Vẫn bỏ ngỏ khâu quản lý bán rượu

21:32 | 31/03/2017

1,126 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Trước tình trạng có nhiều ca cấp cứu trong thời gian vừa qua vì ngộ độc rượu methanol, thậm chí 15 người đã tử vong vì nguyên nhân này chỉ trong vòng hơn một tháng, Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam tuần qua đã tổ chức tọa đàm “Ngộ độc rượu methanol - thực trạng và giải pháp”, nhằm tìm ra những giải pháp ngăn ngừa ngộ độc methanol.

Tai hại rượu tự nấu

Theo nghiên cứu mới nhất của Công ty Euromonitor International về thị trường rượu, bia trái phép tại Việt Nam cho thấy, rượu sản xuất trái phép và rượu lậu, rượu giả chiếm tới 97% tổng giá trị rượu, bia trái phép, chiếm 95% tổng thiệt hại tài chính, trị giá 428,5 triệu USD. Riêng rượu gạo tự nấu dẫn đầu sản lượng rượu trái phép chiếm 91%; rượu nhập lậu, rượu giả chiếm 70% và chiếm 99% thiệt hại tài chính; bia trái phép chiếm 2% thị trường rượu, bia trái phép.

Điều đáng nói là rượu gạo tự nấu trái phép, để trục lợi nhiều người đã cho thêm cồn công nghiệp để nhằm tăng độ “đậm” hoặc kinh hoàng hơn nữa là pha chế trực tiếp cồn công nghiệp thành rượu. Và đó là nguyên nhân đã làm cho gần đây, đã có 34 bệnh nhân ngộ độc rượu methanol cấp cứu tại Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, trong đó bị tổn thương não 15 ca, bị giảm thị lực, mù khi ra viện là 12 người và 9 người tử vong.

van bo ngo khau quan ly ban ruou
Bệnh nhân ngộ độc rượu methanol điều trị tại Bệnh viện Bạch Maị

Ông Nguyễn Phú Cường, Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương cho rằng: “Những vụ ngộ độc rượu methanol không phải do rượu truyền thống, mà nguyên nhân của tình trạng ngộ độc và tử vong hàng loạt trong thời gian gần đây là do sử dụng cồn công nghiệp có chủ đích trong sản xuất rượu”. Ông Nguyễn Tiến Vỵ, Phó chủ tịch Thường trực Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam cũng phân tích nguyên nhân: Nhiều trường hợp ngộ độc rượu là do uống rượu liên tục 8-12 tiếng. Nhưng nhiều trường hợp do sử dụng rượu không rõ nguồn gốc, chất lượng kém, các nạn nhân phần lớn lại là người nghèo, sinh viên v.v…

Trả lời câu hỏi vì sao cồn công nghiệp có thể được sử dụng dễ dàng để pha chế rượu như vậy thì

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã chỉ đạo: Rà soát tổng thể hệ thống pháp luật trong quản lý hóa chất, quản lý cồn công nghiệp, phụ gia… và giao Vụ Pháp chế chủ trì, phối hợp với các đơn vị rà soát các văn bản liên quan vấn đề quản lý hóa chất cấm, hóa chất độc hại từ trong sản xuất, nhập khẩu, thông quan, tồn chứa, sử dụng, kinh doanh… Đồng thời Cục Hóa chất phối hợp với hai thành phố kiểm tra tình hình sản xuất, kinh doanh hóa chất; tăng cường hậu kiểm tại địa phương; rà lại danh mục các hóa chất nguy hiểm... đảm bảo không thất thoát những hóa chất nguy hại thuộc danh mục cấm...

một báo cáo phân tích về các hoạt động đồ uống có cồn trái phép tại Việt Nam cho biết, do khó khăn trong việc giám sát hoạt động sản xuất và phân phối, rượu sản xuất tại nhà (rượu gạo) có khối lượng lớn nhất trong tổng khối lượng rượu trái phép tại Việt Nam. Và với hơn 70% dân số sống ở khu vực nông thôn - phần lớn là các hộ gia đình có thu nhập thấp - rượu được sản xuất tại nhà có lượng người dùng khá lớn do giá thành thấp và nồng độ cồn cao.

Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ Bộ Công Thương Phan Chí Dũng cũng thừa nhận thực tế quản lý rượu “tự nấu, tự ngâm” rất khó. Ngoài ra, việc quản lý sản xuất và kinh doanh rượu trong nước hiện nay mới chỉ phát huy tác dụng ở khâu sản xuất, bán buôn, còn khâu bán lẻ vẫn còn bị bỏ ngỏ.

