Chuẩn nào cho sự hở hang?

08:44 | 06/09/2011

706 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Showbiz Việt mấy ngày qua nóng lên với câu chuyện về cái chuẩn của sự hở hang ở một số ca sĩ, người mẫu. Nhà quản lý văn hóa vào cuộc, những quy định mới về nghệ thuật biểu diễn sẽ ra đời để ràng buộc, xử lý những mỹ nhân thích ăn mặc "mát mẻ", khoe thân trên sân khấu. Điều đó có thể một phần kìm hãm cái thói khoe thân của nhiều người đẹp, nhưng chưa đủ để giải quyết vấn đề bởi rõ ràng rằng, cái chuẩn về sự hở hang nằm ở một góc độ khác quan trọng hơn, đó là chuẩn mực của cộng đồng, của truyền thông.

Chuẩn trong cộng đồng

Sau khi những thảm họa nhạc Việt bị lên án, đến lượt chính bản thân những ngôi sao bị các cơ quan truyền thông lên án vì ăn mặc phản cảm trên sân khấu. Vừa qua, hàng loạt người đẹp bị điểm mặt chỉ tên với những hình ảnh xuất hiện trên sân khấu cùng những bộ quần áo hết sức nhố nhăng, thậm chí đó là trong một chương trình từ thiện như Thủy Tiên, Thu Minh, Minh Hằng… rồi đến một giảng viên với trình độ học vấn cao như Nam vương thế giới Ngô Tiến Đoàn cũng gần như cởi hết quần áo, khoe chỗ nhạy cảm nhất với những tư thế phản cảm.

Hàng loạt bài báo, nhận xét của các nhà quản lý văn hóa phân tích, miêu tả sự phản cảm trong trang phục của họ rồi đưa ra lời kêu gọi: Mỹ nhân Việt hãy biết tôn trọng chính mình hoặc cần sự mạnh tay của cơ quan chức năng. Tuy nhiên câu chuyện dài, ngắn, kín, hở của các người đẹp Việt có thật sự phụ thuộc vào lòng tự trọng của họ hay sự mạnh nhẹ của bàn tay quản lý văn hóa? Câu trả lời là… không hẳn như vậy!

Người đẹp Trúc Diễm

Câu chuyện về ăn mặc của những ngôi sao giải trí không phải bây giờ mới bị báo chí lên án. Nó là đề tài muôn thuở đã, đang và sẽ luôn “nóng” để báo chí, nhất là báo mạng quan tâm vì một điều dễ hiểu rằng người đọc cũng có thể tò mò, thích thú với những chuyện như thế. Song, cái chuyện dài, ngắn, kín, hở của mấy người đẹp có đáng phải ầm ĩ như thế hay không? Các nhà quản lý văn hóa có nhất thiết phải đau đầu để ra sức định lượng sự mạnh, nhẹ của công cụ pháp lý.

Vài năm trước các nhà quản lý văn hóa cũng đã từng rất đau đầu với những cuộc tranh luận về độ dài, ngắn của… váy. Tuy nhiên, dù đau đầu thì cái gọi là quy chế biểu diễn chuyên nghiệp cũng đã được ban hành với một điều khoản chung chung, muốn hiểu thế nào cũng được. Đó là cấm trang phục hớ hênh, hở ngực, hở rốn, kinh dị, phản cảm. Tất nhiên với những quy định cho có như vậy thì không thể nào ngăn cản được trào lưu cởi đồ khoe thân của các mỹ nhân. Song, cũng không thể trách các nhà quản lý về điều này, bởi xấu và đẹp là hai phạm trù không có tính bất biến. Có thể cái gọi là đẹp hôm nay là sự xấu xí của ngày mai, cũng như sự hớ hênh của người này là nét hấp dẫn với người khác…

Vì thế mà dưới những bài báo phản ánh về cái váy ngắn, việc khoe ngực, khoe mông, đùi… của những người đẹp bao giờ cũng có hai luồng ý kiến trái ngược nhau, bên thì đồng tình, bên thì cật lực lên án với những lý lẽ hết sức thuyết phục. Và đương nhiên bên nào cũng nhận định chính xác dù ủng hộ hay phản đối.

