Đề xuất Thủ tướng Chính phủ được quyết định chủ trương đầu tư nhà máy điện hạt nhân
![]() |
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long |
Theo Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long, trong bối cảnh hiện nay, các chính sách về năng lượng nguyên tử đang bộc lộ nhiều hạn chế, chồng chéo, chưa theo kịp sự phát triển nhanh của khoa học, công nghệ hạt nhân và công nghệ bức xạ. Đồng thời, hệ thống pháp luật hiện hành cũng chưa bao quát đầy đủ các vấn đề về an toàn, an ninh, thanh sát hạt nhân và cơ chế quản lý nhà nước đối với các nhà máy điện hạt nhân, lò phản ứng hạt nhân.
Dự thảo Luật sửa đổi lần này được xây dựng dựa trên bốn chính sách lớn đã được Chính phủ thống nhất, bao gồm: Thúc đẩy phát triển và xã hội hóa ứng dụng năng lượng nguyên tử trong các lĩnh vực đời sống, sản xuất; Bảo đảm an toàn bức xạ, an toàn và an ninh hạt nhân một cách toàn diện, gắn với quy chuẩn quốc tế; Phân cấp, phân quyền mạnh mẽ trong công tác quản lý nhà nước nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động thanh sát hạt nhân, xử lý sự cố; Tăng cường quản lý chất thải phóng xạ, nguồn phóng xạ đã qua sử dụng và nhiên liệu hạt nhân, bảo đảm trách nhiệm dân sự với thiệt hại hạt nhân.
Một nội dung đáng chú ý là đề xuất trao quyền quyết định chủ trương đầu tư nhà máy điện hạt nhân cho Thủ tướng Chính phủ, thay vì Quốc hội như quy định hiện hành tại Luật Đầu tư và Luật Đầu tư công. Theo Chính phủ, đây là bước cải cách mạnh nhằm tăng tính linh hoạt, chủ động và rút ngắn thời gian triển khai các dự án năng lượng nguyên tử trọng điểm.
Phát biểu thẩm tra dự án luật, ông Lê Quang Huy, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, bày tỏ cơ bản đồng tình với Tờ trình và khẳng định sự cần thiết phải sửa đổi toàn diện Luật Năng lượng nguyên tử. Tuy nhiên, ông Lê Quang Huy nhấn mạnh việc cần quy định rõ về cơ quan pháp quy hạt nhân - cơ quan đóng vai trò trung tâm trong giám sát, đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn an toàn quốc tế do Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) ban hành.
Đồng thời, cơ quan thẩm tra đề nghị bổ sung quy định nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối cho cá nhân, tổ chức khi tiến hành công việc liên quan đến bức xạ hoặc thành lập các cơ sở sản xuất, chế biến chất phóng xạ.
Về vấn đề thiết kế và phê duyệt các công trình hạt nhân, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đề xuất quy định rõ việc thiết kế phải được cơ quan pháp quy hạt nhân của nước đối tác phê duyệt hoặc, nếu do phía Việt Nam thực hiện, phải đáp ứng đầy đủ yêu cầu về an toàn, an ninh theo chuẩn mực quốc tế. Đây là điều kiện bắt buộc nhằm phòng ngừa rủi ro và đảm bảo tính bền vững của các công trình hạt nhân trong nước.
Bên cạnh đó, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cũng kiến nghị bổ sung các quy định rõ ràng hơn về kiểm soát chất thải phóng xạ, đặc biệt là trong khâu lưu giữ, vận chuyển, xử lý chất thải và ứng phó khi xảy ra sự cố hạt nhân.
Dự án Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi) là bước đi quan trọng nhằm thể chế hóa các chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước trong chiến lược phát triển năng lượng quốc gia hiện đại, an toàn và bền vững. Việc sửa đổi luật không chỉ đáp ứng nhu cầu nội tại của nền kinh tế mà còn tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho thu hút đầu tư, phát triển khoa học công nghệ, đảm bảo an ninh năng lượng và bảo vệ môi trường trong dài hạn.
Huy Tùng
-
Đại biểu Quốc hội: Không thể “quản lý kém” mà cấm dạy thêm, học thêm
-
Tập trung ba đột phá chiến lược để tăng trưởng nhanh, hiệu quả và bền vững
-
Nới cơ chế cho bất động sản để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế
-
Miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp: Cần đúng đối tượng, đúng mục đích để tránh lãng phí nguồn lực
-
Đại biểu Quốc hội: Miễn học phí nhưng phải làm rõ cơ chế, tránh phát sinh khoản thu khác
-
Công ty Cổ phần kho cảng Cái Mép cùng MCCS và HTTEK tiến hành chạy thử kho cảng LNG thứ 2 tại Việt Nam
-
UAE cam kết hỗ trợ 50 tỷ USD cho các dự án năng lượng tái tạo tại 70 quốc gia
-
[VIDEO] Đột phá công nghệ "kéo dài tuổi thọ" của pin Lithium-ion
-
Tập đoàn Hoa Điện Trung Quốc muốn mở rộng đầu tư năng lượng tái tạo tại Việt Nam
-
Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng Quốc gia Việt Nam khẳng định vai trò “xương sống” trong đảm bảo an ninh năng lượng