2014 - năm mất mát của nền nghệ thuật nước nhà

12:29 | 31/12/2014

689 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Bên cạnh những thành tựu đạt được thì năm 2014 là năm mà nền văn học nghệ thuật nước nhà đã chịu nhiều mất mát khi những tên tuổi lớn đã ra đi.

Nhà văn Nguyễn Quang Sáng

Nhà văn Nguyễn Quang Sáng, tác giả của những tác phẩm nổi tiếngvề cuộc sống và con người Nam Bộ trong hai cuộc kháng chiến cũng như sau hòa bình đã vĩnh viễn ra đi vào ngày 13/02/2014, hưởng thọ 83 tuổi.

Nhà văn Nguyễn Quang Sáng

Ông sáng tác nhiều thể loại như truyện ngắn, tiểu thuyết, kịch bản phim. Các tác phẩm nổi tiếng nhất của ông là tiểu thuyết Đất lửa, truyện ngắn Chiếc lược ngà, tiểu thuyết Mùa gió chướng, truyện ngắn Con mèo của Fujita... Trong lĩnh vực biên kịch, ông cũng đạt nhiều thành công với kịch bản bộ phim Cánh đồng hoang đạt Huy chương Vàng Liên hoan phim toàn quốc (1980), Huy chương Vàng Liên hoan phim ở Moskva (1981), kịch bản phim Mùa gió chướng đạt Huy chương Bạc Liên hoan phim toàn quốc tại Hà Nội (1980).

Năm 2000, ông được Nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật.

NSND Trịnh Thịnh

NSND Trịnh Thịnh là một trong những cây đại thụ của nền điện ảnh cách mạng Việt Nam. Sự nghiệp của ông trải dài gần 60 năm, kể từ vai diễn đầu tiên trong bộ phim khai sinh nền điện ảnh cách mạng Việt Nam - Chung một dòng sông (1956). Ông tham gia hầu hết các tác phẩm điện ảnh nổi tiếng trong lịch sử điện ảnh Việt Nam như Thị trấn yên tĩnh, Vợ chồng A Phủ, Thằng Bờm, Vợ chồng anh Lực... Bộ phim cuối cùng NSND Trịnh Thịnh tham gia là Tết này ai đến xông nhà (2002) của đạo diễn Trần Lực.

NSND Trịnh Thịnh trong phim Vợ chồng A Phủ (1961)

Năm 1988, NSND Trịnh Thịnh được trao giải Bông sen vàng cho hạng mục Nam diễn viên xuất sắc nhất tại Liên hoan phim quốc gia lần thứ 8. Năm 1997, ông được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân.

NSND Trịnh Thịnh ra đi, để lại sự nuối tiếc về một người diễn viên bậc thầy, luôn gắn chặt với những vai diễn hồn hậu, mộc mạc mang tính biểu tượng của cả một thế hệ.

Nhà văn Tô Hoài

Nhà văn Tô Hoài - cha đẻ của tác phẩm gối đầu giường của mọi thế hệ thiếu nhi Việt Nam hơn 70 năm qua đã ra đi ở tuổi 95, để lại trong lòng công chúng, đặc biệt là những độc giả trẻ tuổi niềm tiếc thương vô hạn.

Nhà văn Tô Hoài

Một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất của nhà văn Tô Hoài làDế Mèn phiêu lưu ký, tác phẩm đã gắn liền với bao thế hệ thiếu nhi Việt Nam và được dịch ra gần 40 thứ tiếng trên thế giới. Nổi tiếng sớm, nhưng trong hơn 70 năm sự nghiệp cầm bút, Tô Hoài vẫn bền bỉ sáng tác và có khối lượng tác phẩm đồ sộ với các tác phẩm nổi tiếng như: Xóm Giếng, Nhà nghèo, O chuột, Dế Mèn phiêu lưu ký, Núi Cứu quốc, Truyện Tây Bắc, Mười năm, Xuống làng, Vỡ tỉnh, Tào lường, Họ Giàng ở Phìn Sa, Miền Tây, Vợ chồng A Phủ, Tuổi trẻ Hoàng Văn Thụ...

Năm 1996, ông được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học - Nghệ thuật.

Nhà văn Anh Đức

Nhà văn Anh Đức được xem như là một nhà văn của đất và con người phương Nam, nổi bật với những tác phẩm khắc họa hình tượng của người phụ nữ và nông dân Nam bộ chân chất, kiên cường. Các tác phẩm nổi tiếng nhất của ông là: Một chuyện chép ở bệnh viện, Lão anh hùng dưới hầm bí mật, Bức thư Cà Mau, Hòn Đất, Giấc mơ ông lão vườn chim...

