Miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp: Cần đúng đối tượng, đúng mục đích để tránh lãng phí nguồn lực
Miễn thuế là cần thiết nhưng không thể “cào bằng”
Phát biểu tại phiên thảo luận Tổ , Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh bày tỏ sự đồng thuận với chủ trương tiếp tục miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đến năm 2030 theo dự thảo Nghị quyết của Quốc hội.
![]() |
Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh. |
Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng việc miễn thuế đối với những đối tượng sử dụng đất đúng mục đích sẽ góp phần giảm chi phí sản xuất, hỗ trợ người nông dân trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, đồng thời khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp - lĩnh vực luôn được xác định là trụ đỡ của nền kinh tế quốc dân.
Tuy nhiên, Phó chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh cũng thẳng thắn cảnh báo về tình trạng lạm dụng chính sách khi nhiều cá nhân, tổ chức chuyển nhượng đất nông nghiệp, đặc biệt là đất trồng lúa, nhưng không đưa vào sử dụng mà để hoang hóa hoặc giữ đất chờ điều chỉnh quy hoạch nhằm hưởng lợi.
“Miễn thuế phải đi kèm với điều kiện ràng buộc chặt chẽ. Không thể miễn thuế cho những người không trực tiếp sản xuất, sử dụng đất không đúng mục đích, làm lãng phí tài nguyên đất đai”, Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh nói.
Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh đề nghị cần bổ sung những cơ chế kiểm soát cụ thể ngay từ Điều 1 của dự thảo Nghị quyết, tạo điều kiện để Chính phủ có cơ sở quy định chi tiết trong các nghị định hướng dẫn. Đồng thời, Quốc hội, các đoàn đại biểu Quốc hội và bản thân các đại biểu cần tăng cường giám sát việc thực hiện miễn thuế tại địa phương, đảm bảo chính sách được thực thi một cách công bằng, minh bạch và hiệu quả.
Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh: “Phải có cơ chế để sàng lọc, loại trừ các đối tượng chỉ giữ đất, gom đất để chờ quy hoạch mà không sản xuất, không có đóng góp gì cho nông nghiệp. Chính sách miễn thuế cần khuyến khích người dân, doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp thực chất, không để chính sách bị lợi dụng”.
Tăng cường giám sát, tránh thất thoát nguồn lực
Đồng tình với quan điểm của Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh, đại biểu Phạm Hùng Thái (Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh) cho rằng việc tổng kết, đánh giá lại Luật Thuế sử dụng đất nông nghiệp sau hơn 30 năm triển khai là hết sức cần thiết.
![]() |
Đại biểu Phạm Hùng Thái (Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh). |
Theo đại biểu, nhiều quy định của luật hiện hành đã không còn phù hợp với thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội, cần được sửa đổi một cách toàn diện để tăng cường hiệu lực, hiệu quả trong quản lý, sử dụng đất nông nghiệp.
“Chúng ta cần phân loại rõ từng đối tượng sử dụng đất để có chính sách miễn, giảm thuế phù hợp. Không thể áp dụng một chính sách chung cho tất cả các trường hợp. Luật sửa đổi phải trở thành công cụ thúc đẩy hiệu quả sử dụng đất, phát triển nông nghiệp và phòng, chống lãng phí”, đại biểu Phạm Hùng Thái nhấn mạnh.
Các đại biểu thống nhất rằng việc kéo dài thời hạn miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp là cần thiết trong bối cảnh hiện nay. Tuy nhiên, chính sách này cần được thiết kế và thực thi một cách có chọn lọc, chặt chẽ để đảm bảo đúng mục tiêu hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, tránh bị lợi dụng gây thất thoát nguồn lực.
Để làm được điều đó, các đại biểu kiến nghị Chính phủ sớm rà soát thực trạng sử dụng đất nông nghiệp trên phạm vi cả nước, đồng thời xây dựng hệ thống dữ liệu đầy đủ, minh bạch về tình trạng sử dụng đất, từ đó có cơ sở chính xác để xây dựng chính sách và thực hiện giám sát hiệu quả.
Chính sách miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp, nếu được thực hiện đúng đối tượng, đúng mục đích, sẽ không chỉ là cú hích quan trọng cho ngành nông nghiệp mà còn góp phần thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 27-CT/TW của Bộ Chính trị về tăng cường thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, hướng tới phát triển bền vững đất nước.
Huy Tùng
-
OPEC+ sẽ cho dầu tràn ngập thị trường?
-
Indonesia tham muốn trở thành trung tâm lưu trữ carbon hàng đầu châu Á – Thái Bình Dương
-
Quản lý ngoại hối đầu tư ra nước ngoài trong hoạt động dầu khí
-
Standard Chartered dự báo giá vàng giảm khoảng 10% vào cuối năm nay
-
Miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp: Cần đúng đối tượng, đúng mục đích để tránh lãng phí nguồn lực