Lễ Phật ngày xuân: Chớ cầu tài lộc

06:00 | 21/01/2013

1,367 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Đã trở thành một nét đẹp văn hóa, đi lễ chùa ngày tết mang nhiều ý nghĩa nhân văn, xã hội... Thế nhưng ý nghĩa ấy cụ thể như thế nào thì không nhiều người, thậm chí cả các tăng ni phật tử cũng không biết. Để hiểu rõ ý nghĩa của nét đẹp trong sinh hoạt văn hóa tâm linh này, cũng như trình tự lễ, sắp lễ như thế nào... trong ngày tết ở chùa, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với GS Ngô Đức Thịnh, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Văn hóa Dân gian, Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch về vấn đề trên.

Hầu đồng

PV: Đời sống tâm linh hiện nay có thể nói đang sôi động hơn bao giờ hết, phải vậy không thưa ông?

GS Ngô Đức Thịnh: Hơn 35 năm nghiên cứu về văn hóa tâm linh, chưa bao giờ tôi thấy tâm linh được quan tâm như hiện nay, đặc biệt là thông qua việc đi đền, chùa để cầu cúng, lễ lạt… Nếu như trước đây, việc đi lễ chỉ diễn ra ở những người già và phần lớn là phụ nữ thì hiện nay đầy đủ các thành phần: già - trẻ, gái - trai… Vào dịp Tết thì điều này được thể hiện rõ hơn nữa, minh chứng là chùa chiền hay đình đền miếu mạo… có ở đâu thì ở đó đông như hội, người nườm nượp, hương khói nghi ngút. Đó là một tín hiệu vui trong đời sống văn hóa tâm linh, chứng minh rõ về tự do tôn giáo tín ngưỡng. Tất nhiên, bên cạnh đó cũng có những mặt trái mà cần phải bàn lại như sự bộc phát trong cầu cúng, mê tín dị đoan… Nhưng xét một cách công bằng, đó âu cũng là hệ lụy của một thời kỳ “quá độ” sau khi trải qua những cuộc chiến tranh kéo dài hàng chục năm làm đứt gãy không chỉ sinh hoạt mà cả tư duy, quan niệm về tín ngưỡng của đất nước ta. Phải trải qua thời kỳ này mới có thể phát triển.

PV: Thưa ông, trong đời sống tâm linh, nếu chỉ cầu xin, ước nguyện thì có lẽ chưa bao hàm đầy đủ ý nghĩa của việc sinh hoạt tâm linh, nhất là trong dịp tết?

GS Ngô Đức Thịnh: Thực ra trong tín ngưỡng, cầu cúng là một phần không thể thiếu nhưng không phải là tất cả mục đích, ý nghĩa cao cả của nét văn hóa rất đẹp, rất nhân văn này. Mà sinh hoạt tín ngưỡng, cụ thể ở việc lễ chùa giải quyết hai vấn đề rất lớn của con người ấy là: cầu mong phúc đức, tài lộc, giải thoát con người khỏi bể khổ để đến với niết bàn, cõi vĩnh hằng… Đồng thời thông qua việc lễ chùa, hội tụ những tăng ni phật tử để rồi chùa trở thành nơi rèn luyện “tu nhân tích đức”, từ bi hỉ xả cũng như giải tỏa con người khỏi những áp lực, dồn nén, sự đố kỵ của chính mình (nếu có) và của người đời… Đó chính là những điểm theo tôi là rất nhân văn và mang ý nghĩa xã hội lớn của việc cúng lễ nói chung, lễ chùa nói riêng.

PV: Cõi linh thiêng chỉ có Phật, Thánh, Thần lại có thể làm được điều có vẻ như “rất đời” vậy sao thưa ông?

GS Ngô Đức Thịnh: Theo nghiên cứu của chúng tôi, không như thời kỳ phong kiến trước đây, tôn giáo - trong đó có việc lễ chùa không chỉ đề cao những vấn đề cao siêu, mang tính triết học sâu sắc chỉ của tôn giáo mà đã đi vào cả những ứng xử làng xã, đời sống văn hóa thường nhật của con người. Nghĩa là tính tôn giáo ít đi. Nhưng đừng nghĩ rằng tính tôn giáo ít đi thì sự linh thiêng cũng giảm. Nó vẫn còn nguyên giá trị song phạm vi hoạt động rộng hơn mà thôi. Bạn thử tưởng tượng nếu một điều bình thường diễn ra ở chốn linh thiêng thì về mặt giáo dục sẽ thế nào? Phải nói là rất hiệu quả. Giống như việc bạn sống giữa một thế giới văn minh, văn hóa thì bạn không thể thiếu văn minh, vô văn hóa được. Bạn ở chốn linh thiêng thì bạn không thể xằng bậy được. Tất nhiên, tôi đang nói về tính giáo dục, tu luyện, nghĩa là cần có thời gian để có tính hiệu quả này. Nhưng rõ ràng, nó sẽ cho hiệu quả nhanh hơn các loại hình giáo dục, rèn luyện khác.

PV: Trở lại với việc lễ chùa ngày tết, ông có thể cho biết rõ hơn về ý nghĩa riêng của việc lễ chùa ngày tết?

