Sứ mệnh lịch sử của 3 Tổng thống Mỹ đều là người Đảng Dân chủ

Kỳ II: Tổng thống Franklin Roosevelt - nhân vật trung tâm trong các sự kiện có ý nghĩa thời đại

07:25 | 27/02/2024

1,503 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Tổng thống Franklin Roosevelt là người của Đảng Dân chủ đắc cử trong cuộc bầu cử năm 1932 và là tổng thống duy nhất trong lịch sử Mỹ đắc cử 4 nhiệm kỳ liên tiếp, trở thành nhân vật trung tâm trong các sự kiện có ý nghĩa thời đại vào nửa đầu thế kỷ XX.
Kỳ I: Tổng thống Woodrow Wilson và sự sắp đặt bởi “nhà nước ngầm”Kỳ I: Tổng thống Woodrow Wilson và sự sắp đặt bởi “nhà nước ngầm”
Kỳ II: Tổng thống Franklin Roosevelt - nhân vật trung tâm trong các sự kiện có ý nghĩa thời đại
Ứng cử viên Franklin Roosevelt phát biểu chấp nhận đề cử tổng thống Mỹ tại đại hội toàn quốc của đảng Dân chủ ở Chicago năm 1932_Ảnh: AP

Đáng chú ý nhất là Mỹ và thế giới lâm vào cuộc Đại suy thoái trong giai đoạn 1929 - 1933 và Chiến tranh thế giới thứ hai (1939 - 1945). Cuộc Đại suy thoái bùng phát vào ngày 29-10-1929 thường được gọi là “Ngày thứ tư đen” khi thị trường chứng khoán trên phố Wall Street ở New York sụp đổ hoàn toàn và sau đó lan rộng ra khắp toàn cầu. Cuộc Đại suy thoái này xuất phát nhiều nguyên nhân.

Cuộc Đại suy thoái 1929 - 1933 là hậu quả đan xen của các yếu tố kinh tế và chính trị cả trong và ngoài nước Mỹ và gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với toàn thế giới. Về kinh tế, cuộc Đại suy thoái đã tàn phá nặng nề nền kinh tế các nước tư bản, kéo lùi sức sản xuất hàng chục năm, làm ngừng trệ hoạt động thương mại quốc tế.

Về xã hội, đẩy hàng trăm triệu người vào tình trạng đói khổ, thất nghiệp, mất ruộng đất, sống trong cảnh nghèo đói, túng quẫn. Có từ 25 - 90% số trẻ em bị suy dinh dưỡng dẫn tới cuộc khủng hoảng nhân khẩu học.

Về chính trị, gây ra sự bất ổn định chính trị ở các nước tư bản, tạo điều kiện bùng phát các phong trào cực đoan và các chế độ độc tài, điển hình là chủ nghĩa quốc xã ở Đức, Italia và Nhật Bản.

Đặc biệt, cuộc Đại suy thoái đã thúc đẩy các nước tư bản áp dụng những chính sách bành trướng và xâm lược thuộc địa, gây ra những mâu thuẫn và xung đột quốc tế, tạo tiền đề dẫn đến Chiến tranh thế giới thứ hai. Trong bối cảnh đó, năm 1930, Quốc hội Mỹ phải áp dụng Luật thuế hải quan Smoot-Hawley để bảo vệ sản phẩm trong nước bằng cách gia tăng đáng kể thuế nhập khẩu. Đạo luật này bị các nước châu Âu phản đối kịch liệt, dẫn đến cuộc chiến thương mại toàn cầu và làm suy giảm hoạt động thương mại quốc tế.

Đắc cử vào năm 1929, Tổng thống Mỹ Herbert Hoover phải đẩy mạnh thực hiện các biện pháp chống khủng hoảng. Trong tháng 6-1929, Tổng thống Herbert Hoover thành lập Hội đồng Nông trại Liên bang như một biện pháp nhằm ổn định và phát triển thị trường nông sản. Theo đó, nhà nước chỉ đóng vai trò là người khuyến khích sự hợp tác tự nguyện.

Tuy nhiên, hoạt động quản lý trang trại theo phương thức này rút cuộc còn gây ra thiệt hại lớn hơn đối với nông dân và chỉ làm giàu cho giới quản lý cấp cao của tổ chức này. Vì vậy, Tổng thống Herbert Hoover chuyển sang dựa vào các doanh nghiệp tư nhân. Vào thời điểm đó, đây là quyết định đúng đắn duy nhất vì Chính phủ Mỹ chưa có những dự án sẵn, cũng như chưa có bộ máy quản lý hiệu quả.

