Về một đôi câu đối chùa Giác Lâm

07:07 | 16/02/2014

|
Bạn đọc: Theo quyển “Những ngôi chùa danh tiếng” của Nguyễn Quảng Tuân [soạn] và Võ Văn Tường [ảnh] do Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam & NXB Trẻ Thành phố Hồ Chí Minh ấn hành năm 1990 thì chùa Giác Lâm (TP HCM) có đôi câu đối: “Triêu triêu triêu triêu triêu bái triêu triêu triêu bái/Trai trai trai trai trai giới trai trai trai giới”. Trong sách, hai câu này không được dịch nghĩa nên tôi không biết nó muốn nói gì... Trần Dậu Xồi (Q.5, TP HCM)

Năng lượng Mới số 296

Học giả An Chi: Trong bài “Về một đôi câu đối độc đáo ở chùa Giác Lâm” trên trang daitangkinhvietnam.org, tác giả Cao Tự Thanh đã nhận xét:

“(Chùa Giác Lâm - AC) có một đôi câu đối hiện treo ở hàng cột thứ nhất từ ngoài vào và đối diện với chính điện, một đôi câu đối thuộc loại độc đáo bậc nhất trong thơ văn chữ Hán ở Việt Nam

朝 朝 朝 朝 朝 拜 朝 朝 朝 拜

齊 齊 齋 齊 齊 戒 齊 齊 齋 戒

(…) Ông Nguyễn Quảng Tuân chỉ phiên âm (không ngắt câu và không dịch nghĩa) ra là “Triêu triêu triêu triêu triêu bái triêu triêu triêu bái; Trai trai trai trai trai giới trai trai trai giới”. (Phiên chữ tề ra chữ trai)! Theo tôi, ông Nguyễn Quảng Tuân đọc như vậy là sai, vì câu đối này phải được đọc và hiểu như sau:

Triêu triêu triều, triêu triêu bái, triêu triêu triều bái

Tề tề trai, tề tề giới, tề tề trai giới.

(Nhộn nhàng chầu, nhộn nhàng bái, nhộn nhàng chầu bái

Lặng lẽ trai, lặng lẽ giới, lặng lẽ trai giới)”.

Chúng tôi nhất trí với tác giả Cao Tự Thanh rằng, đọc như ông Nguyễn Quảng Tuân là sai - và vô nghĩa. Mặc dù, như ông Cao Tự Thanh đã nói, chữ “trai” 齋 cổ nhiều khi cũng viết bằng chữ “tề” 齊, nhưng, ở đây, 6 chữ 齊 của câu sau (ở các vị trí 1, 2, 4, 5, 7, 8) mà đọc thành “trai” thì lại là một sự nhầm lẫn vô cùng đáng tiếc! Vậy, đôi câu đối mà bạn đã dẫn phải được đọc là:

“Triêu triêu triều, triêu triêu bái, triêu triêu triều bái;

Tề tề trai, tề tề giới, tề tề trai giới”,

dịch sát nghĩa là:

“Sáng sáng chầu, sáng sáng lạy, sáng sáng chầu lạy;

Đều đều chay, đều đều tịnh, đều đều chay tịnh”.

Chúng tôi cũng tán thành việc ông Cao Tự Thanh khôi phục lại cái “bản lai chân diện mục” của hai câu đối đó bằng chữ Hán là:

朝 朝 朝 朝 朝 拜 朝 朝 朝 拜

齊 齊 齊 齊 齊 戒 齊 齊 齊 戒

vì, theo ông thì:

“Dường như vì sợ có nhiều người không hiểu và đọc nổi, người viết chữ (có thể là chính Hòa thượng Trần Bửu Hương [người tặng câu đối - AC]) đã có ý đánh dấu hai chữ triều bằng cách viết hai nét ngang trong chữ nguyệt thành hai dấu chấm và đánh dấu hai chữ trai bằng cách viết rõ ra hai chữ trai (chữ trai cổ nhiều khi chỉ viết bằng chữ tề)”.

Nhưng ở một điểm khác thì chúng tôi lại nghĩ khác ông Cao Tự Thanh. Ông cho rằng đôi câu đối trên đây có hai điểm đặc sắc, mà điểm thứ hai là:

“(…) nó lại có chỗ không đối: hai chữ cuối của hai vế đều mang vần trắc, trong khi đúng ra phải là một trắc một bằng. Nhưng chính điểm phi lý này lại buộc người ta phải suy nghĩ rằng nó không được sáng tác theo âm Hán Việt mà là theo âm Hoa Hán. Tuy nhiên, theo giọng Quan thoại thì hai chữ bái (bài - đọc như bài) và giới (Jie - đọc như che) gần như lại cùng một thanh bằng, nên rõ ràng chỉ có thể tìm được cách đọc hợp lý cho câu đối này nơi các phương ngữ Hải Nam, Quảng Đông, Phúc Kiến, Triều Châu phổ biến trong người Hoa ở Nam Bộ”.

