Chút buồn nơi đất Phật

14:30 | 19/04/2012

535 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Mong chính quyền các cấp quan tâm hơn để cho du khách mỗi khi đến đây ra về lòng nhẹ nhàng thanh thản chứ đừng rời cõi Phật mà lòng trĩu nặng lo âu.

Không khí linh thiêng của những… ngày xưa

Yên Tử từ lâu đã được coi là điểm đến của các tín đồ Phật giáo trong cả nước, ngoài ra nơi đây cũng được nhân dân hướng đến như một địa chỉ tâm linh. Hàng năm lễ hội Yên Tử bắt đầu vào mùa xuân từ ngày 10 tháng Giêng và kéo dài đến hết tháng Ba (âm lịch). Trong cái mênh mông tĩnh lặng của núi non trùng điệp nơi vạn vật đang rộn rã khởi sinh, men theo từng bậc đá uốn lượn qua những đỉnh nhọn và những mái cong của hệ thống chùa – am – tháp xen lẫn chút khói sương bảng lảng giữa rừng già tùng bách, giữa bạt ngàn xanh ngát trúc măng khiến bước chân du khách như chậm hơn, làn hương trầm như chậm bay hơn, tâm trí thấy như nhẹ nhõm hơn để mà cố hít hà lấy không khí linh thiêng của một vùng cõi Phật. Nhưng đó có lẽ chỉ là hồi ức của những ngày xưa.

Chùa Đồng - Yên Tử

Điều khác đầu tiên là Ban Quản lý khu di tích đã cho xây dựng 2 hệ thống cáp treo giúp đưa du khách lên thẳng chùa Hoa Yên với thời gian chỉ tính bằng vài chục phút thay vì con đường quanh co dài gần 6km với hàng ngàn bậc đá len lỏi theo lối mòn xuyên giữa bạt ngàn đá núi cỏ cây, dưới tán là rừng thông rừng trúc. Với các tuyến cáp treo này du khách có cơ hội được nghỉ ngơi ngắm nhìn Yên Tử ở trên cao với tất cả vẻ đẹp của núi rừng và hít thở bầu không khí trong lành. Điều khác thứ hai là nhờ công đóng góp của các Phật tử và du khách thập phương mà hệ thống chùa – am – tháp của Yên Tử đã được cải tạo và xây dựng mới uy nghiêm và lộng lẫy hơn xưa, không còn vẻ trầm mặc cổ kính thường thấy trong các văn liệu ngày trước.

Nền cũ chùa Lân giờ đây là nơi đặt Thiền viện Trúc Lâm Yên Tử, một thiền viện Phật giáo lớn nhất Việt Nam. Thậm chí ngôi chùa vốn được coi là linh thiêng nhất ở trên đỉnh Yên Tử nơi có độ cao 1.068m so với mặt nước biển là chùa Thiên Trúc (dân gian hay gọi là chùa Đồng vì được làm hoàn toàn bằng chất liệu đồng) cũng được đúc lại với quy mô hoành tráng hơn để thay thế cho chùa cũ cao 3m rộng 12m2 (nghe nói nặng tới 60 tấn) giữa non xanh hùng vĩ. Điều khác thứ ba là để phục vụ cho khách thập phương tới tham quan và chiêm bái Yên Tử, Ban Quản lý khu di tích đã cho xây dựng hệ thống dịch vụ ở dọc tuyến từ chùa Giải Oan trở lên để nhằm phục vụ các nhu cầu của khách, đặc biệt trong thời gian lễ hội.

Còn nhiều điều đổi khác nữa mà tự thân du khách có thể rút ra nếu đã có đôi lần được ghé thăm Yên Tử. Nhưng trong sự đổi mới hân hoan này, bên cạnh sự bâng khuâng hoài cổ thường có khi trở lại một chốn nào xưa cũ vấn vương nhiều kỷ niệm thì dường như cũng có đôi điều cần nói về Yên Tử để khỏi làm bận lòng trong giây phút biệt ly, để kẻ lãng du thanh thản trong tâm thế vừa trở về từ cõi Phật. Đó chính là các tệ nạn đang hoành hành một cách có hệ thống tại chính vùng núi linh thiêng này.

Máu của du khách chảy trên núi Yên Tử

Với khoảng cách không xa lắm tính từ thủ đô Hà Nội (125km) trên Quốc lộ 18 (thuộc địa phận thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh) nên vào dịp lễ hội hàng ngày có tới hàng chục nghìn lượt Phật tử và khách thập phương hội tụ về Yên Tử. Khách đông đòi hỏi cơ quan quản lý cũng cần gia tăng lực lượng để giữ gìn đảm bảo an ninh trật tự cho lễ hội và an toàn cho du khách. Khách đông thì đội ngũ dịch vụ “ăn theo” cũng đông theo để đáp ứng theo quy luật cung – cầu. Nhưng khách đông cũng lại là môi trường béo bở cho đội ngũ “cái bang” và trộm cắp. Bỏ qua sự lộn xộn tại các điểm gửi xe và bán vé tham quan, dọc hành trình lên đỉnh Yên Tử du khách luôn ở trong tâm trạng bất an vì sự lo lắng phải bảo vệ tính mạng và tài sản cho mình và người thân.

