Chưa 'trảm' được ai thì thực phẩm bẩn vẫn còn!

07:15 | 22/05/2016

1,127 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Tình trạng thực phẩm bẩn tràn lan đã và đang gây nên nhiều hệ lụy trong xã hội. Từ nơi sản xuất thực phẩm cho đến bữa cơm gia đình, đâu đâu cũng hiện hữu nỗi lo thực phẩm bẩn. Nhiều ý kiến cho rằng, trách nhiệm trong sự việc này là ở người đứng đầu các cơ quan chức năng, họ chưa làm tròn trách nhiệm hơn nữa, nhiều vụ thực phẩm bẩn được phanh phui nhưng vẫn chưa có cán bộ nào bị “trảm” nên tình trạng này chưa thuyên giảm…  

Cán bộ vô can!

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Năng lượng Mới, từ nhiều năm trước đây, hàng loạt các vụ việc liên quan đến sản xuất thực phẩm bẩn đã được cơ quan chức năng phanh phui, nhiều cá nhân bị xử phạt. Tuy nhiên, tình trạng này không giảm mà còn có chiều hướng gia tăng.

Khoảng tháng 1-2016, Công an quận Ninh Kiều (thành phố Cần Thơ) đã kiểm tra, phát hiện hơn 1 tạ chả chay, chả bò viên được giấu trên xe khách BKS 65KM-1274 lưu thông từ An Giang về Cần Thơ. Làm việc với cơ quan chức năng, lái xe khách khai nhận đang chở thuê cho khách và không xuất trình được hóa đơn, chứng từ liên quan đến nguồn gốc của lô hàng.

chua tram duoc ai thuc pham ban van con

Khoảng 1 tuần trước đó, Công an thành phố Cần Thơ cũng phát hiện một cơ sở kinh doanh thực phẩm trên đường Lê Hồng Phong (quận Bình Thủy) chứa gần một tấn thịt động vật (vú heo, thịt dê, thịt thỏ, thịt bò…) đã đổi màu, có mùi hôi thối được cất giữ trong 3 tủ đông lạnh lớn. Số thực phẩm bẩn này được cung cấp cho các nhà hàng, quán nhậu trên địa bàn quận Ninh Kiều và Cái Răng, với giá 130.000 đồng/kg.

Chưa hết, ngày 23-4-2016, Công an tỉnh Nam Định tiến hành kiểm tra cơ sở kinh doanh xúc xích (ở phường Cửa Nam, thành phố Nam Định) do ông Hoàng Quốc Đàn làm chủ và phát hiện 1,5 tấn hàng hóa không đủ hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc. Đó chỉ là một vài vụ việc điển hình từ đầu năm 2016 đến nay.

Trước tình trạng thực phẩm bẩn có chiều hướng gia tăng, mới đây, tại Hội nghị trực tuyến về công tác vệ sinh an toàn thực phẩm do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuối tháng 4-2016, Bí Thư thành ủy thành phố Hồ Chí Minh Đinh La Thăng đã thẳng thắng nói: “Không xác định được trách nhiệm; không kỷ luật được ai từ phường, xã đến tỉnh trong khi tình trạng mất vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn diễn ra tràn lan. Không xác định được trách nhiệm nên cả làng đều vui, ăn bẩn vẫn rất vui, vui vì đã chết ngay ai đâu. Chỉ một vài vụ ngộ độc xảy ra, chưa thấm”.

Cũng tại hội nghị, nhiều ý kiến tâm huyết của lãnh đạo các bộ, ngành, các thành phố lớn đã được nêu ra nhằm chống lại vấn nạn thực phẩm bẩn. Tuy nhiên, đại ý các ý kiến cũng chỉ nêu để đối phó với nạn thực phẩm bẩn cần phải có sự chung tay của toàn xã hội, các cơ quan Nhà nước phải có chế tài xử lý thật nghiêm.

Đá bóng trách nhiệm

Liên quan đến vấn đề này, phóng viên Báo Năng lượng Mới đã có cuộc trao đổi với ông Lê Văn Cuông - nguyên ĐBQH tỉnh Thanh Hóa. Ông Cuông cho rằng nguyên nhân để xảy ra tình trạng thực phẩm bẩn hiện nay là do công tác quản lý Nhà nước chưa chặt chẽ, nghiêm minh.

“Sự phân công quản lý giữa các bộ, ngành, địa phương còn chồng chéo hoặc có nhiều chủ thể tham gia quản lý cuối cùng trách nhiệm không thuộc ai. Khi đưa ra hội nghị để làm rõ trách nhiệm thì không quy được trách nhiệm đây là một lỗ hổng của hệ thống quản lý. Chính điều này gây nên hậu quả là thực phẩm bẩn tràn lan, ai cũng nói, ai cũng quan tâm nhưng cuối cùng thì không có kết quả cụ thể, hậu quả thì không quy được cho ai” - ông Cuông nói.

