Bóng đá Việt Nam: Đầu tư tiền tỉ, còn trách nhiệm thì sao?

19:45 | 23/05/2011

932 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Trong trường hợp ông Falko Goetz không hoàn thành mục tiêu thì VFF, đơn vị đã chịu trách nhiệm tuyển chọn và đã chọn lựa rất kỹ nhân sự cho vị trí huấn luyện viên trưởng đội tuyển Việt Nam có chịu trách nhiệm liên đới?

Nếu đội tuyển U23 Việt Nam lại thất bại như đã từng thất bại ở nhiều SEA Games trước, tiền tỉ trôi sông? Ảnh: Bạch Dương

Bản hợp đồng ghi nhớ giữa liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) và ông huấn luyện viên người Đức, Falko Goetz đã hoàn thành. Giờ chỉ chờ ông sang Việt Nam nhận việc nữa là hoàn tất, đội tuyển Việt Nam thế là có một huấn luyện viên trưởng “lẫy lừng” như chính lời các quan chức VFF tuyên bố. Duy câu hỏi trách nhiệm sẽ thế nào thì vẫn còn bỏ ngỏ.

Một trong những điểm nhấn được ông Nguyễn Lân Trung, phó chủ tịch VFF phụ trách truyền thông – cho cánh báo chí hay là, VFF đã đạt được thoả thuận buộc huấn luyện viên Falko Goetz phải lần đầu tiên đoạt được huy chương vàng SEA Games diễn ra vào cuối năm nay tại Indonesia. Bằng không, VFF có quyền đền tiền cho ông Falko Goetz để rồi chia tay.

Nhưng, cho đến thời điểm này, ngoài ông Calisto đã đem về được cho bóng đá Việt Nam chức vô địch AFF cup, vẫn chưa có huấn luyện viên ngoại nào khác đưa đội bóng của chúng ta đến đỉnh cao. Các huấn luyện viên khác đều lần lượt đến rồi đi theo nhịp điệu, lúc đến VFF khen rất nhiều, lúc ra đi lỗi thuộc về họ.

Người ta còn nhớ như in trên sân vận động chính ở Korat năm 2007, ông Nguyễn Lân Trung và ông Mai Đức Chung đã đứng trước các phóng viên cho hay tin, VFF sa thải khẩn cấp ông A. Riedl trước trận đấu cuối cùng của đội tuyển U23 Việt Nam vì lý do, ông A. Riedl đã có quá nhiều lỗi trong việc điều hành đội bóng, “may mà” lãnh đạo VFF đã sáng suốt và nhanh chóng ra quyết định.

Nhắc lại tất cả những điều trên để thấy, việc sa thải một huấn luyện viên không quá khó với VFF, nhất là khi những khoản ràng buộc trên hợp đồng ngày càng rõ ràng hơn bởi nó được soạn thảo với trù tính, tránh thiệt hại nhất khi sa thải gấp. Vấn đề đặt ra là lý nào bỏ ra một số tiền lớn như thế, sa thải là xong.

Tính nhẩm cũng thấy, ông Falko Goetz chấp nhận ký với VFF ở mức lương 22.000 USD/tháng, từ tháng 6 đến hết SEA Games là sáu tháng. Ông Falko Goetz sẽ nhận 132.000 USD. Trong trường hợp, nếu đội U23 Việt Nam không đoạt huy chương vàng như chỉ tiêu đặt ra trong hợp đồng, ông Falko Goetz sẽ nhận thêm ít nhất là hai tháng lương, tương đương với 44.000 USD để chia tay với bóng đá Việt Nam.

Nghĩa là trong khoảng thời gian sáu tháng, ông Falko Goetz sẽ nhận được 176.000 USD, tương đương với hơn 3,5 tỉ đồng, chưa kể các khoản phải chi như thuê nhà, phương tiện di chuyển cho ông Falko Goetz.

Trong đó, theo ông Nguyễn Trọng Hỷ cho biết: “Bộ Văn hoá – thể thao và du lịch sẽ chi trả từ 10.000 – 12.000 USD/tháng cho vị huấn luyện viên này, một nửa lương còn lại sẽ do VFF đảm nhiệm”. Nghĩa là ít nhất 1,2 tỉ đồng từ ngân sách sẽ mất trắng trong trường hợp đội U23 Việt Nam không đạt chỉ tiêu mà VFF đề ra với ông Falko Goetz.

Vì VFF đã tính tới việc sa thải như thế nào cho gọn và nó được thể hiện rõ ràng trong bản hợp đồng nên chúng ta có quyền đặt câu hỏi. Trong trường hợp ông Falko Goetz không hoàn thành mục tiêu thì VFF, đơn vị đã chịu trách nhiệm tuyển chọn và đã chọn lựa rất kỹ nhân sự cho vị trí huấn luyện viên trưởng đội tuyển Việt Nam có chịu trách nhiệm liên đới? Và hình thức chịu trách nhiệm là gì? Hỏi vậy bởi, đã từng có những lúc đội tuyển Việt Nam lẫn đội U23 Việt Nam phải chịu thảm bại, thậm chí bị loại ngay từ vòng đầu tiên như hồi năm 2001 dưới thời ông Dido, năm 2004 dưới thời ông Tavares, năm 2007 dưới thời ông A.Riedl… nhưng chưa từng có một quan chức nào của VFF từ chức vì đầu tư bằng tiền công không hiệu quả.

Một câu hỏi quá khó để trả lời chăng?

SGTT