Những cuộc đấu súng sinh tử (Kỳ 1)

06:00 | 27/03/2014

5,808 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Tại cuộc hội ngộ các trinh sát thiện chiến của Phòng Cảnh sát hình sự (CSHS) Công an tỉnh Đắk Lắk vào một ngày đầu tháng 3/2014, mọi người bị cuốn theo câu chuyện kể về những “trận đánh”, truy bắt tội phạm nảy lửa trên đất Tây nguyên của các anh. Đại tá Văn Ngọc Thi (Sáu Thi, hiện là Trưởng phòng Cảnh sát truy nã) hài hước giới thiệu về đội trinh sát “động vật” năm xưa của mình, như: Trung “gà”, Thắng “trâu đất”, Chinh “nhím”, Thảo “bò”, Quyn “voi”... Những cái tên nghe rất “độc” ấy đã lập nên những chiến công oanh liệt, bảo vệ sự yên bình nơi mảnh đất Tây nguyên đầy nắng gió.

Vào hang bắt cọp

Tại cuộc hội ngộ các trinh sát thiện chiến của Phòng Cảnh sát hình sự (CSHS) Công an tỉnh Đắk Lắk vào một ngày đầu tháng 3/2014, mọi người bị cuốn theo câu chuyện kể về những “trận đánh”, truy bắt tội phạm nảy lửa trên đất Tây nguyên của các anh. Đại tá Văn Ngọc Thi (Sáu Thi, hiện là Trưởng phòng Cảnh sát truy nã) hài hước giới thiệu về đội trinh sát “động vật” năm xưa của mình, như: Trung “gà”, Thắng “trâu đất”, Chinh “nhím”, Thảo “bò”, Quyn “voi”... Những cái tên nghe rất “độc” ấy đã lập nên những chiến công oanh liệt, bảo vệ sự yên bình nơi mảnh đất Tây nguyên đầy nắng gió.

Vào tháng 5/1997 tại huyện Krông Na, tỉnh Đắk Lắk xảy ra vụ dùng súng bắn chết hai người. Quá trình điều tra, xác định Huỳnh Văn Hoàng (SN 1959), biệt danh Hoàng “phát xít” là hung thủ gây án. Nhưng lúc này Hoàng đã bỏ trốn khỏi địa phương. Thực hiện chỉ đạo của Ban giám đốc Công an tỉnh Đắk Lắk, Phòng CSHS xác lập chuyên án truy bắt đối tượng. Sau một thời gian dài điều tra, truy dấu vết tội phạm, xác định Hoàng đang lẩn trốn tại khu rừng xã Nam Ca, giáp ranh giữa huyện Krông Nô và huyện Lắk.

Hắn luôn mang theo khẩu súng AR15 cưa báng và khẩu súng AK, sẵn sàng chống trả lực lượng vây bắt. Gửi thư kêu gọi đầu thú không hiệu quả, Sáu Thi quyết định tung trinh sát có kinh nghiệm vào tận hang ổ của Hoàng để săn lùng tin tức. Một trong những người đảm nhiệm trọng trách ấy là Trung “gà”. 

Buổi chiều từ huyện Đắk Rlấp về người còn dính đầy bùn đất, thượng úy Trung được “phó” Thi (khi đó đại tá Thi là Phó phòng CSHS, phụ trách mảng truy bắt đối tượng có lệnh truy nã) bảo đi Đà Nẵng tìm tung tích Hoàng “phát xít” vì có tin vợ hắn vừa ra bến xe Buôn Ma Thuột mua vé về Đà Nẵng. Trong túi không còn một đồng, tư trang cũng không có làm sao đi, Trung “gà” đành thưa chuyện với sếp. “Phó” Thi nói như quát: “Là trinh sát phải sẵn sàng lên đường bất cứ lúc nào, hoàn cảnh nào!”.

