Thế giới đêm qua - 24/4

10:37 | 25/04/2019

121 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Mỹ sẽ triển khai binh sĩ có vũ trang tới biên giới Mexico. Số dân thường thương vong do các đợt tấn công tại Afghanistan tăng cao. Chính phủ Sri Lanka thừa nhận sai sót trong việc ngăn các vụ tấn công.
the gioi dem qua 244Nga hạ thủy tàu ngầm hạt nhân bí mật
the gioi dem qua 244Khu định cư của Israel ở Cao nguyên Golan được đặt tên Trump
the gioi dem qua 244Thủ tướng May mời tân tổng thống Ukraine thăm Vương quốc Anh
the gioi dem qua 244
Quan hệ giữa Mỹ và Mexico đang căng thẳng sau cáo buộc binh lính Mỹ bị chĩa súng tại biên giới hai nước. (Nguồn: NBC News)

1. Mỹ sẽ triển khai binh sĩ có vũ trang tới biên giới Mexico

Ngày 24/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố quốc gia này sẽ sớm điều động binh lính có vũ trang tới biên giới phía Nam sau khi binh lính Mexico gần đây "chĩa súng" vào phía quân đội Mỹ.

Tổng thống Trump đang nhắc tới một sự cố hôm 13/4 khi binh lính Mexico được cho là liên tục chất vấn và chĩa vũ khí về phía 2 binh sỹ Mỹ đang tuần tra ở biên giới. Chia sẻ trên Twitter cá nhân, Tổng thống Mỹ gọi đây "là một chiêu thức nghi binh với những kẻ buôn lậu ma túy tại vùng biên giới". Theo ông Trump, những hành động như vậy tốt nhất không nên tái diễn và Washington sẽ gửi binh lính có vũ trang tới vùng biên giới.

Hôm 11/4, Tổng thống Trump cũng đã tuyên bố Washington sẽ buộc phải triển khai thêm binh sỹ tới khu vực biên giới với Mexico nhằm ngăn chặn dòng người di cư mới từ các nước Trung Mỹ đang đổ về đây để tìm đường sang Mỹ. Ông cũng từng nhiều lần cảnh báo các biện pháp trừng phạt, trong đó có việc đóng các cửa khẩu chính thức, nếu Mexico không có biện pháp ngăn làn sóng di cư vào Mỹ.

2. Số dân thường thương vong do các đợt tấn công tại Afghanistan tăng cao

Theo số liệu thống kê, 3 tháng đầu năm nay, số dân thường thiệt mạng do các đợt tấn công của quân Chính phủ Afghanistan và lực lượng đồng minh quốc tế đã nhiều hơn số người thiệt mạng do phiến quân Taliban và các tay súng thánh chiến khác gây ra.

Phái bộ Hỗ trợ Liên hợp quốc tại Afghanistan ngày 24/4 cho biết, đã có 581 dân thường thiệt mạng từ ngày 1-31/3, trong đó số người thiệt mạng do các đợt tấn công của quân chính phủ và lực lượng đồng minh lên tới 305 người. Trong khi đó, số dân thường bị thương do Taliban và các nhóm thánh chiến khác gây ra lại lớn hơn so với quân chính phủ.

Số liệu công bố trên đã phản ánh sự khốc liệt trong cuộc chiến đẫm máu ở Afghanistan, trong đó dân thường thiệt mạng không chỉ vì các vụ đánh bom liều chết, các đợt tấn công của quân nổi dậy, mà còn bị trúng đạn khi lực lượng an ninh, quân sự Afghanistan và đồng minh quốc tế truy quét phiến quân.

3. Chính phủ Sri Lanka thừa nhận sai sót trong việc ngăn các vụ tấn công

Ngày 24/4, Chính phủ Sri Lanka thừa nhận đã có những "sai sót" lớn dẫn tới lực lượng an ninh nước này thất bại trong việc ngăn chặn loạt vụ đánh bom đẫm máu, bất chấp trước đó đã có thông tin tình báo. Phát biểu tại cuộc họp báo, Thứ trưởng Quốc phòng Sri Lanka Ruwan Wijewardene nhấn mạnh Chính phủ nhận trách nhiệm về sự việc này.

