Đại biểu Quốc hội: Miễn học phí nhưng phải làm rõ cơ chế, tránh phát sinh khoản thu khác

19:47 | 22/05/2025

4 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Chiều 22/5, trong phiên thảo luận tại tổ của Quốc hội về các dự thảo nghị quyết liên quan đến giáo dục và đất đai, nhiều đại biểu đã bày tỏ sự đồng tình cao với chủ trương miễn, hỗ trợ học phí cho học sinh trong hệ thống giáo dục quốc dân. Tuy nhiên, các ý kiến cũng nhấn mạnh yêu cầu đảm bảo tính thực chất và công bằng trong triển khai, tránh tình trạng miễn học phí về hình thức nhưng lại phát sinh nhiều khoản thu khác.

Đồng thuận với chủ trương, nhưng cần làm rõ cơ chế

Tại phiên thảo luận, các đại biểu thống nhất cao với Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về miễn, hỗ trợ học phí đối với trẻ em mầm non, học sinh phổ thông và người học chương trình giáo dục phổ thông tại các cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân.

Đại biểu Quốc hội: Miễn học phí nhưng phải làm rõ cơ chế, tránh phát sinh khoản thu khác
Đại biểu Nguyễn Thị Hà, Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh.

Phát biểu tại Tổ, Đại biểu Nguyễn Thị Hà (Đoàn Bắc Ninh) đánh giá cao ý nghĩa nhân văn và tính ưu việt của chính sách, cho rằng việc miễn học phí sẽ góp phần xóa bỏ rào cản tài chính, tạo điều kiện cho mọi học sinh đến trường, nhất là học sinh có hoàn cảnh khó khăn.

Tuy nhiên, đại biểu cũng cho rằng cần làm rõ hơn cơ chế hỗ trợ đối với các cơ sở giáo dục ngoài công lập. Theo bà, học phí tại các trường ngoài công lập thường cao và rất đa dạng, nếu không quy định rõ mức hỗ trợ, dễ dẫn đến bất bình đẳng và khó kiểm soát hiệu quả sử dụng ngân sách. Đại biểu đề nghị Chính phủ cần có hướng dẫn cụ thể về mức hỗ trợ, hình thức chi trả, có thể là cấp trực tiếp cho nhà trường theo số lượng học sinh hoặc hoàn trả cho phụ huynh, đồng thời cần minh bạch trong thực hiện để đảm bảo đúng mục tiêu chính sách.

Lo ngại "miễn một khoản, thu thêm nhiều khoản khác"

Một vấn đề được nhiều đại biểu đặc biệt quan tâm là tình trạng phát sinh các khoản thu khác trong nhà trường khi áp dụng miễn học phí.

Đại biểu Nguyễn Thị Hà nhấn mạnh: "Cần có hướng dẫn rõ ràng và giám sát chặt chẽ về các khoản thu dịch vụ, thỏa thuận trong nhà trường. Nếu không, việc miễn học phí sẽ không mang lại hiệu quả thực chất mà chỉ là hình thức."

Đại biểu đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cần ban hành danh mục các khoản thu hợp lý, quy định mức trần và có cơ chế giám sát với sự tham gia của phụ huynh và chính quyền địa phương. Chỉ khi đó, chính sách miễn học phí mới thực sự giảm gánh nặng tài chính cho gia đình học sinh.

Đại biểu Nguyễn Thị Hà (Đoàn Bắc Ninh) chỉ ra điểm bất cập trong quy định hiện hành khi giao Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định mức hỗ trợ học phí. Theo đại biểu, đối với các địa phương tự cân đối được ngân sách, việc ban hành nghị quyết đặc thù sẽ thuận lợi. Nhưng với những tỉnh còn phụ thuộc ngân sách trung ương, việc này rất khó thực hiện và dễ tạo ra chênh lệch lớn giữa các vùng miền.

Do đó, đại biểu kiến nghị cần quy định rõ: những tỉnh chưa cân đối được ngân sách thì không phải ban hành nghị quyết riêng, mà áp dụng mức hỗ trợ do trung ương quy định, để đảm bảo công bằng trên cả nước.

Cần làm rõ khái niệm và đối tượng thụ hưởng

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Thị Lan Anh (Đoàn Lào Cai) cho rằng, cần làm rõ khái niệm “cơ sở giáo dục công lập” vì hiện nay đã có một số trường thực hiện cơ chế tự chủ tài chính. Nếu không xác định rõ phạm vi được miễn học phí, có thể dẫn đến cách hiểu khác nhau giữa các địa phương và gây khó khăn trong triển khai.

Về phương thức chi trả học phí cho học sinh ngoài công lập, bà Lan Anh bày tỏ sự băn khoăn: “Ở thành phố, việc chuyển khoản cho phụ huynh rất thuận lợi, nhưng ở vùng sâu vùng xa, điều này lại phát sinh thêm thủ tục hành chính và gây khó khăn”.

Đại biểu Quốc hội: Miễn học phí nhưng phải làm rõ cơ chế, tránh phát sinh khoản thu khác
Đại biểu Y Vinh Tơr (Đoàn Đắk Lắk).

Đại biểu Y Vinh Tơr (Đoàn Đắk Lắk) hoan nghênh chính sách mở rộng hỗ trợ học phí cho cả học sinh ở các cơ sở ngoài công lập, coi đây là bước tiến mạnh mẽ so với các chính sách trước. Tuy nhiên, ông lưu ý cần đánh giá kỹ khả năng cân đối ngân sách, đặc biệt là ở các địa phương còn nhiều khó khăn.

Ông cũng đề xuất ngoài hỗ trợ học phí, cần xem xét chính sách hỗ trợ chi phí ăn ở, học tập cho học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, để đảm bảo cơ hội tiếp cận giáo dục công bằng và toàn diện hơn.

Chính sách miễn, hỗ trợ học phí là chủ trương lớn, đúng đắn và đầy tính nhân văn. Tuy nhiên, để chính sách này đi vào thực chất và mang lại hiệu quả bền vững, các đại biểu Quốc hội kiến nghị cần làm rõ cơ chế hỗ trợ, đảm bảo công bằng giữa các địa phương, tránh phát sinh các khoản thu không minh bạch và tăng cường giám sát thực hiện tại cơ sở.

Huy Tùng

  • bidv-14-4
  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • banner-pvi-horizontal
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan