Sứ mệnh lịch sử của 3 Tổng thống Mỹ đều là người của Đảng Dân chủ

Kỳ III: Ông Joe Biden và cuộc bầu cử phức tạp, kịch tính nhất lịch sử

07:52 | 23/03/2024

1,100 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Chiến dịch tranh cử Tổng thống Mỹ trong năm 2020 giữa ứng cử viên và là đương kim Tổng thống Donald Trump của Đảng Cộng hòa và ứng cử viên Joe Biden của Đảng Dân chủ diễn ra vô cùng phức tạp, quyết liệt và kịch tính xuất phát từ cuộc đấu tranh về sự lựa chọn con đường phát triển của Hoa Kỳ trong một thời điểm có tính bước ngoặt của lịch sử.
Sứ mệnh lịch sử của 3 Tổng thống Mỹ đều là người của Đảng Dân chủ - Kỳ III: Ông Joe Biden và cuộc bầu cử phức tạp, kịch tính nhất lịch sử
Tổng thống Mỹ Donald Trump và ứng cử viên tổng thống của Đảng Dân chủ Joe Biden trong cuộc tranh luận tranh cử tổng thống đầu tiên tại bang Ohio (Mỹ) ngày 29-9-2020_Ảnh: AFP

Trong chiến dịch tranh cử năm 2016, ứng cử viên Donald Trump tuyên bố cuộc bầu cử lần này không đơn thuần là thủ tục người dân Mỹ phải làm 4 năm 1 lần mà là bỏ phiếu để lựa chọn con đường phát triển của Hoa Kỳ, thì cuộc bầu cử năm 2020 quyết định nước Mỹ có tiếp tục phát triển theo con đường đã lựa chọn năm 2016 hay không và có sẽ có tác động rất lớn tới cục diện chính trị thế giới. Với những diễn biến đầy kịch tính trên chính trường Mỹ cũng như trên thế giới trong nhiệm kỳ của Tổng thống Donald Trump, xác suất tái đắc cử của đương kim tổng thống và phần thắng thuộc về ứng cử viên Joe Biden được giới phân tích đánh giá là 50/50.

Cuộc bầu cử tổng thống diễn ra ngày 3-11-2020, nhưng mãi tới ngày 12-11-2020 báo chí Mỹ mới đưa tin ứng cử viên Joe Biden tuyên bố giành chiến thắng. Ngay lập tức nguyên thủ nhiều nước như Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Đức Angela Merkel, Thủ tướng Anh Boris Johnson, Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide và một số quốc gia khác ở châu Âu và châu Á đã gửi điện chúc mừng ông Joe Biden trong khi Ủy ban Bầu cử trung ương Mỹ chưa công bố kết quả cuối cùng. Lý do là ông Donald Trump, cũng như ban vận động tranh cử của ông đã gửi đơn kiện lên Tòa án Tối cao liên bang và của các bang về việc có nhiều gian lận trong quá trình bỏ phiếu, kiểm phiếu.

Trên thực tế, gian lận trong bầu cử tổng thống không có gì lạ, được giới phân tích chính trị quốc tế gọi là “căn bệnh truyền thống” trong nền chính trị Mỹ. Quỹ The Heritage Foundation - một trong những trung tâm phân tích chiến lược hàng đầu - từng xây dựng cơ sở dữ liệu lớn về các trường hợp gian lận bầu cử tại tất cả các cấp chính quyền ở Mỹ từ năm 1979. Trong đó có 1.121 vụ gian lận bầu cử đã bị kết tội hình sự, trong số 1.298 vụ vi phạm.

The Heritage Foundation tổng hợp và phân loại các hình thức gian lận bầu cử thành 7 nhóm: (i) Sử dụng các phiếu bất hợp pháp theo kiểu mượn danh nghĩa của các cử tri mà chính họ không hề hay biết; (ii) Lạm dụng phiếu bầu từ những người đã bị tước quyền cử tri do phạm tội nghiêm trọng hoặc không phải là công dân Mỹ; (iii) Dùng tên một cử tri để bỏ phiếu nhiều lần; (iv) Mua chuộc và hối lộ cử tri bằng vật chất hoặc tiền mặt; (v) Đăng ký cử tri dưới tên giả và địa chỉ giả; (vi) Các thành viên của ủy ban bầu cử làm sai lệch kết quả kiểm phiếu theo kiểu tăng lên hoặc giảm bớt số phiếu bầu cho một ứng cử viên nào đó; (vii) Ép buộc cử tri để họ bỏ phiếu cho một ứng cử viên nào đó. Theo nhận định của Chủ tịch Hiệp hội Quan sát tư pháp Tom Fitton, quá trình kiểm phiếu sau ngày bầu cử là “cơ hội vàng” cho hoạt động gian lận bầu cử.