Nói rồi, “phó” Thi móc túi đưa Trung “gà” năm chục ngàn bảo đi ngay, tiền nong sẽ tính sau. Vé xe đi Đà Nẵng 75.000 đồng. Khi phụ xe thu tiền, Trung “gà” nói thật là đang đi công tác đột xuất. Nghe vậy chủ xe không lấy tiền. Suốt chặng đường hơn năm trăm cây số, Trung “gà” không dám ăn uống gì dù bụng đói cồn cào. Khoảng 7 giờ tối đến Ngã Ba Huế ở Đà Nẵng, thấy vợ Hoàng “phát xít” xuống xe và có người đón, Trung “gà” lập tức đón xe thồ bám theo qua bên kia cầu quay sông Hàn, thuộc địa phận quận Sơn Trà, rồi lên quận Ngũ Hành Sơn.

Sau khi vợ Hoàng vào một căn nhà, Trung bí mật hỏi thăm bà con thì biết đó là nhà của mẹ đẻ Hoàng. Bà con ở đây cho biết cả năm nay không thấy Hoàng về. Trung “gà” yêu cầu người chạy xe ôm chở về Công an TP.Đà Nẵng nhưng sợ bị cướp nên anh ta không chịu đi nữa mà bỏ Trung bên bờ sông Hàn giữa đêm khuya. Trả 35.000 đồng tiền xe ôm, ăn một tô bún lót dạ 3.000 đồng, còn có 12.000 đồng cho hành trình truy tìm dấu vết Hoàng “phát xít” quả là khó khăn biết chừng nào. Đêm hôm ấy, Trung “gà” co chân, thu mình trên ghế đá ở bờ sông. 2 giờ sáng, tổ cảnh sát tuần tra dựng anh dậy hỏi giấy tờ vì thấy anh có vẻ bụi đời quá.

Nghe Trung kể lại sự tình, anh em cảnh sát bảo vệ liền đưa anh về đơn vị ngủ tạm. Sáng hôm sau, chiến sĩ bảo vệ đưa Trung qua Phòng CSHS làm việc. Vừa thấy bộ dạng nhếch nhác của anh, người sĩ quan trực ban hỏi: “Thằng này bắt ở vụ nào, qua bên kia ngồi”. Người chiến sĩ bảo vệ liền nói: “Không phải, anh này là CSHS Đắk Lắk ra liên hệ công tác với các anh đó”. “Trời, công an gì trông giống tội phạm quá vậy. Phải không đó ông bạn?”. “Dạ, chỉ một bộ đồ, ba ngày rồi chưa tắm anh ạ”, Trung nói. 

Không giấy công lệnh, chỉ có thẻ ngành, Trung “gà” được người trực ban đưa lên gặp chỉ huy. Nghe Trung trình bày, đội phó Cường bảo yên tâm, anh em sẽ giúp. Nói rồi Cường móc túi đưa cho Trung 200.000 đồng bảo ra mua cái áo mới thay. Mua cái áo hết 100.000 đồng mặc vào, Trung “gà” nghe ấm tình đồng đội đến lạ. 

Sau mấy ngày cùng CSHS Đà Nẵng xác minh vẫn không tìm ra dấu vết Hoàng “phát xít”, Trung “gà” được lệnh rút về Đắk Lắk thực hiện phương án 2.

Lúc này sếp Thi và cấp dưới của mình đã có được thông tin quý báu: Hoàng “phát xít” đang sống dưới chân núi của dãy rừng thuộc khu kinh tế mới thuộc huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk. Trung được “phó” Thi bảo đi học lái máy cày để vào hang bắt “cọp”. Việc thực hiện phương án 2 này không riêng Trung mà nhiều trinh sát thiện chiến khác cũng phải hóa thân vào các vai làm nương rẫy, ngư dân đánh bắt cá trên sông. Ngay cả Phó phòng Văn Ngọc Thi cũng phải đi cuốc đất thuê cho dân khu vực Hoàng “phát xít” đang ẩn nấp cả tháng trời khiến đôi tay các anh chai sần.

