Thêm một bài học cho Bộ Giáo dục và Đào tạo

07:10 | 27/08/2016

5,535 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
 Chuyện hy hữu của tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2016 là khi kết thúc thời gian xét tuyển đợt 1, các trường vẫn ngơ ngác hỏi nhau: Thí sinh đâu?

Trường Top trên đồng loạt “vét” thí sinh

Lần đầu tiên trong lịch sử Trường ĐH Y Hà Nội công bố sẽ phải xét tuyển bổ sung hơn 200 chỉ tiêu cho 8 ngành: Y Đa khoa, Y học Cổ truyền, Dinh dưỡng, Y học Dự phòng, Điều dưỡng, Khúc xạ nhãn khoa, Y tế công cộng. ĐH Bách khoa Hà Nội sau khi tổng hợp kết quả tuyển sinh đợt 1 đã phải thông báo tuyển bổ sung đợt 2 gần 800 chỉ tiêu cho 26 ngành đào tạo.

Tương tự, Học viện Ngoại giao cũng thông báo điểm nhận hồ sơ xét tuyển bổ sung cho tất cả tổ hợp môn thi. Dù đã thành lập cả một tổ phân tích điểm thi để tránh thí sinh “ảo” nhưng ĐH Thương mại vẫn vẫn phải xét tuyển bổ sung tới 1.450 chỉ tiêu cho 12 ngành. Còn Học viện Báo chí và Tuyên truyền cũng dành tới 500 chỉ tiêu cho 18 chuyên ngành.

Việc các trường thuộc top trên đồng loạt tuyển sinh nguyện vọng bổ sung lớn như vậy trước nay chưa có tiền lệ. Thôi thì đủ các biện pháp được vạch ra như: Gọi điện, nhắn tin, kết bạn facebook mời thí sinh nhập học... chưa khi nào lại “rôm rả” như năm nay.

Học viện Tài chính là một trường luôn đứng ở danh sách “vip” nhưng năm nay phát hiện có tới hơn 1.300 thí sinh không làm thủ tục nhập học.

them mot bai hoc cho bo giao duc va dao tao
Thí sinh đến đăng ký nhập học

Ông Nguyễn Đào Tùng, Trưởng phòng Đào tạo nhà trường chia sẻ: “Với số lượng thí sinh không đến nhập học nhiều như vậy, chúng tôi phải gọi điện chứ nhắn tin thì không kịp. Chúng tôi chỉ đạo các cán bộ tư vấn cần định hướng cho thí sinh chứ không chỉ xác nhận việc có nhập học hay không. Tuy nhiên, hầu hết phản hồi mà Học viện nhận lại là thí sinh đã nhập học trường khác, một số khác thì đang phân vân chưa biết chọn trường nào”.

Nhiều trường “vip” như ĐH Kinh tế TP HCM cũng chung số phận. Chuyện mà ông Trần Thế Hoàng, Phó hiệu trưởng tiết lộ với báo giới cũng khiến nhiều người bật cười. Ông Hoàng kể, để tạo thiện cảm cho thí sinh và phụ huynh đến đăng ký, nhà trường đã lập hẳn kế hoạch đón tiếp cực chu đáo. “Ngay khi bước chân tới cổng trường đã có bộ phận tiếp nhận, hướng dẫn làm hồ sơ. Chúng tôi chuẩn bị cả hội trường lớn, có máy lạnh mát rượi, có cả âm nhạc du dương. Thông tin về các khoa, về trường đều có cán bộ tư vấn trực tiếp, những thông tin cơ bản còn được chiếu cả lên màn hình lớn để phụ huynh và thí sinh tiện theo dõi” - ông Hoàng vui vẻ kể.

Chăm sóc thí sinh là vậy nhưng số thí sinh đến với các trường thấp hơn nhiều so với con số đăng ký. Tỷ lệ thí sinh ảo lại chủ yếu rơi vào những thí sinh có khả năng đỗ, là những học sinh giỏi. Một sự hiển nhiên là vậy, nhưng sự thật này vẫn khiến các trường thuộc top trên bẽ bàng vì người giỏi không vào trường mình.

