Việt Nam cần 50.000 nhân lực ngành công nghiệp chip bán dẫn

11:09 | 20/10/2023

128 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Theo dự báo của các chuyên gia kinh tế, tổng nhu cầu nhân lực trong lĩnh vực chất lượng cao ngành công nghiệp chip bán dẫn của Việt Nam trong 10 năm tới khoảng 50.000 người trình độ đại học trở lên.

Ngày 19/10, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức Hội thảo "Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ngành công nghiệp chip bán dẫn từ các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam".

Việt Nam cần 50.000 nhân lực ngành công nghiệp chip bán dẫn
Toàn cảnh hội thảo

Tại hội thảo, PGS,TS. Hoàng Minh Sơn - Thứ trưởng Bộ GD&ĐT chia sẻ: Sự thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là trong các lĩnh vực công nghệ cao đang là điểm nghẽn lớn hiện nay trong thu hút các tập đoàn công nghệ lớn chuyển dịch địa điểm đầu tư nghiên cứu, phát triển và sản xuất sang Việt Nam.

Đặc biệt, từ khi quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Mỹ được thiết lập vào tháng 9/2023 vừa qua, những cơ hội lớn trong hợp tác phát triển các lĩnh vực công nghệ cao như trí tuệ nhân tạo, công nghệ bán dẫn, công nghệ năng lượng mới… đã được mở ra nhưng thực tế triển khai lại đang đứng trước thách thức rất lớn do sự thiếu hụt nguồn nhân lực, cả về số lượng và chất lượng.

Theo PGS,TS. Hoàng Minh Sơn, nguyên nhân chủ yếu dẫn tới sự thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực công nghệ cao nằm ở quy luật khách quan trong quan hệ cung - cầu giữa hệ thống GD&ĐT và thị trường lao động. Trong khi đó, công nghiệp bán dẫn, vi mạch là một ngành có tiềm năng rất lớn trong tương lai về nhu cầu nhân lực trình độ cao, chất lượng cao. Thế nhưng, cũng như nhiều ngành công nghệ cao khác, ngành công nghiệp bán dẫn đòi hỏi mức đầu tư cao và đặt ra yêu cầu về nguồn nhân lực sẵn có. Do vậy, thực hiện chủ trương của Chính phủ, sự chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GD&ĐT đang xây dựng Kế hoạch hành động trong toàn ngành để thúc đẩy triển khai đào tạo, gia tăng nhanh số lượng và chất lượng nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực công nghệ bán dẫn, nhất là kỹ sư thiết kế vi mạch.

Tại hội thảo, các chuyên gia, đại diện các trường Đại học, doanh nghiệp, lãnh đạo Bộ GD&ĐT đã thảo luận, trao đổi về thực trạng, định hướng đào tạo nguồn nhân lực công nghiệp chip bán dẫn trong hệ thống cơ sở Giáo dục Đại học Việt Nam.

Theo Bộ GD&ĐT, trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ của khoa học và công nghệ, đặc biệt trong lĩnh vực điện tử - bán dẫn - vi mạch, phục vụ cho máy móc điện tử và chuyển đổi số đang diễn ra trên thế giới và trong khu vực, các tập đoàn công nghệ thế giới tìm đến những địa điểm phù hợp hơn để đặt cơ sở sản xuất, nghiên cứu.

Hiện có trên 50 doanh nghiệp FDI lớn đã đầu tư vào Việt Nam về công nghiệp vi điện tử và bán dẫn mà trong đó, lĩnh vực thiết kế vi mạch đòi hỏi nhiều nhất nguồn nhân lực chất lượng cao. Hiện tại, có khoảng 5.000 người thiết kế vi mạch đến từ các trường Đại học kỹ thuật; nhu cầu đào tạo trong một vài năm tới khoảng 3.000 người/năm, trong đó sinh viên tốt nghiệp sau đại học chiếm ít nhất 30% (bao gồm cả kỹ sư bậc 7, thạc sỹ, tiến sỹ). Theo dự báo của một số chuyên gia kinh tế, tổng nhu cầu nhân lực trong lĩnh vực này trong 5 năm tới khoảng 20.000 người và 10 năm tới khoảng 50.000 người từ trình độ đại học trở lên...

Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học Nguyễn Anh Dũng cho biết: Trong những năm qua Việt Nam đã có chính sách, truyền thông khuyến khích các cơ sở giáo dục đại học mở rộng, phát triển các ngành đào tạo STEM, trong đó tập trung vào các ngành thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin - truyền thông (ICT), các ngành phục vụ nhân lực Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 - AI, Bigdata… Ông Nguyễn Anh Dũng nhấn mạnh, để đẩy nhanh việc đào tạo nguồn nhân lực công nghiệp chip bán dẫn cần có cơ chế, chiến lược, khuyến khích phát triển công nghiệp bán dẫn; cần có cơ sở vật chất và các phòng thí nghiệm, thực hành hiện đại…; cần có chương trình đào tạo, học liệu, công nghệ giáo dục (phần mềm mô phỏng, thiết kế…)…

TS. Nguyễn Trung Hiếu - Phó trưởng khoa, Phụ trách khoa Kỹ thuật Điện tử 1 (Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông) cho rằng, để giải quyết tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực công nghệ cao ngành bán dẫn, nhà nước và doanh nghiệp cần hợp tác chặt chẽ với các trường đại học. Bởi, doanh nghiệp vừa là nhà sử dụng nguồn nhân lực vừa là nhà đầu tư, đồng thời, doanh nghiệp còn có nhiệm vụ tái đào tạo, đào tạo nội bộ, kết hợp đào tạo, đặt hàng trường đại học, cấp học bổng cho sinh viên. TS. Nguyễn Trung Hiếu khẳng định: Trường đại học vừa là nhà đào tạo vừa là nhà nghiên cứu - đổi mới - sáng tạo. Để đào tạo được các kỹ sư, thạc sĩ, tiến sĩ giỏi về bán dẫn thì bắt buộc phải đào tạo đại học và đòi hỏi sự hợp tác của ba bên hết sức quan trọng là nhà nước, trường đại học và doanh nghiệp.

Nhân dịp này, 5 cơ sở giáo dục đại học gồm: Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, Đại học Đà Nẵng, Đại học Bách khoa Hà Nội, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông cùng ký kết Biên bản Hợp tác liên minh nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh, thống nhất kế hoạch hành động cùng các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam để sẵn sàng đảm bảo, nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ nhu cầu phát triển ngành công nghiệp bán dẫn; đồng thời, thúc đẩy nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, đổi mới sáng tạo để hợp tác hiệu quả với doanh nghiệp bán dẫn trong chuỗi giá trị chip bán dẫn toàn cầu từ nay đến 2030 và tầm nhìn đến 2045; thống nhất đề xuất cơ chế, chính sách với Chính phủ để phát triển số lượng người học, tạo dựng đội ngũ chuyên gia về bán dẫn trong các cơ sở giáo dục đại học.

N.H

Năm 2021: “Sóng gió” liệu có đi qua với ngành công nghiệp Chip?Năm 2021: “Sóng gió” liệu có đi qua với ngành công nghiệp Chip?
Quyết tâm Quyết tâm "bỏ đói" ngành công nghiệp bán dẫn Trung Quốc, Mỹ có được ung dung?
Hà Nội: Phát triển hệ sinh thái cho ngành công nghiệp bán dẫn và kết nối đầu tưHà Nội: Phát triển hệ sinh thái cho ngành công nghiệp bán dẫn và kết nối đầu tư
Thủ tướng mong muốn Tập đoàn công nghệ Amkor tiếp tục hỗ trợ Việt Nam phát triển ngành công nghiệp bán dẫnThủ tướng mong muốn Tập đoàn công nghệ Amkor tiếp tục hỗ trợ Việt Nam phát triển ngành công nghiệp bán dẫn