Chuyện về Kinh Koran (Kỳ 3)

07:13 | 05/10/2015

7,756 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Cuộc sống thì giản dị như vậy nhưng ông lại khá phù phiếm, bởi hằng ngày ông mất khá nhiều thời gian cho việc chải tóc, tô mí mắt, nhuộm tóc và đeo một chiếc nhẫn rất to chạm hàng chữ: “Muhammad - sứ giả của Ala”.
chuyen ve kinh koran ky 3 Chuyện về Kinh Koran (Kỳ 2)
chuyen ve kinh koran ky 3 Chuyện về Kinh Koran

chuyen ve kinh koran ky 3
Cô gái Palestines

Nghe nói là ông dùng chiếc nhẫn này để đóng dấu vào các thứ giấy tờ, chứ không sử dụng và cũng không có triện như các bậc vua chúa khác. Ông đi đứng ung dung, thong thả, nói năng rất du dương. Ông nóng tính nhưng lại đa sầu, đa cảm.

Ông là một tướng biết tàn nhẫn nhưng lại là một vị quan công bằng, thanh liêm. Ông bài trừ mê tín dị đoan một cách quyết liệt nhưng ông lại biến tôn giáo của mình thành một thứ tín ngưỡng có sức mạnh siêu phàm. Có thể nói ảnh hưởng của ông trong lịch sử thế giới Arập là cực kỳ ghê gớm.

Ông đã nâng cao được trình độ và luân lý của một dân tộc. Ông dùng tôn giáo để thực hiện được mục tiêu của mình chính vì bởi ông là người có tinh thần tôn giáo và ông biết chắc chắn rằng: Không có tôn giáo thì không thể biến một dân tộc quen sống du mục đi vào kỷ cương.

Khi ông bắt đầu thực hiện hoài bão thì bán đảo Arập còn là một vùng sa mạc hoang vu, khô cằn và gồm nhiều bộ lạc, thờ đủ các loại thần thánh khác nhau. Nhưng đến khi ông mất thì vùng đất hoang vu này đã trở thành một quốc gia và ông đã xây dựng được một tôn giáo giản dị, sáng sủa, mạnh mẽ và một nền giáo lý coi trọng sự hi sinh. Điều đó lý giải cho nguyên nhân vì sao chỉ một trăm năm sau Hồi giáo đã trở thành một tôn giáo phát triển mạnh mẽ nhất.

Hồi giáo tuy ra đời ở Mecca nhưng lại không được các bộ lạc ở đó chấp thuận bởi lẽ các chủ nô giàu có ở đây sợ rằng việc truyền bá Hồi giáo sẽ khiến họ bỏ đi việc thờ thánh thần địa phương mà việc buôn bán theo họ, dựa nhiều vào sự giúp đỡ của thần thánh.

Hơn nữa những giáo lý mà Muhammad đưa ra ban đầu chẳng thấy đem lại bổng lộc gì cho họ ngoài việc hứa hẹn rằng, nếu họ chết đi thì sẽ được hưởng cuộc sống sung sướng ở thế giới bên kia, mà cái thế giới đó chưa ai thấy được, và kể lại .

Vì bị tẩy chay, Muhammed và một số cộng sự đã phải lánh sang thành phố Iaxrip. Muhammad đổi tên thành phố này thành Medina mang tính chất của một tổ chức siêu thị tộc, vừa phục vụ tôn giáo vừa chuẩn bị lực lượng quân sự đánh chiếm Mecca.

Để thực hiện mưu đồ của mình, Muhammad đã tiến hành một cuộc hôn nhân chính trị đó là cưới cô Abusophi - con gái của một thủ lĩnh có quyền thế ở Mecca. Chính cuộc hôn nhân này đã làm cho những người cầm quyền ở Mecca mất cảnh giác.

Đến năm 630, Muhammad đã thôn tính Mecca. Một tôn giáo mới được ra đời có tên là Islam với Thánh Ala là thượng đế và Muhammad là nhà tiên tri, là phái viên, là sứ giả của thượng đế trên trần gian. Tất cả các tượng thần ở đền Kaaba đã bị phá hủy, duy nhất chỉ còn lại một hòn đá Đen được giữ lại làm biểu tượng thờ của người Islam.

