Vẫn tranh cãi về cái chết của cố Tổng thống Palestine Yasser Arafat

10:06 | 30/12/2013

1,409 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Ngày 26/12, Đại sứ Palestine tại Nga Faed Mustafa tuyên bố, chính quyền Palestine sẽ tiếp tục điều tra về cái chết của cố Tổng thống Yasser Arafat sau khi chuyên gia Nga loại bỏ khả năng ông bị đầu độc.

Trước đó (đầu tháng 12), Pháp cũng loại bỏ khả năng cố Tổng thống Yasser Arafat bị đầu độc bằng chất phóng xạ. Hãng thông tấn nhà nước Nga RIA Novosti dẫn lời ông Faed Mustafa cho biết, Palestine tôn trọng lập trường của Nga và đánh giá cao công việc của Moskva, nhưng vẫn quyết định tiếp tục việc điều tra.

Từ những tuyên bố khác nhau

Tuyên bố của ông Faed Mustafa được đưa ra sau khi các chuyên gia pháp y Nga kết luận: cố Tổng thống Yasser Arafat qua đời một cách tự nhiên, không phải bị đầu độc bằng chất phóng xạ. Trước đó, ông Tawfi Al-Tirawi, người đứng đầu Ủy ban điều tra cái chết của ông Yasser Arafat từng tuyên bố, cuộc điều tra nguyên nhân cái chết của cố Tổng thống Yasser Arafat vẫn đang tiếp tục và hiện chưa có kết quả chính thức.

Ngày 7/11, chính quyền Palestine từng yêu cầu mở cuộc điều tra quốc tế về cái chết của cố Tổng thống Yasser Arafat sau khi các nhà khoa học Thụy Sĩ một lần nữa khẳng định giả thuyết ông tử vong do bị đầu độc. Khi đó, ông Wasel Abu Yusef, thành viên cấp cao của Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) cho rằng, cần phải thành lập một ủy ban điều tra quốc tế về nguyên nhân cái chết của cố Tổng thống Yasser Arafat, tương tự như Ủy ban được lập ra để điều tra cái chết của cố Thủ tướng Lebanon Rafic Hariri. Bởi các kết quả xét nghiệm đều cho thấy, khả năng ông Yasser Arafat bị đầu độc bằng đồng vị phóng xạ polonium (chất nguy hiểm chỉ có thể do cơ quan chính phủ quản lý).

Cố Tổng thống Palestine Yasser Arafat.

Cũng trong ngày 7/11, các nhà khoa học Thụy Sĩ khẳng định, các phân tích khoa học tiến hành tại Thụy Sĩ không cho phép khẳng định polonium là nguyên nhân cái chết của cố Tổng thống Yasser Arafat, nhưng cũng không loại trừ khả năng này. Cùng ngày, bà Suha Arafat một lần nữa nêu lại những nghi vấn xung quanh cái chết của chồng với cáo buộc: một thành viên trong hàng ngũ của cố Tổng thống Yasser Arafat đã đầu độc ông, mặc dù nhấn mạnh, Israel từng đưa chồng vào danh sách những người ngăn cản tiến trình hòa bình Palestine và Israel.

Bà Suha Arafat cho rằng, cái chết của chồng mình là "một vụ ám sát chính trị" được thực hiện bởi "một thuộc cấp thân cận" của cố Tổng thống. 

Bà Suha Arafat cho biết, đã trao đổi với chuyên gia tư pháp nổi tiếng thế giới, ông David Barclay và biết rằng, nhiều khả năng chất độc đã được bỏ vào trà, cà phê hoặc nước uống của cố Tổng thống Yasser Arafat từ chính người thân cận với ông.

Ông David Barclay từng cho rằng, nồng độ polonium có trong thi thể của ông Yasser Arafat đủ để thiệt mạng nạn nhân và loại polonium được tìm thấy trong thi thể của cố Tổng thống phải được sản xuất trong một lò phản ứng hạt nhân. Nhưng cáo buộc của bà Suha Arafat đã vấp phải sự im lặng của những người kế nhiệm cố Tổng thống Yasser Arafat.