Chúng tôi không tin ở cách suy luận của ông Cao Tự Thanh. Chỉ vì hai chữ cuối của hai vế đều mang vần trắc mà ta phải chơi đến âm Tiều Châu hoặc âm Hải Nam, v.v..., là chuyện vô lý vì  theo cái lý hoàn toàn thông thường, thì ở đây, ta chỉ có thể xài âm Hán Việt mà thôi. Chúng tôi đã tham khảo ý kiến của một thân hữu thông thạo giáo lý nhà Phật là ông Lý Việt Dũng thì được trả lời rằng, đối với bên Nho người ta thường đòi hỏi chặt chẽ về bằng trắc ở cuối vế, cuối câu còn bên Phật thì người ta có thể linh động về bằng trắc để bảo vệ tính thâm sâu của tư tưởng. Huống chi, ngay ở bên Tàu, thì một vài biến tấu của đôi câu đối này cũng có những chữ cuối vế, cuối câu ở thế đối nhau mà cũng cùng mang vần trắc (hoặc vần bằng), như sẽ thấy bên dưới.

Ông Cao Tự Thanh có đặt vấn đề về khả năng đôi câu đối này là từ bên Tàu truyền sang. Về điểm này thì ông đã nghĩ rất đúng. Chúng tôi đã tìm hiểu thì thấy nói chùa Thanh Vân (nay đã hoang tàn) ở thị trấn Xuân Loan, miền thượng du sông Mạc Dương bên Tàu có đôi câu đối:

朝朝朝朝朝拜朝朝朝拜酬帝泽;

齊齊齊齊齊戒齊齊齊戒答神恩

(Triêu triêu triều, triêu triêu bái, triêu triêu triều bái thù đế trạch; Tề tề trai, tề tề giới, tề tề trai giới đáp thần ân).

Dịch nghĩa:

“Sáng sáng chầu, sáng sáng lạy, sáng sáng chầu lạy trả ơn vua;

Đều đều chay, đều đều tịnh, đều đều chay tịnh đáp X thần”.

Hai câu này có những chữ cuối vế đối nhau mà đều cùng vần bằng (triều - trai) hoặc vần trắc (bái - giới). Cặp đối này có nhiều kiểu biến tấu.

Đền Thiên Hậu Thánh Mẫu ở Mi Châu, tình Phúc Kiến, có hai câu:

朝朝朝朝朝朝朝朝朝朝音

齊齊齊齊齊齊齊齊齊齊戒

(Triêu triều, triêu triều, triêu triêu triều, triêu triêu triều âm; Tề trai, tề trai, tề tề trai, tề tề trai giới).

Ở đây, chữ triều 朝 thay cho triều 潮 là thủy triều (chứ không phải chầu lạy) và nghĩa của hai câu là: Thủy triều buổi sáng, thủy triều buổi sáng, thủy triều các buổi sáng, tiếng thủy triều các buổi sáng; Đều chay, đều chay, đều đều chay, đều đều chay tịnh. Ý là: “Triều khởi giới âm” 潮起戒音, tức hễ tiếng sóng triều đánh vào bờ thì mọi người đều im lặng. Tương truyền hai câu này là của Thám hoa Đái Đại Tân đời Minh. Cặp đối này cũng có những chữ cuối vế đối nhau mà đều cùng vần bằng (triều - trai, 3 lần).

Đền thờ Lục Tổ (Huệ Năng) bên Tàu có hai câu, khắc vào đời Càn Long:

朝朝朝朝朝敬朝朝朝敬,

齊齊齋齊齊戒齊齊齋戒

(Triêu triêu triều, triêu triêu kính, triêu triêu triều kính; Tề tề trai, tề tề giới, tề tề trai giới).

Dịch nghĩa:

“Sáng sáng chầu, sáng sáng kính, sáng sáng chầu kính; Đều đều chay, đều đều tịnh, đều đều chay tịnh”.

Đây là một đôi câu đối mà hai chữ cuối câu đối nhau đều thuộc vần trắc (kính, giới), giống như cặp đối ở chùa Giác Lâm (bái - giới).

Từ đôi câu đối của chùa Thanh Vân, ta còn có biến tấu:

齊齊齋齊齊戒齊齋齊戒佛恩廣大;

朝朝朝朝朝拜朝朝朝拜功德無量.

(Tề tề trai, tề tề giới, tề trai tề giới, Phật ân quảng đại; Triêu triêu triều, triêu triêu bái, triêu triều triêu bái, công đức vô lượng).

Dịch nghĩa:

“Đều đều chay, đều đều tịnh, đều chay đều tịnh, ơn Phật rộng lớn; Sáng sáng chầu, sáng sáng lạy, sáng chầu sáng lạy, công đức không lường”.

Đây là hai câu đối của chùa Phong Ninh ở thị trấn Thạch Loan, tỉnh Quảng Đông và cặp đối này cũng có hai chữ cuối câu (đại, lượng) thuộc vần trắc.

Xem ra, ông Lý Việt Dũng đã nói đúng. Mà ông Cao Tự Thanh cũng nghĩ không sai vì với những dẫn liệu đã thấy thì ta thật khó lòng khẳng định rằng cặp đối mà Hòa thượng Trần Bửu Hương đã tặng cho chùa Giác Lâm tuyệt đối không liên quan gì đến những câu “bà con” với nó ở bên Tàu. Trừ chữ “bái” 拜, nó là “sao y bản chính” đôi câu đối ở đền thờ Lục Tổ Huệ Năng bên Tàu, kể cả tự dạng của chữ “trai” 齋, hai lần dùng ở câu sau (tại vị trí thứ 3 và thứ 9).

A.C