Nhà văn Anh Đức (ảnh năm 1965)

Trong đó, các tác phẩm Giấc mơ ông lão vườn chim, Hòn Đất (trích đoạn) và Bức thư Cà Mau (trích đoạn) đã được đưa vào giảng dạy ở chương trình văn học phổ thông.

Có thể nói, đúng như mong ước của nhà văn Anh Đức, suốt nửa thế kỷ qua, trong tâm tưởng mọi thế hệ người Việt Nam những hình ảnh chị Tư Hậu, chị Sứ "sống lâu trong lòng bạn đọc, qua các thế hệ, nhất là đối với các em gái nhỏ sắp lớn lên thành những người con gái trên xứ sở xanh tươi yên bình của chúng ta hôm nay - đất nước đã thấm biết bao máu của những người cô người dì mình như Sứ".

Trong cuộc đời cầm bút, nhà văn Anh Đức đã nhận nhiều giải thưởng như Giải Văn nghệ Cửu Long Nam bộ (1952), Giải nhất truyện ngắn của tạp chí Văn nghệ (1958), Giải thưởng Nguyễn Đình Chiểu (1965), Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học (2000).

Nhạc sỹ Xuân Giao

Nhạc sỹ Xuân Giao

Nhạc sĩ Xuân Giao qua đời ở tuổi 82, để lại cho nền âm nhạc dân tộc một di sản âm nhạc đồ sộ với những ca khúc gắn bó với nhiều lứa tuổi, nhiều thế hệ và trải rộng trên nhiều miền quê hương đất nước. Ngoài những bài hát thiếu nhi vẫn sống mãi cùng bao thế hệ người Việt như Em mơ gặp Bác Hồ, Em yêu Thủ đô, Cháu yêu bà, Múa cho mẹ xem.., nhạc sĩ Xuân Giao được nhắc tới như một cây đại thụ của làng nhạc cách mạng qua những tác phẩm viết về quê hương, đất nước như Đất mỏ anh hùng. Bình minh Hạ Long, Bài ca biên phòng, Giữ biển trời Quảng Bình -Vĩnh Linh, Chào sông Mã anh hùng...  

Đặc biệt, Cô gái mở đường là một trong những khúc ca hay nhất viết về những cô gái thanh niên xung phong trên tuyến đường Trường Sơn năm nào. Với thế hệ trẻ, đó luôn là những giai điệu để qua đó, họ được sống chung không khí của một giai đoạn mà bà, mẹ họ đã đi qua, để tự hào và được tiếp thêm nhiệt huyết sống của tuổi thanh xuân.

Nhạc sĩ Xuân Giao đến với âm nhạc một cách tự nhiên và để lại cho đời nhiều bài ca đặc sắc, dù ông chưa được học qua một trường lớp chính quy nào. Những bài hát của ông thường được sáng tác trên đàn ghi ta hay măngđôlin. Ông đã được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học - nghệ thuật.

Nhạc sỹ Thuận Yến

Nhạc sỹ Thuận Yến và vợ -  nghệ sĩ đàn tranh Thanh Hương

Nhạc sỹ Thuận Yến qua đời sau hơn 50 năm hoạt động nghệ thuật với hơn 500 ca khúc được sáng tác. Những ca khúc nổi tiếng của ông là Bác Hồ - một tình yêu bao la, Màu hoa đỏ, Chia tay hoàng hôn, Tình yêu không lời, Em tôi, Khát vọng... Với 26 ca khúc viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhạc sĩ Thuận Yến đang giữ kỷ lục là nhạc sỹ có nhiều sáng tác về Bác Hồ nhất. Những ca khúc ghi lại những kỷ niệm quý báu của nhạc sĩ về vị lãnh tụ kính yêu đã khiến trái tim bao thế hệ người Việt Nam xúc động.

Năm 2001, ông được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học - nghệ thuật.

Hương Thu

Tổng hợp

Những địa điểm check-in thú vị ở Bình Định

Những địa điểm check-in thú vị ở Bình Định

(PetroTimes) - Không chỉ được ưu ái với thiên nhiên hùng vĩ, nên thơ, Bình Định còn ghi dấu với loạt câu chuyện lịch sử, văn thơ và nền văn hóa độc đáo...