Du lịch Đà Nẵng không thể thua trên sân nhà

08:00 | 31/07/2016

719 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Tình trạng khách du lịch Trung Quốc gây ra những “sự cố” ở  Đà Nẵng và một số địa phương miền Trung trong thời gian vừa qua mà báo chí phản ánh là hình ảnh xấu, làm vẩn đục môi trường du lịch. Vấn đề đặt ra là cách quản lý như thế nào cho hiệu quả, chứ không phải có “sự cố” là tẩy chay…

Khách du lịch Trung Quốc tăng đột biến

6 tháng đầu năm 2016, tổng lượt khách tham quan, du lịch đến Đà Nẵng ước đạt 2.474.991 lượt khách, tăng 11,1% so với cùng kỳ năm ngoái, bằng 48,2% kế hoạch năm 2016; trong đó khách quốc tế ước đạt 795.646 lượt, tăng 29,7% so với cùng kỳ, khách nội địa ước đạt 1.679.345 lượt, tăng 4% so với cùng kỳ. Tổng thu từ du lịch ước đạt 7.177,47 tỉ đồng, tăng 15,5% so với cùng kỳ, đạt 48,1% kế hoạch năm 2016.

du lich da nang khong the thua tren san nha
Một đoàn khách Trung Quốc tại Sân bay Quốc tế Đà Nẵng

Hoạt động du lịch tại Đà Nẵng 6 tháng qua phát triển mạnh cả về đường biển, đường bộ và đường hàng không. Đà Nẵng đã đón 41 chuyến tàu biển với 42.100 lượt khách, tăng 29 tàu và gấp 2,5 lần so với cùng kỳ. Khách đường bộ Thái Lan, Lào đến Đà Nẵng ước đạt 17.140 lượt; đến bằng đường hàng không ước đạt 325.140 lượt, tăng 21,2% so với cùng kỳ.

Tính đến nay, Đà Nẵng có 76 dự án đầu tư vào lĩnh vực du lịch với tổng vốn đầu tư 12,02 tỉ USD (tương đương 252.483 tỉ đồng), trong đó có 17 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư 1,18 tỉ USD (tương đương 24.738 tỉ đồng) và 59 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư 10,84 tỉ USD (tương đương 227.766 tỉ đồng).

Thật đáng mừng, khi lượng khách quốc tế đến Đà Nẵng ngày một tăng. Đặc biệt là khách Trung Quốc, theo thống kê lượng khách Trung Quốc đến Đà Nẵng ước đạt 211.079 lượt khách, tỷ trọng chiếm 26,53%, tăng 83% so với cùng kỳ năm 2015. Như vậy, Đà Nẵng thực sự là địa chỉ du lịch có sức hút lớn, với môi trường du lịch trong lành, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội bảo đảm… làm cho “thương hiệu” của thành phố “đáng sống” ngày càng đậm nét.

Nếu không để xảy ra sự cố chìm tàu trên sông Hàn; không có những tiêu cực “bảo kê”, tiếp tay của chính người Việt Nam cho những hướng dẫn viên du lịch chui là người Trung Quốc hoạt động bất hợp pháp, xuyên tạc lịch sử Việt Nam, không có một vài vụ du khách Trung Quốc đốt tiền, hành xử vô văn hóa với người dân sở tại thì niềm vui sẽ trọn vẹn hơn.

Môi trường du lịch vẩn đục

Nếu vụ chìm tàu du lịch trên sông Hàn được coi là “sự cố” nghiêm trọng, ảnh hưởng rất lớn đến niềm tin và sự kỳ vọng của du khách, thì những vụ việc tiêu cực trong lĩnh vực du lịch, do du khách Trung Quốc gây ra, làm “dậy sóng” dư luận, dễ dẫn đến sự “bài xích” của người dân với khách Trung Quốc.

