GS Phan Huy Lê: 'Chúng tôi không nghe Bộ GD-ĐT nói nữa!'

07:00 | 16/11/2015

29,853 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Khá gay gắt trong cuộc Hội thảo Khoa học về môn Lịch sử trong chương trình giáo dục phổ thông tổng thể được tổ chức hôm nay (15/11) tại Bảo tàng Lịch sử Quốc Gia Việt Nam, GS Phan Huy Lê khẳng khái nói: “Bộ GD&ĐT luôn nói vẫn coi trọng môn Lịch sử nhưng giờ chúng tôi không nghe Bộ nói nữa, chúng tôi chỉ căn cứ vào những điều Bộ GD&ĐT sẽ làm”.  

Cuộc hội thảo mà nhiều người gọi vui là “Hội nghị Diên Hồng”, bàn luận về “số phận” của môn Sử trong chương trình giáo dục phổ thông tổng thể (GDPT TT) diễn ra sáng nay (15/11) tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam đã thu hút sự quan tâm của nhiều chuyên gia đầu ngành nghiên cứu về sử, cùng đông đảo các thầy cô giáo dạy Sử đến từ mọi miền tổ quốc.

Tham dự cuộc Hội thảo này cũng có đại diện của Bộ GD&ĐT, thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển.

Ngay từ đầu khi bắt đầu cuộc Hội thảo phát biểu của Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển rằng: Bộ GD&ĐT luôn coi trọng việc giáo dục lịch sử trong chương trình giáo dục phổ thông. Chúng ta cùng thống nhất với nhau rằng, môn lịch sử là môn học quan trọng. Bộ cũng luôn tiếp thu những ý kiến đóng góp với tinh thần cầu thị. Nhưng trong khuôn khổ cuộc Hội thảo, tôi mong chúng ta tập trung vào việc nên đổi mới môn học Lịch sử như thế nào cho hiệu quả nhất?

gs phan huy le chung toi khong nghe bo gd dt noi nua
GS. Phan Huy Lê

Để các em học sinh tiếp thu được kiến thức nền tảng ở môn Sử, tiến tới định hướng giáo dục nghề nghiệp cho các em. Đổi mới các môn học cần nắm vững tinh thần Nghị quyết 29 của chính phủ là lấy học sinh làm trung tâm, vậy thì ở đây những điều gì mà chúng ta cần phải làm rõ thêm…?

Tuy nhiên, ý kiến này không nhận được sự đồng tình từ các vị đại biểu. Đông đảo ý kiến của các chuyên gia nghiên cứu Sử và thầy cô giáo dạy sử cho rằng: Việc đầu tiên là cần phải định hướng rõ vị trí của môn Lịch sử trong hệ thống chương trình GDPT TT.

Chủ trì cuộc Hội nghị, GS. Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam nhấn mạnh, cần phải trả lại vị thế của môn Lịch sử trong nền giáo dục Việt Nam.

Đi sâu vào Dự thảo chương trình GDPT TT, GS. Phan Huy Lê cho rằng: "Bộ GD&ĐT đưa mô hình dạy tích hợp trong các môn học là không sai. Thậm chí tích hợp là một xu hướng khoa học của nền giáo dục hiện đại trên thế giới.

Nhưng nên dạy tích hợp cao ở các lớp dưới và phân hóa dần ở các lớp trên. Ở Dự thảo chương trình GDPT TT, cấp Tiểu học được tích hợp trong môn “Cuộc sống quanh ta” lớp 1,2,3 và trong môn “Tìm hiểu xã hội” ở lớp 4,5 là có cơ sở khoa học.

Chúng tôi ủng hộ phương án tích hợp này của Bộ GD&ĐT. Tuy nhiên, việc để môn Lịch sử vào tích hợp với “Khoa học xã hội” ở bậc THCS và lại tiếp tục tích hợp với “Công dân với Tổ quốc” là không thỏa đáng, hoàn toàn thiếu cơ sở khoa học."

Theo GS. Phan Huy Lê , tích hợp không có nghĩa là cắt xén nội dung của một số môn học rồi gắn ghép lại một cách cơ học và tùy tiện. Tích hợp khoa học phải dựa trên cơ sở những môn học gần gũi về nội dung, có quan hệ về mặt lý thuyết và phương pháp luận, tức là có cơ sở kết hợp liên ngành.

Giáo dục an ninh quốc phòng và giáo dục công dân là những môn học mang tính chính trị của thời đại hiện đại, hoàn toàn khác với môn lịch sử khoa học về quá trình lịch sử từ cội nguồn xa xưa đến thời đại hiện nay, với nền tảng lý thuyết hoàn toàn khác xa nhau.

