Xin đừng chối bỏ cuộc đời con!

06:00 | 24/11/2012

4,406 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Có một việc “tréo ngoe” là: Từ khi Bộ Y tế kiên quyết nghiêm cấm công bố giới tính của thai nhi thì việc công bố giới tính thai nhi lại được xem là “cần câu cơm” của các phòng khám thai tư nhân. Đương nhiên, có “cần” thì ắt có “cơm”, nhiều ông bố, bà mẹ sẵn sàng trả tiền để biết sớm nhất giới tính của con mình. Và rồi dẫn đến tình trạng, nhẹ thì buồn bã hắt hủi con gái, nặng thì… giết con. Quá đau lòng khi sự thực ấy lại đang diễn ra hàng ngày, hàng giờ ở trong xã hội có thể xem là văn minh này. Đau lòng vì thực trạng ấy liên quan đến tính mạng và lương tri con người!

Bố mẹ xin đừng… giết con!

Đến bây giờ, đã mấy năm trôi qua nhưng tôi vẫn đau đáu cảm giác rùng rợn, bải hoải chân tay khi nghĩ đến câu chuyện có thể coi là… thất tâm của gia đình người bạn tôi. Chuyện thế này: Anh bạn tôi người Hưng Yên, là con độc đinh trong dòng tộc tương đối gia thế ở huyện Phù Cừ. Anh là kỹ sư xây dựng, làm việc ở Hà Nội, vợ anh làm kế toán của công ty liên doanh nước ngoài và đã mua được nhà. Không phải bàn cãi, cuộc sống gia đình anh rất ổn định và là niềm mơ ước của nhiều người. Anh đã sinh được một cháu gái, năm đó cháu 4 tuổi, rất xinh xắn và ngoan ngoãn. Vì anh là con một lên trách nhiệm sinh cháu đích tôi nối dõi tông đường đè nặng lên vai anh chị. Sau khi chuẩn bị tất cả các biện pháp đông tây y kết hợp với cúng bái, vợ anh quyết định mang thai đứa con thứ hai và cầu trời khấn phật đó là con trai.

Thai được 3 tháng, anh đưa vợ lên một phòng khám tư trên đường Phan Chu Trinh để khám. Bác sĩ thông báo “cháu giống mẹ”, anh chị buồn rã rời. Vẫn chưa tin, đợi cái thai sang tháng thứ 4, họ dắt díu nhau đi siêu âm một lần nữa. Bác sĩ vẩn bảo “bố cháu đẹp trai nhất nhà”. Áp lực đè nặng, sau khi bàn bạc tự động viên nhau, vợ chồng anh quyết định cắn răng, nhắm mắt bỏ đứa con ấy đi. Hôm đưa cái thai trong bụng mẹ ra ngoài, chẳng hiểu lương tâm cắn rứt thế nào, anh chồm vào nhìn đứa con lần cuối. Đứa bé ấy là bé trai, “chim cò” rõ mồn một!

Trẻ em luôn có quyền được hưởng hạnh phúc

Anh gục xuống như người sắp chết. Lúc đã tỉnh táo, anh hộc lên đòi cầm dao bầu xuống đâm chết bà bác sĩ hai lần siêu âm cho vợ anh. Người nhà phải ngăn lại, trói tay anh dắt về nhà. Cả gia đình sốc nặng, nhà lúc nào cũng u ám như đưa đám. Đau đớn hơn, đã mấy năm, chẳng hiểu có phải do lần nạo thai ấy, chị vợ anh không thể có thai một lần nữa. Việc ấy, tôi chỉ biết có vậy, anh cũng chẳng kể thêm gì.

Một lần, đến nhà anh chơi, đứa con gái thơ ngây của anh giật áo tôi hỏi khẽ: “Chú ơi, cháu là con gái, bố mẹ vẫn nuôi cháu là sao?”. Tôi bất giác rùng mình và từ đó cứ mỗi lần đến nhà anh, tôi vẫn không thể nào quên được cái cảm giác đó.

Mới đây, anh Hoàng Văn T, ở phố Gia Quất, phường Thượng Thanh, quận Long Biên đã đang tâm hại chết đứa con đẻ của mình chỉ vì vợ nói dối kết quả siêu âm là con trai. Vì biết chồng mong có thằng “chống gậy”, vợ anh T đã âm thầm đi khám siêu âm giới tính. Biết kết quả là con gái, sợ chồng bắt “giải quyết” cái thai trong bụng, chị Huyền - vợ anh T đã quyết định giấu bằng được cho đến ngày sinh nở. Ngày đứa bé chào đời, anh T mới ngã ngửa bị vợ lừa, trong lúc nóng giận, anh T đã lồng lộn như con thú điên, bước vào phòng hồi sức, nơi vợ vừa sinh con, giằng đứa bé đang nằm thiêm thiếp trên tay vợ, xé đôi đứa trẻ, rồi bỏ đi. Chỉ đến khi bị cơ quan chức năng bắt giữ, anh T mới ăn năn, hối hận về hành vi của mình.

