Bác sĩ Carlo Urbani - Người đi đến tận cùng sứ mệnh

07:07 | 25/05/2015

1,631 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Tháng 4-2003, Hà Nội và cả nước Việt Nam vẫn còn chưa qua nổi cơn chấn động của dịch bệnh SARS. Giờ đây, không phải ai cũng còn nhớ những gì đã trải qua trong thời khắc khó khăn ấy, đặc biệt, không phải ai cũng biết rằng, có một vị bác sĩ người nước ngoài đã xả thân vì người bệnh ở Việt Nam, rằng ngày ấy, nếu không có người con của đất nước Italia với sự hy sinh lớn lao, để là người đầu tiên xác định bệnh SARS, không biết điều gì sẽ xảy ra ở Hà Nội, ở Việt Nam và với cả nhân loại, khi dịch SARS không được cảnh báo và ngăn chặn kịp thời?

Năng lượng Mới số 423

 Nhưng, những thầy thuốc, những bệnh nhân đã được ông cứu sống luôn không quên ông và vẫn dành cho ông những phút giây tưởng niệm thành kính vào dịp này mỗi năm… Ông là bác sĩ Carlo Urbani.

Vào tháng 3-2003, một bệnh nhân được đưa vào Bệnh viện Việt-Pháp (Hà Nội) với triệu chứng của căn bệnh viêm đường hô cấp cấp không rõ nguyên nhân. Không ai biết rằng, đó là bệnh SARS, mà chỉ vài ngày sau đã gây chấn động toàn thế giới bởi tính nguy hiểm của nó. Những triệu chứng diễn biến nhanh và nặng khiến mọi người vô cùng lo sợ và đã báo cho bác sĩ Carlo Urbani, chuyên gia dịch tễ của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam khi đó.

Ông lập tức có mặt. Rồi từ đó, ngày nào ông cũng đến thăm khám bệnh nhân, lấy mẫu bệnh phẩm, ghi chép. Với kinh nghiệm của một chuyên gia về bệnh nhiễm trùng của WHO, ông hiểu ngay rằng, đó là một dịch bệnh mới, đe dọa sức khỏe toàn cầu. Bác sĩ Carlo Urbani đã khẩn cấp gửi lời cảnh báo đến WHO. Ông cũng nhận thức được khả năng lây nhiễm của căn bệnh này, nên đã cho cách ly người bệnh, yêu cầu các bác sĩ, y tá dùng khẩu trang có tính lọc khuẩn cao, mặc 2 lớp áo blu. Các nhân viên y tế ở Bệnh viện Việt Pháp đã rất hoảng sợ khi biết sự thật kinh khủng này.

Trong bối cảnh ấy, bác sĩ Carlo Urbani vẫn bình tĩnh tiếp tục ngày đêm thực hiện các xét nghiệm nhằm chứng minh được quan điểm của mình. Bà Giuliana, vợ ông, rất lo cho chồng, đã khuyên ông từ bỏ ý định đối đầu với “kẻ thù vô hình” đang gây khiếp sợ cho nhiều quốc gia ấy, nhưng Carlo Urbani nói rằng, ông không thể ích kỷ trong tình huống này. Ông không muốn bỏ mặc để bao người phải chết vì căn bệnh mà vẫn không rõ nguyên nhân. Nếu ông từ chối quan tâm đến những con người bất hạnh thì ông không còn là ông nữa.

Bác sĩ Carlo Urbano: Người đi đến tận cùng sứ mệnh

Bác sĩ Carlo Urbani trong một chuyến về cơ sở thực tế

Cuối cùng, ông đã có được cuộc họp với lãnh đạo Bộ Y tế Việt Nam, để lên tiếng cảnh báo về sự nguy hiểm của dịch bệnh này. Nhờ sự cảnh báo rất kịp thời đó, Việt Nam đã nhanh chóng áp dụng hệ thống kiểm soát dịch bệnh trên toàn quốc, đồng thời WHO cũng khẩn cấp đưa ra cảnh báo toàn cầu.

Ngày 11-3, trên đường bay đến Bangkok (Thailand) dự hội thảo, bác sĩ Carlo Urbani đã phát hiện ra mình cũng bị nhiễm căn bệnh chết người này. Một người bình thường sẽ không quá lo lắng, nhưng Urbani thì không thể lừa dối chính mình. Ông hiểu rằng, ông là bệnh nhân tiếp theo của căn bệnh đáng sợ ấy và đương nhiên, ông biết chắc số phận mình sẽ ra sao. Ông lập tức yêu cầu đồng nghiệp không được lại gần, rồi gọi xe cấp cứu và im lặng ngồi chờ ở một góc cô tịch trong sân bay, cách ly đợi đồng nghiệp.