Ông còn áp dụng các biện pháp quản lý nhà nước như cắt giảm thuế và tăng chi tiêu của chính phủ. Để kích thích đầu tư vào công nghiệp, nhà nước triển khai các chương trình xây dựng và các công trình công cộng khẩn cấp, cung cấp các khoản tín dụng để hỗ trợ nông dân. Tuy nhiên, các biện pháp của Tổng thống Herbert Hoover không thể đưa nước Mỹ thoát khỏi khủng hoảng và ông đã thất bại trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng vào năm 1932 trước ứng cử viên Đảng Dân chủ Franklin Roosevelt.

Ngay sau khi nhậm chức vào đầu năm 1933, Tổng thống Franklin Roosevelt tuyên bố thực hiện Chính sách mới. Để cải thiện tình hình sản xuất, Tổng thống Franklin Roosevelt thông qua quyết định thành lập Cơ quan đặc biệt tái thiết công nghiệp quốc gia, với nhiệm vụ xác định hạn ngạch cho các sản phẩm được sản xuất; phân phối thị trường; định giá sản phẩm; quy định điều kiện cấp tín dụng; cấm xuất khẩu vàng và hủy bỏ bản vị vàng của đồng USD; áp dụng chế độ bảo hiểm tiền tiết kiệm của người dân; mở rộng quyền lực của Cục Dự trữ liên bang; áp dụng chế độ kế hoạch hóa nền kinh tế; hợp pháp hóa hoạt động của các tổ chức công đoàn để hóa giải xung đột giữa người sử dụng lao động và người lao động.

Quốc hội Mỹ thông qua Luật An sinh xã hội, thiết lập mức lương tối thiểu và các tiêu chuẩn về thời gian làm việc trong tuần; áp dụng mức lương tối thiểu của người lao động; Đạo luật tái cấp vốn để khôi phục nền nông nghiệp, nhà nước kiểm soát khối lượng sản xuất nông nghiệp. Ngoài ra, Tổng thống Franklin Roosevelt còn quyết định thành lập Ủy ban Chứng khoán nhà nước; Cơ quan quản lý công trình công cộng được nhà nước phân bổ ngân sách 12 tỷ USD để chi dùng từ năm 1933 đến năm 1937.

Đến năm 1937, một số xu hướng tích cực bắt đầu xuất hiện trong nền kinh tế Mỹ. Trong đó, GDP đạt gần ngang mức năm 1929, tỷ lệ thất nghiệp bắt đầu giảm. Giai đoạn khủng hoảng cấp tính bắt đầu chuyển sang trạng thái trì trệ có thể kéo dài thêm vài năm nữa. Tuy nhiên, Mỹ chỉ có thể thoát khỏi Đại suy thoái sau Chiến tranh thế giới thứ hai.

Khi chiến tranh bùng nổ ở châu Âu vào ngày 1-9-1939, báo New York Times số ra ngày 9-10-1939 đăng bài viết nhận định, tiếng nói của Mỹ đóng vai trò quyết định tình trạng chiến tranh hay hòa bình ở châu Âu. Sau đó 20 ngày, cũng trên báo New York times, John Forster Dulles - về sau là Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ - đưa ra dự báo rằng một khi chiến tranh ở châu Âu kết thúc, Mỹ sẽ nắm quyền lãnh đạo thế giới.

Ngày 16-5-1940, sau khi phát xít Đức tấn công Pháp, Tổng thống Franklin Roosevelt đệ trình lên Quốc hội phê duyệt kế hoạch chiến lược thành lập Tổ hợp công nghiệp - quân sự có quy mô và tiềm lực lớn nhất thế giới. Ngày 11-3-1941, Tổng thống Franklin Roosevelt ký Đạo luật tăng cường hơn nữa khả năng phòng thủ của Mỹ.

Với kho vũ khí hiện đại lớn nhất thế giới, ngày 7-11-1941, Tổng thống Franklin Roosevelt phê chuẩn Đạo luật cho thuê vũ khí, cho phép Liên Xô thuê vũ khí của Mỹ và được cấp khoản tín dụng không lãi suất trị giá 1 tỷ USD. Sau khi Đức bất ngờ tấn công Liên Xô vào ngày 22-6-1941, kịch bản diễn biến tiếp theo của cuộc chiến đã được Thượng nghị sĩ Đảng Dân chủ Harry Truman vạch ra: “nếu thấy Đức đang trên thế thắng Liên Xô, chúng ta cần phải giúp Liên Xô. Còn nếu nhận thấy Liên Xô đang thắng, chúng ta phải giúp Đức. Chúng ta nhất thiết phải làm như vậy để họ tàn sát lẫn nhau nhiều hơn”.