Chủ tịch Ủy ban Tư pháp của Thượng viện Mỹ Lindsay Graham từng đưa ra nhận định với tờ Fox Business vào cuối năm 2020 rằng: “cách thức bỏ phiếu qua bưu điện thực sự là một kẽ hở cho hoạt động gian lận và thể hiện hình ảnh về một phương Tây “hoang dã”. Nếu không chiến đấu để chống lại sự gian lận trong bầu cử, chúng ta sẽ không bao giờ có được chiến thắng trong sạch trong các chiến dịch tranh cử tổng thống trong tương lai”. Trong cuộc bầu cử năm 2020, cựu Thượng nghị sĩ bang Virginia, ông Richard Black, cho biết: “chuyện gian lận trong bầu cử không phải là mới lạ ở Mỹ. Chỉ có điều, hiện nay gian lận bầu cử đã trở nên phổ biến hơn. Tổng thống Donald Trump cũng như tôi và toàn bộ Đảng Cộng hòa đều tin rằng bỏ phiếu qua thư sẽ tạo cơ hội cho những toan tính gian lận trên quy mô lớn. Tôi không chắc Tòa án Tối cao có thể khắc phục được hậu quả của vấn nạn này vì có thể đã quá muộn. Tôi nghĩ, đương kim Tổng thống Donald Trump thực sự đã thắng trong cuộc bầu cử lần này nhưng ông có thể đã thất bại do Đảng Dân chủ lợi dụng cơ chế bỏ phiếu qua thư trong điều kiện đại dịch COVID-19 để gian lận và giành được số phiếu bầu nhiều hơn”. Ngày 10-11-2020, bà Kayleigh McEnany - Thư ký báo chí của Nhà Trắng - xuất hiện trên kênh Fox News trình bày tập tài liệu 234 trang, bao gồm lời tuyên thệ từ các nhân chứng đã thu thập được về cáo buộc gian lận trong cuộc bầu cử ngày 3-11-2020. Trong đó, đội ngũ pháp lý của ông Donald Trump đã nhận được thông báo về 11.000 trường hợp gian lận bầu cử, 500 bản tuyên thệ của các nhân chứng về gian lận bầu cử có chữ ký xác nhận của công chứng viên.

Phát biểu trên kênh truyền thông Foxnews, nữ luật sư Sidney Powell - thành viên của đội chuyên gia pháp lý trong chiến dịch tranh cử của Tổng thống Donald Trump - cho biết, nhóm điều tra của bà đã phát hiện khoảng 450.000 phiếu có dấu hiệu khả nghi và tất cả đều bầu cho ông Joe Biden. Trong đó, có nhiều người đã chết vẫn “bỏ phiếu” bầu cho ứng cử viên Joe Biden. Ở Florida - nơi mọi thủ tục bỏ phiếu được cho là thực thi đúng - ban kiểm phiếu lại sử dụng phần mềm và phần cứng kiểm phiếu do Công ty Dominion Voting Systems sản xuất để chuyển số phiếu bầu cho ông Donald Trump sang ứng cử viên Joe Biden. Phần mềm này hiện được sử dụng ở 28 tiểu bang, trong đó có các bang Pennsylvania, Michigan, Wisconsin, Nevada, Georgia và Arizona - những nơi mà đội ngũ pháp lý của ông Donald Trump cáo buộc là có gian lận.

