Chữ nghĩa trên bìa quyển “Chỉ nam ngọc âm giải nghĩa”

07:20 | 14/09/2016

|
Một người bạn trẻ yêu thích Hán Nôm đã gởi tặng chúng tôi quyển Từ điển song ngữ Hán Việt Chỉ nam ngọc âm giải nghĩa (TĐSNHV), công trình khảo cứu, phiên âm, chú giải của Hoàng Thị Ngọ do Nxb Văn học ấn hành dưới danh nghĩa của Viện Nghiên cứu Hán Nôm - Trung tâm Nghiên cứu Quốc học (nộp lưu chiểu quý III năm 2016). Bìa của nguyên bản Chỉ nam ngọc âm giải nghĩa (CNNÂGN) khắc in năm Tân Tỵ - mà bà Hoàng Thị Ngọ nhất trí với ông Trần Văn Giáp là năm 1761 - được in lại tại tr.261 của TĐSNHV (xin xem ảnh).
chu nghia tren bia quyen chi nam ngoc am giai nghia

Tại trang bìa này, tên sách được khắc bằng chữ to ở giữa:

[指南玉音解義], tức “Chỉ nam ngọc âm giải nghĩa”. Cột nhỏ bên phải khắc dòng chữ [述聖賢之龠韻], tức “Thuật thánh hiền chi dược vận”; cột nhỏ bên trái khắc dòng chữ [垂達士以暐聰], tức “Thùy đạt sĩ dĩ vĩ thông”. Bên trên, ở giữa là ba chữ [板鑑明], tức “Minh giám bản” (đọc từ phải sang). Những dòng chữ này đã gợi cho chúng tôi một vài suy nghĩ.

Trước nhất là về chữ thứ ba của tên sách, mà có người, trong đó có một vị tiến sĩ ở TP HCM và một tác giả ở tận nước Australia, đã cho là chữ “quốc” một cách hoàn toàn vô căn cứ. Cái lý của họ là: đó là chữ [国], tức “quốc” mà vì chữ “vi” [囗] ở vành ngoài bị mất đi nên chỉ còn trơ lại có chữ [玉], tức “ngọc”, ở bên trong. Vậy, đối với họ, đây là “quốc âm” chứ không phải “ngọc âm”. Bây giờ giấy trắng mực đen rành rành ra đó, không biết họ sẽ lý sự ra sao? Nhưng “ngọc âm” [玉音] là gì? Chúng tôi đã có giải thích tại “Chuyện Đông chuyện Tây” của Kiến thức Ngày nay. Xin nhắc lại như sau. Chữ “ngọc” [玉] có một nghĩa là tốt đẹp, cao quý: “ngọc bản” [玉版] chỉ sách vở quý giá thời cổ, “ngọc chỉ” [玉趾] là gót ngọc, “ngọc dịch” [玉液] là rượu ngon, “ngọc lạp” [玉粒] là hạt gạo (được xem là món quý), “ngọc thể” [玉體] là mình ngọc (dùng để chỉ thân thể người khác một cách trân trọng, rồi về sau có thể hàm ý khôi hài), v.v... Vậy “ngọc âm” là âm đẹp đẽ, cao quý, dùng để chỉ tiếng Hán, là thứ khó biết, khó hiểu.

Dòng chữ nhỏ bên phải [述聖賢之龠韻] đã được Trần Văn Giáp dịch là “Theo vần mẫu của thánh hiền” và chữ [龠] đã được ông đọc thành “thược” là một âm mà nó không hề có (xin xem Trần Văn Giáp, Tìm hiểu kho sách Hán Nôm, tập II, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1990, tr.10). Âm chính xác của chữ này là “dược”, như đã cho trong Khang Hy tự điển, Từ nguyên, Từ hải và nhiều quyển từ điển tiếng Hán khác, đặc biệt là Quảng vận (đầu thế kỷ XI): “dĩ chước thiết” [以灼切]. Mathews’ Chinese English Dictionary phiên là “yo”, Dictionnaire classique de la langue chinoise của F.S. Couvreur thì phiên là “io” còn âm của nó trong tiếng Bắc Kinh hiện nay (ghi theo pinyin) là “yuè”. Tất cả đều tương ứng với “dược”. Hán Việt từ điển của Đào Duy Anh phiên là “thược” còn Hán Việt tự điển của Thiều Chửu thì phiên là “dược” nhưng có ghi chú: “Ta quen đọc là chữ thược”. Vậy Trần Văn Giáp đọc thành “thược” thì cũng chỉ là theo thói quen nên không chính xác.