Có thể nói, cái sự xấu, đẹp mà có giá trị bất biến thì có lẽ giờ này người ta vẫn cởi truồng như thời còn hái lượm rồi! Bởi thế lý do gì chúng ta lại phẫn nộ với cái váy hở hang, với mông, đùi, ngực, rốn của mấy người đẹp trên sân khấu? Nhân danh điều gì để phẫn nộ, lên án họ? Để bảo vệ đạo đức, thuần phong mỹ tục, hay nhận thức thẩm mỹ của cộng đồng… có lẽ tất cả những lý do ấy đều là những lý do hết sức hợp lý.

Đạo đức, thuần phong mỹ tục mà chúng ta đang bảo vệ phải là những giá trị và chuẩn mực của cộng đồng. Khi làm được điều đó thì vấn đề bảo vệ những chuẩn mực ấy không còn cần thiết phải đặt ra nữa. Vì sao vậy? Nếu những cách ăn mặc của các người đẹp hiện nay không phù hợp, đi ngược lại với những giá trị chuẩn mực của cộng đồng thì chắc chắn họ sẽ không ăn mặc như thế. Những người quản lý sân khấu, biên tập, kiểm duyệt chương trình sẽ không chấp nhận sự xuất hiện của họ. Báo chí không đăng ảnh họ, họ cũng không thể qua mặt những biên tập viên để có mặt trên sóng truyền hình. Hơn thế công chúng sẽ ném cà chua, trứng thối vào họ thay vì nhiệt liệt cổ súy như hiện nay.

Khi truyền thông tiếp tay?

Hiện tại, những cuộc tẩy chay của truyền thông, của công chúng trước sự hở hang của những người đẹp không hề diễn ra. Khi mà các người đẹp hở hang không bị tẩy chay bởi công chúng, không bị gạch tên bởi các biên tập viên nên chúng ta buộc phải thừa nhận rằng dẫu sao thì sự hở trên, hở dưới của các em người đẹp vẫn còn phù hợp với chuẩn mực thẩm mỹ, văn hóa, đạo đức của cộng đồng.

Một độc giả báo Tuổi trẻ đã bức xúc rằng: “Hiện nay, báo chí đang góp phần cổ vũ cho nghệ sĩ khoe thân khi đăng tải những hình ảnh mát mẻ, không quần áo… Đa phần những bài báo đó lại “vô thưởng vô phạt”. Thử hỏi, khi đã được “công cụ truyền thông xã hội” tiếp tay như thế thì sức ảnh hưởng còn có gì chặn lại được. Báo chí là công cụ truyền thông xã hội thì cũng cần có chính kiến và định hướng người xem, không thể chấp nhận những bài báo “nước đôi”, đúng cũng được mà sai cũng chẳng sao. Rất buồn khi những tấm ảnh đó cứ phát tán trên mạng Internet và cả những tờ báo chính thống mà không có lời giải thích nào của các nghệ sĩ thỏa đáng!”.

Nam vương Ngô Tiến Đoàn.

Rõ ràng, một khi các người đẹp ý thức được rằng sự hở hang là phù hợp thì dại gì mà họ không làm bởi điều đó có thể nhanh chóng biến họ thành một cái tên sốt sình sịch chỉ sau vài ngày. Địa vị, danh vọng, tiền bạc, sự nổi tiếng có thể nhanh chóng biến con người ta trở nên phù phiếm, huống chi đó là mục tiêu, là cái đích đến cốt lõi nhất của nhiều cô cậu ca sĩ, người mẫu trẻ khi dấn thân vào lĩnh vực mang nặng danh vọng này. Sẽ không có gì lạ khi không ít người đẹp hiện nay nghĩ rằng làm cái gì sốc, kinh dị để càng bị thiên hạ chửi, lên án, truyền thông đăng bài phản ánh thì càng nhanh nổi tiếng.

Tôi còn nhớ trước đây, sau vài ngày người đẹp Trúc Diễm bị nhạc sĩ Trần Tiến chê hát quá tệ trực tiếp trên sóng truyền hình, trong một buổi cà phê thì người quản lý của cô nói rằng nhờ thế mà báo chí đăng tin bài dồn dập, hình ảnh, thông tin của cô lan tỏa mạnh khiến cô càng nổi tiếng và càng có nhiều sô diễn hơn, đồng thời không quên nói lời thành thật cảm ơn chú Tiến! Hay một đứa con bất hiếu với mẹ đẻ đã hy sinh vì mình như Ngọc Trinh, chỉ cần những tấm ảnh mặc đồ lót thì đã “hot” và đạt danh hiệu hoa hậu gì đó ở nước ngoài một cách hết sức dễ dàng!

