Điều gì khiến Tổng thống Mỹ muốn sở hữu Greenland bằng mọi giá?

11:24 | 23/01/2025

880 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Trong suốt quá trình tranh cử, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nhiều lần bày tỏ mong muốn sở hữu vùng lãnh thổ tự quản Greenland của Đan Mạch.
Ảnh: Reuters
Ảnh: Reuters

Sau khi lời đề nghị mua lại Greenland bị Chính phủ Đan Mạch từ chối, nhà lãnh đạo Mỹ đã để ngỏ khả năng sử dụng vũ lực để đạt được tham vọng của mình.

Theo nhận định chung, ông Trump muốn mua lại Greenland trước hết là muốn củng cố an ninh quốc phòng, sau đến mới là những giá trị kinh tế tiềm ẩn của nó. Sự kiện này đang nhận được sự quan tâm rất lớn từ truyền thông toàn cầu.

Trên thực tế, hòn đảo Greenland có ý nghĩa vô cùng quan trọng về mặt chiến lược. Greenland quan trọng, không chỉ đối với Mỹ mà cả các đối thủ cạnh tranh của Mỹ là Canada, Liên minh Châu Âu (EU), Trung Quốc và Nga.

Greenland có vị trí chiến lược trên Vòng Bắc Cực, bao quanh là Mỹ và Canada ở phía Tây, EU ở phía Đông và Nga ở phía Bắc và phía Đông. Trung Quốc, dù ở rất xa Greenland, nhưng tham vọng của họ đã vươn tới Vòng Bắc Cực. Tuy nhiên, tham vọng sở hữu Greenland không chỉ liên quan đến vị trí của nó. Hòn đảo tự trị này có rất nhiều tài nguyên thiên nhiên, từ dầu khí đến các khoáng sản quan trọng.

Ảnh: CNN
Ảnh: CNN

Một ước tính của Cục Khảo sát địa chất Mỹ hồi năm 2007 cho thấy, Greenland chứa khoảng 31,4 tỷ thùng dầu, khí đốt và khí tự nhiên. Để so sánh, Mỹ đã tiêu thụ 7,39 tỷ thùng dầu chỉ riêng trong năm 2023.

Việc khai thác nhiên liệu hóa thạch từ Greenland là không hề đơn giản, chủ yếu là do điều kiện băng giá và vị trí địa lý xa xôi. Tuy nhiên, hiện tượng tan băng và tác động của nóng lên toàn cầu đang dần khiến việc khai thác trở nên khả thi hơn.

Vào năm 2021, Chính phủ Greenland đã ra lệnh tạm dừng mọi hoạt động thăm dò dầu khí trong tương lai, với lý do giá khai thác dầu quá cao. Động thái này hoàn toàn trái ngược với khẩu hiệu "khoan, khoan, khoan" của Donald Trump khi chính quyền của ông tìm cách củng cố nguồn cung cấp năng lượng trong nước.

Được biết, dưới bề mặt băng giá của hòn đảo băng giá này còn có các mỏ nguyên tố đất hiếm (REE), vật liệu cần thiết để sản xuất pin, công nghệ năng lượng tái tạo và thiết bị quân sự.

Các nguyên tố đất hiếm ở Greenland bao gồm các vật liệu như than chì, được sử dụng trong xe điện và luyện thép, niken, kẽm, vàng, vonfram và nhiều loại khác. Tại Greenland hiện chỉ có hai mỏ đang hoạt động.

Các quốc gia phương Tây, bao gồm Mỹ, đang mong muốn khai thác tài nguyên của Greenland để giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc, quốc gia chiếm hơn 60% nguồn cung toàn cầu vào năm 2023 .

Các mỏ đất hiếm được cho là ngày càng dễ tiếp cận hơn khi băng tan ở Bắc Cực, song điều đó không có nghĩa là việc khai thác dễ dàng.

Về phần mình, cả Chính phủ Greenland và Đan Mạch đều lên tiếng phản đối mạnh mẽ tuyên bố của ông Donald Trump về Greenland.

Trên danh nghĩa, Greenland vẫn có quan hệ về quốc phòng và an ninh với Đan Mạch, nhưng hòn đảo này đang tìm cách thúc đẩy sự phát triển kinh tế và độc lập của riêng mình.

Bình An

Reu/DW/CNN