Chuyện về Kinh Koran (Kỳ 2)

07:10 | 03/10/2015

5,828 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Hồi giáo xuất hiện ở bán đảo Arập bắt đầu từ thế kỷ thứ VII sau Công nguyên. Vào đầu thế kỷ VI, trên vùng đất nằm giữa châu Phi và châu Á tập trung những cư dân chủ yếu là người Arập Bê-doanh. Theo tiếng Arập cổ thì Bê-doanh có nghĩa là “dân sa mạc”.
chuyen ve kinh koran ky 2 Chuyện về Kinh Koran

Kỳ 2: Chút lịch sử Hồi giáo và Kinh Coran

Trên thế giới, không có bán đảo nào rộng bằng bán đảo  Arập. Chiều dài của bán đảo là hơn 2.000km, và tiếng Arập, có nghĩa là “khô khan”… Một vùng khô cằn, mênh mông những hoang mạc, nhưng lại sản sinh ra những cô gái có sắc đẹp bí ẩn, hơi dữ dội và có sức quyến rũ lạ kỳ.

Có lẽ vì con gái Arập quá đẹp, nên sau này, nhà tiên tri Mahomet sợ rằng họ sẽ mê hoặc  đàn ông, nên mặc khải lời của Thánh Ala rằng “phải che mặt khi ra đường”… Và cho đến nay, phụ nữ Arập rất nhiều nơi vẫn tuân theo lời mặc khải này (mặc khải - tiếng Pháp là Revelation - có nghĩa là điều tiết lộ của đấng tối cao)

chuyen ve kinh koran ky 2
Phụ nữ Hồi giáo đi siêu thị

Những người dân này sống chủ yếu bằng nghề chăn nuôi và nói chung họ có một cuộc sống nghèo khổ. Vào giữa thế kỷ VI đã hình thành một con đường buôn bán Tây - Đông giữa Địa Trung Hải với Trung Quốc, Ấn Độ và sự phát triển của thương mại đã hình thành một số trung tâm kinh tế văn hóa như Mecca, Medina...

Những thành phố này nhanh chóng phát triển và đã xuất hiện tầng lớp quý tộc giàu có. Họ làm giàu bằng cách thu thuế của các đoàn thương nhân đi qua, và thu phí của những người đến dự các lễ hội tôn giáo. Tại Mecca có một ngôi đền cổ Kaaba, trong này có một phiến đá Đen được gọi là vật thờ chung của người Arập.

Vào năm 569, tại Mecca đã sinh ra một người mà sau này tên tuổi của ông đã gắn liền với lịch sử phát triển của Hồi giáo - đó là Muhammad. Tiếng Arập có nghĩa là “được ca ngợi, được vinh danh”. (Cũng có một số tài liệu nói Muhammed sinh năm 570 hoặc 571 và người châu Âu gọi là Muhammed).

Theo truyền thuyết thì Muhammad là người của bộ lạc Kaureish, mồ côi cha mẹ từ bé nên phải đi chăn gia súc thuê hoặc dẫn đường cho những đoàn thương lái băng qua các sa mạc nguy hiểm để kiếm tiền. Muhammad không được đi học nên không biết chữ, không biết đọc nhưng lại là người rất khôn ngoan, thông minh, đặc biệt là có ý chí khác người.

Theo miêu tả thì Muhammad không cao lắm, có mái tóc đen xõa dài tới vai và bộ râu dài đến ngực. Với khuôn mặt đầy chất đàn ông như vậy, cộng với tài ăn nói, nên Muhammad được các cô gái chết mê chết mệt. Năm 24 tuổi, Muhammad đến làm thuê cho một người góa phụ giàu có tên là Khadija, lúc đó đã gần 40 tuổi. Khadija là một thương gia lớn và là chủ một đoàn lạc đà chở hàng hơn 100 con.

Sau một thời gian ngắn bà Khadija đem lòng yêu người trai trẻ và thế rồi bất chấp sự chênh lệch về tuổi tác Muhammad đã cưới bà làm vợ. Đó là người vợ đầu tiên và cũng là người vợ đã giúp cho Muhammad độc lập về tư tưởng, ổn định về vật chất và tinh thần, đồng thời sau này đã giúp cho việc truyền đạo của Muhammad rất đắc lực. Có thể nói bà là người ảnh hưởng lớn nhất, thậm chí có tính quyết định trong sự nghiệp của Muhammad.

Sau này Muhammad lấy thêm 4 người vợ chính thức và 6 người vợ không chính thức nữa nhưng không ai được ông coi trọng như bà Khadija. Cũng có một người con gái khác tên là Aisha, con gái một đệ tử của Muhammad kém ông hơn 30 tuổi đã yêu ông say đắm, và trở thành người vợ cuối cùng của ông. Các bà vợ không phải lúc nào cũng “chị em” đoàn kết, nên lắm khi gây cho ông phiền toái, thế là ông trịnh trọng hứa với các bà rằng, nếu ai nghe lời ông, ngoan ngoãn chiều ông thì sẽ sớm được “lên thiên đường”.

Nghe nói sớm được lên chốn cực lạc, các bà ngoan hẳn. Đầu tháng 6 năm 632, ông bị bệnh và bệnh ngày một nặng thêm. Ông hỏi nàng Aisha là có muốn lên thiên đường trước ông không, bà từ chối, vì sợ rằng, nếu bà “lên thiên đường”, thì ông sẽ rước ngay một cô gái trẻ về, rồi biến căn nhà nhỏ bé thành “thiên đường” hay sao?