Ông Abbas Zaki, thành viên cấp cao của đảng Fatah tuyên bố: Không ai nên đưa ra những cáo buộc loại này bởi cố Tổng thống Yasser Arafat là lãnh đạo của nhân dân Palestine. Do đó, chúng ta không nên bất đồng về những vấn đề này bởi đó là thảm họa cho sự nghiệp quốc gia.

Ngay sau khi Nga đưa ra kết luận kể trên, Thụy Sĩ đã bác bỏ tuyên bố này. Giám đốc Viện Vật lý Phóng xạ Lausanne của Thụy Sĩ, ông Francois Bochud cho rằng, việc Nga đưa ra tuyên bố mà không cung cấp bất kỳ dữ liệu nào cũng như các luận cứ khoa học là tuyên bố mang tính chính trị và vô nghĩa. Đồng thời khẳng định, họ không thay đổi kết luận đã đưa ra trước đó.

Ông Francois Bochud (đồng tác giả của bản báo cáo được công bố hôm 7/11, trong đó phát hiện hàm lượng chất phóng xạ polonium trong mẫu phẩm lấy từ thi hài của ông Yasser Arafat cao gấp gần 20 lần mức bình thường) đưa ra tuyên bố này ngay sau khi Giám đốc Cơ quan Y-Sinh Liên bang Nga (FMBA) Vladimir Uiba khẳng định, cố Tổng thống Yasser Arafat qua đời một cách tự nhiên chứ không phải bị đầu độc bằng chất phóng xạ, đồng thời cho biết: Thụy Sĩ "đã rút lại các tuyên bố của họ và nhất trí" với kết quả nghiên cứu của Nga.

Ông Vladimir Uiba nhấn mạnh, FMBA không nhận được bất cứ yêu cầu nào về việc tiến hành khám nghiệm lại tử thi của ông Yasser Arafat. Trước đó ông Francois Bochud cũng từng cho rằng, nguyên nhân khiến các đồng nghiệp Pháp đưa ra kết luận sai lệch (loại bỏ khả năng cố Tổng thống bị đầu độc bằng chất phóng xạ) có thể do trong đoàn chuyên gia Pháp tới Ramallah khai quật thi hài ông Yasser Arafat không có chuyên gia về phóng xạ.

Tới các nghi vấn

Theo Al-Jazeera, các nhà khoa học cho rằng, có tới 85% khả năng ông Yasser Arafat đã bị đầu độc bằng chất phóng xạ polonium. Bản báo cáo dài 108 trang của các nhà khoa học Thụy Sĩ đã được chuyển cho Chính quyền Dân tộc Palestine (PNA) hôm 6/11.

Cũng trong ngày 6/11, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Israel Yigal Palmor cho rằng, báo cáo kết quả xét nghiệm nói trên không thuyết phục và không đủ chứng cứ. Ông Yigal Palmor một lần nữa khẳng định, Israel không liên quan đến cái chết của ông Yasser Arafat như cáo buộc của PNA và cho rằng, cần chờ kết quả xét nghiệm của hai nhóm chuyên gia Pháp và Nga. Theo báo chí Nga, thi hài ông Yasser Arafat đã được khai quật vào ngày 27/11/2012 theo yêu cầu của vợ cố Tổng thống Palestine, bà Suha Arafat.

Al-Jazeera từng đưa tin, 8 nhà nghiên cứu đến từ 2 viện của Thụy Sĩ ủng hộ phát hiện cho rằng, có một lượng lớn nguyên tố phóng xạ trong mẫu máu, nước tiểu và nước bọt trên quần áo và bàn chải đánh răng của cố Tổng thống Palestine. Và điều này cho thấy, ông Yasser Arafat đã bị đầu độc bằng polonium. Trong khi đó tờ Al-Quds Al-Arabi (một báo độc lập tiếng Arab ở London, Anh) hồi đầu tháng 10 từng dẫn nguồn tin am hiểu sự việc cho biết, một số người Palestine lo ngại đây là kết quả của một "quyết định chính thức" bị trì hoãn.