Có một câu chuyện khác. Ấy là câu chuyện của bà Lê Thị Hợp, công nhân hợp đồng tại Công ty Môi trường Đô thị số 3 - Hà Nội. Nghề của bà là dọn rác, và thi thoảng bà lại nhặt được xác... hài nhi bị bỏ rơi. Tôi đặc biệt khiếp hãi khi nghe về lần đầu tiên bà trông thấy xác hài nhi bị bỏ rơi. Đó là một buổi trưa đầu hạ nắng gắt như thiêu. Bà hợp cùng cánh đồng nát đang ngồi tránh nắng ở khu vực sau Bệnh viện Phụ sản. Lúc ấy, có một người đàn ông đi chiếc xe ga sang trọng, chở sau lưng là người đà bà nục nịch, cầm trên tay một chiếc túi nilon khá nặng. Nhìn từ xa, chiếc túi nilon mang màu rực rỡ, khiến mấy chị đồng nát tò mò nghĩ rằng biết đâu trong có “món đồ” gì kha khá. Nghĩ rồi một chị nấn ná đi theo họ. Người đàn bà trên xe thấy thế huých tay cho lái xe rồ ga phóng vào chỗ khuất của những chiếc thùng rác ngoài cổng bệnh viện, vất bịch chiếc túi xuống và biến mất.

Nhưng chỉ ít giây sau, tiếng hét thất thanh của cô hàng đồng nát khiến bà giật mình, quay lại đã thấy gương mặt chị ta tái mét không còn giọt máu. Bà chạy lại mở to chiếc túi ra. Hỡi ôi, bà Hợp khi đó không dám tin nổi vào mắt mình: trong túi là một hài nhi kháu khỉnh, là con gái, nặng chừng hơn 1 kg, đỏ hỏn nhưng đã tắt thở, da thịt bắt đầu lạnh toát. Đôi mắt nhòa đi, bà run rẩy chắp tay vái lạy trời đất. Mồ hôi trên trán vã ra như tắm, nước mắt bà chỉ trực trào.

Về sau hỏi ra mới biết, đôi nam nữ ác nhân ấy chuyên tổ chức dắt mối đẻ thuê. Khi cái thai không đúng như ý muốn của gia chủ, họ sẵn sàng bỏ đi.

Độc chiêu của phòng khám tư

Những câu chuyện này, dù ở hoàn cảnh nào, dù ở gia đình nào cũng là những chuyện hết sức đau lòng mà những đứa trẻ tội nghiệp không được làm người vì chúng là bé gái. Nạo phá thai vốn dĩ đã là tội ác và hành vi giết đứa con sơ sinh đã là tội ác đáng báo động cho cả xã hội. Các cơ quan chức năng, nhiều tổ chức nhân đạo, bảo vệ con người thì cho rằng, để xảy ra tình trạng này có lỗi rất lớn của những cơ sở y tế chuyên siêu âm cho sản phụ.

Chẳng cần làm một cuộc điều tra gì công phu, sự thật ấy diễn ra hàng ngày, hàng giờ tại những phòng khám tư nhân, và cả những bệnh viện lớn, có uy tín hẳn hoi. Ngày nay, tôi chưa hề gặp một ông bố bà mẹ nào mà đến tận khi đứa con được sinh ra mới biết giới tính của nó (tất nhiên, trừ những vùng miền xa xôi không có điều kiện thiết bị siêu âm hiện đại). Nếu có thể được, dù là con đầu, chẳng quan trọng lắm chuyện trai gái nhưng họ vẫn tìm đủ mọi phương cách để biết được sớm nhất giới tính của con.

Biết trước giới tính thai nhi sẽ làm mất cân bằng giới ở Việt Nam

Nói không ngoa, những ông bố thường lấy lòng vợ bằng câu cửa miệng: “Ối dào, con nào mà chả là con. Trai gái thì đều là con mình dứt ruột đẻ ra. Chúng lớn lên hiếu nghĩa với cha mẹ là mình có phúc rồi”. Nói thì nói vậy nhưng khi biết con mình là con gái thì vẫn buồn, trừ trường hợp họ đã có con trai rồi, bây giờ chỉ muốn có nếp có tẻ. Điều này nghiễm nhiên xảy ra ở một xã hội nặng văn hóa Á Đông như ở Việt Nam.

