Chuyện về Kinh Koran (Kỳ 4)

07:00 | 06/10/2015

7,029 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Đạo Hồi phát triển rực rỡ từ thế kỷ thứ VIII cho đến thế kỷ thứ XIII. Cũng phải nói thêm rằng, trong thời gian này thì cả châu Âu chìm đắm trong thời kỳ đen tối của thời Trung Cổ, chính vì thế mà Hồi giáo đã làm mưa làm gió, xóa đi những đế quốc hùng mạnh như đế quốc La Mã, Bizance, Ba Tư…
chuyen ve kinh koran ky 4 Chuyện về Kinh Koran (Kỳ 3)

 

Người duy nhất trong lịch sử  làm suy yếu Hồi giáo chính là Thành Cát Tư Hãn (Gengis Khan) - vị hoàng đế đầu tiên của Mông Cổ và con cháu.

Vào thế kỷ thứ XIII, Thành Cát Tư Hãn đưa quân đi chinh phục toàn bộ vùng Trung Á, Trung Đông ngày nay. Thành Cát Tư Hãn tàn sát không chút thương tiếc với những thành phố Hồi giáo. Ở thành Bukhara thuộc Iran ngày nay, Thành Cát Tư Hãn đã cho chém sạch 30.000 người, còn sau trận đánh chiếm thành Bagdad, Hãn đã giết hơn 800.000 người. Những đoàn kỵ binh Arập tan tác dưới làn mưa tên của quân Mông Cổ, nhiều tòa thành kiên cố, và có những thành phố đông đúc lần lượt bị quân Mông Cổ tàn phá đến nỗi hàng trăm năm sau không có bóng người… Sau khi Thành Cát Tư Hãn chết, các đời con cháu của Hãn như Hốt Tất Liệt… vẫn tiếp tục chinh phục vùng bán đảo Arập và đạo Hồi suy yếu nhanh từ năm 1550, một phần do bị quân Nguyên - Mông tấn công, một phần do mất đoàn kết nội bộ.

chuyen ve kinh koran ky 4
Cầu nguyện tại một nhà thờ Hồi giáo

Ngay sau khi  Muhammad qua đời, vì không có con trai nên các đệ tử của ông đã tranh giành ảnh hưởng lẫn nhau và cuộc tranh chấp quyền lực diễn ra gay gắt khiến Hồi giáo bị chia thành nhiều hệ phái mà chủ yếu có 4 phái lớn là Su-nit, Si-it, Ismalis, Su-fit.

Đạo Hồi truyền vào Đông Nam Á từ thế kỷ thứ XI đến thế kỷ XII bằng con đường buôn bán qua những thương gia Ấn Độ và Arập, nơi sớm nhất là Indonesia. Còn ở Việt Nam, đạo Hồi có từ thế kỷ thứ X mà chủ yếu là người Chăm. Hiện nay, tín đồ Hồi giáo ở Việt Nam chỉ có khoảng 80.000, tập trung chủ yếu ở vùng Ninh Thuận, Bình Thuận, An Giang, Tây Ninh, TP Hồ Chí Minh… Đạo Hồi ở Việt Nam là một trong 6 tôn giáo được Nhà nước công nhận và cho phép hoạt động. Tín đồ Hồi giáo ở Việt Nam chủ yếu theo dòng chính thống gọi là Chăm Islam và là dòng “hiền lành”, ít mang tư tưởng cực đoan.

Koran (Kuran, hay Qur’ an), có nghĩa là bài đọc, hay diễn giảng, là những lời mặc khải của Thánh Ala truyền xuống qua sứ giả Muhammad, và được Muhammad đọc cho tín đồ chép lại trên da cừu, trên lá, hoặc trên xương cừu rồi đọc lên cho mọi người nghe. Toàn bộ Kinh Koran được Muhammad đọc từ năm 610 đến 632. Sau này được tập họp lại, chia thành chương, thành điều, và có 114 chương, 6211 điều.