Giải bài toán “thí sinh ảo”

Đợt xét tuyển nguyện vọng bổ sung đang diễn ra và rất nhiều trường tiếp tục “tung chiêu” để vơ vét thí sinh. Nhưng nỗi lo của các trường đại học vẫn còn chưa dứt khi lại tiếp tục đối mặt với con số “ảo” lớn hơn. Bởi trong đợt xét tuyển bổ sung đợt 1 này, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cho mỗi thí sinh nộp 3 trường, mỗi trường 2 nguyện vọng. Như vậy, nâng con số lựa chọn lên 6 và tỷ lệ ảo đương nhiên lại càng cao.

Với lượng thí sinh ảo lớn các trường không kịp trở tay. Về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT nói: Trước khi tuyển sinh, Bộ GD&ĐT cũng đã tổ chức họp với một số trường để bàn những biện pháp chống ảo như lập nhóm xét tuyển. Trong các cuộc họp, hầu hết các trường chấp nhận khó khăn về “ảo” để các thí sinh được thuận lợi hơn khi đăng ký xét tuyển. Bà Phụng cũng cho biết, khi chốt cơ sở dữ liệu đăng ký xét tuyển đợt 1, Bộ GD&ĐT đã thông tin có 396.496 thí sinh đăng ký vào 602.747 lượt trường để các trường có thêm thông tin tính toán thí sinh ảo.

Theo lý giải của bà Phụng, việc xác định chỉ tiêu của các trường chưa dựa vào thực tế nhu cầu học của xã hội, chưa dựa trên cơ sở phân tích, đánh giá nhu cầu sử dụng của thị trường lao động đối với ngành nghề đào tạo… mà chủ yếu dựa vào năng lực đào tạo tối đa của mình và kinh nghiệm tuyển sinh của năm trước nên so với thực tế, số “ảo” có thể nằm ngay trong số chỉ tiêu được xác định.

Cái lý thì đã rõ nhưng rõ ràng không phải Bộ GD&ĐT vô can trong vấn đề này. Việc giảm thiểu lượng thí sinh ảo cho các trường tưởng chừng dễ dàng nhưng dường như Bộ GD&ĐT không muốn làm. Thực tế, có nhiều yếu tố khiến mùa tuyển sinh năm nay các trường phải “điêu đứng”. Nhiều thí sinh đã nhận thức được rằng: “Đại học không phải là con đường duy nhất”. Thành thử, thay vì lựa chọn việc “dùi mài” 4-5 năm trên ghế giảng đường thì các em đã chọn cho mình con đường học nghề hoặc đi làm sớm. Con số, 32% đăng ký thi THPT Quốc gia 2016 chỉ để xét tốt nghiệp THPT đã nói lên điều này.

Về vấn đề thí sinh ảo, GS Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho rằng: “Để giảm thiểu số thí sinh ảo, Bộ GD&ĐT nên khống chế nguyện vọng 1 tuyển sinh, mỗi thí sinh chỉ được chọn một trường. Còn về phía các trường, Bộ GD&ĐT cũng nên khống chế chỉ tiêu tuyển sinh. Và cũng đã đến lúc các trường nên hạn chế việc tăng quy mô đào đạo, thay vào đó là nỗ lực để tăng chất lượng giáo dục đào tạo.

Hiện nay, nhiều trường chỉ tập trung năng lực cho công tác đào tạo, chưa bố trí nhân lực cần thiết cho công tác khoa học để phát triển trường theo hướng chất lượng bền vững. Chất lượng nhiều trường còn quá thấp so với yêu cầu của xã hội nên người học mới chưa thực quan tâm. Tôi có cảm tưởng rằng, các trường chưa chú trọng tới việc tư vấn nghề nghiệp, tư vấn để lựa chọn trường, ngành có chất lượng đào tạo để đáp ứng nhu cầu của xã hội mà chỉ quan tấm đến chỉ tiêu tuyển sinh”.

GS Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT: “Để giảm thiểu số thí sinh ảo, Bộ GD&ĐT nên khống chế tuyển sinh ở nguyện vọng, mỗi thí sinh chỉ được chọn một trường, thay vì 2 trường như vừa rồi, nếu muốn thêm cơ hội cho các em thì có thể để ở nguyện vọng bổ sung. Còn về phía các trường, Bộ GD&ĐT cũng nên khống chế chỉ tiêu tuyển sinh. Và cũng đã đến lúc các trường nên hạn chế việc tăng quy mô đào đạo, thay vào đó là nỗ lực để tăng chất lượng giáo dục đào tạo”.

Huyền Anh

Năng lượng Mới 552