Ông Trần Hùng, Phó chánh văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 thì nhận định, sự phối hợp giữa các bộ, ngành vẫn chưa chặt chẽ chính là nguyên nhân dẫn tới tình trạng “cha chung không ai khóc” trong vấn đề rượu methanol. Theo ông, trách nhiệm không chỉ thuộc về cơ quan quản lý thị trường mà còn là của cả Bộ Công Thương, Bộ Y tế vì các cơ quan này đều có thanh tra chuyên ngành. Đặc biệt, là trách nhiệm quản lý, giám sát của người đứng đầu chính quyền cơ sở là rất lớn

Trong một chương trình làm việc giữa các đơn vị thuộc Bộ Công Thương về vấn đề rà lại tổng thể các quy định quản lý về hóa chất mới đây, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cũng không phủ nhận, quản lý hóa chất, đặc biệt là hóa chất trong danh mục nguy hiểm, bị cấm hiện còn nhiều lỗ hổng, bất cập. Và ông cũng nói rõ “nhiệm vụ quản lý Nhà nước thuộc lĩnh vực hóa chất của Bộ Công Thương không yêu cầu chúng ta kiểm tra từng cửa hàng kinh doanh mà là kiểm tra việc chấp hành pháp luật ở địa phương trong lĩnh vực đó, nghĩa là “kiểm tra đơn vị đi kiểm tra”.

Thắt chặt quản lý

Để giải quyết tình trạng “rượu methanol”, tại buổi tọa đàm “Ngộ độc rượu methanol - thực trạng và giải pháp”, các chuyên gia, các nhà quản lý đều cho rằng phải thắt chặt quản lý hoạt động sản xuất và kinh doanh của loại rượu nấu để ngăn ngừa tình trạng ngộ độc như vừa qua.

Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ, Bộ Công Thương Phan Chí Dũng cho rằng, tới đây, đối với nơi bán rượu dưới mọi hình thức như từ các quán cơm, quán nước... phải xin giấy phép. Với các loại rượu không nhãn mác, không rõ nguồn gốc sẽ bị tịch thu. Muốn vậy, quy trình cấp phép phải đơn giản hóa để các cơ sở kinh doanh dễ dàng đăng ký với chính quyền việc bán rượu có nguồn gốc, tem nhãn, thành phần rõ ràng. Ông còn nói: “Để xiết chặt quản lý việc kinh doanh rượu, đặc biệt là rượu tự nấu, cần phải có chế tài xử lý đối với các đơn vị sản xuất, kinh doanh rượu. Đặc biệt, với cồn công nghiệp, yêu cầu các cơ sở sản xuất phải pha thêm màu để người dân phân biệt, tránh uống phải rượu pha cồn công nghiệp.

Đồng quan điểm, Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật An toàn thực phẩm Việt Nam Phan Thị Kim cũng khẳng định, việc quản lý chặt cồn công nghiệp là yêu cầu cấp thiết. Vì nguyên liệu cồn công nghiệp, cồn y tế đang được bán thoải mái trên thị trường chính là cơ hội cho các cá nhân và cơ sở sản xuất hám lợi sử dụng để pha chế.

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh thì nói: “Các cơ quan chức năng cần kiểm soát chặt chẽ các cơ sở sản xuất rượu; có chế tài xử phạt thật nặng với các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu không rõ nguồn gốc; hướng dẫn cho người dân về quy trình công nghệ tốt nhất và phù hợp để sản xuất rượu; chủ động sản xuất thiết bị dụng cụ dùng nấu rượu để có thể giảm thiểu methanol xuống dưới mức quy định; quan tâm tới vấn đề ngộ độc methanol; khuyến cáo người tiêu dùng chỉ mua và uống rượu khi biết rõ nguồn gốc xuất xứ”.

Đại diện Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ nhấn mạnh: Phải quản lý chặt hoạt động sản xuất và kinh doanh cồn công nghiệp - nguyên nhân chính gây ra những vụ ngộ độc methanol gần đây.

TS Phạm Thị Bích Diệp, Đại học Y Hà Nội nói: Ngoài tăng cường truyền thông cho người dân, các nhà quản lý phải kiểm soát chất lượng rượu từ quy trình nấu, giấy phép sản xuất, yêu cầu dán nhãn cho các sản phẩm rượu đưa ra thị trường. Đặc biệt là cần xây dựng quy trình chuẩn cho hệ thống kiểm nghiệm rượu, test nhanh rượu chứa methanol.

Th.S Nguyễn Trung Nguyên, Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai lưu ý: Việc ngộ độc rượu methanol nổi lên gần đây chính là sự pha trộn có chủ ý của người sản xuất để kiếm lời. Vì thế, phải quản lý chặt từ đầu vào để người kinh doanh chịu trách nhiệm với sản phẩm bán ra.

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (Viện Công nghệ sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội: Rượu pha bằng cồn công nghiệp rất nguy hiểm bởi khởi đầu nó có tác dụng tương tự như rượu thông thường. Nhưng khi vào cơ thể, methanol chuyển hóa thành chất độc gây tổn thương các cơ quan trong cơ thể, đặc biệt là mắt và não… Phải mất 12 giờ hoặc thậm chí một, hai ngày sau khi uống, nạn nhân mới có biểu hiện ngộ độc như mờ mắt, thở nhanh, lơ mơ, chậm chạp, hôn mê…. Khi đó tình trạng đã nặng, có thể nguy hiểm đến tính mạng. Rượu thủ công cũng dễ chứa methanol vì người dân dùng nguyên liệu có nhiều tạp chất và xenlulo (rỉ đường, sắn mốc...) và chỉ chưng cất một lần nên không tách được methanol.

Nguyễn Thanh