Như vậy, không thể tích hợp vào một môn. Cách làm của Bộ GD&ĐT sẽ giết chết môn Sử.

GS. Vũ Dương Ninh (Đại học Quốc gia Hà Nội) cũng khẳng khái: Trước nay, chưa bao giờ Bộ GD&ĐT có một văn bản, một chỉ thị nào coi nhẹ môn Sử hoặc loại bỏ môn Sử. Nhưng trong thực tế lại khác, vị trí của môn Sử đang bị đẩy lùi trở thành môn phụ. Trong chương trình GDPT TT, thực tế, lịch sử đã mất tên chính danh trong chương trình Trung học cơ sở dưới cái vỏ “Công dân và Tổ quốc”.

gs phan huy le chung toi khong nghe bo gd dt noi nua
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, Nguyễn Vinh Hiển

Tiếp đó lại bị lẫn vào môn Khoa học xã hội (tự chọn) trong chương trình cho học sinh theo phân ban khoa học tự nhiên và chỉ còn là môn học chính thức đối với học sinh chọn phân ban khoa học xã hội.

GS. Ninh đặt câu hỏi: Điều đó có nghĩa rằng lớp trí thức trẻ tương lai (trừ số ít chọn ngành khoa học xã hội) sẽ không hiểu hoặc hiểu biết lơ mơ về lịch sử của dân tộc mình?

Cùng chung quan điểm này, GS.TS Trần Thị Vinh (giảng viên Trường Đại học sư phạm Hà Nội) cũng đã chỉ ra những bất cập trong việc biến môn Lịch sử trở thành một phân môn trong môn học mới Công dân với Tổ quốc.

Theo GS. TS Trần Thị Vinh cho rằng việc lắp ghép này là chưa từng có tiền lệ trong lịch sử giáo dục Việt Nam cũng như thế giới.

Đưa ra những luận điểm về cơ sở khoa học và cơ sở thực tiễn, bà Vinh khẳng định dự thảo này không ổn.

Xét về cơ sở khoa học, bà Vinh dẫn dắt: ba môn học Đạo đức, Lịch sử, giáo dục quốc phòng an ninh thì mục tiêu, đối tượng, phương pháp giảng dạy hoàn toàn khác nhau.

Trong khi Lịch sử là một môn khoa học cơ bản, môn học bản lề trong hệ thống giáo dục phổ thông. Mục tiêu quan trọng nhất của lịch sử là giúp học sinh thông hiểu những tri thức lịch sử cốt lõi có hệ thống về toàn bộ quá trình phát triển lịch sử của nhân loại, lịch sử dân tộc, xây dựng cho học sinh kỹ năng tư duy lịch sử…

Nếu so sánh với An ninh quốc phòng thì mục tiêu của môn học này là bảo đảm cho học sinh những hiểu biết ban đầu về nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân, truyền thống chống giặc ngoại xâm…. Đây là môn học mang tính thực hành cao do tính chất rèn luyện kỹ thuật, chiến thuật cũng như kỹ năng phòng thủ dân sự.

Còn mục tiêu của giáo dục công dân chủ yếu là giáo dục giá trị đạo đứa truyền thống cách mạng ý thức tuân thủ pháp luật, trách nhiệm, nghĩa vụ công dân và một số kỹ năng sống cần thiết cho học sinh khi đất nước đang trong thời kỳ hội nhập…

Như vậy, GS.TS Trần Thị Vinh cho rằng 3 bộ môn này không ăn nhập.

gs phan huy le chung toi khong nghe bo gd dt noi nua
GS. Trần Thị Vinh

GS. Vinh khẳng định: “Việc xây dựng một môn học mới là việc làm hệ trọng có liên quan đến chất lượng giáo dục, sự thành bại của cải cách giáo dục và tương lai của thế hệ con cháu chúng ta. Nếu xây dựng một môn học mới, mà không dựa trên nền tảng khoa học và cơ sở thực tiễn thì dẫn đến tình trạng xáo trộn, mất phương hướng trong giáo dục phổ thông".

Bên cạnh đó dựa trên cơ sở thực tiễn về tính khả thi của chương trình, GS.TS Trần Thị Vinh cũng đặt câu hỏi: Ai sẽ là người dạy môn học công dân với Tổ quốc?

GS. Vinh cho rằng với hệ thống kiến thức “khủng” và chẳng ăn nhập với nhau như thế thì chẳng giáo viên nào kham nổi.

