Thị trường đông trùng hạ thảo

"Mê hồn trận” chất lượng, giá cả

06:55 | 08/09/2018

254 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Đông trùng hạ thảo là một loại thảo dược được coi là thần dược. Chính vì vậy bên cạnh nhập khẩu, nhiều cơ sở trong nước còn trồng dược liệu quý này. Thế nhưng, thị trường đông trùng hạ thảo chẳng khác “mê hồn trận”, thật khó phân biệt thật - giả.   

Nhập nhằng chất lượng

Tại buổi Tọa đàm “Thị trường đông trùng hạ thảo Việt Nam - Minh bạch và phát triển” được tổ chức vào cuối tháng 8 vừa qua, rất nhiều vấn đề liên quan đến đông trùng hạ thảo được mổ xẻ, phân tích, trong đó đặc biệt chú ý đến chất lượng.

Hầu hết các ý kiến đều thừa nhận hiện nay thị trường đông trùng hạ thảo như “mê hồn trận”, ngay cả từ cái tên. Với tên gọi đông trùng hạ thảo, từ trước tới nay ai cũng hiểu đây là loại thảo dược mùa đông là con trùng có thể ngọ nguậy (đông trùng), còn mùa hạ là cây nấm mọc quanh thân cây (hạ thảo). Thế nhưng nhiều sản phẩm hiện nay có tên gọi nhộng trùng thảo, bông tuyết…

me hon tran chat luong gia ca
Nuôi trồng đông trùng hạ thảo tại Việt Nam

Sở dĩ phải đề cập đến tên gọi như vậy là vì liên quan đến chất lượng. Có những loại, đặc biệt là loại nuôi cấy, thì mùa đông không phải nhộng trùng mà chỉ đơn giản là nấm, đương nhiên chất lượng không thể đúng như đông trùng hạ thảo và cũng không thể gọi là đông trùng hạ thảo.

Ông Lê Văn Giang, Phó cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế nói: “Việt Nam hiện có nhiều cơ sở nuôi dạng nấm hoàn toàn, không có nhộng trùng. Đó đơn thuần chỉ là nấm, không phải là đông trùng hạ thảo”. Ông Giang cũng cho biết, để xác định đúng đông trùng hạ thảo hay không thì Việt Nam chưa có quy định cụ thể về hàm lượng nhộng trùng. Có ý kiến cho rằng khoảng 1%. Nhưng ông Giang đã tham khảo thì tiêu chuẩn của Trung Quốc lại nhỏ hơn tới 10 lần.

Hiện để xác định đông trùng hạ thảo chỉ dựa vào 2 hoạt chất adenosin và cordycepin. Nhưng thực tế chỉ dựa vào những hoạt chất này, theo ông Giang cũng chưa chuẩn. Bởi chỉ số adenosin cũng có trong nấm dễ dẫn đến bị lẫn khi xác định. Vì vậy, ông Giang nói: “Việt Nam hiện chưa có quy định có tính chất pháp lý về hàm lượng nhộng trùng nên chưa đủ cơ sở xác định thế nào là đông trùng hạ thảo. Nếu chỉ dựa vào chỉ số adenosin (cùng với cordycepin) cũng có thể bị lẫn với các loại nấm tại Việt Nam. Do đó, cần có sự phân biệt đông trùng hạ thảo loại A, loại B để phân biệt hàm lượng dưỡng chất trong từng loại nhằm xác định đúng cái tên đông trùng hạ thảo”.

Đồng quan điểm, ông Phạm Văn Nhạ, Giám đốc Trung tâm Đấu tranh sinh học (Viện Bảo vệ thực phẩm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cũng nhận định việc nuôi trồng và có trong tự nhiên làm cho chất lượng đông trùng hạ thảo thu hoạch không thể so sánh được với nhau. Bởi chất lượng hay dưỡng chất của sản phẩm phụ thuộc chủ yếu vào cách sơ chế và bảo quản sản phẩm. Sau khi thu hoạch, nếu sơ chế không bảo đảm ở nhiệt độ -500C hoặc cách bảo quản không đúng thì chỉ sau 2 tháng các loại dược chất sẽ mất hết.

Ông Nhạ nói: “Doanh nghiệp có thể lựa chọn được chủng nấm tốt, tuy nghiên quá trình nuôi cấy, môi trường không tốt thì chất lượng sản phẩm cuối cùng cũng không thể tốt. Chưa kể có doanh nghiệp sử dụng chất tổng hợp trong quá trình nuôi cấy để tạo hàm lượng cao bất thường trong sản phẩm. Những sản phẩm như vậy không có giá trị”.