Nhưng “dược vận” [龠韻] có thật chỉ là “vần mẫu” hay không? Chúng tôi cho là không vì trước nhất CNNÂGN không phải là một kiểu vận thư. Thứ đến, đối tượng mà nó giải nghĩa bằng quốc âm (ghi bằng chữ Nôm) là “ngọc âm”, tức từ, ngữ của tiếng Hán. Trước thực tế này, ta cần chú ý đến vai trò của chữ [龠]. Chữ [龠] này còn có thể dùng thay cho cả chữ [籥], chữ [鑰], như đã cho tại nghĩa 3 của nó trong Hán ngữ đại tự điển (Thành Đô, 1993). Vậy, với vai trò “đồng dụng” này, “dược” [龠] còn có nghĩa là “then cửa”, “ống khóa”, “chìa khóa”. Rồi từ đó, nó mới có nghĩa bóng là “then chốt”, “trọng yếu”, mà Từ hải (bản cũ) đã giảng là “dĩ dụ ách yếu chi xứ” tại nghĩa 3 của chữ [鑰]. Đây chính là nghĩa của nó trong câu “Thuật thánh hiền chi dược vận”. Còn chữ “vận” thì được dùng để tượng trưng cho khái niệm “từ, ngữ”. Vậy “dược vận” ở đây chính là những từ ngữ trọng yếu của tiếng Hán và “Thuật thánh hiền chi dược vận” là “Trình bày những từ, ngữ trọng yếu của thánh hiền” (Ở đây, “thuật” có nghĩa là bày ra).

Dòng chữ nhỏ bên trái [垂達士以暐聰] đã được Trần Văn Giáp dịch là “Để lại cho người học thấy được trong sáng tỏ rõ”. Hai chữ “đạt sĩ” [達士] mà dịch thành “người học” thì ngược hẳn với nghĩa của nó. “Đạt sĩ” được Từ hải (bản cũ) giảng là “dữ ‘đạt nhân’ đồng, vị kiến thức cao siêu, bất đồng ư lưu tục giả dã”, nghĩa là “đồng nghĩa với ‘đạt nhân’, [chỉ] người có hiểu biết vượt trội, khác với người thường vậy”. Vậy, tiếp ý với dòng chữ bên phải, dòng bên trái (“Thùy đạt sĩ dĩ vĩ thông”) có thể được hiểu là “(những từ, ngữ trọng yếu đó là) thừa truyền từ những người giỏi giang mà làm cho sáng tỏ” (ở đây, “thùy” là lưu truyền).

Ba chữ ở giữa, phía bên trên (“Minh giám bản”) đã được Trần Văn Giáp dịch là “Ván khắc in (theo bản) đã được xét từ đời Minh”. Chúng tôi mạo muội cho rằng ở chỗ này thì ông đã đi hơi xa. Thực ra, hai chữ “minh giám” [明鑑] là một ngữ đoạn vị từ có sẳn và vẫn được hiểu là “minh sát” [明察], tức “xét rõ”, như đã cho trong Đương đại Hán ngữ từ điển của nhóm Lý Quốc Viêm (Thượng Hải từ thư xuất bản xã, 2001). Vậy “Minh giám bản” là “bản đã được xem xét tỏ tường”.

Chúng tôi mạo muội nhận xét như trên nhưng lại nghĩ rằng ta cũng nên thông cảm với Trần Văn Giáp vì ông đã có công giới thiệu cho chúng ta cả một “thư tịch chí Việt Nam”, một “nguồn tư liệu văn học, sử học Việt Nam” với những 429 tác phẩm nên, nói thật ra, cũng khó lòng đạt đến sự chính xác trong từng chi tiết. Một sự khảo tả như đã có thể thấy trong Tập I (1984) và Tập II (1990) của bộ sách là một việc làm đáng trân trọng vô cùng.

Cuối cùng, xin lưu ý bạn đọc rằng, liên quan đến bìa quyển CNNÂGN trong TĐSNHV của Hoàng Thị Ngọ, có hai chỗ bị in sai. Trong câu “Thuỳ đạt sĩ dĩ vĩ thông” [垂達士以暐聰], chữ “vĩ” [暐] bị in sai thành [喡] và lạ một điều là chính cái chữ bị in sai này lại được đọc đúng âm của nó là “vi” nên cả câu được in là “Thùy đạt sĩ dĩ vi thông” (Sđd, tr.18). Vô nghĩa! Với âm “vi”, chữ [喡] có nghĩa là “tiếng la hét” hoặc “tắt tiếng vì la hét” còn với âm “vị” thì nó có nghĩa là “tiếng thét của trẻ con”. Vấn đề ở đây không phải chỉ là gõ nhầm chữ Hán mà là sửa chữ và sửa cả âm. Rồi trong “Minh giám bản” [板鑑明], chữ “bản” [板] đã bị in sai thành [本] (Sđd, tr.19). Chỗ sai về chữ “vĩ” [暐] chắc là của người biên tập còn chỗ sai về chữ “bản” [板] chắc là của người gõ vi tính. Hai cái sai này chắc không phải của PGS.TS Hoàng Thị Ngọ.

A.C

Năng lượng Mới số 556