Sau một tuần Trung “gà” lái máy cày thành thạo cũng là lúc em ruột của Hoàng “phát xít” bị đau không lái được nên vợ Hoàng đồng ý thuê Trung “gà ” cày ruộng với tiền công 300.000 đồng/tháng. Kế hoạch “vào hang” đã thuận buồm xuôi gió, nhưng nắm tin tức về Hoàng “phát xít” là cực kỳ khó khăn vì hắn ít khi xuất hiện mà chỉ liên lạc điều hành công việc qua tay vợ. Tuy vậy, trong gần ba tháng ăn ở tại nhà Hoàng, Trung “gà” đã nắm được những tin tức quý giá để chuyển cho thiếu tá Văn Ngọc Thi.
 


Hành quân truy lùng tội phạm

"Chúa tể rừng xanh" đền tội

Nói về Hoàng “phát xít”, kể từ khi hắn về ở khu Bàu Mới đã nổi tiếng là kẻ bóc lột, ngang tàng. Vào những ngày vụ mùa, hắn bắt người dân quanh đó đến canh tác, lao động trên mảnh đất của vợ chồng hắn mà không trả đồng tiền công nào. Ai trái lời sẽ bị hắn hăm dọa. Hắn tự phong mình là giang hồ, “chúa tể rừng xanh”. Khu vực này bị ngăn cách bởi con sông Krông Nô.

Chiếc thuyền độc mộc duy nhất, Hoàng yêu cầu nhóm người di dân, vào đây phá rừng ở xung quanh chòi của hắn phải cất giấu thuyền, không được cho người lạ sử dụng. Với tài bắn súng thiện xạ kẹp nách không cần nhắm, hắn có thể hạ gục bất cứ mục tiêu nào. Có lần nửa đêm đang ngủ, nghe tiếng động trong chuồng nhốt đôi trâu của mình, tưởng bị công an mật phục, Hoàng “phát xít” xách súng lên đạn “lia” một phát chết luôn hai con trâu tội nghiệp. Đến khi biết bị nhầm, hắn tức bầm gan, nói rằng: bất cứ kẻ nào nhăm nhe lại gần chòi của hắn, sẽ phải chịu chung số phận như hai con trâu. Trước đó, do nghi ngờ Trung “gà”, Hoàng cấm vợ không thuê mướn Trung nữa. 


Được tin Hoàng đi khai thác gỗ ở xã Nam Ca, Sáu Thi liền rút trinh sát đi Nam Ca. Khi các anh đến nơi thì Hoàng “phát xít” cũng vừa “lặn” mất vì nghi ngờ “có động”. Hắn trở về Bàu Mới - khu vực hiểm trở sau những đồi rừng nguyên sinh rất khó xâm nhập. Đến lúc này, các biện pháp trinh sát chỉ dừng lại ở việc đuổi theo tin tức như cuộc trốn tìm chưa hồi kết nên “phó” Thi quyết định phương án theo dõi trực tiếp khu vực nhà Hoàng “phát xít” và căn dặn trinh sát phải hết sức thận trọng.

5 giờ chiều, Trung “gà” và Chinh “nhím” nằm sát bìa rừng giáp khu ruộng nhà Hoàng. Thấy Hoàng đi sạ lúa, Trung ra hiệu cho Chinh chạy về điểm tập kết báo cho Thắng “trâu đất”, bảo Thắng truyền tin tức về cho Văn Ngọc Thi. Thắng “trâu đất” là người cực kỳ khỏe, gan lì và cày như trâu nên mới có biệt danh ấy. Trời tối không có xuồng, Thắng “trâu đất” lao mình xuống sông Krông Nô bơi qua dòng nước xiết. Sau đó, Thắng chạy bộ mấy chục cây số tới Công an huyện Krông Nô gọi điện về sếp Thi. 6 giờ sáng hôm sau, Sáu Thi cùng tổ trinh sát tăng cường đến nơi.

