Nhạc sĩ Hoàng Long: “Ngọn lửa dầu khí đã hun đúc trong tôi từ lâu”

15:31 | 25/08/2012

1,936 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Tác phẩm “Hành khúc người đi tìm lửa” do nhạc sĩ Hoàng Long sáng tác luôn vang lên trong ngày hội của người dầu khí. Với “dân” dầu khí, cái tên Hoàng Long không chỉ là vị Phó chủ tịch Công đoàn Tổng Công ty Xây lắp Dầu khí mà còn là cái tên đầy gắn bó. Anh vừa dành được giải nhất trong cuộc thi sáng tác ca khúc về Công đoàn Dầu khí nhưng chỉ lý giải đơn giản rằng: “Ngọn lửa dầu khí đã được hun đúc trong tôi một quá trình dài để rồi chỉ đến khi cần là sẽ bật thành lời ca”. Phóng viên Báo Năng lượng Mới đã có cuộc trò chuyện với anh.

PV: Đoạt giải nhất trong cuộc thi sáng tác ca khúc về Công đoàn Dầu khí. Anh có thể cho biết điều gì làm nên một tác phẩm công đoàn có sức thuyết phục?

Nhạc sĩ Hoàng Long: Khi viết về công đoàn thì quan trọng nhất là phải viết về tính chất truyền thống của người lao động, của một đơn vị, một ngành. Truyền thống của ngành Dầu khí giống như là lời các vị lãnh đạo nói: dám chịu trách nhiệm, dám làm… Người công đoàn cũng vậy, để tạo được thành quả chung của một đơn vị mũi nhọn thì công tác công đoàn phải tạo được hiệu quả chung cho mỗi ngành. Chính vì vậy công tác công đoàn rất quan trọng, bởi công đoàn cũng là người lao động, đại diện cho người lao động. Còn truyền thống chung, truyền thống anh hùng thì tập đoàn cũng là tập đoàn anh hùng, có truyền thống anh hùng của người lao động. Nhiệm vụ của tôi khi viết tác phẩm là làm sao khi lời ca cất lên phải chứa đựng được trong đó trách nhiệm của công đoàn là chăm lo đời sống cho người lao động. Nếu làm toát lên chủ đề đó thì sẽ thành công. Rồi kết hợp với các yếu tố âm nhạc phù hợp về mặt khúc thức nữa là người nghe chấp nhận được.

Nhạc sĩ Hoàng Long

PV: Là Phó chủ tịch Công đoàn của Tổng Công ty Xây lắp Dầu khí. Anh có thấy mình thuận lợi hơn các tác giả khác?

Nhạc sĩ Hoàng Long: Tôi cũng học qua lớp lý luận công đoàn, cho nên về chính sách với người lao động trách nhiệm vai trò của người lao động, người làm công đoàn để bảo vệ lợi ích hợp pháp chính đáng cho người lao động nó đã được thể hiện rất rõ trong tất cả các loại văn bản của Nhà nước. Là người làm công tác công đoàn trực tiếp, nắm sát về các vấn đề công đoàn hơn nên mình thấu hiểu điều này. Hàng ngày tôi đều trực tiếp giải quyết các vấn đề, chế độ, đấu tranh cho quyền lợi của người lao động. Vì vậy, cuộc thi này tự tôi thấy mình có lợi thế vì rất nhiều người chuyên nghiệp tài giỏi nhưng chưa có cọ xát trực tiếp với nghề. Cũng có một số nhạc sĩ khi được đặt vấn đề này thì cho rằng, sáng tác cho công đoàn rất khó vì lời ca khúc đưa vào làm sao vẫn phải đầy đủ mà không phản cảm, không bị khô.

Tôi nhờ có lợi thế hơn về mặt nghiệp vụ cho nên câu từ cũng sát hơn và kết hợp với khúc thức âm nhạc sẽ làm cho cái mà người ta hay gọi là hô khẩu hiệu sẽ không phải là hô khẩu hiệu nữa.

PV: Sáng tác bài hát về công đoàn rất khó, chứng cứ là rất ít tác phẩm thành công. Anh đã làm gì để khắc phục được điều này?