Trước đó, ngày 11/4, cảnh sát trưởng Sri Lanka dẫn thông tin tình báo nước ngoài đã đưa ra cảnh báo về khả năng xảy ra các vụ đánh bom liều chết do nhóm Hồi giáo địa phương Thowheeth Jama'ath (NTJ) tiến hành nhằm vào các nhà thờ "có tiếng" tại nước này. Tuy nhiên, thông tin này đã không được báo cáo với Thủ tướng Sri Lanka hay các Bộ trưởng hàng đầu khác.

Theo kênh truyền hình CNN, tình báo Ấn Độ cũng đã chuyển cho giới chức Sri Lanka về thông tin "bất thường đặc biệt" vài tuần trước khi xảy ra loạt vụ tấn công trên, trong đó có thông tin do nghi can thuộc tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) bị Ấn Độ gian giữ, cung cấp.

Loạt vụ tấn công cuối tuần qua tại các nhà thờ và khách sạn ở Sri Lanka đã khiến 359 người thiệt mạng và 500 người bị thương, trong đó có 39 người nước ngoài và nhiều trẻ em. Đây là vụ bạo lực nghiêm trọng nhất ở Sri Lanka kể từ khi cuộc nội chiến ở nước này kết thúc một thập kỷ trước.

4. Nga, Mỹ và Trung Quốc sẽ họp ba bên về vấn đề Afghanistan

Trang mạng Pajhwok của Afghanistan ngày 24/4 đưa tin Nga sẽ tổ chức cuộc họp ba bên lần thứ hai với Mỹ và Trung Quốc để thảo luận về tiến trình hòa bình ở Afghanistan. Hội đàm giữa đại diện của các nước sẽ diễn ra ở thủ đô Moskva và đặc phái viên của Afghanistan Zamir Kabulov cũng có thể tham dự hội nghị.

Thông báo còn cho biết cuộc họp lần này không phải là định dạng mới về quá trình hòa giải Afghanistan mà là một phần của những nỗ lực vì hòa bình tại đất nước bị chiến tranh tàn phá suốt 17 năm qua.

Liên quan đến cuộc gặp này, đại diện ba nước Nga, Mỹ và Trung Quốc đang nỗ lực thúc đẩy phiến quân Taliban tiến hành hòa đàm với giới chức Afghanistan. Đây được xem là bước đi quan trọng trong tiến trình nhằm chấm dứt cuộc xung đột tại quốc gia Tây Nam Á này.

Trước đó, vòng đàm phán giữa các chính trị gia Afghanistan và phiến quân Taliban dự kiến diễn ra tại thủ đô Doha của Qatar vào ngày 19/4 vừa qua đã bất ngờ bị hủy bỏ trước đó một ngày do những tranh cãi về số lượng và địa vị của thành viên phái đoàn trên. Người phát ngôn Taliban Zabihullah Mujahid cho biết các thủ lĩnh của phong trào này không hài lòng với qui mô và thành phần của đoàn đại biểu Afghanistan.

5. Nga bắt đầu chuyển giao S-400 cho Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng Bảy

Reuters đưa tin, ngày 24/4, hãng thông tấn Interfax dẫn lời người đứng đầu tập đoàn xuất khẩu vũ khí quốc doanh của Nga Rosoboronexport Alexander Mikheev cho biết, Nga sẽ bắt đầu chuyển giao hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 cho Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng Bảy tới.

Trước đó, Mỹ đã đe dọa áp trừng phạt nếu Thổ Nhĩ Kỳ ký thỏa thuận mua S-400 của Nga. Tuy nhiên, Ankara tuyên bố Mỹ không thể áp đặt trừng phạt liên quan thỏa thuận mua sắm S-400 do Thổ Nhĩ Kỳ không phải là đối thủ của Mỹ và vẫn trung thành với liên minh quân sự NATO.

Ngày 23/4, phát biểu với truyền thông Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu tuyên bố nếu không thể nhận các máy bay chiến đấu F-35 từ Mỹ, nước này sẽ tìm kiếm một sự thay thế khác. Ngoại trưởng Cavusoglu cho biết Ankara có thể cân nhắc những lựa chọn khác nếu Washington thực hiện tới cùng lời đe dọa của mình và không chuyển giao cho Thổ Nhĩ Kỳ các máy bay chiến đấu F-35.

Ông Cavusoglu nêu rõ là đối tác trong chương trình sản xuất F-35, Thổ Nhĩ Kỳ đã trả số tiền cần thiết. Mặc dù hiện tại không có vấn đề gì với dự án này, nhưng trong kịch bản xấu nhất, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tìm đến nơi có công nghệ tốt nhất để đáp ứng nhu cầu.

Lâm Anh (t/h)