“Nhịp cầu nối những bờ vui”

09:00 | 06/05/2016

1,569 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Xin được mượn đầu đề bài hát của nhạc sĩ Văn An, lời thơ Phan Văn Từ cho bài viết này. Cầu Cửa Đại (Hội An) thông xe nối hai bờ Nam - Bắc ở hạ lưu sông Thu Bồn là chiếc cầu lớn và đẹp. Cây cầu mở ra một tương lai phát triển cho cả một vùng cát phía nam Hội An…

Thức dậy một vùng đất

Còn nhớ, vào sáng ngày 30-8-2009, tại bến sông thôn Thuận An, xã Duy Nghĩa, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Khi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chính thức phát lệnh khởi công xây dựng cầu Cửa Đại, tôi thấy khóe mắt của nhiều người dân đến dự lễ rưng rưng giọt nước mắt hạnh phúc.

nhip cau noi nhung bo vui
Cầu Cửa Đại. Ảnh: Trí Lê

Người đàn ông xăng xái, chạy qua chạy lại, gặp ai cũng rối rít: “Quý quá, đã quá!”. Hỏi ra mới biết ông là Chủ tịch UBND xã Duy Vinh. Ông bảo tôi: “Xây dựng cây cầu này là dân tôi đổi đời chú ạ”. Vậy là từ nay cá mắm, rau, củ quả của vùng đất này không còn cảnh “tự sản, tự tiêu”; giao thông thuận tiện, từ quê ông ra Đà Nẵng chỉ mất 30 phút đi xe máy, thay cho việc phải vòng lên Quốc lộ 1 mất gần hai giờ đồng hồ; dân quê, nhất là con trẻ không phải “qua sông lụy đò”. Từ nay không còn cảnh mỗi khi con em lên thuyền sang Hội An học là người lớn ở nhà lúc nào cũng như ngồi trên lửa…

Không riêng gì Duy Xuyên đổi đời, mà cả vùng đất phía đông của tỉnh Quảng Nam, trải dài từ Bắc vào Nam đều thức dậy. Rồi mai đây những địa danh, những làng nghề nổi tiếng như: làng mộc Kim Bồng, làng chiếu Bàn Thạch, làng khoai lang Trà Đõa, làng chài lưới Tỉnh Thủy; các làng nước mắm Cửa Khe, An Hòa, làng chài Tam Hải không còn cảnh đìu hiu, sản vật từ bàn tay tài hoa của những nghệ nhân quê sẽ được giới thiệu rộng rãi hơn với bạn bè, sẽ là những sản phẩm du lịch độc đáo của vùng quê xứ Quảng.

Rồi những chợ quê sầm uất gắn liền với những sự kiện văn hóa - lịch sử như chợ Lạc Câu, chợ Nồi Rang, chợ Bà, chợ Được, chợ Tây Giang, chợ Bến Đá… sẽ là những địa chỉ du lịch hấp dẫn du khách thập phương. Các bãi tắm ở Tam Thanh, Bãi Rạng, sẽ là những nơi nghỉ dưỡng đầy quyến rũ. Du khách cũng chẳng phải mất nhiều công sức, ngồi ngắm cảnh sông nước ở Tam Giang, nghe những giai thoại về Thủ Thiệm không kém gì Ba Giai, Tú Xuất. Được xem những buổi diễn độc đáo trong sinh hoạt văn hóa cổ truyền ở địa phương như hát bả trạo trong lễ cầu ngư, rước cộ chợ Bà, hát bội…

nhip cau noi nhung bo vui
Chủ tịch HĐTV PVN Nguyễn Quốc Khánh và Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Đinh Văn Thu ký Hợp tác toàn diện

Ngày 27-3 tỉnh Quảng Nam tổ chức khánh thành công trình cầu Cửa Đại và Tuyến đường ven biển từ Duy Xuyên đến Tam Kỳ. Chưa đầy một tháng sau, vào sáng 24-4, Khu nghỉ dưỡng Nam Hội An trị giá 4 tỉ USD đã chính thức động thổ xây dựng. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đến dự và nhấn nút khởi công. Đây được coi là siêu dự án có vốn đầu tư lớn nhất tại Quảng Nam tính đến thời điểm này.

Khu nghỉ dưỡng nam Hội An có diện tích 985,6ha, thuộc địa bàn ba xã Duy Hải, Duy Nghĩa, huyện Duy Xuyên và xã Bình Dương, huyện Thăng Bình (Quảng Nam), được đầu tư bởi Tập đoàn VinaCapital và Tập đoàn Gold Yield Enterprises. Trong đó, Công ty TNHH Phát triển Nam Hội An (HASD) là nhà phát triển dự án.

