Sức mạnh của tiêm kích Su-27

13:32 | 20/06/2012

1,849 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Ngày 15/6, Trung đoàn không quân tiêm kích 940 đưa máy bay chiến đấu Su27 ra tuần tiễu, bảo vệ chủ quyền biển đảo tại khu vực quần đảo Trường Sa.

Báo Năng lượng Mới xin cung cấp thêm thông tin về hệ thống chiến đấu cơ Su-27 và Su-30 của quân đội ta hiện nay.

Theo các nguồn tin quân sự nước ngoài, ước tính hiện nay Không quân Việt Nam có khoảng 16 chiếc Su-27. Cũng có nguồn tin cho rằng, Việt Nam có tổng cộng là 11 chiếc. Ngoài Su-27, cho tới 2012, Không quân Việt Nam cũng có 36 chiếc Su-30 MK2.

Hãng Interfax-AVN của Nga dẫn nguồn tin quân sự – ngoại giao hôm 13/6 cho biết, các tập đoàn Rosoboronexport và Sukhoi của Nga đã bàn giao cho Việt Nam thêm 3 chiếc Su-30 MK2. Nguồn tin cho biết, lần bàn giao này có 3 chiếc Su-30 MK2 được đưa sang Việt Nam chứ không phải là 4 chiếc. “Trong thời gian tới, lịch trình chuyển giao sẽ được khôi phục. Công tác lắp ráp chiếc máy bay mới hiện đã được triển khai” – Interfax-AVN cho hay.

Các phi công đã thực hiện chuyến bay ra Trường Sa

Trở lại với tin tức về nhiệm vụ tuần tiễu đảo Trường Sa của Quân đội Việt Nam, ngày 15/6, 4 máy bay gồm một chiếc vận tải AH 26, 1 chỉ huy và 2 chiếc Su-27 xuất phát từ sân bay Phù Cát. Khi đến 2 đảo Song Tử Tây và Đá Nam, 2 máy bay Su-27 bay 2 vòng quanh đảo ở độ cao 500m để làm nhiệm vụ. Sau hơn 2 giờ thực hiện nhiệm vụ và xử lý tốt các tình huống trên không, đoàn bay đã hạ cánh thành công, an toàn. Tổng quãng đường bay đi bay về là trên 1.300km.

Su-27 là dòng máy bay tiêm kích phản lực Xôviết độc đáo được thiết kế bởi Phòng thiết kế Sukhoi và được sản xuất năm 1977. Nó là đối thủ trực tiếp của những loại máy bay chiến đấu thế hệ mới của Mỹ (F-14 Tomcat sản xuất năm 1970, F-15 Eagle sản xuất năm 1972, F-16 Fighting Falcon và F/A-18 Hornet), với tầm hoạt động lớn, trang bị vũ khí hạng nặng, và cơ động nhanh nhẹn linh hoạt. Su-27 là máy bay tiêm kích đánh chặn, nhưng cũng có thể làm nhiệm vụ như một may bay cường kích. Quân đội khối NATO, Su-27 được mệnh danh là “Flanker” – kẻ tấn công sườn.

Su-27 là máy bay đầu tiên của Liên Xô có hệ thống điều khiển fly-by-wire, có thể kiểm soát ở tốc độ rất thấp và góc đụng lớn, hoặc tắt động cơ đột ngột khi bổ nhào và thực hiện những động tác quay khó liên tục gần như không theo một bán kính cố định nào, kết hợp với những động tác nhào lộn thẳng đứng trong khi máy bay đang chuyển động.

Su-27 được trang bị vũ khí với một pháo đơn 30mm Gryazev-Shipunov GSh-30-1 bên phải thân máy bay, và có tới 10 điểm treo tên lửa và các vũ khí khác. Tên lửa trang bị tiêu chuẩn của Su-27 cho không chiến là Vympel R-73 (AA-11 Archer), Vympel R-27, sau này là các kiểu tên lửa được mở rộng tầm bay và hệ thống dẫn đường bằng tia hồng ngoại.

Hệ thống hiển thị trước buồng lái (HUD) và hệ thống hiển thị ngắm bắn trên mũ của phi công kết nối với nhau, và chúng tương thích với tên lửa R-73, sự nhanh nhẹn cùng các yếu tố khác đã làm Su-27 trở thành một trong số máy bay không chiến tầm gần tốt nhất thế giới.

Cho đến nay đã có khoảng 680 chiếc Su-27 được biên chế trong quân đội Nga. Con số này chỉ bao gồm Su-27 mà không bao gồm những mẫu phát triển sau này. Hiện trên thế giới có tất cả 16 nước trên thế giới sử dụng loại máy bay tiêm kích này. Cho đến khi Nga dừng sản xuất, dòng máy bay tiêm kích Su-27 đã có tới gần 30 phiên bản. Trung Quốc đã mua 76 chiếc Su-27 từ Nga trước khi ký một thỏa thuận vào năm 1998 để chế tạo Su-27 tại Trung Quốc với tên gọi Shenyang J-11 (khoảng 100 chiếc đã được chế tạo vào năm 2004). Năm 2006, Trung Quốc cũng đã mua 100 chiếc Su-30 MKK/MK2.

Chưa bằng lòng với thế hệ Su-27, từ năm 1996, Nga bắt đầu chế tạo Su-30. Đây là loại máy bay chiến đấu đa chức năng tốc độ siêu âm có thể đảm nhiệm cả nhiệm vụ chiếm ưu thế trên không và nhiệm vụ cường kích (tấn công mặt đất).

Su-30 là một phiên bản hiện đại hóa của Su-27 UB và có vài phiên bản khác. Seri Su-30 K và Su-30 MK đều có những thành công trong thương mại. Sự khác nhau về tên gọi là do các phiên bản được sản xuất bởi 2 công ty con đang có sự cạnh tranh – KNAAPO và IRKUT Corporation, cả 2 đều nằm dưới sự điều khiển của tập đoàn Sukhoi. KNAAPO sản xuất Su-30 MKK và Su-30 MK2, chúng được thiết kế và bán cho Trung Quốc và Việt Nam. Irkut sản xuất seri Su-30 MK tầm xa đa chức năng, mà bao gồm cả Su-30 MKI, một mẫu máy bay được phát triển cho Không quân Ấn Độ và những thiết kế từ Su-30 MKI, như Su-30 MKM, Su-30 MKA và Su-30 MKV được xuất khẩu cho riêng Malaysia, Algérie và Venezuela. Trung Quốc đã mua 76 chiếc Su-30 MKK.

G.K (tổng hợp)

Năng lượng Mới số 130, ra thứ Ba ngày 19/6/2012

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc