Nguy cơ lan rộng toàn Trung Đông, hệ lụy khó lường

09:34 | 04/12/2023

1,085 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Cho tới nay, tình hình chiến sự giữa Phong trào kháng chiến Hồi giáo Hamas tại Palestine và Nhà nước Do thái Israel vẫn tiếp tục leo thang, khiến cộng đồng quốc tế hết sức lo ngại trước khả năng xung đột sẽ lan rộng ra toàn khu vực Trung Đông, kéo theo những hệ lụy khó lường.

Nguy cơ lan rộng toàn Trung Đông, hệ lụy khó lường
Quân đội Israel nã pháo tự hành vào Dải Gaza, ngày 11/10/2023_Ảnh: AFP

Chiến sự ngày càng lan rộng

Kể từ ngày 7/10 đến nay, để đáp trả cuộc tấn công bất ngờ của Phong trào kháng chiến Hồi giáo Hamas vào lãnh thổ Israel, phía Israel đã tiến hành một loạt động thái đáp trả, như thành lập nội các thời chiến, phong tỏa Dải Gaza, tiến hành không kích, pháo kích tấn công các mục tiêu ở Dải Gaza, từng bước tăng cường hoạt động của các lực lượng trên bộ ở Dải Gaza nhằm tiêu diệt lực lượng Hamas. Không dừng lại ở đó, các cuộc tấn công, trả đũa lẫn nhau còn diễn ra giữa quân đội Israel với lực lượng Hezbollah cùng các lực lượng đối địch với Nhà nước Do Thái khác, khiến tình hình chiến sự đã mở rộng sang cả lãnh thổ Lebanon và Syria. Israel còn tiến hành tấn công các sân bay ở thành phố Aleppo và Thủ đô Damascus của Syria với mục đích được cho là nhằm cảnh báo, ngăn chặn khả năng Iran thông qua Syria để can dự vào cuộc xung đột. Trong khi đó, phía Iran tuy chưa chính thức đe dọa tham chiến nhưng cũng đã cảnh báo Israel sẽ phải đối mặt với hậu quả to lớn, nếu không ngừng các cuộc tấn công vào Dải Gaza.

Bên cạnh đó, lực lượng quân đội Mỹ - nước đồng minh của Israel đang đồn trú trong khu vực - cũng là mục tiêu tấn công bằng máy bay không người lái và tên lửa của các nhóm chiến binh được hậu thuẫn từ các nước đối địch với Mỹ và Israel. Với mâu thuẫn đã tích tụ từ lâu, các phe nhóm kháng chiến của người Palestine ở Dải Gaza, Bờ Tây, Lebanon, Syria,... đã tấn công các căn cứ của Mỹ ở Syria, Iraq để thể hiện sự “chia lửa” với Phong trào kháng chiến Hồi giáo Hamas và phản đối sự hậu thuẫn của Mỹ dành cho Israel. Các cuộc tấn công trên dẫn tới sự đáp trả của Mỹ. Lực lượng Mỹ đã thực hiện các cuộc không kích vào một số cơ sở ở miền Đông Syria được Lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) và các nhóm chiến binh liên quan sử dụng. Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan thừa nhận, Mỹ nhận thấy các mối đe dọa ngày càng tăng đối với lực lượng Mỹ trên toàn khu vực, cũng như nguy cơ cuộc xung đột này lan sang các khu vực khác. Mỹ sẽ cố gắng ngăn chặn điều đó xảy ra và cảnh báo sẽ đáp trả mạnh mẽ, nếu các cuộc tấn công vào lực lượng Mỹ còn tiếp tục diễn ra.

Rõ ràng, việc mở rộng các mặt trận chiến sự của Israel sang các nước lân cận cùng các cuộc tấn công trả đũa của Mỹ là hệ lụy từ cuộc xung đột ban đầu giữa Israel với lực lượng Hamas. Hệ lụy này đang ngày càng lan rộng ra toàn khu vực Trung Đông, với khả năng tham chiến ngày càng lớn của các nhóm chiến binh, các nhà nước Arab, Hồi giáo trong toàn khu vực.

Không chỉ nguy cơ chiến sự lan rộng, cuộc xung đột còn tạo ra nguy cơ phức tạp hơn khi xung đột tạo nên mâu thuẫn giữa những người dân thường vô tội. Người Do Thái ở nhiều nơi trên thế giới đang phải tăng cường đề phòng nguy cơ bị những người phản đối Israel tấn công. Đại sứ quán Israel ở các nước phải tăng cường các biện pháp bảo vệ, đề phòng bị tấn công bất ngờ. Vụ việc hàng trăm người ủng hộ Palestine xông vào sân bay của Cộng hòa Dagestan (Nga) để phản đối chuyến bay đến từ Israel là một trường hợp cho thấy, xung đột quân sự đã mở rộng thành những xung đột dân sự khó kiểm soát.

Nguy cơ lan rộng toàn Trung Đông, hệ lụy khó lường
Phiên bỏ phiếu biểu quyết tại Đại Hội đồng Liên hợp quốc thông qua nghị quyết kêu gọi ngừng bắn nhân đạo ngay lập tức, lâu dài và bền vững ở Gaza, ngày 28/10/2023_Ảnh: Reuters

Cộng đồng quốc tế “bế tắc” trong việc tìm giải pháp

Ngày 24/10, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc tiến hành phiên thảo luận mở về tình hình căng thẳng tại Israel và Dải Gaza, là nỗ lực mới nhất của Liên hợp quốc nhằm tìm kiếm “lối thoát” cho vòng xoáy xung đột ở khu vực này. Tuy nhiên, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc vẫn chưa đạt được đồng thuận về nghị quyết liên quan đến cuộc xung đột.

Dự thảo nghị quyết do Mỹ đề xuất đã không được thông qua tại Hội đồng Bảo an khi chỉ có 10 quốc gia tán thành. Dự thảo nghị quyết kêu gọi các bên liên quan đến xung đột tại Dải Gaza ngừng ngay lập tức các vụ tấn công bạo lực để mở đường cho khu vực này tiếp cận với nguồn hàng viện trợ nhân đạo. Dự thảo thể hiện Mỹ ủng hộ quyền tự vệ của “tất cả các quốc gia” trong giới hạn luật pháp quốc tế. Đây là lần thứ 2 Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc không thể nhất trí dự thảo nghị quyết về xung đột Hamas - Israel. Ngày 16/10/2023, bản dự thảo do Nga đề xuất cũng vấp phải sự phủ quyết của Mỹ và Anh. Bản dự thảo này kêu gọi ngừng bắn hoàn toàn, tôn trọng quyền con người và lên án mọi hành vi bạo lực, thù địch nhằm vào dân thường.

Trong khi Hội đồng Bảo an đang bế tắc, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua được nghị quyết kêu gọi Israel và Hamas ngừng bắn ngay lập tức vì mục đích nhân đạo. Nghị quyết do Jordan bảo trợ đã được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua với 120 phiếu thuận, 14 phiếu chống và 45 phiếu trắng. Nghị quyết cũng yêu cầu tất cả các bên tuân thủ Luật Nhân đạo quốc tế, trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho mọi con tin, đồng thời bảo đảm việc cung cấp, viện trợ các nhu yếu phẩm “liên tục, đầy đủ và không bị cản trở” tới người dân đang bị mắc kẹt trong khu vực. Đây là nghị quyết đầu tiên được Liên hợp quốc chính thức thông qua kể từ khi vòng xoáy xung đột mới nhất bùng phát giữa Israel và Hamas từ ngày 7/10/2023 tới nay. Tuy nhiên, trong cơ chế hoạt động của Liên hợp quốc hiện nay, Nghị quyết này không có sức nặng lớn đối với các bên liên quan.

Khả năng kiềm chế và chấm dứt xung đột trong ngắn hạn

Đây là vấn đề vẫn chưa có giải pháp trong bối cảnh hiện nay. Israel đã tuyên bố sẽ quyết tâm tiêu diệt hoàn toàn lực lượng Hamas, tuy nhiên theo nhiều chuyên gia quân sự nhận định, việc tấn công vào Dải Gaza để tiêu diệt hoàn toàn lực lượng Hamas là không dễ dàng. Kể từ khi quân đội Israel rút khỏi Dải Gaza (năm 2005), vùng đất này đã có nhiều thay đổi, nhưng lực lượng Hamas vẫn có sự chuẩn bị kỹ lưỡng để đối phó với Israel cho một cuộc chiến lâu dài. Lực lượng này còn nhận được sự hậu thuẫn lớn của người dân Palestine ở Dải Gaza. Hơn nữa, việc Israel tấn công trên bộ đã gặp phải phản ứng mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế, kể cả phương Tây. Vì vậy, “quét sạch” Hamas là việc vô cùng khó khăn đối với Israel.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cho rằng, tình hình Trung Đông đang “nghiêm trọng hơn mỗi giờ, một cuộc khủng hoảng nhân đạo đang hiện hữu, căng thẳng sục sôi”; đồng thời khẳng định, nền tảng thực tế duy nhất đối với hòa bình và ổn định ở Trung Đông đó là giải pháp 2 nhà nước, người Israel phải thấy nhu cầu chính đáng của họ về an ninh được cụ thể hóa, trong khi người Palestine cũng được thấy nhu cầu chính đáng của mình về một nhà nước độc lập được hiện thực hóa, phù hợp với các nghị quyết của Liên hợp quốc, luật pháp quốc tế và các thỏa thuận liên quan

Thực tế cho thấy, xung đột Hamas - Israel đã làm dấy lên hồi chuông cảnh báo về khả năng xảy ra một cuộc xung đột kéo dài ở Trung Đông và tiềm ẩn rủi ro gây bất ổn cho nền kinh tế toàn cầu. Nhiều chuyên gia cho rằng, cuộc xung đột tại Trung Đông có thể tạo thêm các thách thức mới đối với nền kinh tế thế giới. Tất cả các kịch bản xung đột đều có thể đẩy giá dầu tăng chóng mặt, tỷ lệ lạm phát tăng cao khiến mức tăng trưởng kinh tế toàn cầu sụt giảm. Trong trường hợp xấu nhất, giá dầu mỏ thế giới có thể tăng lên mức 150 USD/thùng. Lạm phát toàn cầu nhiều khả năng sẽ tăng lên 6,7% trong năm 2024, cao hơn nhiều so với dự báo hiện tại của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) là 5,8%.

Trong một thế giới đầy phức tạp hiện nay, xung đột ở Trung Đông xảy ra là điều khó có thể tránh khỏi, bởi đôi khi xung đột bùng lên cũng là nhằm phục vụ cho lợi ích của các thế lực phía sau không dễ nhận biết. Tuy nhiên, những hệ lụy sau xung đột sẽ khiến cộng đồng quốc tế nhận thấy phải nhanh chóng tìm ra những giải pháp chấm dứt cuộc xung đột này. Mặc dù, trong ngắn hạn hay dài hạn thì những hệ quả của cuộc xung đột để lại đối với thế giới, khu vực và đặc biệt là với những con người ở vùng đất này là vô cùng...

Theo Chuyên trang Hồ sơ Sự kiện - Tạp chí Cộng Sản

Chiến tranh ảnh hưởng như thế nào đến nền kinh tế Israel?Chiến tranh ảnh hưởng như thế nào đến nền kinh tế Israel?
Xung đột Israel-Hamas sẽ khác với những cuộc chiến tranh trước đó tại Trung ĐôngXung đột Israel-Hamas sẽ khác với những cuộc chiến tranh trước đó tại Trung Đông
Mỹ hưởng lợi lớn trong chiến tranh Palestine - IsraelMỹ hưởng lợi lớn trong chiến tranh Palestine - Israel