Tất nhiên, các sự việc nêu trên đã được xử lý một cách rốt ráo. Kẻ vì tiền mà coi thường tính mạng của hành khách phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Cán bộ chức năng không làm tròn trách nhiệm cũng phải nhận các hình thức kỷ luật nghiêm khắc.

du lich da nang khong the thua tren san nha
Một hướng dẫn viên Trung Quốc hoạt động trái phép tại Việt Nam

Bước đầu TP Đà Nẵng đã xử phạt nhiều trường hợp người Trung Quốc làm việc trái phép trong lĩnh vực du lịch. Cụ thể, ngày 6-7, TP Đà Nẵng đã có quyết định xử phạt hành chính với 6 người mang quốc tịch Trung Quốc; với các hành vi: “Người nước ngoài nhập cảnh, hành nghề hoặc có hoạt động khác tại Việt Nam mà không được phép của cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam” và “Người nước ngoài không khai báo tạm trú theo quy định hoặc sử dụng chứng nhận tạm trú, thẻ tạm trú, thẻ thường trú ở Việt Nam quá thời hạn từ 15 ngày trở xuống mà không được cơ quan có thẩm quyền cho phép”.

Các cá nhân này bị xử phạt với mức 20 triệu đồng. Cả 6 người này đều vi phạm hành chính theo Biên bản số 96/BB-VPHC do Phòng Quản lý Xuất nhập cảnh (PA 72), Công an TP Đà Nẵng lập ngày 4-7-2016. Tiếp đó, ngày 14-7, Ðoàn kiểm tra liên ngành TP Đà Nẵng tiến hành kiểm tra Công ty TNHH MTV Dịch vụ và Du lịch Nature Love tại địa chỉ số 43 đường Nguyễn Công Sáu, quận Sơn Trà. Tại thời điểm kiểm tra đã phát hiện 5 người Trung Quốc đang có mặt tại trụ sở của công ty.

Qua các tài liệu thu thập được, lời khai của nhân viên và sự thừa nhận của giám đốc công ty, trong thời gian hoạt động, Công ty Nature Love đã vi phạm những quy định sau: Cho người nước ngoài sử dụng tư cách pháp nhân của công ty để hoạt động kinh doanh lữ hành; sử dụng người nước ngoài làm hướng dẫn du lịch tại Việt Nam; người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam có hoạt động khác mà chưa được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép.

Trên cơ sở đó, Thanh tra Sở Du lịch Đà Nẵng đã lập biên bản vi phạm và ban hành Quyết định xử phạt hành chính Công ty Nature Love số tiền 12,5 triệu đồng và tước quyền sử dụng Giấy phép hoạt động lữ hành quốc tế của Công ty Nature Love 24 tháng.

Phòng Xuất nhập cảnh (PA72, CA TP Đà Nẵng) đã làm việc với 5 khách Trung Quốc nêu trên, lập biên bản vi phạm hành chính và dự thảo Quyết định xử phạt vi phạm hành chính trình Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng ban hành với tổng mức tiền phạt là 94,4 triệu đồng. Đồng thời, yêu cầu xuất cảnh trước thời hạn 4 người Trung Quốc.

Trước đó, cuối tháng 6-2016, Sở Du lịch Đà Nẵng cũng đã tước giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế 9 tháng đối với công ty để xảy ra sự việc khách Trung Quốc đốt tiền Việt Nam tại quán bar.

Những thông tin không vui liên quan đến khách du lịch Trung Quốc làm dư luận bức xúc. Song nhìn lại một cách khách quan, thì lỗi ấy không hoàn toàn thuộc về du khách Trung Quốc.

Ngành chức năng chờ… báo chí

Không quá lời khi nói như vậy. Hầu hết các vụ việc do khách Trung Quốc gây ra, ngành chức năng của thành phố chỉ thực sự vào cuộc sau khi báo chí đồng loạt lên tiếng.

Dư luận đặt câu hỏi, nếu báo chí không lên tiếng thì Đà Nẵng sẽ có cả “đội quân xâm lăng văn hóa”, đội lốt hướng dẫn viên du lịch chui là người Trung Quốc tự tung tự tác bôi nhọ, xuyên tạc lịch sử Việt Nam.