Sau cuộc tấn công của Nhật Bản ngày 7-12-1941 vào căn cứ hải quân Mỹ tại Trân Châu Cảng ở Thái Bình Dương, Mỹ và Anh tuyên chiến với Nhật Bản. Ngày 11-12-1941, Đức và Italia tuyên chiến với Mỹ. Tổng thống Franklin Roosevelt quyết định thành lập liên minh chống phát xít Đức và quân phiệt Nhật.

Ngày 1-1-1942, tại Washington, liên minh được thành lập. Sau những chiến thắng ấn tượng của Hồng quân Liên Xô tại Stalingrad và Kursk, Tổng thống Franklin Roosevelt tin rằng Liên Xô hoàn toàn có khả năng đánh bại liên minh Đức - Italia ở châu Âu và ông quyết định mở Mặt trận thứ hai. Ý tưởng mở Mặt trận thứ hai không chỉ là để chống phát xít Đức mà là không để Liên Xô giải phóng và kiểm soát toàn bộ châu Âu sau chiến tranh.

Tái đắc cử nhiệm kỳ thứ tư vào năm 1944, trong tháng 2-1945, Tổng thống Franklin Roosevelt cùng với Tổng tư lệnh tối cao Liên Xô Joseph Stalin và Thủ tướng Anh Winston Churchill tổ chức Hội nghị thượng đỉnh tại Yalta - một địa danh ở phía Nam Liên Xô - để hoạch định cấu trúc chính trị và an ninh quốc tế sau khi kết thúc chiến tranh. Vì thế, về sau trật tự thế giới 2 cực trong kỷ nguyên Chiến tranh lạnh thường được gọi là “Trật tự Yalta”.

Trong thông điệp liên bang ngày 11-1-1944, Tổng thống Franklin Roosevelt đề xuất nội dung của Dự luật về kinh tế. Ông cho rằng, các quyền chính trị được Hiến pháp Mỹ và Tuyên ngôn nhân quyền đầu tiên bảo đảm là chưa đủ để tạo ra sự bình đẳng để người dân có quyền tạo dựng cuộc sống hạnh phúc.

Để khắc phục những hạn chế này, Tổng thống Franklin Roosevelt đề xuất xây dựng Dự luật về quyền kinh tế để bảo đảm cho người dân có nhiều quyền: (i) Quyền có việc làm hữu ích và sinh lợi trong công nghiệp, thương mại, nông nghiệp và hầm mỏ của quốc gia; (ii) Quyền được hưởng mức lương xứng đáng để bảo đảm cuộc sống tốt có đủ thức ăn, quần áo và được nghỉ ngơi; (iii) Quyền của nông dân được trồng và bán nông sản của mình để mang lại cuộc sống tươm tất cho gia đình; (iv) Quyền của mọi doanh nhân, dù là doanh nghiệp lớn hay nhỏ, được bảo vệ trước sự cạnh tranh không lành mạnh và sự thống trị độc quyền trong hoặc ngoài nước; (v) Quyền của mọi gia đình có nhà ở khang trang; (vi) Quyền được chăm sóc y tế đầy đủ và được bảo vệ sức khỏe; (vii) Quyền được bảo đảm kinh tế đầy đủ khi về già, bệnh tật, tai nạn hay thất nghiệp; (viii) Quyền được giáo dục tốt.

Tuy nhiên, Dự luật này không được Quốc hội thông qua. Thật đáng tiếc, chỉ hơn 1 năm sau đó, vào ngày 12-4-1945, Franklin Roosevelt đột ngột qua đời ở tuổi 63, được cho là “do xuất huyết não”. Các học giả, nhà khoa học chính trị và sử gia xếp hạng Franklin Roosevelt là1 trong 3 vị tổng thống Mỹ vĩ đại nhất, cùng với George Washington và Abraham Lincoln.

(Còn nữa)

Kỳ I: Tổng thống Woodrow Wilson và sự sắp đặt bởi “nhà nước ngầm”Kỳ I: Tổng thống Woodrow Wilson và sự sắp đặt bởi “nhà nước ngầm”

Theo Chuyên trang Hồ sơ sự kiện - Tạp chí Cộng sản