Kinh Koran hoàn toàn là “văn nói”, nên lời lẽ hùng hồn, đanh thép, dứt khoát và cực kỳ giản dị. Nhưng khi miêu tả về thiên đường thì lại du dương, thủ thỉ, quyến rũ… Từng chương, từng phần tách bạch nhau, không liên kết… Đoạn thì dạy đạo lý, luân lý, đoạn thì chỉ một kế hoạch, một tuyên ngôn, đoạn thì là quy định lễ nghi, xây dựng kinh tế, đối nhân xử thế, chia chác tài sản; rồi cả chuyện ăn uống, chuyện dựng vợ, gả chồng; thậm chí quy định cả cách… ăn nằm với vợ, với người hầu…

Trong Kinh Koran, tất cả các vấn đề của quốc gia, quan hệ đối ngoại, các vấn đề, quan điểm về tôn giáo, tín ngưỡng đều được đề cập đến và có phương hướng giải quyết, kèm theo đó là những biện pháp cực kỳ cụ thể. Chính vì vậy, mà cho đến nay, ở một số quốc gia Hồi giáo, người ta lấy Kinh Koran để điều chỉnh tất cả các vấn đề của xã hội, mà không cần thêm một bộ luật pháp nào khác. Sở dĩ như vậy là vì họ coi đây là lời của Thánh Ala, cho nên không được phép thay đổi, sửa chữa, và đã là tín đồ Islam, thì phải tuyệt đối tuân thủ.

Kinh Koran dạy tín đồ phải trung thành tuyệt đối với Ala và Muhammad; phải coi cuộc sống dưới trần gian là địa ngục, là tạm bợ… Kinh Koran dạy tín đồ phải đoàn kết, không được kết thân với các người của các tôn giáo khác; dạy con người phải biết thương yêu, bảo vệ nhau và trên hết là phải đoàn kết.

Cũng do bất bình với những tệ nạn xã hội, Muhammad đặt ra hàng loạt những quy định mới cho tín đồ được thể hiện trong Kinh Koran như cấm giết trẻ sơ sinh, cấm uống rượu và cờ bạc, hạn chế ly dị vợ, cấm tiệt nạn mãi dâm… như vậy có thể khẳng định rằng, nếu so sánh với những tập tục lạc hậu truyền thống thì xuất hiện của đạo Hồi là bước tiến bộ lớn.

Cũng nhằm để tập hợp lực lượng và động viên tín đồ hăng hái chiến đấu, Muhammad đã truyền cho họ niềm tin về những cuộc thánh chiến, những người tử vì sự nghiệp bảo vệ chính đạo của Thánh Ala sẽ được lên thiên đường mà đó mới là nơi ở vĩnh hằng của con người. 

Nơi này, theo mô tả của Muhammad là những đồng cỏ xanh rờn và có những dòng suối rượu, suối mật  chảy quanh, bên dòng suối là các nàng tiên nữ (Houri) đang sẵn sàng chờ đón. Tín đồ lên Thiên đàng sẽ được mặc quần áo màu xanh, nằm trên những đệm lông cừu, ăn hoa quả, uống rượu nho và dĩ nhiên bên cạnh là những cô gái. Mà có điều đặc biệt là những cô gái này không bao giờ bị… mất trinh tiết. Ở dưới trần gian, tín đồ Islam bị cấm rượu tuyệt đối, nhưng nếu ai được lên thiên đường thì rượu uống thoải mái.

chuyen ve kinh koran ky 4
Kêu gọi thánh chiến

Những người nghèo, người lương thiện thì Thánh Ala sẽ cho lên thiên đường sớm hơn người giàu, và nhất là những ai đó chiến đấu cho lý tưởng của Thánh Ala. Thế mới có chuyện là vì biết rằng sẽ được lên thiên đường “muộn” hơn so với người nghèo, nên đám người giàu đành “chấp nhận”, và họ chọn trần gian làm “thiên đường” tạm, vì thế, với những nhà giàu Arập, thì ăn chơi, hưởng lạc là không có giới hạn. Và cách ăn chơi, tiêu tiền của họ thì cũng không ai có thể bì được.

Tuy thiên đường mà Muhammad hứa dành cho người tham gia thánh chiến chưa ai được chứng kiến, nhưng những gì mà các chiến binh Hồi giáo có được sau khi chinh phục những vùng đất giàu có khác thì cũng không khác gì thiên đường. Đó là những vùng đất trù phú, đầy hoa thơm quả ngọt và phụ nữ đẹp. Những chiến binh Hồi giáo khi chiến thắng thì tha hồ bắt những phụ nữ xinh đẹp về làm nô lệ.

Trái ngược với thiên đường là địa ngục. Nơi đây có những hố đầy lửa, kẻ ác, kẻ có tội sẽ bị đốt cháy, bị đổ dầu sôi… Địa ngục còn là nơi để dành cho những kẻ không có Đức tin.

Người chết, không được phục sinh ngay, mà cứ phải “ngủ” dài, cho tới ngày được Ala phán xét, quyết định cho trở lại làm người.

(Còn tiếp)

 

 

 

 

 

Nguyễn Như Phong

Năng lượng Mới 463