Tai nạn giao thông - ác mộng của người nước ngoài
Một số vụ tai nạn giao thông dẫn đến chết người tại TP HCM trong thời gian gần đây mà nạn nhân là người nước ngoài khiến dư luận không khỏi bàng hoàng, xót xa.
Tai nạn xảy ra với bà Miyamoto Michiko (50 tuổi, quốc tịch Nhật Bản, giảng viên tiếng Nhật thuộc Đại học KHXH&NV TP HCM) thật đáng thương tâm. Vào chiều 30/9 vừa qua, bà Michiko (bị khuyết tật) đi xe buýt từ trường về trạm điều hành xe buýt Bến Thành (quận 1) để đón thêm một tuyến xe buýt nữa về nhà ở quận 7. Khi đến trạm điều hành xe buýt Bến Thành, bà Michiko xuống xe chống nạng đi bộ qua vạch dành cho người đi bộ nhưng bất ngờ bị trượt té xuống đường, đúng lúc này một chiếc xe buýt vừa trả khách xong chạy tới không thắng kịp đã cán qua người khiến bà Michiko tử vong tại chỗ.
Nói về trường hợp của Michiko, một đồng nghiệp của bà bức xúc: “Tôi cũng như Michiko đều là người nước ngoài đến Việt Nam và cùng dạy tiếng Nhật. Tôi thấy tài xế ở đây chạy xe bất cẩn quá. Cô Michiko đi bộ trên phần dành cho người đi bộ qua đường mà vẫn bị tai nạn. Thật không thể tin nổi”.
Hiện trường vụ xe buýt đâm chết giáo viên người Nhật Bản Miyamoto Michiko tại trạm điều hành xe buýt Bến Thành
Một sinh viên Trường ĐH KHXH&NV TP HCM khi đến dự đám tang của cô giáo Michiko cũng bày tỏ tâm trạng băn khoăn: “Sau vụ Tiến sĩ Nishimura Masanari, nhà khảo cổ người Nhật gắn bó hơn 20 năm với Việt Nam bị thiệt mạng vì tai nạn giao thông ở Hà Nội thì nay lại có thêm một giáo viên người Nhật chết vì tai nạn giao thông tại TP HCM. Rõ ràng là tình trạng giao thông ở ta còn thiếu an toàn. Người nước ngoài nghĩ gì về giao thông Việt Nam? Liệu họ có dám ở lâu tại Việt Nam vì rủi ro giao thông là rất lớn?”.
Trước đó, ngày 23/9, một vụ tai nạn giao thông trên đường Bùi Thị Xuân (quận 1) khiến cho một du khách nước ngoài là ông Blankenstein (46 tuổi, quốc tịch Hà Lan) bị gãy cổ. Ông Blankenstein băng qua đường tại khu vực có vạch kẻ trắng dành cho người đi bộ. Bất ngờ ông bị một chiếc xe Honda Dream lưu thông cùng chiều có tốc độ cao tông trúng vào người. Lực tông quá mạnh khiến ông ngã lăn ra đường. Cùng lúc đó, một xe máy khác chạy hướng ngược lại không xử lý kịp tiếp tục tông vào ông. Hai cú tông liên tiếp khiến nạn nhân bị thương khá nặng, nằm sõng soài dưới đường, cổ không thể cử động. Điều đáng tiếc là dù khá đông người chứng kiến vụ tai nạn nhưng không ai biết cách sơ cứu khiến nạn nhân phải nằm chờ xe cứu thương đến 30 phút.
Một trường hợp đau lòng khác là một giáo viên dạy tiếng Anh có tên là Wayne Madison (55 tuổi, quốc tịch Mỹ, ngụ quận 7). Khoảng 9 giờ 30 ngày 9-9 ông Wayne Madison điều khiển xe đạp lưu thông trên đường Huỳnh Tấn Phát hướng về khu chế xuất Tân Thuận (quận 7). Khi vừa tới ngã ba với đường Lưu Trọng Lư, ông cho xe rẽ trái thì bất ngờ bị chiếc xe tải lưu thông cùng chiều va chạm mạnh với xe đạp làm ông ngã xuống đường, bị bánh xe tải cán ngang qua người, tử vong tại chỗ.
Có thể thấy rằng, vấn đề giao thông ở TP HCM khiến người nước ngoài luôn tỏ ra lo ngại mỗi khi họ bước chân ra đường với nỗi ám ảnh rủi ro tai nạn luôn rình rập bất cứ lúc nào. Theo nhận định của một số tờ báo nước ngoài, tai nạn giao thông ở Việt Nam như một “kẻ giết người thầm lặng”. Tham gia giao thông ở Việt Nam như dấn thân vào một cuộc phiêu lưu mà kết thúc không biết sống chết thế nào.