Năm 2012, một phóng sự điều tra của kênh truyền hình Al Jazeera ở Qatar cho biết, họ đã phát hiện dấu vết của chất phóng xạ polonium trên các vật dụng cá nhân của ông Yasser Arafat. Manh mối này được Viện quân y Pháp nơi cố Tổng thống qua đời trao lại cho bà Suha Arafat. Khi đó, các công tố viên Pháp cũng mở cuộc điều tra về việc ông Yasser Arafat bị đầu độc theo yêu cầu của bà Suha Arafat.

Cũng trong năm 2012, ông Nasser al-Qidwa, cháu cố Tổng thống Palestine, đồng thời là Chủ tịch Quỹ Yasser Arafat cho rằng, chất phóng xạ polonium là tác nhân dẫn tới cái chết của ông Yasser Arafat và Israel là người đứng sau vụ việc này. Bác sĩ riêng của cố Tổng thống Palestine là ông Ashraf al-Kurdi từng yêu cầu khám nghiệm tử thi ông Yasser Arafat để làm rõ nguyên nhân cái chết, nhưng bất thành.

Vì ông Yasser Arafat qua đời (ngày 11/11/2004) tại Quân y viện Percy ở thủ đô nước Pháp, nhưng các bác sĩ Pháp khi đó không thể xác định được nguyên nhân gây tử vong nên Paris phải tham gia điều tra nguyên nhân cái chết của cố Tổng thống Palestine sau khi có những thông tin kể trên. Khi đó, các bác sĩ Pháp, những người trực tiếp chữa trị cho ông Yasser Arafat những ngày cuối đời chỉ đưa ra thông báo chung chung: không thể kết luận được nguyên nhân dẫn tới cái chết bí ẩn này.

Được biết, từ trung tuần tháng 10/2004, ông Yasser Arafat đã cảm thấy bị suy kiệt nặng và những bác sĩ giỏi nhất trong thế giới Arab tuy đã khám và hội chẩn nhưng đều không phát hiện ra nguyên nhân căn bệnh mà nhà lãnh đạo Palestine đang mắc phải. Theo một số nguồn tin, trong những ngày cuối cùng của đời mình, ông Yasser Arafat không hề bị hôn mê và trí óc vẫn tỉnh táo cho tới phút cuối cùng cho dù luôn bị nôn mửa.

Ngày 11/11/2012, Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas tuyên bố (đúng dịp kỷ nhiệm 8 năm ngày mất của ông Yasser Arafat), phải mở cuộc điều tra  về nguyên nhân cái chết của cố Tổng thống. Ngày 24/11/2012, ông Tawfiq Tirawi, người đứng đầu ủy ban điều tra Palestine thông báo, mộ ông Yasser Arafat được mở trong ngày 27/11/2012 và các chuyên gia sẽ lấy mẫu chỉ vài giờ sau đó, đồng thời cho rằng, Israel là nghi can “đầu tiên, chủ yếu và duy nhất” trong cái chết của cố Tổng thống Palestine và đây là “tội ác của thế kỷ 21”.

Gần 10 năm trước (khoảng 3h30’ sáng 11/11/2004), ông Yasser Arafat đã trút hơi thở cuối cùng sau 13 ngày được đưa khẩn cấp từ Ramallah đến chữa trị tại Quân y viện Percy ở thủ đô Paris. Sau khi ông Yasser Arafat qua đời, ông Bassam Abu Sharif, cựu cố vấn chính trị cho cố Tổng thống Palestine từng khẳng định: Israel ám sát ông Yasser Arafat bằng chất độc và cựu Tổng thống Pháp Jacques Chirac biết rõ việc này. Cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton từng nhấn mạnh, Washington không ủng hộ điều tra thông tin cố Tổng thống Yasser Arafat bị đầu độc.

 

Quốc Tuấn - Khắc Dũng