Những "bằng chứng thép" khơi niềm tự hào Trường Sa, Hoàng Sa

07:00 | 11/07/2013

1,007 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Hàng trăm bản đồ, ảnh, hiện vật, tư liệu gốc về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa đang được triển lãm tại Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam. Những "bằng chứng thép" không những khẳng định chủ quyền của Tổ quốc mà còn khơi dậy trong thế hệ trẻ Thủ đô niềm tự hào với biển đảo quê hương, với Trường Sa, Hoàng Sa máu thịt.

>> Những tư liệu quý khẳng định Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam

Những bằng chứng không thể chối cãi 

Đây là lần thứ ba trong năm, triển lãm tư liệu "Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử" được Cục Thông tin đối ngoại (Bộ Thông tin & Truyền thông - TT&TT) trưng bày, giới thiệu. Trước đó, đầu năm 2013, triển lãm được tổ  chức tại Đà Nẵng, và tháng 6 vừa qua triển lãm được giới thiệu tại Hà Tĩnh.

Triển lãm tại Thủ đô Hà Nội lần này, “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử” được mở rộng và chú giải đầy đủ hơn, có thêm phần chú giải tiếng Anh và tiếng Trung, nhằm cung cấp các nguồn tư liệu về về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo nói trên một cách có hệ thống và chuẩn xác.

Triển lãm được tổ chức tại Bảo tàng Quân sự Việt Nam.

 

Theo ông Lê Văn Nghiêm - Cục trưởng Cục Thông tin đối ngoại (Bộ TT&TT), triển lãm này không thể giới thiệu hết được các nguồn tư liệu về chủ quyền biển đảo Việt Nam, mà chỉ tập trung vào giai đoạn từ đầu thế kỷ XVII cho đến cuối thế kỷ XIX – là thời kỳ Việt Nam khẳng định và thực thi chủ quyền ở Hoàng Sa và Trường Sa một cách trọn vẹn trong hòa bình. 

Điều thú vị ở triển lãm này, là những tư liệu, hiện vật được trưng bày tại đây được tập hợp từ rất nhiều nguồn, nhiều kênh khác nhau, do các nhà nghiên cứu, học giả trong và ngoài nước cung cấp. Trong đó có tới 95 tấm bản đồ chứng minh chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa do Việt Nam, phương Tây và Trung Quốc công bố từ thế kỷ XVI đến nay.

Nhiều bản đồ cổ của Việt Nam, phương Tây, Trung Quốc được mang tới triển lãm khẳng định Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam

 

Mảng tư liệu của Việt Nam tập trung chủ yếu là các thư tịch, bản đồ và tài liệu có tính chất hình thức của nhà nước như: Châu bản triều Nguyễn; các bộ chính sử, các công văn giấy tờ hay ghi chép khách quan của những quan chức, viên chức, học giả đang thực thi công việc của nhà nước… 

Mảng tư liệu của Trung Quốc bao gồm một số bản đồ và 3 tập Atlas khẳng định ranh giới cực Nam của Trung Quốc không vượt quá đảo Hải Nam, gồm Atlas Trung Quốc địa đồ (1908 - tiếng Anh); Atlas Trung Hoa bưu chính dư đồ (do Tổng cục Bưu chính thuộc Bộ Giao thông của Trung Hoa Dân Quốc xuất bản tại Nam Kinh năm 1919 - in bằng 3 thứ tiếng Trung, Anh, Pháp; Atlas Trung Hoa bưu chính dư đồ (tái bản năm 1933).

19 bộ châu bản triều Nguyễn.

Những Atlas nói trên là sản phẩm của chương trình thiết lập bản đồ bưu chính do nhà Thanh đề ra vào năm 1906 và được Chính phủ Trung Hoa Dân Quốc kế tục vào những năm sau đó. Người xem sẽ thấy các bản đồ được lập chi tiết ở từng tỉnh, thể hiện rõ các con đường vận chuyển thư từ, công văn trong các tỉnh, thành của Trung Quốc.

Nơi nào không thuộc lãnh thổ Trung Quốc thì không được thể hiện trên các bản đồ trong Atlas. Vì thế, cương giới cực nam của Trung Quốc trong các Atlas này chỉ luôn giới hạn đến đảo Hải Nam, mà không hề nhắc tới Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Trong khi đó, những bản đồ, văn bản cổ của Việt Nam lại thể hiện rất rõ chủ quyền với hai quần đảo này.

Các tư liệu phương Tây được trưng bày chủ yếu là những tư liệu của các nhà hàng hải, thương nhân và chuyên gia bản đồ. Thông qua bản đồ, văn bản, ấn phẩm phương Tây từ thế kỷ XVIII đến thế kỷ XIX, người phương Tây đã xác nhận một cách rõ ràng chủ quyền của Việt Nam ở trên hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.

3 cuốn Atlas (tập bản đồ chính thức) do các nhà nước Trung Quốc xuất bản trong các năm 1908, 1919 và 1933 khẳng định ranh giới cực Nam của Trung Quốc không vượt quá đảo Hải Nam.

 

Tự hào biển đảo hôm nay

Xúc động và tự hào là cảm giác chung của nhiều người khi đến triển lãm này. Ngoài những tư liệu khẳng định chủ quyền, thì biển đảo của tổ quốc còn hiện hữu như rất gần với mỗi người - qua hình ảnh của những ngôi mộ gió, tập hợp những cuốn sách viết về biển đảo Việt Nam, hình ảnh trẻ em Trường Sa tung tăng phơi phới trên đường tới trường… Đó còn là hình ảnh của những ngôi chùa trên đảo Trường Sa, những bức tranh gốm trên đảo Trường Sa lớn…

Bác Hồ Đông Linh (Văn Phú, Hà Đông, Hà Nội) chia sẻ: “Cũng như mọi công dân Việt Nam, tôi rất phấn khởi khi tận mắt chứng kiến những bằng chứng rất rõ ràng, chắc chắn về chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo này. Không phải mình tự nói ra mà bản đồ của các nước phương Tây cách đây 3, 4 thế kỷ cũng đã vẽ như thế. Điều này càng khẳng định quyết tâm bảo vệ chủ quyền, bảo vệ đất nước của chúng ta, khẳng định tính chính nghĩa của chúng ta đối với chủ quyền trên biển Đông nói chung cũng như chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa nói riêng”.

Nhiều thế hệ chia sẻ sự quan tâm về triển lãm chủ quyền quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa

 

Vũ Thủy (sinh viên khoa Báo chí, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân Văn) chia sẻ: “Hoàng Sa và Trường Sa là máu của Việt Nam, là thịt của Việt Nam, vì vậy chúng ta không thể tách rời. “Sông có thể cạn, núi có thể mòn song chân lý ấy không bao giờ thay đổi”. Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam, các bạn và tôi hãy cùng nhau chung tay góp sức bào vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của mình nhé”.

Triển lãm "Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử" được diễn ra từ 9-15/7/2013 sẽ góp phần cung cấp cho người xem kho dữ liệu một cách hệ thống và chuẩn xác về chủ quyền biển đảo Việt Nam. Và cũng từ đó, bày tỏ mong muốn, các tầng lớp nhân dân, thanh niên, thiếu niên, học sinh, sinh viên được “giáo dục truyền thống, ý thức, lòng yêu nước, ý thức trách nhiệm bảo vệ chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc, đặc biệt là chủ quyền biển đảo”.

Nguyễn Hoan