Hiện trường vụ xe tải đâm chết giáo viên Wayne Madison (55 tuổi, quốc tịch Mỹ) tại quận 7
Anh Bradcock - 35 tuổi, người New Zealand, đang sống và làm việc tại quận 3 (TP HCM) than thở rằng, điều anh ngán ngại nhất ở TP HCM là mỗi khi đi bộ trên đường phố, nhất là tại các chốt giao thông ở ngã ba hay ngã tư. “Khi đi bộ trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, quận 1, mỗi lần muốn băng qua bên kia đường theo vạch kẻ cho người đi bộ là tôi lại hồi hộp vì xe cộ đông quá. Các xe gắn máy rẽ trái rẽ phải lung tung, không theo một quy luật nào cả!”, Bradcock bày tỏ.
Một số người nước ngoài khác thì ví von rằng, muốn yên thân khi đi bộ trên đường phố TP HCM thì phải “luyện chân, căng mắt” để có thể chạy thật nhanh, lách thật giỏi. Một việc dường như rất đơn giản là đi bộ qua đường đối với du khách nước ngoài cũng là một cực hình vì giống như một hành trình đầy mạo hiểm, chỉ cần lơ là thì chỉ có nước “đo đường”.
Chính vì vậy mà họ truyền tai nhau trên mạng Internet những kinh nghiệm và “kỹ năng đặc biệt” để băng qua đường phố ở Việt Nam một cách an toàn. Đó là khi đứng bên đường thì cần quan sát luồng giao thông, nhìn trái, nhìn phải nhiều lần và nhìn thẳng vào luồng giao thông thẳng về phía mình, đồng thời nhìn thẳng vào lái xe. Khi phương tiện giao thông gần nhất đã đi qua, hãy bước bước đầu tiên ra lòng đường. Bước từng bước, vẫn nhìn thẳng vào lái xe. Đôi khi, lái xe không dừng lại khi có người bước về phía đầu xe của họ, nhưng đừng sợ, cũng đừng bao giờ lùi bước. Giữ vững vị trí và đợi. Trên mạng cũng lưu ý các du khách nước ngoài hãy nhớ phải luôn nhìn thẳng vào lái xe trong luồng giao thông thẳng trước mặt. Khi ôtô hay xe máy chạy tới, chỉ có một khoảng cách ngắn ngủi trước khi chiếc khác xuất hiện, nên bước ngay vào khoảng cách đó và cứ thế. Nếu không, hãy đứng yên chờ và làm tương tự cho tới khi sang đến bên kia vệ đường. Bên cạnh đó, khi đi bộ qua đường, người nước ngoài cũng lưu ý nhau là cần đề phòng xe buýt chèn ép, xe máy chen chúc lại tới tránh xe thồ, bán hàng rong…
Đi bộ qua đường phố ở TP HCM đối với du khách nước ngoài cũng là một cực hình
Khi nhắc đến vấn đề giao thông của TP HCM, báo chí nước ngoài cũng mô tả rằng, đường hẹp, giao thông đông đúc dẫn tới tình trạng ùn tắc trong giờ cao điểm. Xe máy thi nhau xả khói, bóp còi inh ỏi, tràn lên cả vỉa hè. Người lái xe không quan sát khi lao ra đường hoặc rẽ, quay đầu ở các điểm giao cắt.
Theo đánh giá của Ban An toàn giao thông TP HCM, tai nạn giao thông vẫn là một mối lo lớn, từ đầu năm 2013 đến nay trên địa bàn thành phố xảy ra hơn 2.800 vụ tai nạn giao thông, làm chết 532 người, bị thương 2.807 người, thành phố chỉ mới kéo giảm được 1,8% số người chết so với năm 2012. Trong các vụ tai nạn giao thông thì có đến 79% số vụ nghiêm trọng (chết người) do xe máy gây ra.
Đối với việc xử lý tai nạn giao thông liên quan đến người nước ngoài, theo Sở Ngoại vụ TP HCM, cơ quan cảnh sát giao thông sơ bộ thông báo lỗi của các bên trong vụ tai nạn. Bên có lỗi phải bồi thường thiệt hại. Cơ quan cảnh sát giao thông không can thiệp việc các bên thỏa thuận về mức bồi thường dân sự. Nếu thỏa thuận thành, bên bị thiệt hại đã được bồi thường và vụ việc không nghiêm trọng, cơ quan cảnh sát giao thông làm biên bản giải quyết và đóng hồ sơ khi cả hai bên cùng ký vào biên bản giải quyết tai nạn giao thông. Trong trường hợp nghiêm trọng (thương tích nặng, chết người), cơ quan cảnh sát giao thông cần chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để tiếp tục điều tra và có biện pháp thích hợp hoặc khởi tố vụ án. Nếu các bên không thỏa thuận được về dân sự thì vụ việc phải được đưa ra Tòa án Nhân dân thành phố để giải quyết.
Thế Vinh
-
Đột phá hạ tầng - Thúc đẩy phát triển toàn diện
-
Bà Rịa - Vũng Tàu: Đồng loạt bứt phá hạ tầng, tạo cú hích cho phát triển vùng
-
Thủ tướng: "Ai làm tốt thì giao việc"
-
Thủ tướng: 3 kiến tạo để chuyển đổi xanh bền vững, lấy con người làm trung tâm
-
Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu thông điệp chính sách tại Hội nghị P4G Việt Nam 2025