Đại biểu Quốc hội 'truy' Bộ trưởng GD-ĐT về môn Lịch sử

16:34 | 16/11/2015

4,384 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Chiều 16/11, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận đã có phiên trả lời chất vấn các đại biểu về các vấn đề tồn tại trong ngành giáo dục.

Nhiều vấn đề tồn đọng của ngành giáo dục được mang ra chất vấn như: Tình trạng thừa thầy thiếu thợ trên thị trường lao động, việc đào tạo ồ ạt tại các trường, Tổ chức kỳ thi THPT quốc gia 2015, việc thay đổi bản dịch bài thơ “Nam quốc sơn hà” gây xôn xao trong dư luận…

Trong đó việc đưa môn Lịch sử vào dạy tích hợp trong chương trình GDPT tổng thể được các đại biểu đặc biệt quan tâm.

Đại biểu Lê Văn Lai (Đại biểu tỉnh Quảng Nam) người cũng có 10 năm làm việc trong ngành giáo dục bày tỏ quan tâm đến đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa như sau:

"Gần đây dư luận xôn xao, hay nói đúng hơn là có sự xáo trộn tận tâm can về một vấn đề nhạy cảm, đó là thay đổi việc giảng dạy môn Lịch sử từ môn học độc lập thành môn tích hợp. Trước sự phản ứng mạnh mẽ của dư luận, xin Bộ trưởng nêu chính kiến của mình, nhất là tính ưu việt và tính đúng đắn của nó" 

Đại biểu Lê Văn Lai đề nghị Bộ trưởng nêu dự định giải quyết vấn đề nêu trên, có hoãn thực hiện chủ trương về giảng dạy môn Lịch sử trong trường phổ thông theo hướng tích hợp hay không?

"Nếu không dừng, không hoãn, Bộ trưởng có dám khẳng định trách nhiệm trước nhân dân về tính đúng đắn của vấn đề? 

dai bieu truy bo truong luan ve viec tich hop mon lich su
Đại biểu quốc hội Lê Văn Lai (Đoàn Quảng Nam)

Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam nêu thêm: Nhân dân đánh giá cao Bộ GD&ĐT đã triển khai đề án cải cách chương trình, sách giáo khoa với khối lượng đồ sộ trong thời gian ngắn. Có người cho rằng đây là cuộc cách mạng trong giáo dục, mở ra một tia sáng cho việc nâng cao chất lượng đào tạo trong giai đoạn mới theo một cách làm mới.

Nhưng với góc nhìn của mình, ông Lai cho rằng có những vấn đề tưởng nhỏ nhưng không nhỏ, ảnh hưởng đến ngành chủ quản và các bên có liên quan.

Nhận định rằng: "Bất cứ sự phá vỡ lớn nào cũng bắt đầu từ sự phá vỡ thành phần”, một việc Bộ cho rằng rất nhỏ như thay đổi cách dạy môn Lịch sử từ độc lập sang tích hợp sẽ gây ra nhiều hệ lụy.

"Bộ Giáo dục cần lưu tâm đặc biệt đến những vấn đề có hàm lượng lịch sử cao, những vấn đề nhạy cảm để khắc phục những sai sót không đáng có, hoàn thành đề án cải cách chương trình, sách giáo khoa đã được Quốc hội phê chuẩn và nhân dân kỳ vọng", ông Lai đề nghị.

Nội dung chất vấn này vừa được Bộ trưởng Bộ GD&ĐTM Phạm Vũ Luận trả lời vào đầu giờ chiều như sau:

Theo Bộ trưởng Phạm Vũ Luận thì dư luận quan tâm đến môn lịch sử vì không thấy tên của môn lịch sử trong chương trình giáo dục phổ thông mới, vì thực chất lịch sử đã được tích hợp cùng với các môn học khác.

Việc dạy tích hợp trong chương trình GDPT tổng thể ở bậc Tiểu học và THCS đã cơ bản nhận được sự đồng thuận. Chỉ riêng việc tích hợp ở bậc THPT thì nhiều ý kiến trái chiều.

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận khẳng định: Thứ nhất môn lịch sử không phải bị coi nhẹ trong chương trình GDPT tổng thể mà thực tế còn được coi trọng hơn so với chương trình hiện hành.

“Theo chương trình soạn thảo báo cáo thì hiện nay các cháu đang học 1,5 tiết lịch sử. Nhưng trong chương trình dự thảo, nếu các cháu không học chuyên ban khoa học xã hội thì bình quân sẽ học 2,5 tiết/ tuần. Còn các cháu học phân ban khoa học xã hội thì học 4 tiết/tuần, tất cả những tiết này đều là bắt buộc. Như vậy, nội dung và khối lượng kiến thức về lịch sử là tăng lên”- Bộ trưởng Luận khẳng định.

Giải thích vì sao lại có việc đưa vào môn Công dân và Tổ quốc thì Bộ trưởng Luận giải thích: Thứ nhất theo tinh thần của chương trình GDPT mới thì chủ trương là dạy tích hợp. Thứ 2 là trong luật quốc phòng an ninh mà Quốc hội vừa thông qua có quy định về lịch sử an ninh quốc phòng và lịch sử dựng nước, giữ nước... có những nội dung trùng lặp thì có thể đưa vào cùng để tránh bị trùng.