Theo lời ông Cuông, hiện nay có việc thực phẩm bẩn và thực phẩm sạch đang “vàng thau lẫn lộn”. Có nơi họ bán thực phẩm sạch nhưng người dân không biết làm thế nào để biết đó là rau sạch, thịt sạch nên khi đi mua, họ vẫn nghi ngại đó là thực phẩm không an toàn.

“Theo tôi, cơ chế phân công của chúng ta trong quản lý Nhà nước cần phải rõ ràng, minh bạch chứ cứ để phân công nhiều bộ, ngành cùng quản lý sẽ dễ rơi vào tình trạng “cha chung không ai khóc”. Khi có vi phạm cứ đổ lẫn cho nhau, thành tích thì nhận là của mình, cuối cùng hạn chế không ai nhận.

Vậy nên, chúng ta cần phải thay đổi về phân công nhiệm vụ và bộ máy quản lý vấn đề này. Chỉ cần một bộ quản lý thôi chứ không phân công cho bộ này, ngành kia. Đến khi xảy ra việc thì đơn vị đó chịu trách nhiệm chứ không phải là ai khác. Bên cạnh đó, phải nâng cao chế tài xử lý, không những phạt nặng mà còn truy tố hình sự thì mới có sức nặng và có tính răn đe” - ông Cuông nói thêm.

Do nhận thức của người dân

Đại biểu Phạm Tất Thắng - Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội thì cho rằng: Để xảy ra vấn nạn thực phẩm bẩn rõ ràng là có vai trò, trách nhiệm của công tác quản lý mà quản lý thì liên quan đến cán bộ nhưng đổ hết cho cán bộ thì tôi cho là chưa đúng.

“Ở nước ta, hiệu quả của công tác quản lý là chưa tốt, bộ máy các cơ quan chức năng cũng không kịp thời phát hiện xử lý được nhiều vụ việc, hơn nữa chúng ta cũng không quy được trách nhiệm cụ thể cho ngành nào trong việc xử lý thực phẩm bẩn vì nhiều cơ quan cùng quản lý là đúng, tuy nhiên đổ tất cả cho cán bộ thì hoàn toàn thì không đúng. Thực phẩm là do người dân sản xuất, một bộ phận người dân họ vì lợi ích nhỏ của mình mà không quan tâm đến sức khỏe của cộng đồng, ở đây có vấn đề nhận thức của người dân” - ông Thắng nêu.

Từ những tồn tại trên, ông Thắng kiến nghị cần phải xem lại sự phân công từ địa phương, cơ sở xem đã phù hợp hay chưa, rà soát lại những chế tài mới được quy định trong luật mới để sớm có văn bản hướng dẫn và đưa vào cuộc sống. Đồng thời không cấp thêm giấy phép con để tránh gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp và cũng gây khó khăn về mặt quản lý.

Tăng cường kiểm tra, xử lý

Đứng từ góc độ pháp lý, Luật sư Trương Anh Tú, Văn phòng Luật sư Trương Anh Tú (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) nêu quan điểm: Các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường và khắc phục hậu quả theo quy định của pháp luật.

Cụ thể, tại điều 5 Nghị định số 178/2013/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực an toàn thực phẩm quy định: Phạt tiền 70.000.000-100.000.000 đồng đối với hành vi “Sử dụng động vật mắc bệnh truyền nhiễm, động vật chết do bệnh, dịch bệnh hoặc chết không rõ nguyên nhân, buộc phải tiêu hủy theo yêu cầu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để sản xuất, chế biến thực phẩm”.

Ngoài ra, người vi phạm còn phải bồi thường thiệt hại cho người tiêu dùng do hành vi vi phạm gây ra như chi phí y tế, bồi dưỡng hồi phục, tổn thất tinh thần… thậm chí cả mai táng phí nếu có người bị thiệt mạng. Không chỉ có vậy, người vi phạm rất có thể sẽ bị xử lý hình sự về “Tội vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm” theo quy định tại điều 224 Bộ Luật Hình sự.

Trong những vụ việc vi phạm pháp luật về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền trong phạm vi nhiệm vụ quyền hạn của mình có thể tiến hành kiểm tra, thanh tra đối với các cở sở sản xuất chế biến vi phạm. Nếu phát hiện có những dấu hiệu vi phạm thì phải lập biên bản, tiến hành xác minh và xử lý vi phạm tùy theo mức độ.

Không những vậy, các cơ quan chức năng cần thắt chặt hơn nữa việc kiểm tra chất lượng cũng như quy trình chế biến các sản phẩm thực phẩm của các cơ sở sản xuất kinh doanh chế biến thực phẩm. Đồng thời có biện pháp xử lý chặt chẽ để ngăn chặn cũng như răn đe việc đưa ra thị trường tiêu thụ các loại thực phẩm không đảm bảo vệ sinh và chất lượng.

Xuân Hinh