Vậy tại sao lại có tên gọi là “Hồi giáo”?

Năm 710, khi đạo Islam truyền sang Tây Tạng (Trung Quốc). Vùng này có một dân tộc tên là Uighurs dịch ra tiếng Hán là Hồi Hột. Người Hồi Hột theo đạo Islam khá đông cho nên người Trung Quốc gọi đạo Islam là đạo của người Hồi Hột hay nói vắn tắt là “đạo Hồi” và người theo đạo gọi là “Hồi giáo”.

Sau chiến thắng ở Mecca, và xác lập vị trí của đạo Hồi, Muhammad tấn công các vùng khác ở bán đảo Arập và thẳng tay tàn sát người Do Thái. Đi đến đâu Muhammed cũng bắt mọi người phải theo đạo Hồi.

Năm 632, Muhammad bị chết bên cạnh người vợ thứ 9, khi ấy ông mới 61 tuổi; vì không có con trai thay thế nên khi Muhammad qua đời, các đệ tử của ông đã tranh giành quyền lực và ảnh hưởng gây ra nhiều cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn và làm cho Hồi giáo bị chia thành 4 phái khác nhau.

Từ năm 636, Hồi giáo đã tiến hành những cuộc viễn chinh vượt qua biên giới nhiều nước và truyền bá đạo Hồi cho các dân tộc khác nhau. Lịch sử đã ghi nhận đạo Hồi xâm nhập như sau: Từ năm 622 đến năm 640 các đạo quân đạo Hồi làm chủ vùng bán đảo Arập gồm Palestine, Damascus, Syria.

Về phía đông và đông bắc từ năm 640 đến năm 664 đạo Hồi xâm nhập sang các quốc gia như: Iran, Banglades, Pakistan, Afghanistan, Ấn Độ. Từ năm 710 đến 751 thì xâm nhập vùng Tân Cương ở Trung Quốc. Còn về phía tây thì từ năm 641 đến 670 đạo Hồi xâm nhập toàn bộ vùng ven Địa Trung Hải ở châu Phi là Ai Cập, Algeria.

Từ năm 653 đến 732, đạo Hồi xâm nhập các quốc gia như Thổ Nhĩ Kỳ, Bulgaria, Italia và sang cả nước Pháp… và đạo quân Hồi giáo đã bị chặn lại bởi vua Charles Martel.

Trong quá trình viễn chinh của mình, đạo quân Hồi giáo đã tiêu diệt đế quốc Ba Tư của dòng họ Sassanid vào năm 636 bằng những trận đánh hết sức lạ lùng.

Vào tháng 4 năm 636, một đạo quân Hồi giáo chưa đầy 20.000 người đã tiến đánh Bagdad. Với hơn 100.000 lính trong tay, Bagdad tin rằng sẽ nhanh chóng chiến thắng.

Khi quân Ba Tư vừa mới bày trận xong thì một trận bão cát khủng khiếp ập đến khiến đoàn quân biến thành những kẻ mù dở và thế là họ bị quân Hồi giáo tiêu diệt không mấy khó khăn. 5 tháng sau, trong một cuộc chiến quyết tử, 30.000 quân Hồi giáo đã đánh cho cho 150.000 quân Ba Tư không còn mảnh giáp và đế quốc Ba Tư biến mất trên bản đồ từ đó.

Thế kỷ thứ VI, người Arập còn là những bộ tộc sống trong sa mạc nhưng đến thế kỷ thứ VIII, người Arập Hồi giáo đã làm chủ một vùng rộng lớn trải dài từ Đông (bắt đầu từ một phần lãnh thổ Ấn Độ) sang phía đông đến tận eo biển Gibraltar.

Có thể nói, không có một tôn giáo nào có sức phát triển nhanh đến mức thần tốc như đạo Hồi. Cũng không có quốc gia nào mà bành trướng được nhanh như người Arập.