Và rồi hàng loạt doanh nghiệp du lịch vì lợi nhuận, vì lợi ích nhóm trở thành kẻ tiếp tay cho các doanh nghiệp du lịch Trung Quốc. Hàng loạt các hướng dẫn viên người Việt Nam sẽ bị loại ra khỏi các tour của người Trung Quốc…

Hiện tượng khách du lịch Trung Quốc vi phạm tại Đà Nẵng nói riêng, tại Việt Nam nói chung là không mới. Có chuyện này và không chỉ xảy ra ở Đà Nẵng, ở Việt Nam, mà từng xảy ra ở các nước trên thế giới. Vấn đề đặt ra là công tác quản lý như thế nào, cách hành xử ra sao để hạn chế và triệt tiêu những tiêu cực, làm cho môi trường du lịch trong lành.

Đã có ý kiến cho rằng, nên hạn chế, thậm chí cấm cửa khách Trung Quốc. Ý kiến này theo chúng tôi là cực đoan, không nên vì một số vụ việc do khách Trung Quốc gây ra mà chúng ta “đóng cửa” hoặc có tư tưởng bài xích. Tuy khách Trung Quốc đến Việt Nam có dấu hiệu tăng, nhưng vẫn ở mức rất thấp so với các nước trong khu vực.

Trong năm 2015, Thái Lan đã đón hơn 7,93 triệu lượt khách Trung Quốc, tăng trưởng đến 91,62%, chiếm 27% tổng số khách quốc tế. 5 tháng đầu năm 2016, Nhật Bản đón hơn 2,94 triệu lượt khách Trung Quốc, chiếm hơn 26% tổng số khách đến. Trong khi đó 6 tháng đầu năm nay, nước ta mới đón hơn 1 triệu lượt khách Trung Quốc trong tổng số 4,7 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam!

Và khách du lịch Trung Quốc đến Đà Nẵng chiếm hơn 21% trong tổng số hơn 1 triệu khách Trung Quốc đến các địa phương trong cả nước.

Nếu cứ suy nghĩ “không quản được thì cấm”, thì ngành du lịch sẽ mãi mãi là khẩu hiệu, mãi mãi tụt hậu so với các nước “láng giềng” chứ không phải nhìn đâu xa. Đặc biệt, với Đà Nẵng, du lịch và dịch vụ được coi là ngành kinh tế mũi nhọn, thì việc cần thiết nhất lúc này là thay đổi cung cách quản lý du lịch.

“Nói không với Nhân dân tệ” trong giao dịch buôn bán, tiểu thương các chợ Đà Nẵng đã thông báo bằng tiếng Việt, tiếng Anh và tiếng Trung rằng: “Quán chúng tôi không nhận Nhân dân tệ” hoặc “ngoại tệ” khác. Tại sao, đây không phải sáng kiến của ngành chức năng?

Việc “ngồi chờ” báo chí lên tiếng hoặc tìm cách xử phạt, chỉ là giải pháp “chữa cháy”, là cách quản “đằng ngọn”. Điều quan trọng hơn cả là phải tìm biện pháp “ngăn chặn” ngay từ đầu.

Để không còn tình trạng “thả gà ra rồi đuổi” cơ quan chức năng phải “dấn thân” vào cuộc, tìm biện pháp “ngăn chặn” ngay từ đầu. Sở Du lịch để quản lý du lịch, có đầy đủ các cán bộ tham mưu, hướng dẫn vậy sao những việc hiệu quả, không tốn kém tiền bạc, công sức như tiểu thương Đà Nẵng đã làm, mà sở chủ quản lại “bó tay”!?

Sau vụ khách Trung Quốc có những hành vi thô bạo, Đà Nẵng đã in 5.000 bộ quy tắc bằng tiếng Trung Quốc, phát miễn phí để nhắc nhở du khách ứng xử văn minh. Việc làm này tuy muộn, nhưng đáng hoan nghênh. Song cũng cần phải nói thêm, như vậy là chưa đủ, cần có thêm bộ quy tắc bằng những ngôn ngữ khác, khách du lịch ngoại quốc khác, chứ không chỉ riêng đối với khách Trung Quốc.

