ là chữ. Cùng một lúc phải nhớ ngần ấy từ rồi nghĩa của chúng thì học sinh vẫn còn đang “vỡ” và xây dựng vốn tiếng Việt như học sinh lớp 7 sẽ khó nhập tâm nổi. Chưa nói đến ý nghĩa với ẩn ý sâu xa, nếu chưa đủ vốn sống, kiến thức lịch sử, xã hội không dễ mà hiểu nổi bài.

Một giáo viên dạy văn học lớp 7 cho biết: “Tôi đứng trên bục giảng đã hơn 20 năm nay, với những bài này dạy trong một tiết theo quy định của ngành, chưa bao giờ tôi đủ thời gian để dạy học sinh. Bởi chỉ riêng việc giảng từ mới cho các em thôi đã hết giờ rồi. Nói gì đến nội dung của bài. Mà nội dung của bài...”. Giáo viên này chia sẻ tiếp: “Không phải ai cũng giảng được và hầu hết học sinh không hiểu. Cho nên nhiều giáo viên trong số chúng tôi chỉ dạy... qua loa”.

Tương tự, ở lớp 12, với những người đã từng tốt nghiệp đại học, tôi chắc rằng chỉ cần nghe tiêu đề của những nội dung các em phải học cũng sẽ kinh hoàng và đặt câu hỏi: “Không hiểu chương trình dạy cho học sinh phổ thông hay dạy cho... triết gia”. Cụ thể như ngữ văn: “Con đường trở thành kẻ sĩ hiện đại” của tác giả Nguyễn Khắc Viện, bàn về đạo Nho và chữ “Nhân” của đạo Nho cùng với sự “khắc kỷ” (sự nghiêm khắc của đạo Nho với bản thân). Hay: “Tư duy hệ thống”  dạy học sinh phân biệt giữa tư duy hệ thống và tư duy cơ giới”; “Nguồn sức sống mới của đổi mới tư duy” và “Nhìn về vốn văn hóa của dân tộc”.

Tôi nhớ như in, một giáo viên văn của trường Phan Huy Chú khi đăng ký dự thi giáo viên dạy giỏi văn TP. Hà Nội với bài “Con đường trở thành kẻ sĩ hiện đại” và: “Nhìn về vốn văn hóa của dân tộc” của PGS Trần Đình Hượu và sau này cũng đã được giải nhất, nhiều đồng nghiệp bảo chị: “Bị rồ hay sao mà đâm đầu vào bài khó như vậy”. Bởi bài đó đến giáo viên, nhiều người còn “ngô nghê ngọng nghịu” khi giảng cho học sinh thì học sinh, đối tượng chưa bao giờ làm quen với triết học không thể hiểu nổi những nội dung nặng về triết như vậy. Thế nên, mới có chuyện đến những bài ấy, giáo viên giảng qua quýt cho xong.

Còn toán, lý, hóa... thật khó để kể ra đây bởi nó quá sâu và dày đặc những công thức, con số. Chỉ biết như một thầy giáo dạy toán nhận định: Với lượng kiến thức này, cần phải gấp đôi thời gian dạy hiện nay mới dạy hết. Chứ để dạy hết, hiện giáo viên phải nhồi nhét. Mà thậm chí nhồi nhét vẫn không hết kiến thức. Đã thế, kiến thức lại còn khó!

Dạy thêm mới hết bài

Những ví dụ trên đây mới chỉ là phần nhỏ về sự quá tải trong chương trình giáo dục phổ thông ở các cấp học. Còn để kể hết ra đây, chắc chắn sẽ không bao giờ kết thúc được vì quá nhiều đến nỗi “chạm đâu thấy đó”. Và đây chính là nguyên nhân lý giải cho phần lớn giáo viên vì sao phải dạy thêm học thêm (tất nhiên ở đây chỉ bàn đến những giáo viên dạy thêm học thêm với mục đích chính đáng, trong sáng. Còn giáo viên bắt ép học sinh đi học thêm chỉ nhằm kiếm tiền thì không bàn tới). Vì nếu không dạy thêm học thêm, với khoảng thời gian học tập ở trên lớp là 1 hoặc 2 tiết/bài tùy từng môn, cả giáo viên và học sinh không thể “tải” nổi chương trình. Cho nên việc dạy thêm, học thêm sẽ giúp họ có thêm thời gian để tìm hiểu sâu hơn, kỹ hơn về bài học mà ở trên lớp đã không đủ thời gian để tường tận.

Một giáo viên tiểu học đã tâm sự chân thành: “Với lượng kiến thức phải dạy như hiện nay, chúng tôi chỉ lo làm sao dạy hết kiến thức, kịp với chương trình. Chứ để tư duy sáng tạo trong giảng dạy, không còn thời gian đâu. Vì vậy, nhiều giáo viên thương học sinh thiệt thòi, tìm cách dạy thêm cho các em nhằm chuyển tải đến các em cặn kẽ những kiến thức mà ở lớp không thể giảng hết được”.

Còn ông Bành Tiến Long, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo cũng thừa nhận: Chương trình giáo dục hiện nay quá nặng. Do đó, cần phải có một “tổng công trình sư” thiết kế lại toàn bộ chương trình với sự đóng góp, tư vấn của đội ngũ giáo viên dạy giỏi đang đứng trực tiếp hằng ngày trên bục giảng để sao cho khoa học hơn, phù hợp với nhu cầu phát triển của xã hội hơn. Làm được như vậy, mới mong tình trạng dạy thêm học thêm tràn lan được giải quyết tận “gốc”.

Bài ca nhà tranh bị gió thu phá

(Mao ốc vị thu phong sở phá ca)

“... Ước được nhà rộng muôn ngàn gian

Che khắp thiên hạ kẻ sĩ nghèo đều hân hoan

Gió mưa chẳng núng, vững vàng như thạch bàn

Than ôi! Bao giờ nhà ấy sừng sững dựng trước mắt,

Riêng lều ta nát, chịu chết rét cũng được!”.

Đỗ Phủ (Trích trong bài số 11, sách Ngữ Văn lớp 7, trang 131)

Với bài thơ này, mới trình độ lớp 7 mà chương trình đề ra cho học sinh yêu cầu: Phải cảm nhận được tinh thần nhân đạo và lòng vị tha cao cả của nhà thơ Đỗ Phủ, bước đầu thấy được vị trí và ý nghĩa của những yếu tố miêu tả và tự sự trong thơ trữ tình. Hiểu vai trò và biết vận dụng yếu tố tự sự, miêu tả trong văn biểu cảm.


Xuân Bách

Trái đất kỳ diệu với góc nhìn từ trên cao

Trái đất kỳ diệu với góc nhìn từ trên cao

(PetroTimes) - Nếu thay đổi góc nhìn từ trên cao nhìn xuống, chúng ta sẽ vô cùng mãn nhãn và thích thú với một số khu vực trên Trái đất về vẻ đẹp độc lạ, hấp dẫn của chúng.