Luật sư Sidney Powell nói: “chúng tôi phải đấu tranh đến cùng ở tòa án liên bang để vạch trần hành vi gian lận đáng sợ này, cũng như âm mưu đằng sau nó. Do đó, cần có các cuộc kiểm tra và kiểm phiếu lại ở hầu hết các bang trên toàn nước Mỹ”. Ông Rudy Giuliani - luật sư riêng của ông Donald Trump - cho biết, có 800.000 phiếu bầu cho đương kim tổng thống trong đêm bầu cử đã bị xóa và hàng trăm nghìn phiếu bầu qua thư được kiểm đếm mà không có sự giám sát của bất kỳ quan sát viên nào của Đảng Cộng hòa. Trong khi đó, Cơ quan An ninh mạng và An ninh cơ sở hạ tầng thuộc Bộ An ninh nội địa và Hội đồng Điều phối cơ sở hạ tầng bầu cử của chính phủ khẳng định: “cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020 là an toàn nhất trong lịch sử Hoa Kỳ. Đại diện của các nhà chức trách Mỹ lưu ý rằng không có bất cứ thông tin cho thấy phiếu bầu nào bị tẩy xóa, bị mất hoặc bị xâm phạm bằng cách nào đó. Mọi cáo buộc gian lận bầu cử là hoàn toàn không có căn cứ”.

Trong bối cảnh đó, từ ngày 12-11-2020, vụ kiện về gian lận trong cuộc bầu cử năm 2020 bắt đầu diễn ra theo trình tự pháp lý. Sau khi các bang xác nhận kết quả, các đại cử tri sẽ tập hợp vào ngày 14-12-2020 tại các bang tương ứng để bỏ phiếu bầu tổng thống và phó tổng thống. Số phiếu này được tập hợp lại và chuyển đến Quốc hội Mỹ vào ngày 6-1-2021. Thượng viện và Hạ viện Mỹ có một phiên họp chung để kiểm phiếu. Sau khi các phiếu bầu được kiểm, ai là người nhận được từ 270 phiếu bầu của đại cử tri trở lên sẽ giành chiến thắng. Phó Tổng thống Mỹ Michael Pence - người chủ trì với tư cách Chủ tịch Thượng viện - công bố kết quả chính thức. Sau khi có kết quả chính thức, người đắc cử sẽ nhậm chức vào ngày 21-1-2021.

Kỳ III: Ông Joe Biden và cuộc bầu cử phức tạp, kịch tính nhất lịch sử
Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên thệ nhậm chức tại Thủ đô Washington, ngày 20-1-2021_Ảnh: AFP

Ngày 6-1-2021, thế giới bàng hoàng trước cảnh tượng hỗn loạn chưa từng có trong lịch sử nước Mỹ, khi hàng nghìn người ủng hộ đương kim Tổng thống Donald Trump xông vào tòa nhà Quốc hội Mỹ trong khi đang diễn ra phiên họp của lưỡng viện tiến hành kiểm số phiếu đại cử tri để xác nhận người chiến thắng. Cuộc bạo loạn khiến cuộc họp của Quốc hội Mỹ bị gián đoạn, các nghị sĩ buộc phải chạy đi tìm nơi trú ẩn. Mặc dù sau đó, tình hình đã được kiểm soát, Quốc hội Mỹ đã họp trở lại và tuyên bố kết quả kiểm phiếu với phần thắng thuộc về ứng cử viên Joe Biden. Tuy nhiên, những gì đã xảy ra chứng tỏ nền chính trị Mỹ đang lâm vào cuộc khủng hoảng chưa từng có trong lịch sử. Sau cuộc bạo loạn ngày 6-1-2021, nhiều nghị sĩ Quốc hội Mỹ cả trong Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa, đề nghị bãi miễn chức Tổng thống Mỹ của ông Donald Trump trước ngày 20-1-2020 để tránh lặp lại bạo loạn trong ngày ông Joe Biden tuyên thệ nhậm chức. Chính vì thế, Chính phủ Mỹ phải điều động 25.000 vệ binh quốc gia tới Thủ đô Washington với dân số chỉ khoảng 700.000 người để bảo vệ lễ tuyên thệ nhậm chức của ông Joe Biden.

(Còn nữa)

Theo Chuyên trang Hồ sơ sự kiện, Tạp chí Cộng Sản

Kỳ I: Tổng thống Woodrow Wilson và sự sắp đặt bởi “nhà nước ngầm”Kỳ I: Tổng thống Woodrow Wilson và sự sắp đặt bởi “nhà nước ngầm”
Kỳ II: Tổng thống Franklin Roosevelt - nhân vật trung tâm trong các sự kiện có ý nghĩa thời đạiKỳ II: Tổng thống Franklin Roosevelt - nhân vật trung tâm trong các sự kiện có ý nghĩa thời đại