Siêu dự án này dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2035, với mục tiêu xây dựng một khu du lịch nghỉ dưỡng phức hợp, giải trí có thưởng, khu vui chơi cao cấp đạt tiêu chuẩn 5 sao, trung tâm văn hóa, thương mại dịch vụ với những hạng mục như khối khách sạn, khu nghỉ dưỡng, trung tâm thương mại, chung cư, biệt thự, bến du thuyền...

Tiến độ dự án được chia làm bảy giai đoạn, trong đó giai đoạn đầu có mức đầu tư 500 triệu USD, triển khai trên diện tích khoảng 163ha gồm: sân golf 18 lỗ đủ tiêu chuẩn phục vụ thi đấu quốc tế, khu nghỉ dưỡng 1.000 phòng được thiết kế theo kiểu biệt thự hay khách sạn; khu trung tâm thương mại và nhiều tiện ích khác. Gần với sân bay quốc tế Đà Nẵng, gắn liền với các di sản văn hóa thế giới là Phố cổ Hội An, Thánh địa Mỹ Sơn và Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm. Khu nghỉ dưỡng cao cấp này được ví như một đòn bẩy đưa Quảng Nam lên tầm cao mới.

Bên lề buổi lễ, tôi có cuộc trò chuyện với ông Đinh Văn Thu, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam. Được biết: Giai đoạn 1, dự án sẽ được đưa vào khai thác năm 2019 và sẽ tạo ra trên 2.000 việc làm cho người dân địa phương, đồng thời đóng góp ngân sách mỗi năm khoảng 100 tỉ đồng. Vậy là cùng với “dải ngân hà” là những khu nghỉ dưỡng 5 sao trên “con đường tơ lụa” chạy dọc theo ven biển miền Trung trải dài từ Sơn Trà (Đà Nẵng) vào Hội An nay cầu Cửa Đại thông xe, không lâu nữa chuỗi đô thị ven biển của Quảng Nam sẽ mọc lên.

Tạo thế cạnh tranh mới

Tôi đứng trên cầu Cửa Đại, ngắm dòng sông Thu Bồn đổ ra biển cả trong cái nắng vàng ong của ngày đầu hè. Trước mắt là lô nhô những ngôi nhà cổ kính rêu phong ẩn mình trong phố cổ Hội An. Xa ngoài kia là bến tàu Cửa Đại tấp nập tàu thuyền. Phía bên tay phải là tuyến đường ven biển như một dải lụa dài xẻ dọc những cồn cát trắng.

Ông Nguyễn Sự, nguyên Bí thư Thành ủy Hội An cùng tôi lững thững đi bộ trên cầu, nhìn dòng xe xuôi ngược. Ông Sự ví von: Cầu Cửa Đại chẳng khác gì chiếc đòn gánh, gánh hai bờ sông Thu Bồn, mà còn là đòn bẩy cho cả vùng cát ven biển nơi đây phát triển. Cầu Cửa Đại hoàn thành sẽ giải quyết nút thắt tuyến giao thông liên hoàn ven biển từ Huế, qua Lăng Cô, đến Đà Nẵng, nối Hội An với Chu lai, Dung Quất, hình thành tuyến giao thông chiến lược ven biển vừa có tác dụng chống lũ, vừa có ý nghĩa về an ninh, quốc phòng.

nhip cau noi nhung bo vui
Tổng giám đốc PVN Nguyễn Vũ Trường Sơn khảo sát vị trí xây dựng Nhà máy Xử lý khí và điện tại Khu kinh tế mở Chu Lai

Trong lĩnh vực kinh tế, khi giao thông phát triển, ranh giới hành chính giữa các địa phương chỉ còn là khái niệm. Và chính cây cầu, chính tuyến đường này sẽ góp phần thúc đẩy dịch vụ du lịch biển phát triển. Khi đã có hàng loạt các khu nghỉ dưỡng ra đời, sẽ tạo ra sự cạnh tranh, nơi nào dịch vụ tốt, môi trường tốt chắc chắn sẽ thu hút nhiều khách du lịch.

Tại nhiều hội nghị xúc tiến đầu tư vùng duyên hải miền Trung, các ý kiến của các nhà kinh tế đều khẳng định, vùng đất này muốn phát triển thì không thể tách rời du lịch, mà muốn du lịch phát triển, việc đầu tiên là “liên kết”. Từ liên kết cứng về hạ tầng đến liên kết mềm về chính sách, xúc tiến đầu tư, quảng bá sản phẩm…Việc khánh thành cầu Cửa Đại và tuyến đường ven biển từ Duy Xuyên đến Tam Kỳ, chính là một “mắt xích” trong quá trình liên kết vùng.

