Thế giới đêm qua - 19/4

09:09 | 20/04/2019

139 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Mỹ khẳng định không thay đổi nỗ lực ngoại giao với Triều Tiên. Italy và Pháp nỗ lực thúc đẩy lệnh ngừng bắn ở Libya. Điện Kremlin thông báo nội dung cuộc gặp thượng đỉnh Nga-Triều.
the gioi dem qua 194Triều Tiên bỏ họp cấp trưởng văn phòng liên lạc với Hàn Quốc
the gioi dem qua 194Đất nước French Basque: Đồng tiền riêng được lưu hành hợp pháp
the gioi dem qua 194Mỹ thẳng thừng bác điều kiện của Triều Tiên về đàm phán hạt nhân
the gioi dem qua 194
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo. (Nguồn: AFP/TTXVN)

1. Mỹ khẳng định không thay đổi nỗ lực ngoại giao với Triều Tiên

Ngày 19/4, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuyên bố Washington sẽ duy trì các nỗ lực ngoại giao hướng tới phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên.

Phát biểu với báo giới tại thủ đô Washington sau cuộc gặp với Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono và Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Takeshi Iwaya, Ngoại trưởng Pompeo nhấn mạnh Mỹ sẽ tiếp tục nỗ lực đàm phán và ông sẽ phụ trách nhóm đàm phán với Triều Tiên về chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng.

Trước đó, Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố vẫn sẵn sàng đàm phán với Triều Tiên sau khi chính quyền Bình Nhưỡng kêu gọi loại Ngoại trưởng Mỹ Pompeo ra khỏi các cuộc đàm phán hạt nhân trong tương lai. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ nêu rõ: "Mỹ vẫn sẵn sàng đàm phán một cách có tính xây dựng với Triều Tiên".

2. Italy và Pháp nỗ lực thúc đẩy lệnh ngừng bắn ở Libya

Phát biểu tại cuộc họp báo chung sau cuộc gặp với người đồng cấp Pháp Jean-Yves Le Drian ở thủ đô Rome ngày 19/4, Ngoại trưởng Italy Enzo Moavero Milanesi cho biết Italy và Pháp đang nỗ lực hợp tác nhằm chấm dứt cuộc xung đột ở Libya.

Ông Moavero Milanesi nói: “Lập trường của chúng tôi chắc chắn là một lập trường chung, theo đó một lệnh ngừng bắn ở Libya phải đạt được càng sớm càng tốt. Tiếp đó, các bên ở Libya phải quay lại đàm phán”. Về phần mình, Ngoại trưởng Pháp Le Drian cho rằng khó có thể làm được điều gì ở Libya nếu không có một thỏa thuận chắc chắn giữa Pháp và Italy.

Cuộc khủng hoảng ở Libya có thể trở nên rất nguy hiểm, vì vậy cần phải chặn đứng cuộc khủng hoảng này. Cũng theo ông Le Drian, việc dự tính bất kỳ giải pháp quân sự nào cho vấn đề Libya là điều không thể.

3. Điện Kremlin thông báo nội dung cuộc gặp thượng đỉnh Nga-Triều

Trong cuộc gặp thượng đỉnh dự kiến vào cuối tháng Tư này, Tổng thống Nga Vladimir Putin và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un sẽ thảo luận về các mối quan hệ song phương, vấn đề phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên và hợp tác trong khu vực.

Phát biểu với báo giới ngày 19/4, người phát ngôn của Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết chủ đề thảo luận trong cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Putin và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un sẽ rất rộng. Ông khẳng định Moskva sẽ nỗ lực hết sức để thúc đẩy tiến trình phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên.

Cũng theo ông Peskov, việc Điện Kremlin không tiết lộ thông tin về thời gian và địa điểm diễn ra cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo Nga-Triều là vì lý do an ninh. Tuy nhiên, ông khẳng định cuộc gặp sẽ diễn ra ở Nga.

Cùng ngày, Hãng Thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) đưa tin nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã gửi thư cho Tổng thống Putin, cam kết nỗ lực tăng cường quan hệ song phương.

4. Thổ Nhĩ Kỳ bắt giữ 2 điệp viên của Các tiểu vương quốc Arab thống nhất

Reuters đưa tin, ngày 19/4, một quan chức cấp cao Thổ Nhĩ Kỳ cho biết nước này đã bắt giữ 2 nhân viên tình báo thừa nhận do thám các công dân Arab cho Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE).

Nguồn tin cũng tiết lộ rằng Thổ Nhĩ Kỳ đang điều tra xem liệu việc một trong 2 người này tới Thổ Nhĩ Kỳ có liên quan đến vụ sát hại nhà báo bất đồng chính kiến người Saudi Arabia, ông Jamal Khashoggi hay không.

Theo đó, một trong hai người bị bắt đã tới Thổ Nhĩ Kỳ hồi tháng 10/2018, chỉ vài ngày sau khi ông Khashoggi bị sát hại bên trong Lãnh sự quán Saudi Arabia ở Istanbul và người còn lại cũng tới đây để hỗ trợ công việc cho đồng sự.

Nguồn tin giấu tên nêu rõ: "Chúng tôi đang điều tra xem liệu đối tượng đầu tiên tới Thổ Nhĩ Kỳ có liên quan đến vụ sát hại Jamal Khashoggi hay không. Có thể đã có một nỗ lực thu thập thông tin về những người Arab, trong đó có những nhân vật bất đồng chính kiến, sống tại Thổ Nhĩ Kỳ".

5. Mỹ và EU khẳng định duy trì hợp tác với Ukraine sau bầu cử tổng thống

Ngày 19/4, hãng thông tấn Interfax dẫn nguồn tin ngoại giao cho biết Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) sẽ tiếp tục hợp tác với Ukraine dù kết quả bầu cử tổng thống tại quốc gia này như thế nào.

Trong cuộc thảo luận với các nhà quan sát bầu cử tại thủ đô Kiev, Đại sứ Mỹ tại Ukraine Marie Yovanovitch tuyên bố Washington sẽ tiếp tục làm việc với bất kỳ ứng cử viên nào mà người dân Ukraine lựa chọn làm tổng thống.

Trong khi đó, người đứng đầu phái đoàn EU tại Ukraine Hugues Mingarelli tuyên bố EU sẵn sàng thúc đẩy quan hệ đối tác với Kiev. Ông nêu rõ EU sẽ tiếp tục hỗ trợ người dân Ukraine, bất kể kết quả bầu cử như thế nào, để thúc đẩy dân chủ, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.

Ngày 31/3 vừa qua, Ukraine đã tiến hành bầu cử tổng thống. Dẫn đầu vòng một là ông Volodymyr Zelensky với 30,24% và Tổng thống Petro Poroshenko với 15,95%. Do không ứng cử viên nào giành trên 50% số phiếu nên hai ứng cử viên này sẽ bước vào vòng hai, dự kiến diễn ra ngày 21/4 tới.

Lâm Anh (t/h)