Quy hoạch điện VIII điều chỉnh: Phát triển tối đa các nguồn điện từ năng lượng tái tạo
Ngày 15/4/2025, Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn đã ký Quyết định số 768/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII điều chỉnh). Đây được coi là dấu mốc quan trọng trong tiến trình chuyển dịch năng lượng theo hướng xanh, bền vững và giảm phát thải carbon.
![]() |
Quy hoạch điện VIII điều chỉnh ưu tiên phát triển tối đa các nguồn điện từ năng lượng tái tạo như điện gió ngoài khơi |
Theo đó, Quy hoạch điện VIII điều chỉnh (Quy hoạch) nhấn mạnh yêu cầu chuyển đổi năng lượng công bằng gắn với hiện đại hóa sản xuất, xây dựng lưới điện thông minh và quản trị hệ thống điện tiên tiến, phù hợp với xu thế toàn cầu về chuyển đổi xanh và phát triển khoa học công nghệ. Đồng thời, định hướng hình thành hệ sinh thái công nghiệp năng lượng tổng thể, dựa trên nền tảng năng lượng tái tạo và năng lượng mới.
Cũng theo Quy hoạch, đến năm 2030, tỷ lệ điện sản xuất từ các nguồn năng lượng tái tạo (không bao gồm thủy điện) sẽ đạt khoảng 28-36%, định hướng đến năm 2050 đạt 74-75%. Hệ thống lưới điện sẽ được phát triển theo hướng thông minh, đủ khả năng tích hợp và vận hành an toàn, hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo quy mô lớn.
Đến năm 2030, dự kiến hình thành hai trung tâm công nghiệp và dịch vụ năng lượng tái tạo liên vùng, tích hợp các hoạt động sản xuất, truyền tải và tiêu thụ điện, chế tạo thiết bị, xây dựng, lắp đặt và các dịch vụ liên quan tại các khu vực giàu tiềm năng như Bắc Bộ, Nam Trung Bộ và Nam Bộ. Đồng thời, Việt Nam hướng tới phát triển các nguồn điện tái tạo để xuất khẩu sang Singapore, Malaysia và các nước trong khu vực, phấn đấu đạt công suất xuất khẩu khoảng 5.000-10.000MW vào năm 2035, trên cơ sở bảo đảm hiệu quả kinh tế và an ninh năng lượng quốc gia.
Về phát triển nguồn điện, Quy hoạch xác định ưu tiên tối đa năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối... Cụ thể, đẩy mạnh phát triển điện gió (trên bờ, gần bờ và ngoài khơi) và điện mặt trời, đặc biệt điện mặt trời mặt nước, phù hợp với khả năng giải tỏa công suất và đảm bảo hiệu quả vận hành hệ thống điện; Khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tại hộ gia đình, trung tâm thương mại, nhà xưởng, khu công nghiệp... nhằm tiêu thụ tại chỗ, hạn chế đấu nối vào lưới điện quốc gia. Các dự án điện mặt trời tập trung phải đi kèm lắp đặt hệ thống lưu trữ pin tối thiểu 10% công suất, bảo đảm khả năng tích trữ trong 2 giờ vận hành.
Quy hoạch cũng định hướng mạnh mẽ phát triển điện sinh khối và điện sản xuất từ rác thải rắn nhằm tận dụng phụ phẩm nông lâm nghiệp, thúc đẩy trồng rừng và xử lý môi trường. Đến năm 2050, mục tiêu đạt công suất điện sinh khối khoảng 4.829-6.960MW, điện từ rác thải rắn khoảng 1.748-2.137MW, cùng với 464MW điện địa nhiệt và các nguồn năng lượng mới khác.
Huy Tùng
-
Quy hoạch điện VIII điều chỉnh: Phát triển tối đa các nguồn điện từ năng lượng tái tạo
-
T&T Group sẽ ra mắt thị trường sản phẩm pin lưu trữ năng lượng vào năm 2026
-
Hợp tác Năng lượng Xanh Việt - Trung - ASEAN hướng tới Net Zero 2050
-
Việt Nam cần xây dựng khung chính sách ESG quốc gia đồng bộ
-
Petrovietnam đổi mới mô hình tăng trưởng, phát triển bền vững trong kỷ nguyên mới