Tiến sĩ Trần Du Lịch từng ví các tỉnh miền Trung là “mặt tiền” của Việt Nam nhìn ra Biển Đông. Các tỉnh duyên hải miền Trung có ưu thế rất quan trọng về kinh tế biển; Có nguồn tài nguyên khá đa dạng và phong phú với nhiều tiềm năng nổi trội về biển, đảo, vịnh nước sâu, đất, rừng, di sản văn hóa lịch sử… Với lợi thế đó, cho phép phát triển  5 lĩnh vực chủ yếu của kinh tế biển là: đánh bắt xa bờ; khai thác tài nguyên khoáng sản; cảng biển và dịch vụ hàng hải; khu kinh tế, khu công nghiệp gắn liền với lợi thế cảng biển và du lịch biển đảo, gắn với văn hóa, lịch sử.

Hiện nay toàn vùng đã có 6 khu kinh tế, 54 khu công nghiệp tập trung phát triển các ngành công nghiệp chủ lực có quy mô lớn như lọc hóa dầu, năng lượng, lắp ráp ôtô, sửa chữa và đóng mới tàu biển, chế biến nông lâm thủy sản, hóa chất, vật liệu xây dựng… với các sản phẩm chủ lực là hóa dầu, thủy điện, ôtô, hải sản, dệt may, da giày, cao su…

Đặc biệt, trên địa bàn tập trung bốn di sản văn hóa thế giới được UNESCO công nhận là quần thể di tích cố đô Huế và nhã nhạc cung đình Huế, phố cổ Hội An, Khu di tích Mỹ Sơn tại Quảng Nam. Vùng cũng có nhiều vịnh, bãi tắm tầm cỡ quốc tế và các khu bảo tồn thiên nhiên. Đây là điều kiện thuận lợi để phát triển ngành du lịch. Một chuỗi đô thị ven biển đang hình thành như Chân Mây - Lăng Cô, Đà Nẵng, Hội An, Vạn Tường, Quy Nhơn, Tuy Hòa, Nha Trang, Phan Thiết. Và một siêu dự án 4 tỉ USD vừa mới động thổ cuối tháng Tư vừa rồi kề với Hội An là cơ sở quan trọng để thiết lập và mở rộng các liên kết kinh tế giữa các địa phương trong vùng.

Như một cơ duyên

Ngay sau lễ khánh thành cầu Cửa Đại, dưới sự chứng kiến của nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng và các bộ, ngành Trung ương, UBND tỉnh Quảng Nam và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã ký Hợp tác toàn diện. Trong đó hai lĩnh vực chính được hai bên quan tâm là chuẩn bị mọi mặt cho việc xây dựng nhà máy xử lý khí mỏ khí Cá Voi Xanh và chương trình an sinh xã hội của PVN tại Quảng Nam.

Trong 5 năm từ 2010 đến 2015, PVN đã dành 40 tỉ đồng cho  công tác an sinh xã hội tại Quảng Nam. Đồng tiền tình nghĩa của người lao động Dầu khí đã góp phần cùng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Nam giúp cho nhiều mảnh đời bất hạnh vượt qua khó khăn vươn lên trong cuộc sống; giúp cho nhiều gia đình chính sách có mái nhà để thờ cúng anh linh liệt sĩ. Trước và sau Lễ ký hợp tác toàn diện, hai đoàn công tác của PVN do chính Chủ tịch HĐTV Nguyễn Quốc Khánh và Tổng giám đốc Nguyễn Vũ Trường Sơn dẫn đầu đã đến Quảng Nam khảo sát và làm việc với Tỉnh ủy, UBND tỉnh Quảng Nam. Sự vào cuộc hết sức khẩn trương và quyết liệt của cả hai đơn vị, không lâu nữa tại vùng đất này, tại Khu kinh tế mở Chu lai sẽ mọc lên một nhà máy tầm cỡ trong khu vực, với mức đầu tư xấp xỉ 4 tỉ USD.

Như một cơ duyên, thiên nhiên ưu đãi và ban tặng cho vùng biển miền Trung một mỏ khí lớn. Những nhà khoa học Dầu khí đặt tên cho nó là mỏ khí Cá Voi Xanh. Mỏ khí này  ước tính trữ lượng thu hồi tại chỗ khoảng 150 tỉ m3, gấp 3 lần mỏ Lan Tây và Lan Đỏ - thuộc Dự án khí Nam Côn Sơn, lớn nhất Việt Nam tại thời điểm hiện tại.

