Việt Nam xuất hiện siêu vi khuẩn kháng tất cả kháng sinh

09:44 | 24/04/2017

2,301 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Đó là thông báo của các chuyên gia y tế trong Hội nghị Khoa học thường niên chuyên ngành Hồi sức cấp cứu và chống độc lần thứ 16 do Hội Hồi sức cấp cứu và Chống độc tổ chức tại Bệnh viện Bạch Mai mới đây. Tại hội nghị, vấn đề kháng kháng sinh là nội dung “nóng” nhất với xu hướng ngày càng nghiêm trọng khi Việt Nam thuộc nhóm nước có tỷ lệ vi khuẩn kháng kháng sinh cao nhất.

Kháng sinh thế hệ thứ 4

Tại hội nghị, GS Nguyễn Gia Bình, Chủ tịch Hội Hồi sức cấp cứu và Chống độc đã vô cùng lo ngại về tình trạng kháng kháng sinh tại nước ta hiện nay. Theo ông, hầu hết các cơ sở khám chữa bệnh đang phải đối mặt với tốc độ lan rộng của các vi khuẩn kháng nhiều nhóm kháng sinh, đặc biệt là tại các tỉnh phía nam. Cụ thể là tại các khoa hồi sức tích cực của hầu hết các bệnh viện, vấn đề này rất nan giải khi nơi đây tập trung những bệnh nhân nặng nhất, qua nhiều khoa điều trị nhất, dễ nhiễm khuẩn bệnh viện nhất dẫn đến điều trị khó khăn nhất do xuất hiện vi khuẩn kháng đa kháng sinh.

viet nam xuat hien sieu vi khuan khang tat ca khang sinh

PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế cũng cho rằng, hầu hết các cơ sở khám chữa bệnh ở Việt Nam đều trong tình trạng phải đối mặt với khó khăn trong điều trị bởi vi khuẩn kháng nhiều loại kháng sinh đã không còn hiếm hoi. Ông nói: “Trong khi, nhiều quốc gia phát triển đang còn sử dụng kháng sinh thế hệ thứ nhất có hiệu quả thì Việt Nam đã sử dụng tới kháng sinh thế hệ 3 và 4. Đáng lo ngại hơn, ở nước ta đã xuất hiện một vài loại siêu vi khuẩn kháng lại tất cả các loại kháng sinh. Đây thực sự là một điều đáng sợ!”.

Là người trực tiếp thực hiện xét nghiệm liên quan đến vi khuẩn, PGS.TS Đoàn Mai Phương,Trưởng khoa Vi sinh, Bệnh viện Bạch Mai đã đưa ra các thống kê, tại các tỉnh phía nam, tỷ lệ ecoli (vi khuẩn đường ruột) kháng kháng sinh lên tới 74,6%; tỷ lệ kháng của vi khuẩn gây nhiễm trùng K. pneumoniae lên tới gần 60%; vi khuẩn A.baumannii (gây nhiễm khuẩn bệnh viện) có tỷ lệ kháng với hầu hết các loại kháng sinh ở mức trên 90%... Đáng nói hơn, nhóm kháng sinh carbapenem, nhóm kháng sinh mạnh nhất hiện nay cũng có tỷ lệ lên tới 50%, đặc biệt là các vi khuẩn gram âm mang gen kháng thuốc như beta lactamase.

Có đến 80-90% người bệnh tìm đến bác sĩ sau khi đã sử dụng kháng sinh ở nhà không hiệu quả. Các trường hợp này đều có “kịch bản” khá giống nhau: Thấy con sốt cao, bố mẹ nghĩ con bị viêm phế quản, tự ý mua kháng sinh về cho con uống nhưng không đỡ. Theo gợi ý của người bán thuốc, họ cũng đổi qua vài loại kháng sinh nghe nói “tốt hơn, thế hệ cao hơn”, đồng thời cũng đắt tiền hơn. Chỉ đến khi con sốt cao mệt lả mới đưa đến bệnh viện, xét nghiệm thì đã kháng kháng sinh nghiêm trọng.

(Bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai)

Trước tình trạng kháng kháng sinh ở Việt Nam, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã xếp Việt Nam vào nhóm các nước có tỷ lệ kháng kháng sinh thuộc hàng cao thế giới. Nguyên do được các chuyên gia xác định gồm 5 nguyên nhân cơ bản: Thứ nhất, kháng sinh có thể mua dễ dàng như mớ rau ở Việt Nam. Cụ thể ở thành thị kháng sinh được bán ra mà không cần kê đơn của bác sĩ lên tới gần 90%. Ở nông thôn, tỷ lệ này còn cao hơn.