Con trai ông, Tommaso Urbani, đã đến Hà Nội để cùng với những người đồng nghiệp của ông ôn lại những kỷ niệm về cha, nghẹn ngào kể lại ký ức đau buồn đó: Ngay khi ấy, 3 anh em Tommaso Urbani lập tức được đưa về nước, cách ly với cha mình. Chỉ còn bà Giuliana là người duy nhất trong gia đình ở bên ông trong lúc hấp hối. Mẹ đẻ của bác sĩ Carlo Urbani cũng nhớ về con trai trong nước mắt: Tôi ngạc nhiên khi thấy các cháu về vào kỳ nghỉ lễ ở Việt Nam. Rồi ít ngày sau, tin xấu đến. Luca, con trai thứ 2 của Carlo Urbani đã bị chấn động tinh thần mất vài năm vì sự ra đi đột ngột của cha.

Bác sĩ Carlo Urbani đã chống chọi với căn bệnh quái ác trong 18 ngày và qua đời vào ngày 29-3-2003. Một tháng sau, 28-4-2003, căn bệnh chính thức được khống chế. Thế giới vượt qua được cuộc khủng hoảng một cách tuyệt vời, bởi vận may của nhân loại đã đến đúng lúc, khi một vị bác sĩ tên Carlo Urbani đã có mặt đúng chỗ, đúng thời điểm.

Chính nhờ ông nhanh chóng thuyết phục, cảnh báo WHO và Việt Nam, cũng như các nhân viên y tế của Bệnh viện Việt-Pháp, nhờ có ông lập tức cách ly người bệnh, nên căn bệnh ấy mới không để lại hậu quả nghiêm trọng. Ông cùng 2 bác sĩ và 3 y tá đã không qua khỏi sóng gió của dịch bệnh trong khi thực hiện sứ mạng cao cả của mình, nhưng sự hy sinh cao cả của ông đã cứu nhân loại thoát khỏi thảm họa. Việt Nam trở thành quốc gia đầu tiên khống chế thành công dịch SARS.

Bác sĩ Carlo Urbano: Người đi đến tận cùng sứ mệnh

Người bệnh đã được cứu thoát trong thời khắc kinh hoàng ấy là ông Nguyễn Hữu Hùng, đã nhớ về ký ức ấy với niềm xúc động sâu sắc: “Nếu không có tấm lòng vì người bệnh của bác sĩ Carlo Urbani và các thầy thuốc Việt Nam, tôi không có cơ hội có mặt ở đây hôm nay. Bác sĩ Carlo Urbani đã gắn bó với công việc đến mức chấp nhận hy sinh những bổn phận với gia đình. Vợ và các con ông hãy tự hào vì ông là người anh hùng và luôn vì bệnh nhân”.

Một nhà báo nổi tiếng người Italia cũng bày tỏ: Với tôi, Carlo Urbani là người đi đến tận cùng sứ mệnh. Nếu những trang sách giáo khoa còn trống, chúng ta hãy viết về Carlo Urbani, một nhà chuyên môn lỗi lạc, nhà lâm sàng vĩ đại và một bác sĩ hết lòng vì bệnh nhân. Dẫu đã hơn 12 năm trôi qua, nhưng vào dịp này, mọi người lại nhắc nhớ về người thầy thuốc đã trọn đời hy sinh vì khoa học với cả niềm biết ơn và nỗi xúc động.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long bày tỏ: Hình ảnh BS Carlo Urbani xả thân vì người bệnh, sẽ là ngọn đuốc thắp sáng mãi, là tấm gương cho cán bộ y tế noi theo. Ông, một con người luôn dành tình cảm vô bờ với người bệnh, sẽ mãi là niềm tự hào của các thầy thuốc, cũng như sống mãi trong trái tim những người dân Việt Nam …

Bác sĩ Carlo Urbani là Chủ tịch Tổ chức “Bác sĩ không biên giới” Italia năm 1999 và cùng năm đó, ông tham gia nhận giải Nobel Hòa bình trao cho tổ chức này. Việt Nam là nơi ông đã trải qua những ngày tháng cuối đời, cống hiến hết mình cho khoa học, cho cuộc chiến chống SARS - căn bệnh đã đe dọa cả thế giới khi đó.

Thanh Hằng