Khá đông du khách vẫn phải lần theo từng viên đá ngày xưa để lên chùa Đồng phần vì thích tự mình khám phá Yên Tử theo lối ngày xưa, phần vì cáp treo thường quá tải trong những ngày lễ hội. Trời mưa đường trơn trượt, người đông, đi lại khó khăn cộng thêm sức đối phó với đội ngũ dịch vụ dọc đường cùng ăn xin chèo kéo, ít có người còn đủ tỉnh táo để mà thưởng lãm vẻ đẹp trên đường. Chút tỉnh táo còn lại du khách còn phải sử dụng để bảo vệ tài sản của mình trước những kẻ xấu trà trộn vào với du khách hành hương. Tệ nạn móc túi, cướp giật đang diễn ra tại Yên Tử với quy mô và diễn biến đáng lo ngại. Chính người viết đã chứng kiến hôm 31/3/2012 một nhóm du khách ở Hà Nội vừa lên đến chùa Đồng, chưa kịp hành lễ thì bị một gã thanh niên rạch túi và thò tay móc ví, nhóm khách vừa tri hô lên để mọi người xung quanh ứng cứu thì gã và đồng bọn (3 – 4 tên) trà trộn xung quanh đã xông vào đánh và vu ngược lại là nhóm du khách móc túi bọn chúng.

Vụ việc đã gây lộn xộn trên đỉnh chùa Đồng nơi có hàng nghìn người đang chen chúc xô đẩy nhau để cùng hành lễ trên những mỏm đá trơn trượt, đang tranh nhau chạm vào cái khánh đồng để cầu may. Lực lượng an ninh không thấy đâu cả, may sao có một vị sư đứng đó đã chắp tay “Nam mô a di đà phật” rồi khuyên bảo mọi người. Nhóm du khách biết mình gặp rắc rối liền lo xa đi tìm công an và nhờ công an đưa xuống núi để bảo vệ an toàn, chấp nhận bỏ dở cuộc hành hương đầy ý nghĩa. Vụ việc tưởng yên nhưng khi xuống đến An Kỳ Sinh thì một đội mấy chục người tay lăm lăm gậy gộc với dao quắm đã xông vào đoàn du khách. Lực lượng an ninh quá mỏng đã không ngăn cản được sự hiếu chiến của đám bất lương bị phát hiện lột mặt nạ trước đông đảo mọi người.

Vụ ẩu đả đã xảy ra và phần thiệt hại về bên nào thì không nói mọi người cũng đoán được. Nhìn những giọt máu của du khách chảy trên núi Yên Tử chiều ngày hôm ấy tựa những giọt oan khiên nơi cung tần mỹ nữ đã trẫm mình ngày nào mà tạo thành con suối Giải Oan. Vụ việc sau này thế nào thì không rõ nhưng rõ ràng sự an toàn của du khách đã không được quan tâm đúng mức. Rõ ràng người dân biết, du khách biết. Vậy thì hẳn Ban Quản lý khu di tích Yên Tử cũng phải biết sự việc chiều 31/3/2012 tại núi Yên Tử, câu hỏi đặt ra là cơ sở nào cho những diễn biến như vậy xảy ra hàng ngày? Để trả lời cho câu hỏi này trách nhiệm đầu tiên thuộc về Ban Quản lý khu di tích Yên Tử.

Không còn rêu mờ cổ kính, không còn tiếng mõ tiếng kệ kinh chập chờn như chốn huyền không cổ tích. Yên Tử giờ đã thay đổi, sự thay đổi luôn đồng hành với cái được và cái mất. Thôi, xin để cái mất cho những hoài niệm cá nhân của mỗi con người. Chỉ mong Yên Tử hãy vẫn là Yên Tử, là chốn linh thiêng về Phật giáo của Việt Nam, xứng đáng một trong 3 thắng tích của Phật giáo Việt Nam đã được giới thiệu ra với thế giới.

Nguyễn Hùng Sơn

Những địa điểm check-in thú vị ở Bình Định

Những địa điểm check-in thú vị ở Bình Định

(PetroTimes) - Không chỉ được ưu ái với thiên nhiên hùng vĩ, nên thơ, Bình Định còn ghi dấu với loạt câu chuyện lịch sử, văn thơ và nền văn hóa độc đáo...