Làm sao để tránh ngộ độc methanol?

19:01 | 12/03/2017

897 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Bạn không thể nhìn bằng mắt thường, ngửi hoặc nếm được methanol. Vậy, làm sao để biết được rằng ly rượu bạn đang uống, hay cả bình rượu tự ngâm ở nhà có chứa methanol?

Từ ngày 26/2 - 10/3/2017, chỉ trong vòng nửa tháng, Bệnh viện Bạch Mai Hà Nội đã tiếp nhận tổng số 21 bệnh nhân nhập viện được chẩn đoán ngộ độc Methanol trong rượu, trong số đó có 19 bệnh nhân nam, 2 nữ và có tuổi đời từ 21 - 60 tuổi. Hiện tại, 5 bệnh nhân đã ổn định ra viện, 14 bệnh nhân đang điều trị tại viện và 2 bệnh nhân nặng xin ra viện tử vong tại nhà.

Mặc dù không thể thấy hay nếm và ngửi được, nhưng chỉ một lượng nhỏ methanol có thể khiến bạn ốm rất nặng hoặc lấy đi cả mạng sống của bạn.

Tuy vậy, methanol chính xác là gì, nó được hình thành thế nào và quan trọng nhất là, làm sao có thể nhận biết được nó khi mà bạn đã say rồi?

Methanol là một dạng đơn chất của cồn. Nó gần giống với ethanol, một loại cồn có trong bia, rượu và etilic nhưng chứa rất nhiều chất gây hại. Khả năng nó xuất hiện trong các loại rượu tự chưng cất sẽ là một hiểm họa đối với sức khỏe người dùng.

Với các loại rượu được ủ từ nho hay ngũ cốc, methanol được cấu thành với một lượng rất nhỏ trong suốt quá trình lên men. Cũng có một lượng nhỏ ở trong bia và các loại rượu khác, nhưng không đủ để gây ra nhiều rắc rối dù những đồ uống này được làm tại nhà hay các cơ sở sản xuất rượu trái phép. Không có cách nào để đảm bảo việc tách methanol khỏi ethanol tại các cơ sở như trên.

Các loại rượu etalic bán trên thị trường đều tương đối an toàn bởi lẽ, các nhà sản xuất có một công nghệ được thiết kế riêng biệt, có khả năng tách hoàn toàn lượng methanol ra khỏi ethanol.

Methanol chuyển hóa trong cơ thể dưới dạng axit fomic, loại chất độc tương đồng cũng được tìm thấy trong nọc độc của loài kiến. Chính sự dồn tụ của hợp chất này trong máu sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng, Những hậu quả bao gồm:

- Suy thận

- Các vấn đề về tim mạch và hệ bài tiết

- Viêm gan

- Một vài vấn đề về khúc xạ như mắt mờ, thị lực giảm sút, mù màu, mù tạm thời hoặc vĩnh viễn

- Tổn thương thần kinh và não bộ

“Trong quá trình này, bạn dần mất đi thị lực, trí lực kém minh mẫn và ngay cả các cơ quan nội tạng khác cũng sẽ bị ảnh hưởng”, ThS. BS. Lương Quốc Chính (Khoa Cấp cứu – Bệnh viện Bạch Mai) cho biết.

Các triệu chứng nhiễm độc methanol thường xuất hiện trong vòng 30 phút sau uống nhưng có thể muộn hơn, tùy thuộc vào số lượng mà bệnh nhân uống.

Thông thường có hai giai đoạn đó là: Giai đoạn kín đáo (vài giờ đến 30 giờ đầu) và giai đoạn biểu hiện ngộ độc rõ tiếp theo sau. Vì triệu chứng lúc đầu thường kín đáo và nhẹ (ức chế nhẹ thần kinh, an thần, vô cảm) nên thường bị bệnh nhân chủ quan và bỏ qua hoặc trẻ nhỏ không được phát hiện.

Khi bệnh nhân bị ngộ độc rượu, nhất là có rối loạn ý thức, nguyên tắc cấp cứu cơ bản ban đầu là phải đảm bảo thông thoáng đường hô hấp bằng cách cho bệnh nhân nằm đầu cao và tư thế nghiêng an toàn.

Cứ vài giờ phải đánh thức bệnh nhân dậy, nếu bệnh nhân tỉnh và có thể ăn uống được thì cho ăn cháo loãng... nhằm tránh hạ đường huyết. Nếu bệnh nhân không tỉnh, ứ đọng hầu họng nhiều, thở nhanh và thở sâu, thậm chí có co giật... thì vẫn giữ bệnh nhân ở tư thế đầu cao, nằm nghiêng an toàn sau đó nhanh chóng gọi người đến hỗ trợ, gọi xe cấp cứu tới xử lý và đưa bệnh nhân tới bệnh viện.

Nếu bệnh nhân tỉnh dậy nhưng đau đầu nhiều, chóng mặt và nhìn mờ, sợ ánh sáng, ám điểm, đau mắt, song thị, ám điểm trung tâm, giảm hoặc mất thị lực, ảo thị... thì cần phải đưa tới bệnh viện khám.

Để điều trị ngộ độc methanol thì lời khuyên đầu tiên từ các chuyên gia đó là ngay lập tức tìm đến các trung tâm y tế khi nghi ngờ mình bị nhiễm độc.

Tại bệnh viện, bác sĩ có thể điểu trị ngộ độc methanol bằng cách đưa vào cơ thể chất ethanol, giúp ngăn chất độc lây lan bằng việc cản trở sự sản sinh của axit formic. Việc điều trị cần diễn ra càng sớm càng tốt.

Một cách khác để xử lý đó là sử dụng một loại thuốc có tên fomepizoke. Giống như ethanol, loại thuốc này giúp ngăn chặn quá trình độc tố methanol tiết ra trong cơ thể. Bệnh viện cũng có thể dùng phương pháp thẩm tách máu để lọc methanol ra ngoài.

DS. Hoàng Ngọc Hùng