Tìm mọi biện pháp để quản lý du lịch tốt hơn, là việc cần bàn, cần làm ngay lúc này, chứ không phải cứ “mũ ni che tai”, để rồi xảy ra vụ việc tiêu cực từ khách du lịch nói chung, khách du lịch Trung Quốc nói riêng, là dư luận “chan tương, đổ mẻ”, là “ồn ào” trong cộng đồng, rồi đòi “đóng cửa”, bài xích…

Mở cửa đi liền với giữ vững kỷ cương, phép nước

Với thị trường khách du lịch Trung Quốc. Các chuyên gia trong nước và quốc tế đều nhận định: Đây là thị trường khách outbound (đi du lịch nước ngoài) lớn nhất thế giới hiện nay. Lượng khách outbound của Trung Quốc đã vượt qua con số 100 triệu và có thể lên tới 130 triệu trong năm 2016.

Năm 2015, có đến 120 triệu lượt khách Trung Quốc đi du lịch khắp thế giới và họ rút “hầu bao” đến 250 tỉ USD để chi tiêu, bình quân mỗi khách Trung Quốc chi tiêu 2.083USD/chuyến đi. Dự báo, con số này đến năm 2025 sẽ tăng lên 220 triệu người và chi tiêu đến 450 tỉ USD.

Có thể nói, khách du lịch Trung Quốc có mặt khắp thế giới, nước ta lại là “láng giềng gần” thì không có lý do ngoại lệ. Tìm mọi biện pháp thu hút lượng khách này đến với Việt Nam nói chung, Đà Nẵng nói riêng ngày càng nhiều, tạo ra thị trường du lịch đa dạng để họ móc hầu bao chi tiêu nhiều hơn, thế mới là thông thái.

Tư tưởng từ bỏ khách Trung Quốc là đi ngược lại xu hướng chung. Phải xác định “sống chung” nhưng bảo đảm kỷ cương phép nước với thị trường khách du lịch Trung Quốc. Không làm được như vậy thì ngành du lịch mãi mãi “tụt hậu”, mãi mãi kém cỏi so với các nước trong khu vực.

Thay cho những suy nghĩ cực đoan, thay cho việc “trưng” ra các khẩu hiệu “suông”, cần tìm mọi biện pháp để khai thác triệt để thị trường khách du lịch Trung Quốc.

Vì vậy, thay cho việc ngồi “ca cẩm”, “oán hận” những hành vi tiêu cực do khách Trung Quốc gây ra, nên tập trung nghiên cứu kỹ về phương pháp quản lý, nghiên cứu sở thích, nhu cầu của khách du lịch Trung Quốc, để một khi họ đến với Việt Nam nói chung, Đà Nẵng nói riêng tiêu nhiều tiền hơn, chứ không phải bằng 40% mức chi tiêu trung bình của dòng khách này trên thế giới.

Hơn ai hết, những người làm du lịch Ở Đà Nẵng cần nỗ lực để cải thiện năng lực cạnh tranh. Chúng tôi cho rằng, những “sự cố” của ngành du lịch Đà Nẵng về vấn đề khách Trung Quốc trong thời gian vừa qua. Một mặt, tạo ra áp lực rất lớn trong công tác quản lý, công tác khai thác. Nhưng mặt khác, đây cũng chính là động lực để ngành du lịch thành phố ngày càng hoàn thiện.

Không nhận thức đúng, không kịp thời có những biện pháp tích cực và hữu hiệu, là bỏ lỡ thời cơ và sẽ “lấm lưng, trắng bụng” ngay trên “sân nhà”

Đà Nẵng - điểm đến hấp dẫn

Đà Nẵng nằm giữa ba di sản thế giới: Cố đô Huế, phố cổ Hội An và thánh địa Mỹ Sơn. Đà Nẵng còn có nhiều danh thắng tuyệt đẹp say lòng du khách như Ngũ Hành Sơn, Bà Nà, bán đảo Sơn Trà, đèo Hải Vân, sông Hàn thơ mộng và một hệ thống cầu qua Sông Hàn, mỗi cây cầu là một công trình kiến trúc độc đáo, trở thành niềm tự hào của thành phố, Đà Nẵng còn có những bãi tắm tuyệt vời.Và biển Mỹ Khê được bình chọn đẹp nhất hành tinh.