 Vào ngày 7 tháng 6 năm 632, ông hấp hối, rồi gối đầu lên ngực Aisha và… lên thiên đường.

Là người cả nghĩ cộng với tư duy sắc sảo hơn người, tuy sống trong cảnh khá giả nhưng Muhammad vẫn để tâm tìm hiểu về thế giới, về con người, đặc biệt là về đời sống tâm linh. Do làm kinh doanh nên Muhammad có điều kiện gặp gỡ nhiều người Kitô giáo, Do Thái giáo. Những người này nói nhiều về một thượng đế duy nhất có quyền năng vô biên và Muhammad cũng bị ảnh hưởng bởi thuyết thờ nhất thần của họ.

Muhammad cũng luôn bị dằn vặt, đau lòng trước những hành động thiếu đạo đức hoặc cảnh bóc lột người nghèo một cách dã man của một số người giàu. Thế rồi, theo gương các nhà tu hành của Kitô giáo - đi sống trên các hoang mạc để có điều kiện suy ngẫm tìm ra chân lý cuộc đời - Muhammad đã đến một hang đá tên là Hira ở gần Mecca và tu ở đấy…

chuyen ve kinh koran ky 2
Tác giả với một gia đình Hồi giáo (rất hiếm khi phụ nữ Hồi giáo cho người lạ được chụp ảnh chung)

Chuyện kể lại rằng, năm 610, khi Muhammad 41 tuổi, đang ngồi suy ngẫm trong hang đá thì bỗng nghe thấy tiếng thiên thần Gabriel gọi: “Muhammad, ta thay mặt Thượng đế Ala báo cho ngươi biết là từ nay ngươi sẽ trở thành sứ giả của Người. Ngươi phải đưa những tư tưởng của Người đến dân chúng. Ngươi là sứ giả của Ala ở trần gian”.

Nói rồi thần Gabriel trao cho ông một phiến đá có khắc chữ và đọc cho ông nghe nội dung. Được thần lực của Gabriel truyền cho, Muhammad nhập tâm ngay những điều Ala dạy. Trở về nhà, Muhammad sợ hãi và kể với vợ. Nhưng bà Khadija hết sức vui mừng và đã cùng với cô con gái lớn là Fatima đi truyền những lời của Muhammad cho mọi người.

Trong thời gian đó, ông vẫn thường thấy linh giác. Một đêm, ông có cảm giác được một phép mầu nào đó chở ông tới Jérusalem trong giấc mơ; ở đây một con ngựa thần có cánh, con Borak, đợi ông ở dưới chân bức tường Than khóc của đền Do Thái đã bị phá hủy, ông nhảy lên lưng nó, nó bay lên tới trời rồi trở xuống; và do một phép mầu khác, sáng sớm hôm sau, ông trở về bình an vô sự trên chiếc giường của ông ở La Mecque. Do chuyện bay lên trời đó mà Jérusalem thành thánh địa thứ ba của Hồi giáo.

Muhammad bắt đầu đi truyền giảng đức tin từ năm 612. Ông luôn nuôi trong trong mình hoài bão tập hợp các bộ tộc Arập sống phân tán trong các vùng sa mạc ở bán đảo Arập trở thành một dân tộc thống nhất và có vị trí xứng đáng trên thế giới. Cũng phải mất gần 20 năm đấu tranh gian khổ, Muhammad mới xác lập vị trí của Hồi giáo.

Ở đời, những bậc vĩ nhân bên cạnh trí tuệ siêu phàm, độc đáo, khác thường và luôn tìm ra được những tư tưởng, con đường mới để đạt được mục đích của mình thì họ còn giống nhau ở điểm giản dị, khiêm nhường. Muhammad cũng như Đức Phật, Chúa Jesu và nhiều thủ lĩnh tôn giáo sau này đều là những người có lối sống giản dị.

Khi đã làm chủ một vùng đất rộng lớn rồi, nhưng ông vẫn ở trong một căn nhà bằng gạch không nung mà mỗi chiều chỉ chưa đầy 5 thước. Cánh cửa làm bằng những tấm da dê đan lại, trong nhà chỉ có một tấm nệm, ngoài ra đồ đạc hầu như không có gì.

Ông tự vá áo, khâu giày, quét sân, vắt sữa dê. Ông ăn uống cực kỳ đạm bạc, chủ yếu là một thứ bánh làm từ lúa mạch, thỉnh thoảng mới được một bữa có sữa và mật ong. Ông lễ độ với người cao tuổi hơn mình, niềm nở, chia sẻ với người nghèo. Ông có thể ngồi hàng giờ nghe một người chăn cừu, chăn dê giãi bày. Bất cứ một đám hiếu nào ở xung quanh nơi ông ở người ta cũng đều thấy có mặt ông.

Triều đình của ông cũng là một triều đình kỳ lạ nhất trong lịch sử thế giới: không có kẻ hầu người hạ, cung tần mỹ nữ… Trong những cuộc chiến tranh do chính ông phát động để nhằm buộc các bộ tộc khác phải đi theo con đường của ông, ông đã kiếm được rất nhiều chiến lợi phẩm, nhưng ông chẳng giữ lại cho mình thứ gì mà đều chia hết cho mọi người.

(Còn tiếp)

(Xem tiếp kỳ sau)

Nguyễn Như Phong

Năng lượng Mới 462