GS Ngô Đức Thịnh: Tết là thời điểm kết thúc năm cũ và bước vào năm mới, mở đầu cho mọi sự. Mà sự khởi đầu linh thiêng lắm, dù ở việc gì!  Cho nên, thời điểm khởi đầu giống như gieo trồng, sau khi gieo trồng xong thì người ta hy vọng về mùa bội thu. Do đó, ở thời điểm linh thiêng, con người ta hướng tới những việc linh thiêng, lễ chùa hay cúng lễ nói chung chính là việc làm linh thiêng đó để cầu mong một năm mới “mưa thuận gió hòa, công việc suôn sẻ”, cầu tài, cầu lộc v.v… Và đó cũng chính là lý do vì sao trong một năm, tết là dịp người người, nhà nhà đi lễ.

PV: Tuy nhiên, việc đi lễ hiện nay, có vẻ như thiên về cầu tài, lộc hơn là cầu tâm an, nhất là ở giới trẻ. Là một nhà nghiên cứu, ông nghĩ thế nào về điều này?

GS Ngô Đức Thịnh: Có hai nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Đó là sự thiếu hiểu biết và phần nào do mặt trái của cơ chế thị trường. Nguyên nhân thứ hai tôi sẽ không đề cập đến vì không nằm trong lĩnh vực nghiên cứu của tôi. Thực ra cầu xin tài lộc, không có gì là xấu. Trong đạo Mẫu là đạo thuần Việt do người Việt sinh ra, thể hiện rõ: phúc - lộc - thọ là ba ước vọng hay nói chính xác là nhu cầu rất bản năng của con người. Lộc ở đây phải hiểu rất rộng chứ không chỉ giới hạn ở tiền bạc, vật chất mà nó bao hàm cả về tinh thần lẫn vật chất. Tóm lại, “lộc” là sự sinh sôi nảy nở của nhiều mặt trong đời sống của một con người. Nhưng nhiều người đã hiểu “lộc” một cách rất trần tục, chỉ theo nghĩa đen mà không theo nghĩa bóng. Bởi vậy, hễ lễ ở đâu xin lộc là ứng với tiền bạc, vật chất. Như vậy là sai.

Cổng chùa Kim Liên - Hà Nội

PV: Nói đến chuyện “cầu gì, ở đâu”, theo ông, ngày tết lên chùa cầu xin tài, lộc có đúng với ý nghĩa của Phật pháp hay không?

GS Ngô Đức Thịnh: Giới tu hành “nằm lòng” lời phật dạy như thế này: “Ta không ban phước, không giáng họa cho ai hết mà chính các người lãnh cái quả do mình gây ra”, nghĩa là thượng tôn luật nhân quả. Chính vì vậy, khi lên chùa, nhất là ở bàn thờ Phật mà xin tài lộc là không đúng. Đức Phật là từ bi hỉ xả, nên chúng ta chỉ cầu xin được tâm an, sức khỏe tốt. Còn muốn xin tài lộc (bao hàm nghĩa rộng), theo tôi nên xin ở ban Mẫu. Vì đạo Mẫu là một đạo rất lạ khi gắn kết với đời sống của con người, từ những nhu cầu, ước vọng rất nhỏ, liên quan đến mọi mặt như tinh thần, vật chất, sức khỏe… đúng như những điều mà người mẹ lo cho con.

PV: Đến cửa Phật, chúng ta nên lễ theo trình tự như thế nào là đúng nhất, thưa ông?

GS Ngô Đức Thịnh: Trước khi nói đến trình tự, tôi muốn nhắn nhủ về việc đặt lễ, bởi hiện nay, mỗi khi đến chùa chứng kiến cảnh này tôi thấy nó đúng là tư duy của “người trần mắt thịt”, cứ quan niệm “tốt lễ dễ kêu” hoặc tùy tiện sắp lễ. Thứ nhất là lễ Phật không bao giờ lễ mặn, nhất là đồ sát sinh, mà chỉ cần hoa quả, nước tinh khiết; không lễ tiền vàng. Những lễ vật như đồ mặn, tiền vàng chỉ đặt ở bàn thờ Mẫu và thánh thần mà thôi. Còn khi đặt lễ và lễ, theo giới tu hành phải ở ban Đức Ông đầu tiên, trước cả ban Tam Bảo. Do Đức Ông là người đã có công, của trong việc xây tịnh xá cúng dàng đức Phật đến thuyết pháp và làm nhiều việc phúc đức… nên ngài được làm Long Thần hộ pháp, vị thần chủ tế tại các chùa, chuyên trông coi chùa và bảo hộ trẻ em. Sau khi đặt lễ ở ban Đức Ông mới đến “cửa” Tam Bảo, nơi thờ Phật. Rồi mới đến các ban thờ khác như Mẫu, Tứ phủ… Đặt lễ theo trình tự như thế nào thì lễ theo trình tự ấy. Tuy có điểm cần lưu ý là đối với các ban thờ Cô, Cậu, hóa tiền vàng xong mới được hạ lễ vật. Riêng gương, lược (thường dùng để lễ Cô, Cậu) thì để nguyên trên bàn thờ. Thực hiện một trình tự như vậy không phải là mê tín dị đoan mà làm theo đúng Phật pháp.

PV: Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!

Anh Tú