Sân bay Quốc tế Đà Nẵng là cảng hàng không lớn nhất của khu vực miền Trung - Tây Nguyên Việt Nam. Có quy mô lớn thứ ba của Việt Nam, sau Sân bay Quốc tế Tân Sơn Nhất (thành phố Hồ Chí Minh) và Sân bay Quốc tế Nội Bài (Hà Nội). Đây là điểm bay quan trọng của miền Trung Việt Nam và cả nước.

Năm 2014, sân bay này đã phục vụ 5,5 triệu khách thông qua, xếp thứ 3 sau Tân Sơn Nhất - TP Hồ Chí Minh: 20 triệu khách, Nội Bài - Hà Nội: 12 triệu lượt khách. Năm 2015, tổng hành khách thông qua cảng đạt 6,7 triệu lượt khách, tăng 34% so với cùng kỳ. Trong đó sản lượng hành khách quốc tế đi - đến hơn 1,4 triệu lượt khách, tăng 58% so với năm 2014. Dự kiến năm 2016 đạt 7,6 triệu lượt khách với mức tăng lượng khách 15% mỗi năm.

Hiện có 4 hãng hàng không nội địa và 23 hãng hàng không quốc tế đang có đường bay đến Sân bay Quốc tế Đà Nẵng. Từ Đà Nẵng đã có 9 tuyến bay nội địa, 30 tuyến đường bay đi quốc tế, với hơn 150 chuyến bay trong nước và quốc tế mỗi ngày.

Năm 2015, Cảng Hàng không Quốc tế Đà nẵng được xếp vị trí thứ 23 trong Top 30 sân bay tốt nhất châu Á, theo thông tin được công bố trên trang web chuyên xếp hạng các sân bay trên thế giới The Guide to Sleeping in Airports.

Đến Đà Nẵng, du khách không thể không tham quan 10 địa danh nổi tiếng như: Cầu quay Sông Hàn - cây cầu biểu tượng của thành phố. Không thể không trải nghiệm “lên rừng, xuống biển” ở bán đảo Sơn Trà, với các hoạt động như: Khám phá rừng già Sơn Trà; tham gia câu cá cùng ngư dân, lặn biển ngắm san hô; thăm hải đăng Tiên Sa; tham quan chùa Linh Ứng; đến Mũi Nghê - nơi đón ánh nắng bình minh đầu tiên của Đà Nẵng…

Là tham quan Đèo Hải Vân dài 20km, nằm ở giữa địa giới tỉnh Thừa Thiên - Huế và thành phố Đà Nẵng. Với độ cao gần 500m so với mực nước biển. Từ đỉnh đèo ngắm nhìn những phong cảnh đẹp như tranh vẽ. Và không thể không đến Khu Du lịch Non Nước, với Ngũ Hành Sơn là năm ngọn núi đá (Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ). Rồi tận mắt chứng kiến nghệ nhân chế tác những tác phẩm tuyệt vời từ đá thiên nhiên và mua sắm những sản phẩm nổi tiếng ở làng đá Non Nước.

Rồi tham quan núi Bà Nà ở độ cao 1.489m so với mực nước biển và cảm nhận 4 mùa riêng biệt trong 1 ngày. Tham quan rạn Nam Ô, cùng du thuyền ngược về hướng Tây theo dòng sông Cu Đê, thăm làng dân tộc Kà Tu ở xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang. Có điều kiện sẽ mua đôi chiếu về làm quà tại làng chiếu Cẩm Nê. Và tham quan làng cổ Túy Loan 500 tuổi…

Đặng Trung Hội

Năng lượng Mới 544