Trong chương trình GDPT TT thì ngoài nội dung lịch sử được giảng dạy ở trong phân môn Công dân với Tổ quốc thì Bộ cũng chủ trương đưa môn lịch sử vào những môn học khác.

“Chúng tôi cũng dự kiến có giảng dạy lịch sử vào các môn học khác. Như văn học cũng có giảng dạy gắn với lịch sử, khi chúng ta dạy cho các cháu những tác phẩm như Bình ngô Đại cáo, Hịch tướng sỹ hay Tuyên ngôn độc lập…

Nếu không gắn với lịch sử thì các cháu không hiểu được và tác phẩm không tạo được xúc động cho các cháu… Giảng dạy về Địa lý cũng sẽ gắn với lịch sử, bởi môn học không phải đơn thuần đem đến tên đất, tên đảo mà còn gắn với các chiến công, gắn với các quá trình xây dựng và bảo vệ tổ quốc của vùng đất đó…

Giáo dục âm nhạc, giáo dục mỹ thuật cũng gắn kết với giáo dục lịch sử. Ví dụ khi chúng ta dạy trẻ cảm nhận về những bài hát như: Câu hò bên bến hiền lương, Xa khơi … Nếu không gắn với lịch sử thì các cháu không hiểu, không có những rung động, nên rất nhiều những môn học khác nữa sẽ làm nhiệm vụ hỗ trợ cho việc giảng dạy lịch sử” – Bộ trưởng Phạm Vũ Luận khẳng định.

Kết luận, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nói: "Tóm lại trong dự thảo mà Bộ đang lấy ý kiến không hề có ý là giảm môn lịch sử hay không bắt buộc các cháu học Lịch sử. Vấn đề cần thảo luận là ở chỗ cần phải để riêng thành một môn lịch sử hay là để lịch sử gắn bó với môn khác trong môn tích hợp, thì chúng tôi nghĩ đó là vấn đề cần được thảo luận. Còn khối lượng kiến thức đã có ý kiến rồi. Chúng tôi cũng có báo cáo rằng dự thảo hiện nay chúng tôi đã có rất nhiều những đối tượng,  trong đó có tham khảo ý kiến của các chuyên gia sử."

Trước câu trả lời của Bộ trưởng Phạm Vũ Luận, đại biểu nhắc lại câu hỏi đã được nêu trong phiên họp diễn ra sáng 16/11 rằng: Theo quan điểm của bộ trưởng thì môn Sử còn được là môn độc lập trong sách giáo khoa không?

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận trả lời: Hiện nay ban soạn thảo chương trình của Bộ đang lắng nghe ý kiến rộng rãi của toàn dân. Trên cơ sở đó chúng tôi sẽ có hội thảo với Ban tuyên giáo trung ương, Hội đồng lý luận trung ương, Hội đồng quốc gia giáo dục, Ủy ban văn hóa thanh thiếu niên nhi đồng của quốc hội… Sau đó chúng tôi sẽ báo cáo với Thủ tướng chính phủ vì đây là một việc hết là hệ trọng.

Quan điểm của chúng tôi là nếu việc dạy theo phương pháp tích hợp mà làm nhẹ, không thể làm tăng được thì sẽ không tích hợp. Còn nếu theo phương pháp dạy tích hợp mà vẫn đảm bảo khối lượng kiến thức thì sẽ cho dạy tích hợp. Chúng tôi sẽ làm việc với các chuyên gia lịch sử và các chuyên gia giáo dục để có kết luận cuối cùng về vấn đề này.

Những trả lời này chưa thỏa mãn được đại biểu Lê Văn Lai. 

Đại biểu Lê Văn Lai nói: Qua trao đổi thì theo bộ trưởng việc tích hợp môn Lịch sử coi trọng hơn chứ không giảm nhẹ, khi giải trình bộ trưởng có nói thời lượng tăng lên nhưng tôi cho rằng đây chỉ là một yếu tố thôi, còn những yếu tố quan trọng hơn những vấn đề khác như: Ai? Thầy giáo nào có thể thực hiện tiến hành cùng một lúc việc dạy tích hợp này? Và Bộ đã tiến hành chuẩn bị như thế nào? Vì bản thân tôi chưa thấy sự chuẩn bị một cách đầy đủ nên đồng bào, nhân dân, phụ huynh học sinh thiếu tin vào chủ trương này là có cơ sở.

Thứ 2 là khi môn sử độc lập được dạy có hệ thống, có chuyên ngành một cách bài bản theo chương trình truyền thống mà lịch sử vẫn cónhiều hạn chế bộc lộ rất rõ, lấy râu ông nọ cắm cằm bà kia, thậm chí 1 phòng thi chỉ có 1 thí sinh. Vậy khi chuyển qua đào tạo theo kiểu mới này có đảm bảo được chất lượng đào tạo hay không?

Huyền Anh