Và, đương nhiên, những phòng khám tư nhân, những cơ sở đa khoa chăm sóc sức khỏe sản phụ biết được tâm lý này. Họ chẳng dại gì mà không rỉ tai các ông bố bà mẹ về giới tính của đứa trẻ thành hình. Thai nhi được 3 tháng thì nhìn lờ mờ được giới tính, thai nhi đến 4 tháng thì gần như chắc chắn, cứ đến ngày là họ đưa nhau đi siêu âm.

Trong vai một ông bố trẻ đầy “trách nhiệm”, tôi đưa một đồng nghiệp nữ đang có bầu đi… khám thai tại một phòng khám trên đường Phan Chu Trinh. Xin được nói thêm rằng, đoạn phố Phan Chu Trinh tuy không dài nhưng từ lâu đã nổi tiếng là “phố siêu âm” bởi la liệt những phòng khám sản khoa nhấp nháy ánh đèn trên những bảng quảng cáo cỡ lớn. Việc khám thai không gặp bất cứ trục trặc gì, phòng khám rất rộng và sạch sẽ, bác sĩ trực tiếp khám rất nhiệt tình, máy móc thì hiện đại. Mọi việc xong xuôi, sức khỏe thai nhi rất ổn định, bác sĩ tư vấn qua cho sản phụ các bồi bổ cơ thể để dưỡng thai. Trước khi đứng dậy ra về, tôi hỏi: “Cháu là trai hay gái ạ?”.

Người bác sĩ quay lại nhìn tôi chằm chằm rồi nói: “Pháp luật đã quy định rõ ràng rồi, chúng tôi thông báo giới tính của con cậu là chúng tôi đang phạm pháp đấy. Thôi, mà con nào chẳng là con, đến lúc sinh ra mới biết thì đã sao”. Nghe nói vậy, nhưng tôi vẫn gặng hỏi, thậm chí là năn nỉ người bác sĩ. Lúc này, bà ta mới ngân nga: “Đầu lòng hai ả tố nga/ Thúy Kiều là chị em là Thúy Vân. Sướng nhất cậu rồi đó”. Thế là cũng đủ biết: đứa trẻ mà người đồng nghiệp của tôi đang mang thai là bé gái.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, để lách quy định về việc cấm công khai giới tính thai nhi tại các cơ sở y tế thì các bác sĩ trực tiếp khám thai có vô vàn cách để thông báo với khách hàng. Thai nhi là bé gái thì đại loại ám hiệu là: “đái ngồi nhé”, “váy nhé”, “xinh giống mẹ” hoặc kín hơn nữa là “không giống bố rồi”. Thai nhi là bé trai thì: “cái gậy rồi”, “chim rất hoành tráng”, “đái đứng rồi”, “quả ớt nhé”… Thậm chí, để nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng, nhiều cơ sở còn khoanh đỏ vào “chim” của đứa trẻ để cả họ cùng nhìn cho thích!

Một bác sĩ siêu âm làm việc cho cơ sở khám chữa bệnh khá lớn ở quận Hai Bà Trưng tâm sự, anh không khắt khe khi được thai phụ hỏi về giới tính của con: “Bản thân tôi cũng không thể biết được mục đích của khách khi hỏi về giới tính của con mình. Khi được hỏi, họ đều khẳng định là chỉ vì tò mò, muốn biết thật nhiều thông tin về con mình mà thôi, hoặc biết trước để mua sắm quần áo, đồ đạc. Nên, tôi không nỡ từ chối họ”. Một bác sĩ khác thì thừa nhận: “Mình không nói thì họ cũng hỏi được ở chỗ khác thôi chứ chả ai đợi đến lúc sinh mới biết con mình trai hay gái. Mình khó tính quá, họ lại không đến nữa”.

Thậm chí, vì quá nôn nóng, nhiều người còn tìm đến thầy lang bắt mạch để đoán giới tính khi cái thai mới được 2 tháng. Trên các trang mạng xã hội, người ta cũng chia sẻ nhau những kinh nghiệm dân gian để nhận biết giới tính thai nhi từ tướng mạo, tướng bụng đến xem tuổi, xem chỉ tay.