Một cách công bằng, thay vì kêu gọi lòng tự trọng của những người đẹp đồ lót, những ca sĩ dị hợm thì hãy kêu gọi lòng tự trọng của công chúng cùng những người đang nắm quyền trong tay giới thiệu hình ảnh của những người đẹp hở hang trên phương tiện truyền thông của mình, đó mới là cốt lõi nhất. Điều đó cũng đã được khẳng định bởi, Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn Vương Duy Biên khi được hỏi về việc sẽ xử phạt thế nào với những cụ thể của việc chụp ảnh nude, thực hiện quay clip “thảm họa” rồi phát tán trên mạng như vừa qua.

Ông nói: “Chẳng làm gì được, họ tự phát tán lên mạng thì làm gì được họ. Báo chí cứ đăng dù theo cách phê phán thế nào đi chăng nữa cũng chỉ khiến người ta tò mò và vào xem nhiều hơn”. Ông cũng cho biết việc quy định xử phạt chi tiết cái váy dài, ngắn bao nhiêu cũng rất khó khăn, thậm chí không thể mà chỉ có thể dùng từ “trái với thuần phong mỹ tục” hay “phi thẩm mỹ” mà thôi. Nói vậy phải chăng chúng ta đang bất lực với những “thảm họa” thời trang, âm nhạc đang đầy rẫy như hiện nay? Sự thật sẽ là như thế nếu cộng đồng và truyền thông vẫn thiếu cái chuẩn của mình!

Trách nhiệm xã hội của nhà báo

Một nhà báo lão làng nhận định rằng, sự khác biệt của những tờ báo chính thống với những mạng xã hội chính là nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp, là trách nhiệm xã hội của người làm báo. Đó là chân lý hoàn toàn chính xác, khi đạo đức nghề nghiệp và quan trọng là trách nhiệm xã hội của người làm báo, cơ quan truyền thông thấp kém thì sẽ tạo ra nhiều mối nguy hại cho xã hội, cho đồng loại mình.

Nhắc đến những chuẩn mực của truyền thông ngày nay, không thể nào không nhắc tới việc liên tiếp đưa tin, bài, hình ảnh, clip về “clip sex sinh viên tự quay” gây xôn xao cư dân mạng. Những nhân vật trong cái clip tự quay đó không phải người nổi tiếng, cô gái không phải “hotgirl” cậu bạn trai cũng không phải tay chơi đình đám. Họ chỉ là hai sinh viên hết sức bình thường, hai bạn yêu nhau đắm say và cẩu thả của tuổi trẻ. Xét trên mọi khía cạnh của truyền thông thì những đoạn clip tình yêu đó không có lý do gì để trở thành một câu chuyện thời sự, bởi đoạn phim được quay từ hơn một năm trước. Vậy mà nó lại trở thành thời sự, thành tin tức được truy cập nhiều trên các trang báo điện tử. Và ở nơi công cộng, đám trẻ sành điệu, những công chức bảnh bao, thậm chí những thầy giáo cũng háo hức xem rồi bình phẩm.

Thật ra thì những cái clip ái ân đó có gì đâu mà bình phẩm! Một cô gái có vẻ mặt ngoan hiền, đôi phần dại dột, một cậu trai mới lớn không giấu được sự háo hức với trò chơi ái tình, đó có thể là hình ảnh của bất cứ ai một thời tuổi trẻ hiện nay. Nó chỉ khác ở chỗ chuyện tình của họ không may mắn vì sự bất cẩn của chính họ và thói tò mò ác ý của đồng loại. Rõ ràng đôi bạn trẻ ấy không phải người của công chúng để có thể trơ trẽn sử dụng sự không may này mà tạo “scandal” để nổi tiếng. Trái lại họ sẽ đối mặt với một tương lai không bằng phẳng, thậm chí khó khăn trên con đường mưu cầu hạnh phúc, họ sẽ bước vào cuộc đời với những tiếng xì xào, những cái nhìn ác ý, những lời dè bỉu sau lưng không hề dễ chịu mà chẳng thể trách được ai.

