Đừng quá tin vào đông trùng hạ thảo

10:14 | 21/04/2012

1,560 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Từ trước đến nay, người ta vẫn tìm đến đông trùng hạ thảo như một loại đông dược quý hiếm chữa được bách bệnh và đặc biệt là tăng cường sinh lực cho cánh mày râu. Tuy nhiên, công dụng của thảo dược này thực chất có đúng như vậy?

Thảo mộc hay côn trùng?

Với tên gọi “đông trùng hạ thảo” có thể hiểu đông dược này vào mùa hè là thảo dược nhưng khi mùa đông đến lại trở thành côn trùng. Thực ra nhận định này cũng chỉ dựa trên hình thức còn thực tế nó đúng là cặp cá thể “2 trong 1” hay không thì đến nay vẫn chưa có kết luận chính xác. Theo Thầy thuốc Nhân dân, bác sĩ cao cấp Nguyễn Xuân Hướng, nguyên Chủ tịch Trung ương Hội Đông y Việt Nam, đông trùng hạ thảo chắc chắn là một loại cây. Đến mùa đông, phần gốc và rễ cây nhìn như một con sâu. Và “chỉ nhìn như một con sâu thôi chứ không phải là con sâu”, ông nhấn mạnh.

Nhưng theo định nghĩa của một nhóm các nhà khoa học khác thì: đông trùng hạ thảo bản chất là dạng ký sinh của loài nấm cordyceps sinensis thuộc nhóm ascomycetes trên cơ thể ấu trùng của một vài loại bướm trong chi thitarodes. Phần dược tính của thuốc chính là do các chiết xuất từ nấm cordyceps sinensis. Cơ chế xâm nhiễm của loài nấm này vào cơ thể sâu hiện giờ vẫn chưa rõ. Nhưng chỉ biết vào mùa đông, nấm bắt đầu ký sinh vào sâu non và làm chết sâu non vì ăn hết chất dinh dưỡng của chúng. Khi đã ăn hết chất dinh dưỡng của sâu, sợi nấm phát triển mạnh sau đó xâm nhiễm các mô vật chủ rồi “thống lĩnh” hoàn toàn cơ thể cũng như chất dinh dưỡng có trong sâu.

Đến mùa hè, khi thời tiết nóng nực, nấm bắt đầu mọc ra khỏi sâu như một ngọn cỏ và vươn lên khỏi mặt đất phát triển thành thảo mộc, đồng thời phát tán bào tử. Như vậy, nếu hiểu theo định nghĩa này, đông trùng hạ thảo chính là cặp cá thể “2 trong 1”. Ở châu Á và châu Úc, nhất là ở Tây Tạng, Tứ Xuyên, Thanh Hải, Cam Túc, Vân Nam… người ta tìm thấy rất nhiều đông trùng hạ thảo. Vì đây là vùng cao hơn mặt biển 4.000-5000m.

Nếu còn sống, đông trùng hạ thảo trông đúng là con sâu với đuôi là một cành nhỏ, mọc lá. Khi sấy khô, có mùi tanh như cá nhưng khi đốt lên lại có mùi thơm. Phần lá hình dạng giống ngón tay, dài khoảng 4-11cm do sợi nấm mọc dính liền vào đầu sâu non mà thành. Đầu sâu non giống như con tằm, dài chừng 3-5cm, đường kính khoảng 0,3-0,8cm. Bên ngoài có màu vàng sẫm hoặc nâu vàng với khoảng 20-30 vằn khía, vằn khía ở gần đầu nhỏ hơn. Phần đầu có màu nâu đỏ, đuôi như đuôi con tằm, có tất cả 8 cặp chân, nhưng 4 đôi ở giữa là rõ nhất. Chất đệm nấm hình que cong mọc ra từ mình sâu non, dài hơn sâu một chút. Sâu non dễ bẻ gãy, ruột bên trong căng đầy, màu trắng hơi vàng…

Chỉ có 10%…

Theo phân tích hóa học, đông trùng hạ thảo mang tính ôn và trong sinh khối của nó có 17 axit amin khác nhau, có lipít, nhiều nguyên tố vi lượng, vitamin và đặc biệt là các hợp chất tự nhiên như quý hiếm… Người ta đã tính 100g đông trùng hạ thảo có 0,12g vitamin B12, gần 30mg vitamin A, 116mg vitamin C cùng nhiều các vitamin khác.