Theo kế hoạch, dự án này do Tập đoàn Exxon Mobil của Mỹ làm nhà điều hành. Tập đoàn Exxon Mobil sẽ đầu tư một giàn đầu giếng để xử lý tách nước ngoài khơi. Hai cụm khai thác ngầm, mỗi cụm có 4 giếng khai thác và một đường ống dài khoảng 88km nối vào bờ biển Chu Lai. Trên bờ, PVN sẽ đầu tư một nhà máy xử lý khí; một nhà máy điện hai tổ máy, công suất mỗi tổ máy khoảng 600MW-700MW. Các nhà máy trên dự kiến vận hành vào năm 2023. Cả hai nhà máy xử lý khí và điện sẽ đặt tại huyện Núi Thành. Một nhà máy điện nữa cũng sẽ được xây dựng tại tỉnh Quảng Ngãi (trong Khu kinh tế Dung Quất) với quy mô đầu tư tương tự nhà máy điện ở Quảng Nam và hoàn thành vào năm 2023. Tổng sản lượng khí hằng năm khai thác khoảng 9-10 tỉ m3, trong đó dành 1 tỉ m3 để kết nối với Nhà máy Lọc dầu Dung Quất phục vụ chế biến sâu.

Sau khi hoàn thành, đưa vào vận hành, dự án dự kiến sẽ nộp ngân sách Nhà nước 3.900 tỉ đồng/năm. Nhà máy điện 2 tổ máy sẽ nộp ngân sách Nhà nước dự kiến 600 tỉ đồng/năm. Ngoài việc tạo một nguồn thu ngân sách Nhà nước rất lớn, dự án còn góp phần quan trọng trong việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Với sự cam kết trách nhiệm, cùng đồng tâm hiệp lực, cùng sẻ chia và chung tay tháo gỡ khó khăn. Không xa nữa lại một “siêu dự án” của ngành Dầu khí và cũng là của Quảng Nam sẽ được xây dựng. Cả Quảng Nam, Quảng Ngãi sẽ là một đại công trường ngân vang bài ca xây dựng. Mới đây đi khảo sát vị trí xây dựng nhà máy, Tổng giám đốc PVN Nguyễn Vũ Trường Sơn đã trao đổi với Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Đinh Văn Thu và Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai Đỗ Xuân Diện về sự lan tỏa mạnh mẽ khi Dự án nhà máy xử lý khí và điện được xây dựng tại đây.

Sẽ có hàng loạt các nhà máy vệ tinh, các công trình phụ trợ cho nhà máy này hoạt động. Một liên hợp  lọc hóa dầu - khí hóa dầu - điện khí lớn nhất khu vực kéo dài từ Dung Quất ra Chu Lai. Tại mảnh đất anh hùng này cháy mãi ngọn lửa vĩnh cửu của lòng yêu nước, của sự lao động sáng tạo, của khát vọng vươn lên…

Cầu Cửa Đại và Tuyến đường ven biển từ Duy Xuyên đến Tam Kỳ, nay mai sẽ kết nối với Chu Lai, Dung Quất kéo gần khoảng cách địa lý, tạo thế liên kết giữa các địa phương, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư đến với Quảng Nam, Quảng Ngãi. Đây thật sự là một nốt nhạc vui ngân lên, vang xa trong bài ca xây dựng, trong nỗ lực không ngừng nghỉ để không chỉ Quảng Nam, mà cả miền Trung cùng “cất cánh”.

Công trình cầu Cửa Đại bắc qua sông Thu Bồn nối hai xã: Cẩm Thanh (TP Hội An) và Duy Nghĩa (huyện Duy Xuyên) được khởi công xây dựng vào năm 2009. Có quy mô kết cấu vĩnh cửu bằng bê tông cốt thép và bê tông cốt thép dự ứng lực, với tổng chiều dài toàn tuyến 18,3km, có tổng mức vốn đầu tư là 3.450 tỉ đồng.

Trong đó, phần cầu dài 1.482m, rộng 25,5m; phần đường dẫn 2 đầu cầu có mặt cắt ngang 38m, tổng chiều dài là 16,8km, điểm đầu nối với đường ven biển TP Đà Nẵng - Hội An, điểm cuối nối với xã Bình Đào, huyện Thăng Bình (Quảng Nam). Cùng với công trình cầu Cửa Đại, các dự án đường ven biển nối từ huyện Duy Xuyên đến TP Tam Kỳ có tổng chiều dài toàn tuyến 24,5km, với mặt cắt 38m… cũng được đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng trong dịp này, với nguồn vốn đầu tư 1.440 tỉ đồng.

Đặng Trung Hội

Năng lượng Mới 520