Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể

Giáo viên là nhân tố quyết định

07:30 | 08/02/2018

1,039 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) tổng thể sắp đưa vào áp dụng cùng sự thay đổi căn bản cả về dạy và học, một lần nữa, câu hỏi về chất lượng giáo viên lại được đặt ra.

Nghịch lý thiếu - thừa

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa công bố Dự thảo chương trình môn học, hoạt động giáo dục trong chương trình GDPT tổng thể mới. Chương trình mới sẽ có 20 môn/hoạt động giáo dục. Trong đó, nhiều môn được thực hiện dạy tích hợp các môn và liên môn, xuyên môn. Một số môn học tích hợp mới như: Lịch sử và địa lý (cấp THCS), khoa học (cấp tiểu học), khoa học tự nhiên (THCS), giáo dục kinh tế và pháp luật...

Chương trình tập trung phát triển năng lực học sinh; trong đó năng lực là sự kết hợp tố chất, phân hóa phát triển kỹ năng của học sinh… Để chuẩn bị các điều kiện áp dụng chương trình mới, Bộ GD&ĐT cho biết, trong thời gian qua Bộ đã xây dựng kế hoạch, chỉ đạo các trường sư phạm trên phạm vi cả nước triển khai các biện pháp bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn của đội ngũ giáo viên (GV) đáp ứng theo yêu cầu của chương trình mới đề ra.

giao vien la nhan to quyet dinh
Giáo viên trong một tiết dạy (ảnh minh họa)

Tuy nhiên, ngay sau khi Bộ GD&ĐT đưa Dự thảo GDPT tổng thể mới xin ý kiến xã hội, thì câu chuyện thiếu - thừa GV lại một lần nữa được nhắc đến. Để chuẩn bị các điều kiện áp dụng chương trình, sách giáo khoa mới, Bộ GD&ĐT đã có báo cáo kết quả rà soát thực trạng điều kiện về đội ngũ GV hiện nay và dự báo nhu cầu khi thực hiện chương trình mới.

Cụ thể, hiện cả nước thiếu khoảng 5.616 GV tiếng Anh, 5.607 GV tin học ở tiểu học. Căn cứ vào lộ trình triển khai, bắt đầu từ năm học 2021 - 2022 đến năm học 2023 - 2024, mỗi năm sẽ phải tuyển bổ sung khoảng 2.000 GV tiếng Anh và 2.000 GV tin học. Đồng thời, rà soát để tuyển dụng số GV tiếng Anh, tin học đang còn trong diện hợp đồng lao động.

Trong khi cấp tiểu học thiếu giáo viên trầm trọng, thì cấp THCS lại đang thừa tới 9.246 GV. Còn cấp THPT, khi thực hiện chương trình mới, số GV dư thừa lên tới 8.874, chính vì vậy Bộ GD&ĐT đề nghị các địa phương cần tính toán nhu cầu tuyển mới hợp lý, trong đó ưu tiên tuyển 5.400 GV dạy môn nghệ thuật (âm nhạc và mỹ thuật) để bắt đầu dạy môn học này từ năm 2021.

Người thầy phải tự đổi mới!

Trước thực trạng vừa thừa, vừa thiếu GV, nhiều chuyên gia, nhà quản lý giáo dục bày tỏ lo ngại, liệu khi áp dụng các môn học theo hình thức mới, tích hợp, đội ngũ này có “theo” kịp? Bên cạnh đó, việc liên môn, tích hợp các môn học cũng kéo theo thực trạng thiếu GV ở các môn học mới và thừa rất nhiều GV ở các môn học “truyền thống”.

Bàn về vấn đề này, PGS.TS Nghiêm Đình Vỳ, nguyên Hiệu trưởng đại học Sư phạm Hà Nội khẳng định, người thầy là gốc trong đổi mới giáo dục vì có chương trình tốt, cơ sở vật chất tốt mà GV không giỏi thì không đảm bảo được chất lượng giáo dục. Theo PGS, tình trạng đào tạo sư phạm tràn lan, không đúng chuẩn chính là nguyên nhân dẫn tới dư thừa GV, chất lượng kém.

Trước đó, trong buổi làm việc với Bộ GD&ĐT về những vấn đề nóng trong ngành sư phạm vào ngày 17-8-2017, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã khẳng định, GV là nhân tố quyết định trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Phó Thủ tướng đề nghị thay vì tập trung đầu tư cho các trường sư phạm trọng điểm, Bộ nên tích cực triển khai ngay phương án “đặt hàng” đào tạo. Phó Thủ tướng nhấn mạnh: “Chúng ta công khai chỉ tiêu, biên chế, việc làm và “đặt hàng” các trường sư phạm thì sẽ thu hút được người giỏi. Và dù số lượng đào tạo ít nhưng các trường sư phạm sẽ tính toán đầy đủ chi phí và tự đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất để đáp ứng yêu cầu “đặt hàng” từ ngành giáo dục”.

Chia sẻ về vấn đề người thầy trong chương trình mới, GS Nguyễn Minh Thuyết - Tổng chủ biên chương trình GDPT tổng thể cũng khẳng định, công tác chuẩn bị đội ngũ GV đáp ứng chương trình GDPT mới trong tương lai là một nhiệm vụ quan trọng, cần gấp rút thực hiện. GV sẽ phải đổi mới phương pháp giảng dạy, nâng cao khả năng tự học, để đáp ứng các yêu cầu cấp thiết của đổi mới giáo dục.

Bên cạnh đó, GS Thuyết cũng cho rằng: “Trước mắt, việc dạy tích hợp không đặt ra yêu cầu một giáo viên phải dạy nhiều lĩnh vực, mà có thể 3 người dạy 1 môn tích hợp. Còn những chủ đề liên môn thì thiên về môn nào, giáo viên môn đó sẽ đứng lớp. Tuy nhiên, về lâu dài, trường sư phạm sẽ xây dựng chương trình đào tạo giáo viên tích hợp”.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: “Chúng ta đổi mới thi cử, xây dựng chương trình, sách giáo khoa đồng bộ, nhưng nhân tố quyết định là con người, trong đó có GV, công tác quản lý của Bộ GD&ĐT”.

Về vấn đề bồi dưỡng giáo viên, ông Hoàng Đức Minh, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT) cho biết, Bộ đã có kế hoạch chi tiết về việc bồi dưỡng GV. Cụ thể, bộ sẽ thực hiện bồi dưỡng GV theo chương trình phổ thông mới, dự kiến thời lượng khoảng 8 ngày, đều cho các môn và các cấp. Đầu tiên là bồi dưỡng GV cốt cán theo hình thức tập trung để làm nòng cốt trong quá trình bồi dưỡng đại trà, mỗi môn ở mỗi cấp sẽ có 2 GV/tỉnh, thành.

Các GV cốt cán này phải chọn để đi hết các cấp học và được bồi dưỡng trước khi bồi dưỡng GV đại trà. Dự kiến, việc bồi dưỡng sẽ được tiến hành vào trong năm học 2019-2020. Ngoài ra, sẽ bồi dưỡng đại trà (chủ yếu qua mạng) kết hợp bồi dưỡng tại chỗ thông qua các bài giảng trên mạng.

Theo kế hoạch của Bộ GD&ĐT, từ nay đến năm 2024, sẽ ban hành chuẩn, tiêu chuẩn GV, giảng viên và cán bộ quản lý; Ban hành các chương trình đào tạo, bồi dưỡng GV, cán bộ quản lý trường phổ thông thống nhất cả nước, trong đó có chương trình đào tạo GV dạy các môn học mới.

Bộ GD&ĐT sẽ giao các trường sư phạm trọng điểm, tiến hành nghiên cứu đổi mới chương trình, nội dung đào tạo để xây dựng mới 50 chương trình đào tạo thống nhất trong cả nước. Các cơ sở này cũng xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng GV đáp ứng yêu cầu và lộ trình đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; phối hợp với địa phương xây dựng chương trình, tài liệu và tổ chức các khóa bồi dưỡng tập trung…

K.An