Với các dược tính như vậy, có thể nói đông trùng hạ thảo là một thảo dược quý, rất tốt để bổ dưỡng cho sức khỏe con người. Tuy nhiên, nó có bổ dưỡng cho “sinh lực” đàn ông như nhiều người vẫn đồn đại từ trước tới nay hay không? Thầy thuốc Nhân dân, bác sĩ cao cấp Nguyễn Xuân Hướng đã nghiên cứu về nhiều loại thảo dược khẳng định: “Giá trị của đông trùng hạ thảo hoàn toàn không phải nằm ở tác dụng “tăng cường sinh lực” cho đàn ông mà chính là để bồi bổ gan, tỳ. Vì theo Đông y, các dưỡng chất, dược chất của nó chỉ đến được những bộ phận này của cơ thể. Còn thận lại không đến được. Nếu đến được chỉ bằng cách ngấm qua gan, tỳ rồi mới đến thận. Mà bổ dưỡng một cách gián tiếp như vậy thì công hiệu cũng không còn bảo đảm 100%…”.

Thầy thuốc Nhân dân Nguyễn Xuân Hướng khẳng định tiếp: “…Tính ra, tác dụng của đông trùng hạ thảo đối với “sinh lực đàn ông” may ra chỉ khoảng… 10%”. Và để đạt hiệu quả 10% ấy, theo bác sĩ Hướng, phải biết kết hợp đúng vị và thực hiện đúng cách cùng với một cơ địa thích hợp thì mới hiệu quả. Nếu không giá trị của đông trùng hạ thảo sẽ trở thành “công cốc”.

Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều loại đông trùng hạ thảo được chế biến dưới các hình thức: viên, nước, để nguyên dạng. Nhưng theo Thầy thuốc Nhân dân Nguyễn Xuân Hướng có tới 90% là giả. Và giá thành bị “đội” lên quá nhiều so với giá trị thực. Bởi theo ông, do tác dụng người ta đã “thổi phồng” thái quá nên theo đó giá tiền của đông trùng hạ thảo cũng bị định đoạt theo kiểu vô tiền khoáng hậu. Ai đời, giá tiền từ Trung Quốc mua về Việt Nam đã bị đẩy lên 10-20 lần. Sau đó, trong thị trường nội địa lại đẩy lên từng ấy nữa. Thế là, chỉ người mua thiệt hại.

Nhưng quan trọng đông trùng hạ thảo đó không đảm bảo chất lượng. Vì đối với loại nước, chỉ có 15% là đông dược, còn lại 85% là nước đường. Đối với viên thì 90% là bột cam thảo, chỉ 10% là đông trùng hạ thảo. Với số lượng đông trùng hạ thảo ít như vậy thì chẳng có công dụng gì khi sử dụng chế phẩm đông trùng hạ thảo. Cho nên theo Thầy thuốc Nhân dân Nguyễn Xuân Hướng, tốt nhất đối với người tiêu dùng không nên mua sản phẩm mà mình không biết thật hay giả. Còn để phân biệt thật – giả thì ông nói: “Rất khó, ngay người trong nghề không phải ai cũng biết”.

Cách sử dụng đông trùng hạ thảo theo Thầy thuốc Nhân dân Nguyễn Xuân Hướng:- Đối với người khỏe hấp cách thủy 5 con đông trùng hạ thảo với 30ml nước rồi uống, ăn cả nước và cái. Ngày nào cũng có thể sử dụng. Riêng với người ốm thì chỉ được uống nước, không được ăn cái và cách một ngày mới uống 1 lần.
- Có thể hấp với gà hoặc vịt với công thức cứ 50 con đông trùng hạ thảo/gà hoặc vịt và ăn trong 3 ngày.
- Đối với nam giới để tăng cường sinh lực thì bỏ 5 con đông trùng hạ thảo vào trong một con chim sẻ đã mổ moi ruột nhưng phải giữ lại tiết rồi hấp cách thủy.
- Hấp cách thủy 20 con với dương vật của con dê còn nguyên hai tinh hoàn rồi ăn trong 2 ngày.

Tú Anh

Báo Năng lượng Mới số 113 ra ngày 13/4/2012