Xin đừng trách khán giả khó tính!

06:43 | 15/03/2012

1,640 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Xin đừng trách khán giả khó tính mà hãy trách người kiểm định phim sao dễ tính, để những cảnh “chướng mắt” không còn làm phiền khán giả.

>> Phim Việt có cần “nóng”

Gần đây các báo mạng thi nhau tranh luận về phim ngắn “Hai phòng ngủ” của một sinh viên trường Sân khấu Điện ảnh, nhưng với cư dân mạng thì còn sôi nổi hơn. Một khi chuyện gì thành tâm điểm bàn tán thì vấn đề càng trở nên phức tạp.

Phim là bài tập thi học kỳ 2 năm nhất của Phạm Trung, Đại học Sân khấu Điện ảnh. Đoạn phim dài gần 10 phút và không có lời thoại. Nhân vật chính trong phim là một cặp nam nữ sống cùng một căn hộ nhưng ở 2 phòng cách biệt. Ban ngày, họ đối xử với nhau lạnh lùng như hai người xa lạ. Nhưng đêm về, những khát khao về bản năng trong họ lại trỗi dậy. Họ đứng trước lựa chọn hoặc vượt qua ranh giới đến với nhau hay tự thỏa mãn với cuộc sống của riêng mình.

Nội dung phim không mở đầu không kết thúc, chỉ tập trung vào việc họ tự thỏa mãn nhu cầu dục vọng. Ống kính máy quay tập trung vào sự biểu cảm của hai nhân vật với những giọt mồ hôi nhễ nhại trong niềm khoái cảm do mình tạo ra. Khi bộ phim được đưa lên mạng đã có nhiều ý kiến nhận xét nội dung bộ phim là dung tục, phản văn hóa.

Theo tác giả thì: “Đoạn phim này đã đưa lên mạng hơn 8 tháng, nhưng không nhận nhiều phản hồi. Trước đây chỉ có nhận xét khen ngợi hoặc nói chưa hiểu chứ chưa có lời nào nhận xét tục tĩu”. Nhưng một khi đã đưa ra bàn luận thì khó tránh khỏi điều tiếng của thiên hạ, khen thì ít nhưng chê thì nhiều, nên chăng cần xem lại cách dạy làm phim và thực hiện ý tưởng theo một hướng nhìn của nghệ thuật.

Ông Đinh Ngọc Tuấn, hiệu phó trường Sân khấu Điện ảnh TP HCM: "Nếu phim đã được các thầy hướng dẫn kiểm duyệt mà lại có nội dung phản cảm và bị xã hội lên án như vậy thì chúng tôi sẽ phải họp hội đồng nhà trường để làm rõ trách nhiệm của từng người cũng như rút kinh nghiệm trong vấn đề định hướng đào tạo”.

Còn về phía cư dân mạng, họ được tự do xem và có hướng nhận xét riêng. Phim có ý tưởng, nhưng cách thể hiện hơi dung tục, đi sâu vào cảnh nhạy cảm nên làm cho người xem không hiểu hết nội dung. Một số người có đánh giá dưới góc độ phim ảnh, nhưng thực sự thì ý tưởng trong câu chuyện chưa nói lên được gì nhiều. Những cảnh "người lớn” không đặc sắc, không cảm xúc, không có hồn, góc quay thường, mồ hôi của nhân vật ra nhiều một cách không hợp lý. Phần nhạc lồng ghép không hợp vấn đề vì có những phân đoạn với cảm xúc và tình huống khác nhau… Ngoài ra, góc quay và cách thể hiện cảm xúc của diễn viên còn thiếu tinh tế nên clip cũng chưa tạo được cảm xúc gì cho người xem.

Đề tài nhạy cảm được làm bởi người non tay nghề nên khó nói hết ý nghĩa

Phạm Trung, tác giả đoạn phim phân trần: “Góp ý của thầy cô và bạn bè luôn ở chừng mực nhất định chứ không can thiệp thô bạo vào tác phẩm. Bởi nếu làm như thế sẽ không còn người nghệ sĩ nữa. Khi nộp phim này có các thầy chấm bài tác phẩm được điểm không cao. Thầy cô có nói nội dung truyền đạt của tác phẩm chưa hết mặc dù thể hiện bằng ngôn ngữ điện ảnh không có lời. Tôi không có ý nghĩ làm phim cấp ba hay phim sex gì cả. Thật kinh khủng khi nhiều ý kiến cho là như vậy”.

Sao cứ đổ thừa cho một sinh viên năm nhất còn non kém tay nghề? Là một sinh viên trường Sân khấu Điện ảnh, làm phim vì mục đích gì? Có phải là để phục vụ cho môn học của mình? Nhưng người giáo viên trực tiếp xem và cho điểm lại không có ý kiến gì nhiều, đến khi câu chuyện được đưa ra công chúng thì trách nhiệm lại đổ lên đầu tác giả của đoạn phim.

Trong cuộc họp kiểm điểm ở trường, tác giả đoạn phim đã bị khiển trách vì đã vi phạm quy chế sinh viên của nhà trường khi đưa bài tập nội bộ lên trang mạng xã hội mà không thông qua nhà trường. Vì theo quy chế, mọi sản phẩm nghệ thuật của sinh viên khi được thầy cô giám sát phải có sự đồng ý của ban giám hiệu mới được công bố trên truyền thông để tránh sai lệch về bản quyền tác phẩm.

Những cảnh quay quá thô

Bên cạnh đó, Ban Giám hiệu cũng khẳng định: Đề tài và nội dung phim ngắn mà sinh viên này truyền đạt không có gì sai, chỉ có điều do đây là một đề tài nhạy cảm nhưng sinh viên còn non tay nghề, làm chưa tới nên có thể gây hiểu lầm cho người xem.

Nên chăng cần có sự chuyên nghiệp hơn ở khâu quản lý và kiểm duyệt sản phẩm. Không đâu xa, mới đây VTV3 đã bị dư luận lên án vì cho phát sóng phim “Hoa nắng” có cảnh dung tục.

Xin đừng trách khán giả khó tính mà hãy trách người kiểm định phim sao dễ tính, cần có sự quản lý tốt để những cảnh “chướng mắt” không còn làm phiền khán giả.

                                                                                            Nguyễn Hiển