Anh bảo Trung “gà” trở vào vẽ lại sơ đồ chính xác đường đi lối lại của Hoàng “phát xít”. Thay vì lần lượt bơi qua sông hoặc tác động người dân giao thuyền (để tránh gây sự chú ý với Hoàng “phát xít”), Sáu Thi dẫn “quân” bọc theo hướng đi từ chân núi phía tỉnh Lâm Đồng rồi ém quân phía chân núi của huyện Lắk, khu Bàu Mới, để từng bước tiếp cận nơi trú ngụ của Hoàng “phát xít”. Sau gần một tuần ròng rã vượt núi băng rừng, lực lượng trinh sát do sếp Thi cầm đầu chia làm bốn mũi, triển khai đội hình siết dần vòng vây căn chòi của Hoàng “phát xít”.

3 giờ sáng, tới cách nhà Hoàng 300 mét theo địa hình rừng núi, Sáu Thi yêu cầu anh em phơi sương giảm bớt hơi người để sáu con chó của Hoàng “phát xít” không phát hiện. 6 giờ 30 sáng, lực lượng trinh sát đã tiếp cận sát bìa rừng gần nhà Hoàng. Khoảng 15 phút sau, vợ chồng Hoàng ra ruộng. Hoàng kẹp khẩu súng AR15 đi trước.

Lúc này tổ của Sáu Thi cách đối tượng chừng 50 mét. Hoàng “phát xít” đã lọt vào vòng vây của bốn mũi trinh sát. “Anh Hoàng, hạ vũ khí đầu hàng đi!” - Sáu Thi áp mình chông chênh giữa một rạch nước, ra lệnh.

“Đoàng! Đoàng! Đoàng!”, hàng loạt tiếng nổ từ tay súng của Hoàng “phát xít” bay về hướng tiếng nói vừa phát ra. Sáu Thi ra lệnh anh em nằm sát, nấp vào các gốc cây tránh đạn, đồng thời anh nổ ba phát súng chỉ thiên cảnh cáo Hoàng “phát xít”. Đáp trả lời kêu gọi đầu hàng là những loạt đạn xé rừng vào đội hình trinh sát. Không thể bắt sống tên cướp rừng xanh này, Sáu Thi ra lệnh tiêu diệt. Từ nhiều phía, những loạt đạn AK, K54 nã về phía Hoàng “phát xít”.

Hoàng trúng đạn nhưng vẫn kẹp súng cúi chạy. Từ trong đám sậy, Trung “gà” và Thắng “trâu đất” bay ra. Trung “gà” bắn vào vai Hoàng một phát làm tê liệt sự phản kháng của hắn. Hắn gục xuống. Sáu Thi xông tới đè người và tước súng. Lúc này Hoàng đã yếu sức do bị thương. Lực lượng trinh sát tổ chức đưa Hoàng đi cấp cứu, nhưng do đường rừng núi xa xôi hiểm trở, phải khiêng bộ nên Hoàng đã tử vong sau đó.

Chăn vịt vẽ sơ đồ nhà đối tượng

Lê Quang Chinh là một trong những trinh sát thiện chiến của đội trinh sát Phòng CSHS Đắk Lắk. Hiện anh là trung tá, cán bộ Công an huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông. Do đầu hói, ít tóc nhưng lại dựng như lông nhím, khi tấn công đối tượng luôn có thế thủ như nhím xù lông nên Lê Quang Chinh được Sáu Thi và đồng đội đặt cho biệt danh Chinh “nhím”.

Trận đánh đáng nhớ của trung tá Chinh cùng đồng đội là vụ truy bắt tên cướp có súng đặc biệt nguy hiểm Nguyễn Văn Bé. 18 giờ 30 ngày 12-8-1994, tại khu vực chợ Ea Phê, huyện Krông Pắk, Đắk Lắk, một đối tượng dùng súng ngắn uy hiếp bắn bị thương chủ tiệm vàng Tín Nhiệm, cướp 18 lượng vàng và 8 triệu đồng tiền mặt. Khi bị quần chúng truy đuổi, đối tượng dùng súng bắn trả, sau đó bỏ chạy vào vườn cà phê trốn thoát. Tại hiện trường thu được hai vỏ đạn K59. Lãnh đạo công an tỉnh chỉ đạo lực lượng CSHS nhanh chóng triển khai công tác điều tra truy tìm hung thủ.