Là người sống trong nghèo khó từ bé nên Muhammad rất hiểu tâm lý người Arập là luôn mơ ước một cuộc sống sung túc, được hưởng nhiều thú vui, chính vì vậy trong giáo lý của mình, Muhammad đề ra những điều hết sức giản dị.

Để trở thành một tín đồ Hồi giáo, chỉ cần long trọng tuyên bố: “Ala là Thượng đế duy nhất và Muhammad là sứ giả của Người”.

Rồi cũng rất đơn giản, hàng ngày tín đồ phải cầu nguyện 5 lần vào lúc 5 giờ sáng, 9 giờ, 12 giờ, 15 giờ và 21 giờ. Cầu nguyện ở chỗ nào cũng được, miễn là hướng mặt về Thánh địa Mecca, với tư thế quỳ, úp trán xuống đất. Nhà thờ Hồi giáo cũng cực kỳ đơn giản, không trang trí cầu kỳ như những nhà thờ Thiên Chúa giáo, cũng không lắm tượng, lắm ban bệ như chùa Phật giáo…

Nhà thờ hay thánh đường Hồi giáo có hai loại: Đại thánh đường (Mosque) và tiểu thánh đường (Surao). Thánh đường Hồi giáo là ngôi nhà lớn có mái vòm hình củ hành, hình tròn hoặc xây cuốn. Ở góc phía ngoài trên mái nhà có một chỗ dành cho người có một chức sắc nhỏ trong thánh đường gọi là Bilal đứng để kêu gọi mọi người biết đến giờ cầu nguyện.

Thánh đường Hồi giáo phải quay cửa về hướng Mecca và phía trong bài trí đơn giản, không có bàn ghế, không có đồ thờ tự. Bức tường phía trong quay về Mecca có một bục nhỏ để Kinh Koran, phía ngoài thánh đường có một bể nước nhỏ để tín đồ rửa tay trước khi vào lễ cầu nguyện. Trong thánh đường Hồi giáo chỉ có độc một dòng chữ: “Hằng ngày các ngươi làm gì, ăn gì, uống gì, suy nghĩ gì, Ala đều biết cả”.

Đối với Hồi giáo, trong một năm, thời gian quan trọng nhất là vào tháng 9 Hồi lịch tức là vào tháng 11-12 Dương lịch. Đây là tháng Ramandan kỷ niệm sự kiện Thần Gabriel đem Kinh Koran xuống dạy cho Muhammad. Trong tháng này, tín đồ phải sống chay tịnh từ khi mặt trời mọc đến khi mặt trời lặn. Chay tịnh có nghĩa là không được ăn uống, hút thuốc, không được ngủ với phụ nữ… nhưng khi trời tối thì… thoải mái. Ban ngày, tín đồ phải sống trong tĩnh lặng và suy nghĩ về những việc làm của mình…

Ngoài ra còn có những lễ khác như lễ kỷ niệm ngày Muhammad đến Medina mở đầu cho kỷ nguyên Hồi giáo (ngày 6 tháng 1 Hồi lịch); lễ sinh nhật Muhammad vào ngày 12 tháng 3 Hồi lịch, lễ Cống sinh là lễ được tiến hành sau 70 ngày lễ Ramandan.

Trong lễ này, mỗi người Hồi giáo chân tín phải giết một con cừu, dê hay lạc đà để dâng cống sinh mạng cho thượng đế. Đây là một nghi lễ khá quan trọng vì các tín đồ Hồi giáo tin rằng nếu không có vật cống sinh thì sẽ không được lên thiên đàng.

Và hằng tuần, vào ngày thứ Sáu tất cả các nam tín đồ phải đến thánh đường cầu nguyện, nghe đọc Kinh Koran hoặc nghe giảng đạo.

Ngoài những quy định trên thì đạo Hồi không có những lễ lạt, không có tu sĩ, không có điện thờ, không có tranh tượng và không có ca nhạc tôn giáo. Ở mỗi đền thờ, duy nhất có một người điều hành nghi lễ gọi là Imam.

(Còn tiếp)

Nguyễn Như Phong