Nhạc sĩ Hoàng Long: Trước tiên người nghe phải cảm nhận được giai điệu hừng hực khí thế và hân hoan của người lao động, của một tổ chức, của một ngành. Người ta thấy được cái tự hào của người làm công tác công đoàn. Khi viết tác phẩm này, tôi đã nhận ngay ra rằng, tiêu chí chủ yếu để các bài hát trở thành bài truyền thống và mang tính cộng đồng là có nhiều người hát và dễ hát, dễ thuộc. Cho nên tôi không đi sâu vào đơn ca hay song ca mà viết làm sao khi lời lẽ cất lên đã thấy ngay được khí thế và lòng tự hào của người lao động, những người làm công tác công đoàn thấy được cái thành quả của họ đã đạt được. Tôi cũng chỉ dự đoán là đạt giải ba hay giải nhì, nhưng thật không ngờ là đã đoạt giải nhất nên cũng rất tự hào và cảm thấy rất vinh dự. Bởi vì cuộc thi này có khá nhiều những nhạc sĩ có tên tuổi ngoài ngành tham gia, ban giám khảo lại toàn những nhạc sĩ nổi danh như Phạm Tuyên, An Thuyên, Trương Ngọc Ninh, Nguyễn Đức Trịnh.

PV: Khi sáng tác anh đã sử dụng“ngón nghề” như thế nào để “Khúc ca Công đoàn Dầu khí” dễ nhớ lời và dễ hát?

Nhạc sĩ Hoàng Long: Thực ra, ngón nghề là về mặt âm nhạc còn lời lẽ văn học nó là thực tế, thực tiễn trong cuộc sống. Bài hát đó là về chủ đề công đoàn thì rõ ràng chỉ ca ngợi người lao động và những người làm công tác Công đoàn Dầu khí. Lời bài hát thể hiện: “Cùng hát vang công đoàn Dầu khí Việt Nam”…  đã thấy được cái tự hào của người lao động, tự hào về ngành Công đoàn Dầu khí, tự hào nữa là mình trực tiếp làm công đoàn bảo vệ lợi ích cho người lao động. Đó là ngôn ngữ để đúc kết vào trong bài hát.

Đầu tiên tôi cũng rất ngại và đắn đo khi đưa chữ “bảo vệ chăm lo đời sống của người lao động” nhưng không thể không có câu đó. Nếu nói theo tính chất siêu thực một chút thì lại trở thành khó hiểu mà khó hiểu thì lại khó thuộc. Cuối cùng tôi đã cụ thể hóa và mượn nốt nhạc đẩy lên cho xuôi. Về nhạc lý thì tôi đã có ba mươi mấy năm kinh nghiệm. Ngoài việc đã được đào tạo về sáng tác còn lợi thế khác nữa là có thể viết văn, làm thơ. Đó là cái rất thuận lợi.

Cũng cần phải chia sẻ chút kinh nghiệm là với những bài hát truyền thống thế này các tác giải không nên đưa cụ thể địa danh hoặc số năm vào vì những chi tiết đó chỉ mang tính thời sự không mãi tồn tại với thời gian.

PV: Anh mất thời gian bao lâu để hoàn thành ca khúc này?

Nhạc sĩ Hoàng Long: Thực ra đối với tôi thì làm bất cứ một tác phẩm nào lớn hay nhỏ cũng rất nhanh, nhưng nhanh không phải là ẩu mà là do đã có một quá trình hun đúc từ bao nhiêu năm tháng. Tôi thường viết trong 2-3 ngày. Nhưng với bất kỳ trường hợp nào tôi cũng cần có một cảm xúc đúng để có ngôn ngữ về âm nhạc, có một cái chủ để về văn học rồi mới xây dựng tác phẩm. Từ đó đưa ra cách tính toán, khúc thức chặt chẽ như thế nào, hòa âm chặt chẽ ra sao. Cho nên sau khi phát động cuộc thi thì chỉ có 3 hôm là  làm xong. Tôi gửi bài đó cho cuộc thi thì nhận được sự ủng hộ và đề nghị  làm phối khí để cho biểu diễn ngay trong dịp khai mạc đại hội thể dục thể thao.

PV: Cảm ơn nhạc sĩ về cuộc trao đổi này!

Hằng Nga (thực hiện)

(Năng lượng Mới số 149, ra thứ Sáu ngày 24/8/2012)

Những địa điểm check-in thú vị ở Bình Định

Những địa điểm check-in thú vị ở Bình Định

(PetroTimes) - Không chỉ được ưu ái với thiên nhiên hùng vĩ, nên thơ, Bình Định còn ghi dấu với loạt câu chuyện lịch sử, văn thơ và nền văn hóa độc đáo...