Qua thu thập tài liệu, xác định thủ phạm gây ra vụ cướp này có nhiều khả năng là Nguyễn Văn Bé. Đối tượng phạm tội giết người, trốn khỏi trại giam Công an Bình Định đến Đắk Lắk trộm cắp, bị bắt sau đó trốn khỏi nhà tạm giữ Công an huyện Krông Buk rồi sang tỉnh Gia Lai tiếp tục gây án. Y cướp súng K59 bắn bị thương một chiến sĩ Công an huyện Ajun Pa, tỉnh Gia Lai. Bé là đối tượng có lệnh truy nã đặc biệt về tội giết người cướp tài sản, tàng trữ sử dụng vũ khí trái phép ở Bình Định. Ngoài bản tính hung bạo, với khẩu súng trong tay, gã càng trở nên nguy hiểm hơn rất nhiều. Sau vụ cướp tiệm vàng Tín Nhiệm, trên địa bàn Đắk Lắk liên tiếp xảy ra một số vụ trộm cướp khác.

Khẩn trương lần theo mối quan hệ nhân thân của Bé biết được vợ hắn là Nguyễn Thị Nhật, trú xã Cuôr KNia, thị xã Buôn Ma Thuột. Nhật sau đó đến tiệm vàng T.S ở thị xã Buôn Ma Thuột bán 2 chỉ vàng tây và 9 chỉ vàng y. Kiểm tra số vàng này thấy đều mang nhãn hiệu tiệm vàng Tín Nhiệm, Ban chuyên án đã có đủ cơ sở kết luận Bé là kẻ gây ra vụ cướp ở Ea Phê. Hai trinh sát Chinh “nhím” và Thắng “trâu đất” được Sáu Thi giao chịu trách nhiệm chính truy tìm dấu vết đối tượng.

Theo chỉ đạo của Sáu Thi, Chinh “nhím” thuê 200 con vịt của ông Đồng thả ra ruộng chăn ở xã Cuôr Knia để theo dõi, giám sát nhà Bé. Sau cả tuần chăn vịt, Chinh “nhím” vẽ được sơ đồ, đồng thời nắm rõ quy luật hoạt động của gia đình Bé.

Một hôm, đám giỗ cha nên Bé về. 16 giờ ngày 24-8-1994, xét thấy lực lượng đủ sức bắt Nguyễn Văn Bé nhưng phải hành động lúc bất ngờ nhất. Khoảng 10 giờ đêm, vợ Bé đi xem tivi về, Sáu Thi ra hiệu cho Thắng “trâu đất” giữ chị ta lại và kêu gọi Bé đầu hàng. Bất ngờ Bé nã súng về phía đội hình công an. Lực lượng trinh sát nổ súng khống chế. Giằng co đến 2 giờ sáng, Bé vẫn cố thủ chống trả. Sáu Thi dùng lưỡi lê AK cạy ván tường nhà có lỗ trống ra và nổ súng vào hướng Bé đang đứng làm hắn bị thương ở chân. Bé la lên: “Tôi đã bị thương, xin cho gặp vợ tôi”.

Sáu Thi bảo Thắng “trâu đất” dẫn vợ Bé vào nhà. Ngay lập tức Bé nổ súng. Trinh sát cũng bắn về phía hắn. Vài phút im lặng trôi qua, bỗng Bé cố hết sức hô: “Vĩnh biệt em”. Rồi một phát súng chát chúa vang lên trong đêm khuya tĩnh mịch. Những giây phút im lặng nặng nề trôi qua. Sáu Thi, Chinh “nhím” và các trinh sát nhận định Bé đã tự sát nên ập vào.

Vợ Bé chạy lại bàn thờ lấy miếng giấy hiệu vàng Tín Nhiệm để trong lư hương bỏ vào miệng nuốt, Sáu Thi khống chế lấy ra. Khám xét nhà, trinh sát thu được số vàng Bé cướp chôn dưới bếp và 5,7 triệu đồng, 1 súng K59.

 

(Còn tiếp)

Theo Báo Công an TP HCM