Nhìn lại hệ thống đào tạo trong ngành sư phạm hiện nay ở nước ta cũng như trên thế giới, chẳng nước nào đào tạo được giáo viên dạy những môn học mang tính lắp ghép như thế. Thêm nữa, việc biên soạn sách giáo khoa, tài liệu giảng dạy, học tập cho môn học này hoàn toàn không thể thực hiện được.

Bởi rất khó có thể tổng hợp 3 môn học có mục tiêu, định hướng khoa học, nội dung khác nhau để xây dựng kết cấu thành một môn học mới.

Còn xé nát hệ thống kiến thức môn sử không khéo sẽ gây nặng nề, nhàm chán cho học sinh trong quá trình học tập.

Ý kiến này của GS. Vinh nhận được nhiều đồng tình từ các thầy cô giáo dạy Sử. Giáo viên Trần Trung Hiếu – Trường THPT Chuyên Phan Bội Châu, Nghệ An cho rằng: “Cần phải đặt môn Sử vào đúng vị trí của nó, chứ không thể sắp xếp như trong Dự thảo chương trình GDPT TT”.

Tâm sự rằng ngay từ khi Dự thảo được công bố, bản thân thầy đã chứng kiến rất nhiều đồng nghiệp than phiền, thất vọng về cách hành xử của Bộ đối với môn Lịch sử. Việc đưa môn Sử vào dạy như thế thì môn Sử không còn là môn sử nữa, chúng ta đang phá nát nó. Và chúng tôi cũng khẳng định luôn rằng chúng tôi không dạy được tích hợp môn sử.

Giáo viên Trần Trung Hiếu cũng thẳng thắng đặt câu hỏi: Chúng tôi hoài nghi về thông tin mà Bộ GD&ĐT đưa ra là đã tham khảo ý kiến của các giáo viên. Nhưng e rằng không phải…!

Mặc dù diễn ra cả buổi sáng nhưng cuộc Hội thảo vẫn chưa đi đến được thống nhất.

Trong khi các chuyên gia lịch sử đòi phải trả môn Sử về với đúng vị thế của nó thì đại diện Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho rằng: Bộ GD& ĐT cũng có nhiều cái oan.

Việc nói “khai tử” môn Lịch sử hay môn Lịch sử là tự chọn thì trong tài liệu đã nói rất rõ Lịch sử là tự chọn hay bắt buộc.

Nhiều ý kiến cho rằng Bộ GD&ĐT nói học sinh chán học sử là không đúng, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển bày tỏ: Đây là giáo viên nói oan cho Bộ. Chúng tôi nói sách giáo khoa lịch sử và cách dạy hiện nay làm học sinh chán chứ không nói học sinh chán học sử, điều này được thể hiện rất rõ qua cuộc thi “Em yêu Lịch sử Việt Nam” được tổ chức rất thành công.

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cũng khẳng định, để môn Sử đứng độc lập  hay trở thành môn học bắt buộc không đồng nghĩa với nhau.  Đây là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau, không phải cứ bắt buộc là phải độc lập. Còn đặt môn Sử vào vị trí nào thì Bộ sẽ có bàn luận thêm.

Khẳng định luôn lắng nghe với tinh thần cầu thị, thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển nói: Đổi mới thế nào là việc chúng ta cần phải bàn luận và đi đến thực hiện những bước đệm. Hiện nay chúng ta chưa có thế hệ đội ngũ giáo viên, chưa có sách giáo khoa, hay cơ sở vật chất… thì giờ phải thực hiện đi để 20 thậm chí 30 năm nữa sẽ có. Chúng ta không nên cầu toàn, không nên đặt áp lực là phải thành công ngay.

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển khẳng định: “Chúng ta nên cùng nhau nghĩ lại. Có thể cách làm của Bộ hạ thấp giá trị của môn Sử nhưng nói chúng tôi coi thường môn Sử là không có”.

Tổng kết Hội Nghị, cả hai bên đều chưa đưa ra được ý kiến chung.

GS.Phan Huy Lê khẳng định: "Trên cơ sở của Hội nghị này Hội khoa học lịch sử Việt Nam sẽ kiến nghị lên lãnh đạo cao nhất của Đảng, Quốc hội, Nhà nước, Chính phủ và Mặt trận tổ quốc Việt Nam, cần bảo vệ môn Lịch sử như một môn học cơ bản, độc lập và bắt buộc từ cấp Trung học cơ sở đến cấp Trung học Phổ thông". 

 

 

Huyền Anh