Do đông trùng hạ thảo còn đang mập mờ về chất lượng như vậy nên giá bán cũng “giời ơi đất hỡi”, không biết đường nào mà lần. Chẳng hạn như loại tự nhiên, theo quan niệm của hầu hết người sử dụng, bao giờ cũng tốt hơn loại nuôi trồng nên giá bán phải tới tiền tỉ mỗi kg. Trong khi loại nuôi trồng khoảng 10-20 triệu đồng/kg, nhưng cũng có loại chưa đến 4 triệu đồng/kg.

Bà Nguyễn Thị Hồng, Giám đốc Công ty Dược thảo Thiên Phúc giải thích: Hiện có sự chênh lệch giá cả rất lớn giữa đông trùng hạ thảo tự nhiên và nuôi trồng ở Việt Nam. Đông trùng hạ thảo tự nhiên cordyceps sinensis là loài đặc biệt, được khai thác trên loài sâu 8 chân, chỉ có ở tự nhiên, muốn nuôi, muốn khai thác thêm cũng không được, do đó giá thành rất cao. Trong khi đó, chủng cordyceps militaris có thể nuôi trồng tại Việt Nam, vì nuôi trồng được nên giá thấp hơn. Loại có nguồn gốc Tây Tạng (Trung Quốc) được coi là tốt nhất, giá dao động 1-2 tỉ đồng/kg. Trong khi loại nuôi trồng trong nước chỉ 10-20 triệu đồng/kg, thậm chí có loại chỉ hơn 3 triệu đồng/kg.

Tuy nhiên, với khoảng cách giá rất xa như vậy, người tiêu dùng cũng không biết thế nào để mua cho đúng, đồng thời tạo ra sự lộn xộn, bát nháo trên thị trường đông trùng hạ thảo.

Phải minh bạch

Để giải quyết vấn đề này, ông Hà Văn Khánh, Giám đốc Công ty TNHH Thảo dược Tam Đảo đề xuất: Cần có một cơ chế minh bạch thông tin cũng như hỗ trợ doanh nghiệp trong lĩnh vực này, đồng thời thống nhất tên gọi, dựa theo tiêu chí đánh giá là lượng dược chất chính.

Bác sĩ chuyên khoa II Trần Lập Công (Viện Y học cổ truyền) cho rằng, để người tiêu dùng chấp nhận và tin dùng đông trùng hạ thảo, bản thân doanh nghiệp cũng phải đầu tư, tự kiểm định chất lượng. Khi doanh nghiệp chủ động đánh giá chất lượng sản phẩm của mình thì người tiêu dùng mới nhìn vào đó để tin và dùng sản phẩm.

Nguyên Vụ trưởng Vụ Y học cổ truyền, Bộ Y tế Phạm Hưng Củng cũng khẳng định, để bảo đảm uy tín, bản thân doanh nghiệp cũng phải chủ động minh bạch thông tin. Bên cạnh việc minh bạch về chủng, giống, quá trình nuôi trồng, môi trường nuôi trồng cần minh bạch chứng nhận kiểm nghiệm hàm lượng; minh bạch tên; công bố sản phẩm theo chỉ tiêu an toàn thực phẩm và minh bạch về giá. “Đây mới là gốc rễ của sự minh bạch cho thị trường đông trùng hạ thảo”, ông Củng nói.

Với tư cách là doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Hồng đề xuất, khi sản xuất, các doanh nghiệp nuôi trồng đông trùng hạ thảo luôn kiểm soát chất lượng theo từng lô hàng, theo từng tuần, từng tháng, bởi chỉ khi có giấy kiểm tra chất lượng, đối tác mới nhập hàng. Do vậy, doanh nghiệp mong muốn thủ tục cấp phiếu đủ điều kiện sản xuất được tiến hành nhanh hơn, thuận lợi hơn.

Ông Phạm Văn Nhạ nói: “Trước thực trạng của thị trường đông trùng hạ thảo hiện nay, cần phải khảo sát, tập hợp lại xem thị trường Việt Nam có bao nhiêu doanh nghiệp sản xuất, bao nhiêu doanh nghiệp có đủ điều kiện sản xuất, sau đó công bố công khai. Tuy nhiên, vẫn cần phải hậu kiểm, kiểm tra mẫu sản phẩm xem hàm lượng có đúng như công bố không. Nếu không đúng, phải xử lý doanh nghiệp nghiêm khắc”.

Loại đông trùng hạ thảo có nguồn gốc Tây Tạng (Trung Quốc) được coi là tốt nhất, giá dao động 1-2 tỉ đồng/kg. Trong khi loại nuôi trồng trong nước chỉ 10-20 triệu đồng/kg, thậm chí có loại chỉ hơn 3 triệu đồng/kg.
me hon tran chat luong gia ca Đông trùng hạ thảo 1,6 tỷ/kg: Đại gia uống thay trà hàng ngày

Nguyễn Bách