Họ trách ai bây giờ khi sự lơ đãng dại dột của bản thân đã khiến họ trả giá. Nhưng, cái giá mà họ phải trả có thể không quá đắt nếu như không có sự vô tâm ác ý của đồng loại. Từ một đoạn phim được quay làm kỷ niệm, lẽ ra nó sẽ chỉ là một kỷ niệm nếu không có thú vui bệnh hoạn của cậu bạn nào đó khi đem đoạn phim chia sẻ trên Internet.

Thậm chí, ngay cả việc đoạn phim được đưa lên mạng xã hội, nó cũng sẽ không bị “nhân bản” tràn lan hay thu hút như một câu chuyện thời sự nếu như không được sự trợ giúp của các tờ báo điện tử “uy tín” bởi nó cũng không phải là một “Adult video” của diễn viên chuyên nghiệp phim “khiêu dâm” nổi tiếng của thế giới. Thậm chí, ngay cả khi trang chia sẻ video trực tuyến You tube đã xóa đoạn clip này vì lý do nhạy cảm thì nó lại được những báo điện tử khác “tường thuật” lại một cách như “có trách nhiệm” khi đăng ảnh gợi cảm của nhân vật và làm mờ khuôn mặt trên trang nhất.

Ranh giới mong manh

Câu hỏi được đặt ra là mục đích đăng tải câu chuyện, hình ảnh trong những clip ái ân ấy là gì? Để cảnh báo các bậc phụ huynh về xu hướng tình dục trước hôn nhân của giới trẻ? Để nhắc nhở các bạn trẻ về tầm quan trọng của công tác bảo mật thông tin nhạy cảm chăng? Hay mục đích của việc phóng viên ảnh chằm chặp “zoom” ống kính vào những chỗ hở hang, phút hớ hênh nhất của những người đẹp để đăng trên báo mạng là gì? Để họ nhắc nhở các mỹ nữ trong giới giải trí ngày nay nên ăn mặc kín đáo hơn trên sân khấu? Để cảnh báo rằng các cô cậu hãy coi chừng các Paparazi ngày nay luôn rình rập những phút sao nhãng của các bạn chăng?

Nhiều bạn trẻ yêu đương cẩu thả không may làm đề tài nóng của báo lá cải.

Thật sự đây không phải là lý do chính đáng để bào chữa cho sự xuất hiện của những bài báo như thế. Lý do đơn giản và tầm thường nhất: Đó là mục đích thu hút sự chú ý của độc giả bằng mọi giá. Thậm chí, ngay cả khi trên các mạng xã hội xuất hiện những lời lên án của cộng đồng về việc đăng tin clip ái ân đó, có tờ báo điện tử vẫn tiếp tục khai thác tâm trạng của những người trong cuộc để thu hút thói tò mò bệnh hoạn của một số người đọc.

Hay một số báo mạng đưa tin phản ánh về những hình ảnh “nóng” của người mẫu, ca sĩ rồi tiếp tục phỏng vấn họ, cho họ giải thích, biện minh kiểu “đó là quyền của tôi”, “sao lại “ném đá” tôi”… Chính những dòng tin đó hay sự tò mò ác ý của một số người đọc đã khiến câu chuyện lẽ ra không có yếu tố tin tức nào trở nên nóng bỏng. Và chính những ngôn từ nhạy cảm được sử dụng trên báo đã trở thành từ khóa để người ta tìm kiếm và phát tán đoạn phim ái ân rộng rãi hơn.

Báo chí đang đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt của các trang mạng xã hội. Để giành chiến thắng trong cuộc cạnh tranh này, xu hướng “lá cải hóa” công cụ báo chí của một số người quản lý, các trang báo mạng không phải là giải pháp đúng đắn, đó chỉ là giải pháp thức thời lệch lạc với chuẩn mực xã hội. Sự khác biệt của những tờ báo chính thống với những mạng xã hội chính là thái độ làm báo, là những nguyên tắc đạo đức, là trách nhiệm xã hội của người làm báo.

Khi nhà báo, đã xa rời những chuẩn mực này, họ đã tự đồng hóa công việc cao quý của mình với việc đưa chuyện vỉa hè. Và một khi đó là xu hướng chủ đạo của báo chí, nhất là những trang báo mạng được cho là chính thống thì sẽ không còn ranh giới giữa báo chí và truyền thông mạng xã hội. Khi đó, việc đưa tin với mục đích hại đồng loại sẽ dẫn dắt báo chí đến kết cục… sát hại chính mình!

Lê Trúc