Những đứa trẻ này, dù gái hay trai cũng đều xứng đáng được làm người

Nói về tình trạng này, Tiến sĩ Nguyễn Danh Cường, chuyên gia chẩn đoán trước sinh Bệnh viện Phụ sản Trung ương, nhận xét rằng hiện tượng bác sĩ siêu âm cho biết giới tính thai nhi là cực kỳ phổ biến ở các phòng mạch tư. Thậm chí khả năng chẩn đoán sớm và chính xác “trai hay gái” trở thành điểm mạnh “hút khách” của một số cơ sở.

Theo ông Cường, mặc dù lý do muốn biết giới tính thai nhi của mọi người rất nhiều chỉ là tò mò, nhưng chắc chắn có những trường hợp muốn phá thai chỉ vì bé là gái. Hiện nay việc chẩn đoán giới tính thai nhi có thể đúng đến 70% ở tuần thứ 12, và chính xác ở tuần thứ 14-16 với những bác sĩ giỏi. Đây là khoảng thời gian vẫn có thể phá thai. Việc phá thai vì nguyên nhân này, dù chiếm tỷ lệ rất nhỏ, vẫn góp phần tạo nên tình trạng mất cân bằng giới tính đáng báo động hiện nay.

Tuy nhiên, việc thực hiện nghiêm ngặt quy định cấm chẩn đoán giới tính thai nhi là hầu như không tưởng. Bệnh viện Phụ sản Trung ương từ lâu đã thông báo không cho phép bác sĩ tiết lộ giới tính em bé cho thai phụ, nếu vi phạm sẽ phạt nặng. Tuy nhiên, Tiến sĩ Trần Quốc Việt, Phó giám đốc bệnh viện, cũng thừa nhận rằng không thể chắc chắn quy định này không bị vi phạm.

“Bác sĩ nói riêng với bệnh nhân chứ đâu có ghi “con trai” hay “con gái vào tờ kết quả, lại còn nói bằng ký hiệu nữa, làm gì có chứng cứ để phạt. Mà việc bệnh nhân viết đơn khiếu nại vì bác sĩ thông báo giới tính thai nhi cho họ thì chắc không bao giờ có” - ông Cường nói.

Lỗi tại ai?

Trong khi luật đã quy định rõ ràng tại Điều 10, Nghị định 104/NĐ-CP của Chính phủ là: Nghiêm cấm các hành vi lựa chọn giới tính thai nhi như tuyên truyền, phổ biến phương pháp tạo giới tính thai nhi... Chẩn đoán để lựa chọn giới tính thai nhi bằng các biện pháp xác định qua triệu chứng, bắt mạch, xét nghiệm máu, gene, nước ối, tế bào, siêu âm... Loại bỏ thai nhi vì lý do lựa chọn giới tính bằng các biện pháp phá thai, cung cấp, sử dụng các loại hóa chất, thuốc và các biện pháp khác. Trong khi các cơ quan chức năng tuyên truyền rốt ráo về tình trạng mất cân bằng giới tính đang xảy ra thì tình trạng thông báo giới tính thai nhi vẫn hàng ngày hàng giờ xảy ra tại các phòng khám.

Suy cho cùng, việc cấm các phòng khám tư không được thông báo giới tính thai nhi cho khách hàng không phải việc dễ khi mà họ có vô vàn cách lách được luật. Và, khi có bất cứ một bé gái nào bị bỏ đi khi chưa kịp chào đời, xã hội chỉ chăm chăm đổ lỗi cho luật pháp thì lỏng lẻo, bác sĩ thì vì tiền mà thất tâm. Sao chẳng ai chịu nhận lỗi về mình, trong khi, lỗi của chính những người bố người mẹ - những người nằng nặc đòi biết giới tính của con mình và nặng nặc đòi bỏ nó đi là lỗi lớn nhất. Những người bố người mẹ ấy vì lòng vị kỷ, vì cái danh hão huyền đã quên đi trách nhiệm của một người cha người mẹ, và vô tình băng qua lương tri của con người. Cái tội đó pháp luật nào xử phạt?

Tuổi thơ của một đứa trẻ thường lắm diệu kỳ. Những đứa trẻ ngoan dù trai hay gái thường được bố mẹ đưa đi chơi trên đoàn tàu xình xịch trong công viên. Những bánh ray ấy ngày ngày vòng quanh, như bánh xe đời quay mãi, ở đó những đứa trẻ nhờ tình yêu của bố mẹ chúng mà lớn lên. Có khi nào trong cuộc dạo chơi an nhiên kia, những linh hồn bé bỏng ấy sẽ quên đi những lỗi lầm của cha mẹ chúng? Tôi cho rằng chúng đủ bao dung, bởi một đứa trẻ thơ ngây không bao giờ cần lời xin lỗi…

Phóng sự của Vũ Minh Tiến