Thứ hai, việc kê đơn của một số bác sĩ cũng gây nên tình trạng kháng kháng sinh khi lạm dụng trong điều trị hoặc “tiếp tay” cho bệnh nhân lười tái khám bằng cách kê đơn kháng sinh mạnh ngay từ đầu. Về nguyên nhân này, một bác sĩ Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương giải thích: “Đôi khi có bệnh lý nếu được thầy thuốc theo dõi sát sao, bệnh nhân khám thường xuyên thì kháng sinh họ sẽ cho sử dụng là loại nhẹ, sau đó thấy không đỡ mới cho dùng tiếp kháng sinh thế hệ cao. Nhưng nếu như bệnh nhân bác sĩ “liệt” vào đối tượng lười tái khám thì họ cho sử dụng kháng sinh mạnh ngay từ đầu vì sợ không theo dõi được diễn biến bệnh sau đó. Thậm chí sợ “mất uy tín”, có bác sĩ cho dùng kháng sinh liều cao ngay để bệnh nhân khỏi bệnh”.

Một khảo sát của Bệnh viện Chợ Rẫy, TP Hồ Chí Minh cho thấy, việc lạm dụng kháng sinh của bác sĩ khi khoảng 50% kháng sinh được bác sĩ kê đơn bất hợp lý; 32% bác sĩ chỉ định sử dụng kháng sinh cho các bệnh nhân không nhiễm khuẩn; 33% bác sĩ sử dụng kháng sinh kéo dài và không cần thiết…

Thứ ba, được các chuyên gia y tế nhận định là sử dụng kháng sinh bừa bãi trong chăn nuôi dẫn đến vi khuẩn trong môi trường cũng trở nên kháng kháng sinh. Khi nhiễm vào cơ thể và gây bệnh cho người, chúng trở thành vi khuẩn kháng kháng sinh.

Thứ tư, tình trạng lây chéo do quá tải bệnh dẫn tới một bệnh nhân có vi khuẩn kháng kháng sinh có thể truyền vi khuẩn kháng kháng sinh cho người khác. Bác sĩ ở Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương nói: “Ở các nước, những bệnh nhân có vi khuẩn kháng thuốc là họ cách ly làm ngăn chặn lan rộng vi khuẩn kháng thuốc. Thế nhưng ở Việt Nam vấn đề này chưa giải quyết triệt để nên tốc độ lây lan của vi khuẩn kháng kháng sinh mạnh hơn”.

Thứ năm, dược sĩ là những người không trực tiếp điều trị. Nhưng ở nước ta, họ vẫn tư vấn, chẩn đoán và bán thuốc. Theo các chuyên gia y tế, điều này là cấm kỵ và thậm chí còn vi phạm đạo đức nghề nghiệp.

Phối hợp nhiều biện pháp

Để hạn chế tình trạng này cũng như để hạn chế tình hình bệnh nhân phải chi trả nhiều, thời gian điều trị, phục hồi kéo dài và nguy cơ tử vong cao do nhiễm vi khuẩn kháng kháng sinh, Bộ trưởng Bộ Y tế đã ra quyết định thành lập nhóm kỹ thuật về giám sát kháng thuốc giai đoạn từ năm 2017-2020 với nhiệm vụ cụ thể tham gia phối hợp, đánh giá, báo cáo giám sát về kháng thuốc và đưa ra các giải pháp ngăn chặn sự gia tăng kháng thuốc của vi khuẩn gây bệnh thường gặp. Đồng thời, phổ cập trong giáo dục để cộng đồng sử dụng thuốc kháng sinh hợp lý; Cần chống lây nhiễm trong bệnh viện và cộng đồng. Hiện Bộ Y tế đã ban hành 700 hướng dẫn chẩn đoán điều trị cho thầy thuốc để sử dụng kháng sinh đúng cách, lập 16 đơn vị giám sát kháng thuốc. Ở mức độ cá nhân, mỗi người cần vệ sinh sạch sẽ bằng cách rửa tay thường xuyên, chế biến thức ăn cẩn thận. Ngoài ra, các hãng dược phải cam kết thuốc kháng sinh lưu hành trên thị trường đều đảm bảo chất lượng, bởi 46% kháng sinh ở Việt Nam được sản xuất trong nước...

Bên cạnh các giải pháp trên, các chuyên gia y tế tham dự Hội nghị Khoa học thường niên chuyên ngành Hồi sức cấp cứu và Chống độc lần thứ 16 cũng cho rằng, để cải thiện tình trạng kháng kháng sinh ở nước ta hiện nay, giới chuyên môn cần cập nhật những hiểu biết mới về sinh bệnh học của nhiễm khuẩn (sepsis) và các ứng dụng trong thực hành lâm sàng ở Việt Nam để làm giảm tỷ lệ tử vong do nhiễm khuẩn.

WHO dự báo, đến năm 2050, cứ 3 giây sẽ có 1 người tử vong do các siêu vi khuẩn kháng thuốc, tương đương với khoảng 10 triệu người mỗi năm. Khi đó, các bệnh thông thường như ho hay chỉ một vết cắt cũng có thể gây tử vong. Tình trạng kháng kháng sinh sẽ làm giảm từ 1,1-3,8% GDP toàn cầu do phải bỏ tiền để ứng phó với kháng kháng sinh và rất có thể nó sẽ làm cho nhiều người bị bệnh kháng kháng sinh phải rơi vào cảnh nghèo đói.

Nguyễn Anh